VŨ-HỮU-SAN &Thế-Giới của Nước
 

Home
TàuCộng KhóThắng BiểnĐông
Tham-Luận Biển Đông
Hải-phận Cho Quốc-Gia Lào
ThủĐoạn TiêuDiệt VănHóa
BảnĐồ ThuyếtTrình Edm&Calgary
Dự-Án Song-Tử
Tàu TrungCộng Cắt Cáp Tàu ThămDò VN
Biển Đông 74,000 năm trước
Hải-đồ DângGiặc
Bản-Đồ Bắc TrườngSa
BảnĐồ MalaysiaViệtNam
Nước Việt Hình Chữ S
RVN-CDWR-MainBody.pdf
Hải Phận Triệu Km2
Hải Phận Triệu Km2 (Tiếp)
Hải Phận Valencia
TàiLiệu PhápLý
BảnÐồBiênGiớiViệt-Hoa
Bản-đồ Phân-Chia Vịnh Bắc-Việt
VịnhBắcViệt
LáThư Gởi Đầy Tớ
Law of the Sea
Forum Openings
RVN WhitePaper75
ChinaPropaganda-LuuVanLoi
TiếngNóiVịnhBắcViệt
VấnÐềBiênGiới-BsNguyenÐanQuế
HảiGiới ViệtHoa
Vùng Biển Sâu Cho Tương-Lai
LêChíQuangPhảnÐối
CácĐội HoàngSa
NamQuan
BiểnĐông ThiênKỷMới
Biển Đông Ô Nhiễm
VịnhBắcViệt-HàngHải
VịnhBắcViệt-HuyềnThoại
NguyễnNhã-NghiênCứu HoàngSa
Chủ Quyền HoàngTrường
HảiThươngBiểnÐôngCổThời
BsTrầnÐạiSỹTổngKếtHảiChiến
HảiChiếnHoàngSaNóiChuyện
Hải Chiến Hoàng Sa
HQ16ÐàoDân
HảiChiếnHoàngSaTrầnThếÐức
VĩnhLiêmHoàngSaHảiChiến
Chuyện Một Con Tàu
NgườiBạnHảiQuân
BạnTôiSầuÐông
HồngNhanMộtThời
CâyÐinh
NhữngÔngThánh
ÐờiSống CăngThẳng
HỗnChiến
NgỗngTuyết
NgườiĐànBà
CònNụCườiNào
SóiGià
SachMoiNgoTheVinh
TranhCổTấnTinhChâu
HảiQuân Còn Mất
TuầnThám NguyễnVănƠn
FutureDestroyer
Mischief Situation
DER-HQ4
To Chuc HQVNCH
Forgotten ASPB
Études Vietnamiennes
Environments'Protection
VN Water Culture
Legends-Water Realm
Useful Books&Maps
VN Sovereignty
Vietnam Energy
Raft Across Pacific
Triết Lý Nước
HảiQuânViệtNam TừBaoGiờ
Hàng Hải Gốc Rễ Việt Nam
Ðịa Lý Biển Ðông
Thuật Ngữ Hàng Hải
NgườiViệt KhámPhá MỹChâu
Ngày HảiQuân1973
Lịch Sử Thuyền Bè
Bài Vè Thủy Trình
Petrus Ký&VănHoá Thuyền
Photo Album
Người Thủy Thủ Già
SoạnThảo HảiSử
MộtNgàyVớiÐÐCang
Lược Sử Nước
PhanQuỳnh
NguyễnVănLục
HT Nguyễn Văn Lộc
VũNgọcRuẩn BốTôi
VũVănToàn
ThơVăn HoàngĐìnhBáu
KỷNiệm ÐờiQuânNgũ
ChiếcBình TháiLọ
ChânDung SVSQHQXI
BảoBình&HìnhẢnh
Quê Nhà 50 Năm Trở Lại
ChuVănAn2B3-1956
Giải Ảo! HãyTỉnh Giấc Mơ Ma
AnhHùng NguyễnThànhSắc
ThuỷThủĐoàn HQ-4
ChiếnThuật ĐầuChữ T
HìnhẢnh HQ4 HảiChiến HoàngSa
TrangHình HảiChiến HoàngSa
Trận HoàngSa Hồ Hải
Hải-Chiến theo Trung-Cộng
Hải-Chiến theo BùiThanh
Diễn-Tiến Trận Hải-Chiến
TâySa HảiChiến
QuanBinhTC HoàngSa1974
HQ16-HQ5 Bắn Nhau
HQ5-Rã Ngũ
Đại-Tá Ngạc Ở Đâu
ChuyệnMột ConTàu
Bông Hồng Cho Nhựt-Tảo
Danh-Sách Tử-Sĩ Hoàng-Sa
DanhSách CốThủ HoàngSa
TrươngVănLiêm-HQ5
TruyệnNựcCười MấyAnh SửaQuân-Sử
Lệnh TamBấtĐả-HứaThếHữu
AnhHùng BH NguyễnVănVượng
TưởngNiệm AnhHùng NguyễnVănĐồng
Phạm Ngọc Đa AnhHùng Tử-Sĩ
TaoBanNuocKhong
VĩnhBiệt NguyênNhi
CáchNhìn LịchSử XâmLược
NgườiLínhGiàHQ4 NgôThếLong
NguyễnThượngLong-HảiChiến HoàngSa
NguyễnThượngLong-TìmMãi YêuThương
VănTế 74 TửSĩ HảiChiến HoàngSa
Nhớ lại HCHS & SuyNgẫm
HànhQuân TrầnHưngĐạo47
Bộ Hình ChiếnTrường HQ-4
Tài-Liệu CTCT/VNCH
Các ChiếnHạm VN&TC ThamChiến
TàiLiệuHQ4-TổngCụcCTCT
Lố bịch kiểu Tàu phù
Hải-Chiến theo LữCôngBảy
Phòng-Tai của HQ-4
Tiểu-Sử Anh-Hùng Tử-Sĩ
TrầnVănĐảm-AnhHùng&Nhà VôĐịch
AnhHùng BùiQuốcDanh
VũĐìnhQuang-AnhHùngHảiPháo
Anh-Hùng Vương-Thương
VưongThếTuấn: HQ4 Xin Rút Lui
Người AnhHùng HoàngSa
Thư HT PhạmTrọngQuỳnh
Thư Bạn ĐồngMôn ChuVănAn
Tìm Hiểu Gerald Kosh
Văn Tế HoàngSa
Những BàiCa HảiChiến HS
Thư Người Giám-Lộ
BứcThư 15 Năm
24 Years After Naval Battle
Tiểu Sử Vũ Hữu San
Tựa
ToànTập
Tổng-kết Hải-Chiến
Hồi Ký Của NgườiVề Từ HoaLục
Thư Riêng Về Đơn-Vị
Giới Thiệu
Gặp lại Niên-Trưởng NBT
TrùmMền HôXungPhong  

 

 

Hải-Quân Việt-Nam có từ khi nào?

Vũ-Hữu-San

Dân-tộc Việt-Nam có 4, 5 ngàn năm văn-hiến -

Hải-Quân Việt-Nam có 4, 5 ngàn năm làm lịch sử.

Thánh-Tổ và sự Hình-thành Hải-Quân.

Mỗi khi có dịp bàn-luận xa gần đến quá-trình hoạt-động của Hải-Quân Việt-Nam (HQVN), những người đã một thời làm lính thủy như chúng tôi thường rất lấy làm hãnh-diện khi được phát-biểu rằng Hưng-Đạo Đại-Vương Trần-Quốc-Tuấn là Thánh-Tổ của quân-chủng này.

Trong lần hội-thoại như vậy, một người bạn Mỹ đã nói một cách thán-phục rằng: "Như thế HQVN của các Ông đã có tới 700 năm dài lịch-sử." So sánh với 200 năm lịch-sử của Hải-Quân Hoa-Kỳ thì thời-gian 700 năm đáng kể là dài, là cổ. Thực ra Hải-Quân Việt-Nam còn có một quá-trình lâu dài hơn thế bội phần.

HQVN nhận Hưng-Đạo-Vương làm Thánh-tổ nhằm mục-đích thúc đẩy người lính thủy noi gương sáng và học hỏi kinh-nghiệm cứu nước của người. Đức Thánh-Tổ không những xứng-đáng với danh-hiệu "Đệ nhất Danh-tướng nước Nam" như Sử-gia Trần-Trọng-Kim đã viết, mà còn đáng được xếp vào hàng đệ nhất anh-hùng của thế-giới nữa. (Lướt Sóng, Đặc-san Kỷ-Niệm Húy-Nhật Đức Trần-Hưng-Đạo, năm 1983, trang 3). Tuy vậy, người ta không thể căn-cứ vào sinh-thời của ngài mà tính được thời-điểm Hải-Quân nước ta ra đời.

