seagull1.gif (3748 bytes)   seagull1.gif (3748 bytes) NGỗNG TUYếT

seagull1.gif (3748 bytes)seagull1.gif (3748 bytes)           SầU ĐÔNG

 

Ra khỏi Thành phố Québec xe chạy dọc tỉnh lộ 132 về hướng đông, qua Levis ,và hướng về Montmagny.

Cô Hạnh buột miệng kêu:

-Cảnh đẹp quá.

Ông Châu, ngồi bên cạnh cô Hạnh, tiếp lời:

-Tỉnh Québec này chỗ nào cũng đẹp, nhất là vào cuối thu.

- Nhưng em chưa thấy chỗ nào đẹp như chỗ này.

Bà Lực ngoái đầu về phiá sau:

-Anh Châu là thổ công ở vùng này đây. Mỗi năm ngài đều đến viếng những nàng thiên nga của ngài một lần. Không đi thăm các nàng được ông ấy khổ sở lắm.

Chồng bà và ông Tuấn lái xe là bạn thân của ông Châu. Bà nhìn vợ chồng bà chị từ Pháp qua:

-Anh chị qua vào dịp này là may lắm. Năm ngoái anh chị Hồng cũng từ Pháp qua, đã căn ngày xem ngỗng từ trước, mà đến nơi thì ngỗng bay đi...hết rồi. Đúng là vô duyên quá.

Bà Định lên tiếng:

-Bên Tây nhiều người nghe tiếng bãi ngỗng nổi tiếng của tỉnh Québec , nhưng hiếm người đến được vùng này. Chắc vợ chồng tôi có duyên và cũng nhờ ăn hiền ở lành mà gặp được các bạn cô chú đây. Cảnh ở đây đẹp quá các cô chú nhỉ, quanh năm mà như thế này thì sướng quá.

- Phải đấy chị, nhưng nếu quanh năm mà khí hậu thế này thì Canada chẳng có chỗ cho dân mình đâu.

Cô Hạnh nhìn ra xa. Phong cảnh thật hữu tình. Con sông Saint-Laurence hiền lành trải một thảm nước loang loáng ánh màu trời dịu. Phiá bên trái tỉnh lộ 132 những cánh đồng cỏ mướt xanh lốm đốm một vài chú bò khoang, trắng đen, chậm rãi gậm cỏ.

Xa xa, trong một ngôi làng, một tháp nhà thờ vượt lên cao giữa những căn nhà xin xắn mà kiến trúc còn in đậm dấu ấn cuả những di dân gốc Pháp ở vùng này. Xa hơn nữa là những doi cát mịn, nằm ngoan ngoãn bên bờ nước. Đất nước thanh bình quá. Xứ sở bình yên quá. Cô thoáng nhớ đến khúc sông Nhà Bè rộng bao la cùng với bày le le rào rào trổi mình khỏi mặt sông cuồn cuộn đỏ ánh mặt trời. Lúc ấy cảnh cũng đẹp vô cùng, nhưng màu đỏ còn khá gắt của trời chiều, và ngồi trên chiếc thuyền đánh cá vượt biên sắp qua trạm kiểm soát của công an biên phòng, cô đã sợ một nỗi sợ thấp thỏm. Ngay lúc này, cô thấy một nỗi sung sướng vu vơ như cùng với làn gió mát rượi cuối thu trải nhẹ lên má cô. Cô liếc sang phiá ông Châu:

-Sao anh không đưa chị đi chơi cùng cho vui?

-Bà ấy ít khi ra khỏi nhà lắm. Bà xã tôi là người của thế kỷ thứ mười chín mà. Tôi đã nhiêù lần đưa bà ấy đến những nơi có phong cảnh đẹp nhưng lúc nào đầu bà ấy cũng ngổn ngang với nhà cửa, cơm nước, chợ búa, công ăn chuyện làm, con cái,...và cả bà láng giềng nữa!! Vả lại hôm nay bà ấy còn phải đưa cháu lớn qua thăm bà chị bà ấy ở Lachine.

-Nhìn kià! Mấy vị ơi! đẹp quá, phải không quí vị?

Ông Tuấn vừa lái xe, vừa hất đầu ra phiá trước. Ông là anh của cô Hạnh, và là bạn thân của ông Châu. Hai anh em ông được chánh phủ Canada bảo trợ sau khi họ vượt biên đến được Pulau Bidong vào năm 1986.

Sáu người còn lại trong xe đều reo lên. Họ đã vào Montmagny.

Từng bầy ngỗng trời xoải cánh nhịp nhàng theo những đội hình thật đẹp.

Bà Định nhìn chồng:

-Nhà mình ăn ở phước đức lắm mới có duyên gặp những người này và đến những nơi chốn như thế này. Năm ngoái, đi một chuyến Trung-Quốc cũng thích thú quá chừng mình nhỉ. Trung Quốc nhiều cảnh đẹp lắm.

Ông gắt yêu bà:

-Bà này! Mấy người ngồi trong xe này còn phước đức hơn mình nữa kià.