Hải-Quân cũng như các "nghề-nghiệp" khác thường có nhiều "tổ-nghiệp." Trong gia-phả các dòng họ cũng vậy, Tổ-tiên chúng ta từ năm đời về trước đều được tôn lên làm Tổ như tổ ngũ-đại, lục-đại v.v... Theo tinh-thần và truyền-thống Việt-Nam, Hải-Quân có thể nhận Hoàng-Đế Quang-Trung (thế-kỷ thứ XVIII), danh-tướng Lý-Thường-Kiệt (Thế-kỷ thứ XI), Ngô-vương-Quyền (thế-kỷ thứ X)... hay cả Hùng-Vương tức là vị vua dựng nước gần 5,000 năm trước đây, làm Thánh-Tổ.

Sau đây chúng tôi xin dùng sử sách và một số tài-liệu khác về khảo-cổ để bàn về những ngày đầu của Hải-Quân nước ta.

Hải-Quân đầu tiên là Thủy-Quân Nước Nâu (?)

Theo sự nghiên-cứu của một Sĩ-QuanThủy-Quân Lục-Chiến Hoa-Kỳ, Đại-tá Victor Croizat, thì "những Hải-Quân đầu tiên của lịch-sử là Quân Thủy của các vùng Nước Nâu. Những lực-lượng này thường hoạt-động trên sông rạch hay tại các vùng sát bờ biển, đôi khi bị bó buộc phải liều lĩnh hải-hành ra khơi vì nhiệm-vụ. Sau này nhờ sự tiến-bộ của các ngành kỹ-thuật như kiến-trúc Tàu bè, tăng-cường sức đẩy, phương-cách hải-hành; Hải-Quân Nước Xanh mới xuất-hiện. Trong khi đó, sự bành-trướng của các màng lưới giao-thông đường bộ và đường xe lửa làm cho vai trò của Thủy-Quân những vùng Nước Nâu bị suy giảm dần đi tầm mức quan-trọng." (The Brown Water Navy - The River and Coastal War in Indo-China and Vietnam, 1948-1972, Col. Victor Croizat, USMC, Blanford Press, 1984, p. 157.)

Nhận-xét trên khá hợp-lý với hầu hết hải-quân thế-giới, đặc-biệt thật chính-xác trong sự hình-thành các hải-quân Tây-phương. Nhưng trong trường-hợp của dân-tộc Việt-Nam, sự thật lại khác hẳn.

Không có thứ "thủy-quân nước nâu" thực-sự tại Đông-Nam-Á.

Sự khai-sinh của quân thủy nước ta không nằm trong trường-hợp mà Đại-tá Croizat đã viết trong cuốn sách luận-bàn về vai trò của Giang-lực và Duyên-lực trong chiến-trận Đông-Dương. Các diễn-biến hình-thành các lực-lượng quân thủy Việt-Nam là một trong những ngoại-lệ. Cho đến nay tuy sự nghiên-cứu còn rất sơ sài, các kết-quả tìm thấy về Hải-quân Việt-Nam đáng kể là thích-thú và mới lạ. Nếu đem ra so sánh với những kiến-thức của các học-giả Việt-Nam và ngoại-quốc ba bốn thập-niên trước đây, người ta có thế ... ngỡ ngàng hay không mấy tin-tưởng!

Tại Việt-Nam cũng như toàn vùng Đông-Nam-Á, tiền-thân của Hải-lực đã được khai-sinh từ thời các bộ-lạc còn trong giai-đoạn hải-du, tức là hàng chục ngàn năm trước các nước Tây-phương.

Để bảo-vệ an-ninh, thường là chống hải-tặc: một tổ-chức dân-quân nào đó, nhỏ lớn tuỳ khả-năng của bộ-lạc phải hình-thành. Trong lúc hải-du hay khi định-cư lại một vùng ven sông cạnh biển nào đó, hình-thức tổ-chức của nhóm "dân-quân" này thay đổi đôi chút. Tuy vậy vì thuyền bè của họ vừa đi biển vừa đi sông, hai nhiệm-vụ như của Hải-lực và Giang-lực (mà ta thấy ngày nay) thường không mấy phân-cách và trong thời-gian dài có thể đã hoạt-động song-hành. Riêng Thủy-Quân Nước Nâu, dù phải miễn-cưỡng cho là có sự hiện-hữu, cũng chỉ mới xuất-hiện tại Đông-Nam-Á trong thời-gian gần đây mà thôi.

Địa-thế Đông-Nam-Á khác hẳn các vùng đất nào khác trên thế-giới. Dân-cư khởi-sự trước hết với cuộc sống trên các vùng đất ngập nước ngoài Biển Đông.

Hình bóng người lính đầu tiên trong quân-sử VNCH.

Ngoài cuốn sách "Brown Water Navy" tương-đối mới (xuất-bản năm 1984), chúng ta cũng nên quay về xem lại các tài-liệu của Việt-Nam.

Một trong những cuốn quân-sử căn-bản của Quân-lực Việt-Nam Cộng-Hoà, sách "Quân-lực Việt-Nam dưới các triều-đại phong-kiến (Từ Thượng-cổ đến Cận-kim) Quyển I (Bộ Tổng Tham-Mưu QLVNCH ấn-hành năm 1968) ghi nơi trang 45 như sau:

"Căn-cứ vào các sử sách của Trung-Quốc và sự xác-nhận của các nhà khảo-cổ Tây-phương qua nhiều tài-liệu, người lính Việt-Nam đã có hình bóng không phải từ đời Đinh-Tiên-Hoàng là thế-kỷ thứ X... Thực ra người lính Việt-Nam ra đời từ thời Việt-Nam thuộc nhà Hán bên Tàu (trước Công-nguyên)... Hai Ông (Thái-thú Tích-Quang và Nhâm-Diên) đã lập ra một số cơ-đội dân-binh và rèn-luyện theo kiểu Trung-Quốc..."

Trung-Tá Phạm-văn-Sơn (Trưởng-Khối Quân-Sử P5 Bộ TTM) còn viết thêm một đoạn văn có tính-cách "phụ-chú" như sau:

"Nhưng nói vậy, ta vẫn còn phải nhớ rằng trước thời Hán-thuộc Việt-Nam đã có một Quân-đội không kém hùng-mạnh từng chiến-thắng lực-lượng viễn-xâm của Thủy Hoàng-Đế nhà Tần năm Đinh-Hợi (214 tr. CN) trong giai-đoạn gọi là Bách-Việt... Rất tiếc rằng từ cuộc sống ở lưu-vực sông Dương-Tử phiêu-lưu xuống Vịnh Bắc-Việt là trước thời-gian Hán-hoá, văn-hoá Lạc-Việt do nhiều biến-cố, thăng-trầm của lịch-sử đã không còn dấu-tích nào nên khó tìm cho ra biết đích-xác tổ-chức và quy-mô của Quân-đội Việt thuở ấy ... "

Hải-Quân thời VNCH vốn được coi như một quân-chủng "thầm-lặng". Có lẽ một phần vì lý-do này, Khối Quân-sử chỉ hé mở ra sự xuất-hiện đầu tiên của hình bóng người lính thủy nước ta vào triều-đại nhà Lê (980-1009) với một vai trò nhạt-nhoà như sau:

"Ngài (Lê-Hoàn) cũng có Thủy-Quân nhưng chắc không có nhiều, do đó khi sứ nhà Tống là Tống-Cảo qua giao-hiếu đã có việc ngài cử Nha-nội đô Chỉ-huy sứ Đinh-Thừa-Chính đem 9 chiến-thuyền và 300 thủy-quân ra đón ở cửa Thái-Bình, sau đó lại có cuộc diễn quân trên các chiến-thuyền để làm lễ tiếp-kiến."

Những kết-quả khảo-cứu ngày nay ít nhiều phủ-nhận các "niên-đại khai-sinh" như vậy, đồng thời kéo thời-gian này lùi lại nhiều ngàn năm về trước.

Hình Lính Long-thuyền

Địa-bàn sinh-hoạt và truyền-thống thủy-chiến của dân-tộc.

Địa-hình sinh-hoạt của dân Việt trước đây mấy ngàn năm khác-biệt với hiện thời.

"Những tài liệu địa lý cho chúng ta hình dung khái quát về địa hình mà tổ tiên ta đã sinh sống - một địa hình chi chít sông ngòi, đầm hồ dày đặc... Các di tích khảo cổ cho chúng ta biết rằng tất cả các địa điểm cư trú thời cổ đều nằm trên các gò bãi cao ráo. Có thể nói nước bao quanh làng xã Việt nam..." (Đất nước, con người Việt nam và truyền thống giỏi thủy-chiến, Vũ Minh Giang - Nguyễn Việt, Sử Học số 2 -Những vấn đề khoa học lịch sử ngày nay, Hà Nội, năm 1979, trang 324.)

Nói khác đi : Địa-bàn sinh hoạt trong những ngày đầu của dân Việt không có tính-chất lục-địa. Địa-bàn đó nước nhiều, cạn ít; chẳng phải là nơi đất liền khô ráo, không đường bộ giao-thông.

Những đặc-điểm về môi-trường phòng-thủ đưa đến lý-lẽ rằng : Lục-quân hay Bộ-binh không thể là những tổ-chức đầu tiên được thành-lập cho nhu-cầu quân-lực nước ta.

Hai tác-giả Vũ Minh Giang - Nguyễn Việt luận-bàn về truyền thống giỏi thủy chiến của dân tộc ta như sau:

"... truyền thống giỏi thủy chiến của dân tộc ta là kết quả nảy nở trong quá trình hình thành và phát triển của một dân tộc sinh sống trên địa bàn "sông nước" mà phải thường xuyên tiến hành những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm." (Sử Học số 2, năm 1979, trang 323.)

Các sách cổ Trung-Hoa cũng đã chép: người Việt rất sở-trường về thủy-chiến. Điều này làm ta nhận thấy dân-tộc ta quẩ có tài chiến-đấu đặc-biệt về mặt thủy trong các cuộc xung-đột với Trung-Quốc từ 20 thế-kỷ nay. (Việt-sử Toàn-thư, Phạm-Văn-Sơn, Sài-gòn 1960, trang 23)

Phương-tiện Chuyển-vận Quân-sự đầu tiên: Thuyền bè.

Khởi đi từ những bộ-lạc hải-du, làm nghề đánh cá trên biển trên sông, nay đây mai đó, nhiều người Việt cả đời sinh sống trên mặt nước. Trai tráng hành nghề sông nước thật là mạnh khoẻ, thể-chất rất thích-hợp cho quân-ngũ. Sách "Cẩm-Nang Bí-Lục" của Trưng Triệu Vương viết rằng: "người làm nghề đánh cá phần nhiều có gân xương cứng rắn. Vì trong khi có mang, mẹ rét con cũng rét, mẹ nóng con cũng nóng, đứa hài nhi đã từng trải gió sương, nắng hóng từ lúc trong bào thai. Khi nó đã sinh ra, da thịt dày dặn, gân xương cứng rắn, tà khí không nhiễm vào được." (Lê Quí Đôn trích-dẫn, Vân-Đài Loại-Ngữ - Phạm-Vũ, Lê-Hiền dịch và chú-giải, Sài-Gòn, 1973, trang ??)

Phương-tiện di-chuyển chính-yếu của người dân Việt thời cổ là thuyền bè. Ngay khi một tập-hợp võ-trang nào đó được hình-thành, thuyền bè đương-nhiên trở nên phương-tiện đầu tiên và căn-bản của các cuộc hành-quân. Những trang-bị trên thuyền lập tức biến thành khí-cụ cơ-hữu của quân thủy.

Trong bài "Đất nước, con người Việt nam và truyền thống giỏi thủy-chiến", Vũ Minh Giang - Nguyễn Việt viết rằng:

"Truyền thống giỏi dùng thuyền, thạo sông nước đã được phát huy và đóng góp phần quan trọng trong các cuộc chiến tranh giữ nước, làm tăng thêm sức mạnh của dân tộc.

Thủy-quân của ta ra đời rất sớm và lớn mạnh nhanh chóng trước yêu cầu bảo vệ tổ quốc

Là một binh chủng được xây dựng trên cơ sở một "nghề" sở trường của dân tộc, lại được nuôi dưỡng bằng ý chí bất khuất, quật cường và tài đánh giặc thao lược của dân tộc, quân thủy là lực lượng quan trọng trong quân đội Việt nam thời cổ và luôn luôn có vai trò cực kỳ to lớn..." (Sử Học số 2 -Những vấn đề khoa học lịch sử ngày nay, Hà Nội, năm 1979, trang 330.)

Thủy-chiến mở đường tự-chủ

Sử Trung-Hoa ghi nhận trong những lần quân Tàu đụng trận đầu tiên với người Bách-Việt, họ đã gặp toàn là quân thủy.

Người Bắc cưỡi ngựa, người Nam đi thuyền. Dân Việt lấy thuyền thế cho xe, dùng chèo thay cho ngựa. Thủy-thủ Việt can-đảm, không sợ chết. Bruce Swanson, tác-giả sách (Eighth Voyage of the Dragon, Naval institute Press, Annapolis ấn-hành 1982), đã trích dịch một đoạn trong Sử Trung-Hoa như sau: "The Yủeh people by nature a Indolent and undisciplined. They travel to remote places by water and use boats as we use carts and oars as we use horses. When they come (north - to attack) they float along and when they leave (withdraw) they are hard to follow. They enjoy fighting and are not afraid to die."

Người Việt-Nam ta và các người Bách-Việt khác có chung một đặc-tính giỏi thủy-chiến. Dù bị Trung-Hoa đô-hộ, song song với tinh-thần quật-khởi, truyền-thống này vẫn tồn-tại.

Vào thế-kỷ thứ X, trận thủy-chiến Bạch-Đằng đã mở một trang sử mới cho dân-tộc. Ngô-Vương-Quyền, nhờ một thủy-quân tinh-nhuệ, đã rửa được cái nhục hơn nghìn năm nước ta bị Tàu đô-hộ. Nguyễn-Huyền-Anh đã ghi chép rằng Vương mở đường cho các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần về sau này được tự-chủ ở trời Nam (Việt-Nam Danh-Nhân Từ-Điển, Nhà XB Zieleks Co., Texas, 1981, trang 203.)

Suốt giai-đoạn nước nhà tự chủ, vai trò quyết-định chiến-trường của quân thủy Đại-Việt càng thêm rõ ràng. Ngay từ những ngày đầu hoạt-động với một chiến-trường biển cả rộng lớn, Thủy-quân Đại-Việt rất xứng đáng được gọi là Hải-Quân với đầy đủ danh-nghiã của nó. Chiến-thuyền Việt kiến-trúc cho mục-đích hải-hành. Hạm-đội ta ào ạt kéo buồm vượt Biển Đông đi "bình Chiêm, phá Tống".

Vua Rồng Lạc, hình-ảnh vị Thánh-Tổ khai-sinh Hải-Quân.

Người Việt là một giống dân bản-địa sinh sống quanh vùng Biển Đông từ mấy chục ngàn năm qua. Khi mực nước biển dâng lên, dân-chúng chạy từ từ theo các dòng sông di chuyển lên các vùng cao. Rồi lúc mực nước rút xuống, các vùng châu thổ dọc ven biển được phù-sa bồi đắp, họ dần dần quay về tiếp-tục sinh-hoạt cạnh bờ nước như tổ-tiên họ xưa nay. Lý-thuyết-gia William Meacham đã đưa ra hình-ảnh khá chi-tiết về sự hình-thành nền văn-minh đặc-thù hàng-hải này của dân Việt trong bài "Origins and Development of the Yủeh Coastal Neolithic: A Microcosm of Culture Change on the Mainland of East Asia" (sưu-tập The Origins of Chinese Civilization, edited by David N. Keightley, London 1983: các trang 147-175.)

Thiên anh-hùng-ca của di-dân "từ Biển lên Bờ" tuy không thể tìm ra trong Văn-học-Sử, nhưng lại thấy ở huyền-thoại. Người Việt-Nam thường kể truyện "Bố Rồng Lạc hay Vua Rồng Lạc" cho con cháu nghe. Theo ý ông Trần-Quốc-Vượng, Lạc-Long-Quân là vị anh-hùng văn-hoá lớn nhất của Thần-thoại Việt-Nam, từ biển tới, từ sông lên, diệt "Ngư-tinh", "Mộc-tinh", "Hồ-tinh", khai-sáng miền châu-thổ sông Hồng. Lạc-Long-Quân cũng là vị anh-hùng văn-hoá đầu tiên chống sự xâm-lấn của phương Bắc (Đế-Lai), bảo hộ lãnh-thổ riêng cho con cháu dựng nước..." (Trong Cõi - Những ý kiến về lịch-sử, truyền thống và hiện trạng dân tộc của một sử gia trong nước, Garden Grove, CA, 1993.)

Không ai chối cãi rằng hình-ảnh này rõ rệt là hình-ảnh của một vị Tổ, một vị Thánh đã khai-sinh Hải-Quân. Vị vua Rồng Hồng-Lạc lúc đó có lẽ chưa nghĩ nhiều đến một tổ-chức thuần-túy Lục-Quân. Cá-nhân chúng tôi từng đôi lần suy nghĩ: Không phải chuyện "đao to búa lớn" nếu có ai đó đã phát-biểu rằng Hải-Quân ghi công đầu dựng Nước!

Bộ-binh Việt-Nam có thể chỉ là một thứ thủy-binh trên "đường tiến-hoá".

Lịch-sử cho hay khi hữu-sự, người Dân Việt rất mau chóng trở thành người Lính sẵn sàng phục vụ dưới cờ. Dân ta thời dựng nước vốn dĩ là những người đánh cá hay những người nhà nông sống cạnh bờ nước. Cả đời họ bầu bạn với ghe thuyền, sông biển. Căn-bản của "binh-thuyết" Việt-Nam thoạt kỳ thủy chắc chắn đặt trên các sinh-hoạt sông nước.

Việt-sử không bao giờ ghi-nhận những bước tiến-hoá tương-tự như vậy vì một lẽ dễ hiểu: lúc đó là thời khuyết-sử hay tiền-sử. Tuy nhiên chúng ta có một dịp dùng sử-liệu để chứng-minh giả-thuyết rằng ở nước ta việc thành-lập một lực-lượng thủy-quân không quá khó khăn. Khi tạo-dựng Thủy-quân, nhà Vua thường chỉ mất ít công huấn-luyện đơn-giản. Lục-quân lại khác, với trang-bị và nhiệm-vụ mới, môi-trường sinh-hoạt thay đổi, công-tác huấn-luyện phải cam go và lâu dài hơn. Trên một vài phương-diện, quân thủy hồi xưa rất gần gũi với dân-chúng và ít có tính-cách chuyên-nghiệp như quân-đội ngày nay.

Sau một thời-gian kéo dài qua nhiều thế-hệ quân-ngũ, tập-thể thủy-binh "ngay từ thời mẹ đẻ" này phải học-tập nhiều mới có thể "bộ-binh-hoá" được một cách khó khăn. Hàng trăm năm, hay lâu hơn nữa, hàng ngàn năm, sau khi đồng-bằng Sông Hồng, sông Mã được phù-sa bồi đắp xong; thời-đại của bộ-binh mới thực-sự bắt đầu.

Từ Dân Thuyền lập-tức thành Quân Thủy

Vì nhu-cầu quân-ngũ, người dân quê được gọi ra. Họ nhanh chóng trở nên quân thủy với đầy đủ khả-năng hành thủy và phương-tiện, vũ-khí cũng đã sẵn sàng tại chỗ.

Chúng tôi xin trích-dẫn một vài đoạn văn khảo-cứu của giáo-sư Cao-Thế-Dung làm lý-lẽ để sự biện-luận này được thêm phần vững chắc như sau:

"Vừa lấy lại được quyền nước được vài ba tháng làm thế nào Ngô-Quyền đã thành-lập được một đạo thủy-quân lão-luyện đủ khả-năng diệt gọn cả hạm-đội hùng-mạnh của nhà Nam-Hán vào năm 938?"

Sau khi đặt ra câu hỏi, Ông trả lời như sau:

"... không đầy mấy tháng mới từ Ái-Châu ra, Ngô-Quyền đã dựng được ngay một lực-lượng thủy-quân. Thực ra, lực-lượng này đã có sẵn trong các xóm làng ven sông và từ các làng chài lưới vùng Quảng-Yên, Móng Cáy, Đầm Hà, dân sống bằng nghề đánh cá trên sông và biển. Lớp dân chài này chính là những thủy-thủ điêu-luyện đã tham-dự trận đánh trên sông Bạch Đằng.

Trong các môn võ chân truyền của ta có môn đánh bê chèo và đánh sào là đặc biệt. Đánh bê chèo xuất phát từ đánh gậy nhưng sắc bén nhất... Đánh sào vừa sử dụng lối đánh trên cạn và dưới nước. Sào là một cây tre dài, ống nhỏ, thường là tre, được dùng để đẩy thuyền... Dân sông nước thường phải đương đầu với cướp, nhất là cướp biển nên sào là một khí giới lợi hại dùng đánh địch trong một khoảng cách xa. Sào mà nông-dân sử-dụng thường là thứ nứa dầy, dài, thân nhỏ... Sào dùng hất lúa trong lúc phơi nắng. Sào lại biến thành vũ-khí, một ngọn lao dài rất lợi hại.

Những vũ-khí trên đây, đơn giản như bê chèo và chiếc sào đã được người Việt sử-dụng làm khí-giới diệt giặc giữ nước, Đây là khí-giới của thủy-quân Việt-Nam trước và sau thời Ngô-Quyền. Vũ-khí của ta sử-dụng đánh tan quân Nam-Hán trên sông Bạch-Đằng hẳn cũng gồm những thứ đơn-sơ như vậy nhưng là truyền-thống, tinh-luyện." (Việt Nam Binh Sử Võ Đạo, Cao Thế Dung, Arizona, 1993, trang 298.)

Thủy-chiến, nét độc-đáo Việt-Nam.

Không có một dân-tộc nào trên thế-giới có được những trang sử đấu tranh đậm đà mầu sắc thủy-chiến như của dân-tộc Việt-nam.

"Đa số các trận đánh lớn trong lịch-sử chiến-tranh của dân-tộc ta đều diễn ra trên chiến-trường sông biển... Trong quá-trình đó đã hình-thành một nền nghệ-thuật thủy-chiến mang những nét độc-đáo Việt-Nam.

... Phục-kích đường thủy là cách đánh tiêu biểu nhất của quân thủy, rất phù-hợp với địa-hình sông nước Việt-Nam và truyền-thống thạo sông nước của người Việt. Đây là cách đánh rất lợi hại, có khả-năng không những tiêu-diệt những đạo quân lớn mà còn đánh bại ý chí xâm-lược của quân thù. Tiêu-biểu cho cách đánh này là trận đại-thắng Bạch-Đằng năm 1288, trong đó quân nhà Trần tiêu-diệt gọn 500 thuyền chiến và 5 vạn quân Nguyên. Kế đó là trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn-Huệ đánh tan 400 chiến-thuyền cùng 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn." (Lịch Văn-hoá Việt-Nam, Sài-Gòn, 1988, trang 391.)

Chỗ đứng của Hải-Quân Việt-Nam trong quân-sử.

Giới học-giả Việt-Nam thường ít khi bàn đến các sinh-hoạt hàng-hải. Các sử-gia cũng hay ghi chép quân-sử nước ta hao hao giống như sử Tàu, họ thường kể chuyện bộ-binh với gươm giáo, ngựa xe, thành quách... Đặc-tính tác-chiến bất ngờ, lưu-động-tính cao, hoả-lực hùng-hậu cùng các yếu-tố áp-đảo quyết-định chiến-trường khác của thủy-quân chưa bao giờ được nhắc đến. Đại-thắng Bạch-Đằng, vì là biến-cố quyết-định phải kể tới, nhưng phần diễn-tả thật ngắn ngủi. Cho đến cuộc đời lẫy-lừng của Đinh-Bộ-Lĩnh lại được sử sách diễn tả như một "nhà Tướng ngồi trên lưng ngựa". (Quân-lực Việt-Nam dưới các triều-đại phong-kiến, trang 51). Điều này tương-phản hẳn sự thực.

Vào thế-kỷ thứ X, phần lớn vùng châu-thổ sông Hồng, sông Mã còn ngập chìm trong biển nước. Suốt mùa nước lụt có khi tới 5, 6 tháng trong một năm, chỉ có làng xóm và gò đống lơ thơ nổi lên, trong khi đồng ruộng ngập chìm trong làn nước đục ngầu phù-sa. Hoa-Lư dựa lưng vào núi, phía trước bao bọc bởi nước. Dù là vua chúa mỗi khi bước ra khỏi kỉnh-đô, ai ai cũng phải đi thuyền. Hai học-giả ngoại-quốc, Pierre Huard và Maurice Durand diễn-tả cảnh hành-quân của vua nhà Đinh khác hẳn với các sách sử của ta. Các Vị này nghĩ rằng nhờ có quân thủy, vua nhà Đinh đã toàn-thắng địch-quân. Đội chiến-thuyền thời đó có khả-năng chuyên chở quân-sĩ vượt sông ngòi, đầm lầy để đổ-bộ thần-tốc. (Connaissance du Viet-Nam, Ecole Francaise d' Extrême-Orient, Hanoi, 1954, trang 225.) Các loại thuyền như ghe thúng chài, thúng cái, thuyền nan, thuyền thúng... (Connaissance du Viet-Nam, trang 225-226) đã thay cho bộ-binh và chiến-mã. Thủy-Quân và Hạm-Đội tạo thành chủ-lực-quân giúp nhà Vua tung-hoành khắp một vùng sông nước rộng lớn của Đại-Cồ-Việt.

Hình Vua Lý Thái-Tổ rời đô từ Hoa-Lư ra Thăng-Long bằng thuyền (Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư, Lớp Dự-bị, Nha Học-chính Đông-Pháp xuất-bản, 1935, trang 34.)

Hồi gần đây, chúng ta đựợc đọc một số nhận-xét mới mẻ của Giáo-Sư Lê-Đình-Thông tại Pháp về chiến-lược và chiến-thuật của Hải-Quân Việt-Nam trước thời Pháp-thuộc (Bài "Stratégie et Science du Combat sur l'Eau au Vietnam avant l'Arrivée des Francais", trong sách "L'évolution de la Pensée Navale II", Paris, 1992; các trang 2111-229.) Học-giả này đã đánh giá thật đúng mức tầm quan-trọng của vai trò các hạm-đội trong quân-đội Việt-Nam như sau:

-Ngay từ khi thành-lập, quân-đội Việt-Nam đã phát-trién không ngừng lưu-động-tính, đó là nhờ vào hạm-đội.

-Lưu-động-tính của quân-đội triều Lý đặt căn-bản trên hạm-đội. Do đó, toàn-thể quân-đội hiển-nhiên được coi như một tổ-chức Thủy-Quân. (Bài "La Marine vietnamienne avant l'Arrivée des Francais", trong sách "Marin et Océan III", Paris 1992; các trang 53-71.)

(Nguyên-văn: Dès leur création, les armée vietnamiennes accroissent sans cesse la mobilité grâce à la flotte. La mobilité de la plupart des unités de l'armée des Ly repose sur la flotte. Par conséquent, toute l'armée est considérée formellement comme une marine.)

Xin một chỗ đứng hợp-lý cho Hải-quân

Trong giai-đoạn VNCH 1954-1975, sự đóng góp của Hải-Quân vào mọi sinh-hoạt của dân-tộc không phải là nhỏ. — trong nước, tất cả tài-liệu về quân-chủng này cũng như mọi tài-liệu khác của VNCH đều đã bị tiêu-hủy. — hải-ngoại, sách sử khá nhiều, đặc-biệt số lượng sách bằng Anh-ngữ nói đến cuộc chiến Việt-Nam thật vĩ-đại. Tuy vậy không một tài-liệu nào quan-tâm đầy đủ và viết ra phần hải-sử của giai-đoạn ấy. Có chăng là những đoạn văn viết qua loa về HQVN trong vai trò như "phụ-thuộc vào Hải-Quân Hoa-Kỳ".

Nếu cho rằng, chiến-tranh Nam-Bắc Việt-Nam còn quá mới để có sự nhận-xét chính đáng về sử-quan, chúng ta hãy đọc một cuốn sách của Hải-Quân Hoa-Kỳ. Họ tường-thuật về Hải-Quân của Nguyễn-Ánh cách đây 200 năm như sau: "Dưới sự hướng-dẫn và trợ giúp của người Pháp, một Hải-Quân nhỏ bé đã được thành-lập. Hải-Quân Hoàng-Gia, được chỉ-huy bởi Jean Marie Dayot, đã đánh bại hải-quân của Tây-Sơn năm 1792, và trương kỳ-hiệu từ biển Nam-Hải đến vịnh Bengal, và được kính nể trên khắp phương Đông"...

Trong âm-mưu chính-trị, Sử-gia Pháp đã đề cao quá đáng vai trò của những người Pháp theo giúp Nguyễn-Ánh khi họ xâm-lăng nước ta. Loại tài-liệu này cố-ý viết ràng dòng lịch-sử Việt-Nam đổi chiều và vua Gia-Long được lên ngôi vì các chiến công của những người như Dayot.

Sử gia Lê Thanh Khôi phủ-nhận vai-trò quyết-định của người Phảp (Le Viet-Nam: Histoire et civilization , Paris, 1955, pp. 320-321) Quân-đội người Việt nắm toàn-quyền chỉ-huy và tác-chiến. Khi đánh dẹp Tây-Sơn xong. số người Pháp chỉ còn rất ít, trong đó có 3 người là Chaigneau, Vannier và Despiau làm quan tại triều (VNSL trang 181)

Chúng ta biết rằng Dayot khi đó rất trẻ, sự hiểu-biết về Hải-Quân chắc không có bao nhiêu. Viên Sĩ-quan này chỉ giúp Nguyễn-Ánh một giai-đoạn. Vì vi-phạm kỷ-luật, Dayot bị cùm và bị bãi chức. Sau đó làm lái buôn đường Việt-Nam, Phi-Luật-Tân, „n-Độ. Dayot chết ở Vịnh Bắc-Kỳ trong khi thăm-dò thủy-đạo.

(Le Thanh Khoi (320-321) discounts the importance of the French role on the ground that the Vietnamese did most of the fighting, especially in the later phases (Le Thanh Khoi, Le Viet-Nam: Histoire et civilization, Paris, 1955. John F.Cady, Southeast Asia: lts Historical Development (NewYork:McGraw-Hill, 1964, p. 283.)

"Quân-đội Việt-Nam" thoát-thai từ tổ-chức của một viên Thái-thú người Tàu ư ? "Lực-lượng Hải-Quân tại Việt-Nam trong thời-kỳ phôi-thai" là con đẻ của một anh lính đánh thuê (Mercenaire) người Tây hay sao ? Người có hiểu biết không chấp-nhận những "đoạn quân-sử" sai sự thực như vậy.

Chúng ta rất mong cho hoạt-động Hải-Quân được đặt vào một vị-trí xứng-đáng trong quân-sử.

Trống Đồng Đông-Nam-Á và môi-trường Nước của cổ Việt-Nam.

Giáo-sư Sử-học Trần-Quốc-Vượng viết rằng:

"Vùng phân bố trống đồng -với Bắc Việt-Nam là trung tâm- phía bắc là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây (Hoa Nam nói chung), phía nam là vùng hải-đảo cho đến Xa-lây-ơ, phía đông là các đảo Ke-iê, phía Tây là Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan... cũng là vùng phân bố các hội nước, hội đua thuyền. Dọc sông ngòi miền Bắc - sông con, sông cái - đâu chẳng có đền thờ rắn hay rồng (cho dù với xu-hướng "lịch sử-hoá", rắn rồng đã hoá thành tướng Hùng-Vương, tướng bà Trưng, tướng Triệu Việt Vương...). Và bao quanh những đền thờ đó là hội nước, hội đua thuyền cầu mưa. Rắn rồng, thuồng luồng, cá sấu... là biểu-tượng của Nước, của Thần Nước, của Mưa Dông" (Trong Cõi, Những ý kiến về Lịch sử, Truyền thống và Hiện trạng Dân tộc của một Sử gia trong nước, Hoa-Kỳ, 1993: 13.)

Nước ta thời cổ chỉ rộng khoảng 170,000 km2. Bỏ ra ngoài những ao hồ, đồng lầy hay các vùng ngập lụt; địa bàn nhỏ hẹp đó còn bị chia cắt bởi 1,083 con sông (Vũ Minh Giang - Nguyễn Việt, trong Sử Học số 2, 1979, trang 326.)

Vì không có một cây cầu nào lớn, lại thiếu hẳn đường bộ; môi-trường sinh sống của dân ta trong suốt nhiều ngàn năm qua bị bao bọc bốn bề bởi nước.

Hình ảnh Thủy-Quân Hùng-Vương trên trống đồng.

Ông Văn-Tân, một học-giả hay viết về truyền-thống dân-tộc, diễn-tả hình ảnh thủy-quân thời cổ như sau:

"Nhìn các trống đồng Ngọc-Lũ i, trống đồng Hoàng-Hạ, trống đồng sông Đà, trống đồng Bản thôm, trống đồng Miếu Môn, trống đồng làng-Vạc I và II, trống đồng Phú Xuyên, bạn sẽ thấy rằng trên thân các trống này đều có hình thuyền chiến, nhiều cái có đến sáu chiếc... Như thế có nghiã là trước đây khoảng trên dưới ba ngàn năm, nước Văn-Lang của các vua Hùng-Vương đã có thủy-quân để bảo-vệ đất nước. (Vai trò của Thủy-Quân Việt-Nam trong Lịch-sử dân-tộc, Văn-Tân, Nghiên-cứu Sử-học số 5, tháng 9/ 1977, trang 62-70.)

Ông Cao Thế Dung cũng viết rằng:

"Về thủy quân thì từ thời dựng nước đã có. Các trống đồng, từ loại cổ nhất Heger I đến trống đồng Miếu Môn, Phú Xuyên không trống nào không khắc trạm hình (chiến) thuyền. Trống đồng Đông-Sơn, Hoàng-Hạ, sông Đà, làng Vạc (Nghĩa-Đàn, Nghệ-An) đều khắc trạm đến 4, 5 chiến-thuyền. Trống đồng Ngọc-Lũ xuất-hiện vào thế-kỷ thứ VII trước Tây-lịch mà đã khắc chiến-thuyền... (Việt Nam Binh Sử Võ Đạo, Arizona, 1993, trang 295.)

Cổ-Loa, một căn-cứ Hải-Quân quan-trọng

Cổ-Loa, thành-trì vĩ-đại và kiên-cố nhất thời cổ nước ta (xây năm 255 trước Tây-lịch) là một Căn-cứ Hải-Quân lớn.

Học-giả Văn-Tân viết như sau:

"Cuối thời-đại Hùng-Vương, cụ thể là thời-kỳ nước Âu-Lạc của An-dương-Vương Thục-Phán, thủy-quân của nước Việt-Nam cổ-đại lại được tổ-chức quy-mô hơn.

Các công-trình nghiên-cứu về thành Cổ-Loa cho chúng biết rằng: Bao quanh thành Cổ-Loa có ba con hào ăn-thông với nhau và thông với sông Hoàng-Giang. Nhờ vậy thuyền bè có thể đi lại xung quanh cả ba vòng thành và có thể ra sông Hoàng-Giang, sông Hồng, sông Cầu, sông Lục-đầu để tiến ra biển Đông. Truyền thuyết nói An-Dương-Vương thường ngự thuyền đi khắp các hào rồi ra sông Hoàng-Giang.

Hình Thành Cổ-Loa (3 thế-kỷ TTL.) là căn-cứ Hải-Quân, chiến-thuyền theo ba con hào ăn thông với nhau và thông ra sông Hoàng-Giang. (Mỹ-thuật Cổ-truyền Việt-Nam, Nguyễn-Khác-Ngữ. Montreal 1981, trang 58)

(Quân-lực Việt-Nam dưới các triều-đại phong-kiến (Từ Thượng-cổ đến Cận-kim) Quyển I (Bộ TTM/QLVNCH, 1968, trang 147.)

Như vậy thành Cổ-Loa không chỉ là một căn-cứ bộ-binh mà còn là một căn-cứ thủy-binh nữa. Khu Đầm và cả khu "Vườn Thuyền" của miền Cổ-Loa xưa có đủ chỗ cho hàng trăm chiếc thuyền đậu và đi lại." (Vai trò của Thủy-Quân Việt-Nam trong Lịch-sử dân-tộc, Văn-Tân, Nghiên-cứu Sử-học số 5, tháng 9/ 1977, trang 62-70.)

Cuối bài nghiên-cứu, Ông Văn-Tân kết-luận rằng: "Trước đây khoảng ba ngàn năm, Việt-Nam đã có thủy-quân. Thủy-quân Việt-Nam càng ngày càng lớn lên với thời-gian và đã góp phần quan-trọng vào sự-nghiệp bảo-vệ đất nước." Nghiên-cứu Sử-học số 5, trang 70.)

Sự tiến-bộ của Hải-Quân thời Hùng-Vương

Khoa khảo-cổ Trung-Hoa từ đời Tống đã phát triển, nhưng không có một ai chú-ý tới trống đồng với tư-cách một hiện-vật khảo-cổ. Lư Đại Lâm với tác-phẩm "Khảo-Cổ-Đồ" không hề nhắc tới trống đồng vì cho rằng không có minh-văn, không có giá-trị sử-liệu. (Trống Đông-Sơn, Viện Khảo Cổ Học, Hà Nội, 1987, trang 11). Sự lầm lẫn này quá lớn và đáng tiếc.

Vì nhiều lầm lẫn khác cũng tương-tự như vậy, văn-hoá Tàu không coi trọng hàng-hải. Học-giả người Anh, G. R. Worcester, đã từng than rằng:

"... Và thế là chúng ta đành bỏ cuộc tìm kiếm với niềm tiếc rằng những tranh vẽ, văn-chương và sản-phẩm văn-hoá của người Tàu dưới mọi hình-thức, mặc dù có truyền-thống đáng kể liên-tục hơn 2,000 năm mà lại chứa đựng rất ít về tàu thuyền và thủy-thủ". (The Junks & Sampans of the Yangtze, U.S. Naval Institute Press, 1971: 17.)

Ngày nay, ai ai cũng biết rằng nội-dung hình vẽ thường thường có khả-năng biểu-lộ tư-tưởng tương-đương với cả ngàn lời, ngàn chữ. Trong khoa khảo-cổ, các nét trạm-trổ hay họa-hình thời xưa có giá-trị vô cùng to lớn. Riêng Trống Đồng là những sử-liệu quan-trọng, tự nó nói lên được nhiều chi-tiết xác-thực hơn cả "minh-văn".

Hình "Quân-lực Việt-Nam dưới các triều-đại phong-kiến (Từ Thượng-cổ đến Cận-kim) Quyển I (Bộ Tổng Tham-Mưu QLVNCH ấn-hành năm 1968

Hình Nỏ thần trên chiến-thuyền đời Hùng-Vương. Pháo-tháp có lẽ được trang-bị cơ-quan máy móc để nạp pháo-tiễn liên-hoàn.

Tình-trạng quân thủy thời Hùng Vương đã được người xưa diễn-tả rõ ràng qua các hình khắc trên trống đồng của nền văn-minh Đông-Sơn.

Rất nhiều chi-tiết chứng-minh rằng Hái-Quân thời Hùng-Vương cách nay khoảng 3,000 năm đã tiến-bộ đến độ ít người ngờ tới. Các sách nghiên-cứu về Trống Đồng như cuốn "Trống Đông-Sơn", do Viện Khảo Cổ Học biên-soạn (Hà Nội, 1987), trình-bày rất nhiều chi-tiết lý-thú. Chúng tôi chỉ xin kể sơ-lược một số điểm chính-yếu sau đây:

- Chiến-thuyền lớn có bánh lái (Phạm-Cao-Dương, Lịch-sử dân-tộc Việt-Nam, quyển 1, 1987, trang 45-46.) Chiến-thuyền Tây-phương chỉ trang-bị bánh lái vào thế-kỷ thứ XII (China's Civilization, Arthur Cotterell & David Morgan, New York, 1975.)

- Chiến-thuyền đi biển chạy buồm. Loại này không có thủy-binh chèo chống, có trụ để dựng cột buồm.

- Vũ-khí trang bị rất hùng hậu, gồm nhiều loại :

* Tầm xa: nỏ thần thiết-trí trên thượng tầng kiến-trúc. Cánh nỏ và mũi tên lớn quá khổ (2-3m). Có lẽ dùng tác-xạ liên-hoàn loại tên bằng đồng hay tên lửa.

* Tầm trung: giáo dàì (2-2.5m)

* Cận-chiến: rìu chiến

* Nhiều thuyền có chó săn (quân-khuyển)

* Một số thủy-binh mang khiên, lá chắn.

- Kiến-trúc chiến-thuyền có những điểm khác nhau cho những nhiệm-vụ đặc-biệt

* có lầu cao, dùng như pháo-tháp cho vũ-khí tầm xa.

* thuyền thân cong dùng cho nhu-cầu vận-tốc cao.

* thuyền có phần mũi thấp hơn để đổ-bộ được dễ dàng.

- Tổ-chức Hải-Quân có lẽ đã khá chặt chẽ. Người ta quan-sát thấy những chi-tiết như:

* cách trang-phục của thủy-thủ khác nhau tùy theo nhiệm-vụ như thuyền-trưởng, thủy-binh cận-chiến, nhân-viên hải-pháo hay lái thuyền. Tuy nét vẽ không đủ chi-tiết nhưng khi phân-tích, người ta thấy dường như Hải-Quân thời Hùng-Vương đã có đồng-phục riêng cho từng chuyên-nghiệp.

* cách phân-nhiệm chiến-thuyền trong hạm-đội như:

(i) thuyền chuyên dùng tấn-công với tư-thế sẵn sàng của chiến-binh và pháo-tiễn hướng về phiá trước.

(ii) thuyền hộ-tống hay giữ an-ninh hậu-tập có pháo-tiễn và chiến-binh quay về phía sau.

* phương-tiện truyền-tin và mệnh-lệnh: trồng đồng.

- Một điểm đáng kể ra nữa là nhiều chiến-thuyền được trang-bị ở phía mũi một trang cụ giống như cây xiếm. Trang cụ loại này giúp cho thuyền chạy buồm có thể thay đổi hướng đi hay giữ đúng hướng không cần người lái. (Connaissance du VietNam, Pierre Huard et Maurice Durand, Ecole Francaise d'Extrême-Orient, Hanoi, 1954, trang 232.) Kỹ-thuật Việt-Nam kiểu "auto-pilot" này là một bước tiến vượt thời-gian mà phần lớn Tàu thuyền chỉ mới thực-hiện được ngày nay.

Hình Chiến-thuyền có lầu (lâu-thuyền). Pháo-tiễn hướng về trước mũi hay sau lái tuỳ theo nhiệm-vụ tác-chiến.

Hình Các loại chiến-thuyền thời Hùng-Vương, có chiếc trang-bị cột trụ để dựng buồm, có cả quân-khuyển (thuyền thứ nhì kể từ trên xuống)

Câu nói: Giữ Nước vâ giữ Đất.

Một trong những câu nói lịch-sử, hào-khí ngất trời, lưư-danh thiên cổ là lời bà Triệu-thị-Chinh khi khởi binh đánh quân Ngô vào năm 248:

"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Bể Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì-thiếp người ta." Toàn là những từ-ngữ liên-hệ đến Nước, đến Biển.

Việt-ngữ cho ta một vài mấu chốt về nhiệm-vụ người lính thủy thời cổ.

Thông thường khi người dân đi tòng-quân diệt giặc, thay vì nói để "giữ đất", mọi người Việt-Nam thường nói rằng họ ra đi để "giữ nước". Khi một người lính hy-sinh vì Tổ-quốc, chúng ta cũng nói họ "chết vì nước".

Những người lính Việt đầu tiên của quân-ngũ có lẽ không mang nặng nhiệm-vụ bảo-vệ "diện-địa". Những quân-nhân này nằm lòng phần trọng-trách giữ an-ninh "đường thủy" nhiều hơn. Từ-ngữ "giữ nước" có thể đã ghi lại dấu vết rằng "các người lính đầu tiên phục-vụ dưới cờ nước ta là những người lính thủy".

Tóm tắt lại, với quan-niệm Hải-Quân là một tổ-chức quân-đội đầu tiên của Quốc-Gia, chúng tôi tin-tưởng rằng số tuổi của HQVN phải là 4 hay 5,000 năm. Hải-Quân Việt-Nam rất hữu-lý nếu chính-thức công-nhận niên-đại khi vua Hùng-Vương dựng nước là niên-đại đã khai-sinh ra quân-chủng.

Hải-Quân và Hải-Thương.

Lịch-sử nhân-loại cho ta biết rằng muốn cho ngành Hải-thương được thịnh-vượng, một dân-tộc cần khuếch-trương Hải-lực. Sự hùng-mạnh của các đế-quốc Tây-Ban-Nha, Anh-Cát-Lợi và gần đây, Hợp-chủng-quốc Hoa-Kỳ, là những thí-dụ điển-hình về sự liên-hệ giữa Hải-thương và Hải-Quân.

Việt-sử ghi-nhận những hoạt-động hải-thương sầm-uất nơi các hải-cảng như Hoa-Lư, Vân-Đồn, Phố-Hiến Hội-An... sau khi nước ta thâu-hồi được nền tự-chủ. Tuy các hoạt-động viễn-dương thương-mại vào thời các vua Hùng không được các sử-gia lúc trước đề-cập tới nhiều, nhưng ngày nay chúng ta có thể tìm đọc được nhiều chi-tiết liên-hệ ở các sách tiếng Anh và tiếng Trung-Hoa.

Các nhà khảo-cứu Âu-Mỹ ngày nay căn-cứ vào các sách sử Trung-Hoa, „n-Độ, La-Mã để tìm hiểu về thương-mại ở „n-Độ-Dương. Nhiều người tin-tưởng rằng dân Việt cổ là những nhà thương buôn gan dạ vượt biển xa xăm tới tận tới tận Ethiopia (Phi-Châu).

Pho sách có uy-tín nhất, nghiên-cứu về Hàng hải Á-Châu thời cổ, nhan-đề là "Science and Civilisation in China" do Joseph Needham soạn-thảo vói sự cộng-tác của Wang Ling và Lu Gwei-Djen, Volume 4 - Physics and Physical Technology - Part III: Civil Engineering and Nautics, (Cambridge at the University Press,1971, trang 443, 444) cho biết như vậy. Sách này cũng viết rằng: Dấu vết giao-thương của người Bách-Việt sang đến Đại-Hàn, lên tận Tây-bá-lợi-Á. Họ cũng đã thám-hiểm Thái-Bình-Dương, và có thể đã vượt biển sang Mỹ-Châu (trang 441 và các trang kế tiếp.)

Hình Hình thương-thuyền trong sách "The Quest of India" của Bjorn Landstrom (1964, Allen &Unwin, trang 56)

Wang Gungwu viết sách "Nanhai trade", (Kuala Lumpur, 1959) tả cảnh thương-thuyền qua lại trên biển Nam-Hải trước và sau công-nguyên rất tấp-nập. Dù bị nội-thuộc nước Tàu, người Việt vẫn nắm giữ tất cả hệ-thống thương-thuyền và các đường viễn-duyên đến các nước Đông-Nam-Á và „n-Độ, như đã từng nắm giữ trước kia.

Phải đợi đến thời Ngũ-Đại (907-960) và sơ-diệp nhà Tống (960-1279) những thương buôn mới, người Tàu (gốc) Việt (Chinese- Yủeh) bắt đầu xuất-hiện. Họ là người Việt bị Tàu -hoá hay người Tàu bị tiêm-nhiễm thói thích biển của người Việt bằng cách lập-nghiệp chung với họ. (Wang Gungwu: trang 115.)

Trong sách "Traditional Trade of Asia", (Oxford University Press, London, 1968, pp. 36-37.), C. G. F. Simkin viết rằng người Việt viễn-dương tới „n-Độ và Phi-Châu. Thương-cảng chính ở vùng Hải-phòng, Sử Tàu ghi rằng họ thiết-lập đường hải-thương, nhưng trên thực-tế, các sứ-bộ Trung-Hoa chỉ quá-giang trên các Tàu thuyền Nam-Man.

Theo Simkin, đến thế-kỷ thứ iV, Tàu thuyền với thủy-thủ-đoàn Trung-Hoa mới xuất-hiện.

Những tài-liệu có giá-trị tương-tự như vậy có rất nhiều. Chúng tôi tin-tưởng rằng thế-lực của HQVN trước công-nguyên có tầm vóc quốc-tế. Dựa trên thế-lực này mà ngành thương-thuyền phát-triển mạnh mẽ.

Thế lực đường biển của Lạc-Việt.

Nếu chỉ đọc sách vở giáo-khoa Việt-Nam trong trường học, chúng ta không nghĩ rằng địa-bàn của hàng-hải Lạc-Việt thời Hùng-Vương lại rộng rãi bao la. Sự thật những hoạt-động Tàu thuyền này không chỉ trong địa-phương nước ta mà tầm ảnh-hưởng của nó có tính-cách viễn-dương.

Trong sách "The Birth of Vietnam", xuất-bản bởi University of California Press, (California, 1983); Keith Weller Taylor dựa trên ý-kiến của nhiều học-giả khác như Chikamouri, Bezacier, Manuel, đã nói rằng: "Bỏ qua khía-cạnh kỹ-thuật, văn-minh Đông-Sơn ảnh-hưởng mạnh mẽ từ những tiếp-xúc hàng-hải. Các hình vẽ và trang-trí trên trống đồng Đông-Sơn luôn luôn tạo nên ý-tưởng về những biểu-tượng của nghệ-thuật hàng-hải. Các thuyền chở đầy thủy-thủ và chiến-sĩ bao quanh bởi hải-điểu và các loài hải-sinh khác minh-chứng một cách không thể lầm lẫn về tầm ảnh-hưởng của một thế-lực dựa trên căn-bản của biển cả."

Một chi-tiết tìm thấy trong Hậu-Hán-Thư của Phạm-Việt đáng kể là quan-trọng: "Dân Lạc-Việt có đúc thuyền bằng đồng". (Nguồn gốc Mã-Lai của Dân-tộc Việt-Nam, Bình-Nguyên-Lộc, Bách Bộc Sài-gòn, xuất-bản 1971, trang 423.) Thế-lực trên biển của Hạm-đội Tàu đồng không thể là nhỏ!

Ngoài Tàu đồng, dân Việt dùng cả tên đồng làm vũ-khí. Tại Cổ-Loa-thành, người ta đã đào được nhiều kho chứa hàng ngàn mũi tên bằng đồng vào năm 1957. Theo Sử-gia Phạm-Cao-Dương, quân-đội nhà Thục là một tổ-chức chuyên-nghiệp (Lịch-sử dân-tộc Việt-Nam, quyển 1, 1987, trang 51.) Khi bàn-luận về những cuộc tranh-đấu của dân Việt-Nam, D. R. SarDesai cho rằng với nhiều vũ-khí bằng sắt và bằng đồng được sử-dụng thời đó. Nhiều trận đánh lớn đã xảy ra. (Vietnam & The Struggle for National identity, Westview Press, Colorado, 1992, p. 10.)

Cũng qua những đoạn văn của ông Bình-Nguyên-Lộc, ta có thể hình-dung ra một "đế-quốc văn-hoá hàng-hải" của người Lạc-Việt trải dài từ Tây-Bá Lợi-Á, dọc bờ Á-Châu sang khắp hải-đảo Đông-Nam-Á, qua Nam-„n, xuống tận Mã-Đảo. Chứng-tích ông kể ra gồm có: trống đồng Đông-Sơn tượng-trưng quyền-hành lãnh-chúa, sự hiện-diện của cây Độc-huyền-cầm ở Nam-„n, truyện cổ-tích núi đá vôi Hoà-Bình ở Mã-Lai / Nam-Dương, cách vác nước bằng ống tre ở Mã-Đảo... (Nguồn gốc Mã-Lai của Dân-tộc Việt-Nam, các trang 348, 423-424, 757-758, 761...)

Một học-giả Pháp cũng có ý-nghĩ tương-tự về khả-năng hải-hành đi truyền-bá văn-hoá của Tổ-tiên ta. Bernard Philippe Groslier viết rằng:

"...dân-cư Đông-Dương đã đóng vai trò quan-trọng trong vùng Đông-Nam-Á. Cho dù Java có thể là nơi con người xuất-hiện trước hết, nhưng Đông-Dương luôn luôn là cái kho chứa nhân-lực mà từ đó gửi đi khai-hoá khắp vùng. (The Art of Indochina, Bernard Philippe Groslier, translated by George Lawrence, Crown Publishers, inc., New York, 1962, trang 39.)

Có hình-thức quân thủy nào trước thời Hùng-Vương?

Tới đây, chúng tôi xin thêm vài phụ-chú về các lực-lượng quân thủy trước thời Hùng-Vương.

Như đã nói ở trên, một số tiền-nhân Việt-Tộc từ những vùng đất ngoài Biển Đông đi vào xứ ta khi mực nước dâng lên trong thời Hậu Băng-giá. Có nhiều giả-thuyết cho rầng những thuyền-nhân Đông-Nam-Á thời Tiền-Sử đã họp thành những bộ-lạc hải-du.

David E. Sopher đã nghiên-cứu những sinh-hoạt đặc-thù Đông-Nam-Á này và trình-bày trong sách "The Sea Nomads: A Study Based on the Literature of the Maritime Boat People of Southeast Asia", (Printed by Lim Bian Han, Government Printer: Singapore, 1965.)

Ông Cl. Madrolle tin rằng người Việt xưa cũng thuộc các nhóm du-mục trên biển như vậy. Trong bài "Le Tonkin Ancien" (B.E.F.E.A. XXXVII) Ông đã phát-biểu ý-kiến là ở Phước-Kiến có một nhóm Việt-tộc làm nghề chài-lưới, hàng-hải đã dùng thuyền gỗ hay mảng tre có buồm, hàng năm theo gió mùa, nhân gió bấc phiêu-lưu theo dọc miền duyên-hải rồi ghé vào miền trung-châu sông Nhị, sông Mã (Việt-Nam.) Nhóm này cũng có phen xuống cả Nam-Dương, rồi lại nhân tiết gió nồm quay về căn-cứ. Một số đã ở lại sinh sống... (Việt-sử Toàn-thư, Phạm-Văn-Sơn, Sài-gòn, 1960, trang 29.)

Gốc rễ Chiêm-Thành.

Không như trường-hợp người Việt, người Chàm là dân di-cư đến sau. Dựa vào một số sách ..., giáo-sư Phan-Khoang viết về những ngày đàu của Chiêm-Thành như sau:

Tổ-tiên người Chàm từ các hải-đảo Mã-Lai, Nam-Dương tràn lên bờ biển Trung-Việt ngày nay từ nhiều thế-kỷ trước Tây-lịch kỷ-nguyên. — đãy, họ tiếp-xúc với thổ-dân là người Kiritas, thuộc giống Indonésiens; số người Kiritas không chịu họ chế-ngự thì dồn lên các miền núi Trường-Sơn, những người ấy sau này chúng ta gọi là Mọi. (Việt-Sử Xứ Đàng Trong 1558-1777, Sài-Gòn, 1967, trang 35.)

Căn-cứ trên những tài-liệu của Blust (The Austronesian Homeland, 57), của W. G. Solheim ('Pottery and the Malayo-Polynesians', Current Anthropology, 5 (1964), Peter Bellwood đưa ra giả-thuyết là nhờ đường giao-thương và trao-đổi văn-hoá ngang qua Biển Đông vào thiên-kỷ trước Công-nguyên, người Chàm theo đến định-cư ở vùng Sa-Huỳnh, Trung-Việt ngày nay (Sách "The Cambridge History of Southeast Asia", Vol. 1- From Early times to C 1800-, edited by Nicholas Tarling, Cambridge University Press, 1992, p. 130.) Dân Chiêm-Thành như vậy, rất có thể phát-triển từ các bộ-lạc Hải-Du vùng đảo Bornéo.

Vì khoa khảo-cổ tìm thấy nhiều nhiều dấu-tích Hoà-Bình/ Đông-Sơn tại khắp miền Trung-Việt, giả-thuyết này cho chúng tôi một ý-tưỏng mới về sử-học cần được chứng-minh: Công-trình Nam-Tiến của dân ta chỉ là sự trở về một phần đất cũ Lạc-Việt hay chăng?

Đế-quốc Srivijaya

Vì an-ninh sinh-mạng và tài-sản của mình, các bộ-lạc hải-du tổ-chức thành những lực-lượng quân thủy để tự bảo-vệ. Các sử-gia như 0. W. Wolters cho hay đế-quốc Srivijaya (tức nước Tam-Phật-Tề, có trước thế-kỷ thứ X, gồm một phần Indonesia và Malaysia ngày nay) đã xây-dựng hầu hết quân-lực trên những tổ-chức này ("Srivijaya has been described as a purely maritime kingdom with virtually no hinterland and as having relied on Malay sea nomads as the major source of its power." 0. W. Wolters, The Fall of Srivijaya in Malay History (ithaca: Cornell University Press, 1971), pp. 1-7.)

Tổ-chức quân thủy đầu tiên của nhân-loại.

Theo các nhà nhân-chủng học, tổ-tiên các dân-tộc Đông-Nam-Á đã xuất-hiện từ lâu. Những nền văn-minh Hoà-Bình/ Đông-Sơn tiêu-biểu cho sự tiến-bộ trong vùng, đứng riêng rẽ là một nền văn-minh nước tiền-tiến của nhân-loại. Không một khu-vực nào khác trên mặt địa-cầu có môi-trường thiên-nhiên như vậy.

Trước đây hơn 60,000 năm, người Đông-Nam-Á đã đủ khả năng và phương-tiện vượt biển để đưa các "thuyền-nhân" sang sinh sống tại Úc-Châu. (East of Wallace's line: issue and Problems in the Colonisation of the Australians, Jones, R., in The Human Revolution: Behavioural and Biological Perspectives on the Origins of Modern Humans, ed. P. Mellars and C. B. Stringer, Edinburgh University Press, 1989, pp. 743-782.)

Trong giai-đoạn sáu chục ngàn năm, tính từ các chuyén đi Úc của người Đông-Nam-Á đến khi Vua Hùng dựng nước Văn-Lang, chắc chắn đã có nhiều tổ-chức hay lực-lượng trên biển của dân ta được thành-lập. Những tổ-chức quân thủy này chắc chắn là những nhóm võ-trang đầu tiên của nhân-loại chiến đấu trên mặt nước.

Vũ Hữu San

Free Web Hosting