Ông Châu lên tiếng:

-Anh Tuấn chạy tới ngã tư đèn đỏ, quẹo trái, rồi cứ tiếp tục chạy thẳng. Lúc nào tới kè sông, mình kiếm chỗ đậu xe, rồi ở đó ngắm ngỗng, và cả ngắm người nữa. Các vị tin tôi đi: những người đi ngắm ngỗng trời mặt mũi cũng hiền lành, thánh thiện khác người, không giống mấy tay thợ săn đâu.

Cô Hạnh lại liếc nhìn ông. Cô mỉm cười vu vơ.

x

x x

Trên kè đá ,trước mặt sông, đã đông nghẹt người. Trong đầm nước ngay cạnh con đập nhỏ, và xa hơn một chút về phiá trái, ngay trên bãi cát ven sông, hàng đàn ngỗng trời trắng như tuyết, no tròn, tuần tự đáp xuống. Ngỗng bay rợp trời. Ngỗng tụ bầy dầy đặc trên nhiều cây số dọc bên sông. Màu trắng của ngỗng và màu xanh của trời trong cái dịu mát đầu tháng chín bắt ta nghĩ đến những câu chuyện thần tiên thời thơ ấu.

Ông Châu đứng lặng người nhìn từng bầy, rồi từng bầy. Có dễ đến cả nửa triệu con. Không năm nào mà ông không cất công đến vùng này. Hôm qua ông mới gọi hỏi bên du lịch của Québec, họ cho biết sẽ còn khoảng hơn trăm ngàn con nữa bay về trong tuần này. Ông nhìn theo một gia đình ngỗng đang từ từ cất cánh. Ông đếm đủ mười hai con. Chúng bay lên theo đội hình hàng dọc. Hai con đầu đã lên khỏi mặt nước, và những con kế tiếp đạp những cẳng chân vàng xinh xắn vỗ cánh bay theo. Chúng đang tập bay để có thể xoải cánh trên vài ngàn cây số nữa xuống vùng nắng ấm Mexique. Gia đình ngỗng này đẹp quá, quí phái quá. Những sải cánh nhịp nhàng, từ tốn, không vẻ chi là vội vã, lướt êm trên không. Từng bầy, rồi từng bầy. Có những con bay theo đội hình vòng cung. Có những con bay theo đội hình hình tam giác hở đáy.

Ông nhìn không chán mắt. Rồi lại một đợt cất cánh khác. Chúng cất mình lên như những chiếc thủy phi cơ nho nhỏ, thon tròn.

Ông Định chỉ tay xuống mặt sông phiá trước kè đá:

-Bà và các cô, chú nhìn kià. Có cả vịt trời nữa, nhưng không đẹp bằng ngỗng. À! Mà không biết ở thành phố này có chỗ nào bán món ăn ngỗng không nhỉ.

-Xấu hổ quá; ông nhà tôi có máu mê ăn uống, nhìn đâu cũng thấy ăn không hà.

Ông Châu hờ hững tiếp lời:

-Luật ở đây không cho bán thịt ngỗng trời, nhưng có những món ngỗng nhà ngon lắm. Để mình ngắm cho mãn nhãn cái đã rồi chạy xe tiếp vào thành phố kiếm cái ăn sau. Tôi biết một quán do vợ chồng một ông Tây già làm chủ. Họ đứng nấu luôn. Mấy món ngỗng nhà này nổi tiếng trong vùng.

Ông Lực kéo tay vợ, nháy mắt:

-Mấy con kia ít thì cũng phải năm kí. Đêm Giáng Sinh mà mình có một con thì đã biết mấy. Mà phải để riêng cho tôi cái phao câu.

-Ông thì lúc nào cũng phao câu. Ăn hàng ngày chưa chán sao.

Mọi người phá ra cười.

Ông Châu nhìn tiếp ra đầm nước phiá bên trái. Cơ man nào là ngỗng. Những con ngỗng tuyết (oie-de-neige) trắng như những nàng tiên trong mộng của ông. Chẳng phải chỉ mình Trang Tử mới nằm mơ hoá bướm. Ông đã có lần, trong một giấc mơ, mơ thấy mình bay giữa bầy ngỗng thiên di hiền hoà này. Trong mơ, ông đã hoá thân thành một ngỗng tuyết mỏ vàng, với hai đầu cánh điểm chút đốm đen duyên dáng, bay giữa những nàng ngỗng dịu dàng từ cực bắc Québec xuống vùng vịnh Mexique...

Ngoài xa , những chú ngỗng đang chúi mỏ xuống vùng cỏ lát ngập nước. Tiếng ngỗng kêu tạo thành một thứ âm thanh náo nhiệt, hoạt động mà vẫn an bình. Chúng gật gù những cái đầu chuyện vãn với nhau. Chúng không dành dật, ẩu đả. Tiếng chúng kêu không giống tiếng kêu vòi ăn của lũ hải âu hỗn hào, xấc xược. Và những chàng, những nàng ngỗng trời của ông cũng có những cặp mắt đẹp, nghiêm chỉnh, hiền lành không giống những cặp mắt láo liên của bày hải âu. Ông mỉm cười nhớ lại tựa đề một vài cuốn truyện, dịch nhiều năm trước đây ở Sàigòn có tựa là 'Hải Âu Phi Xứ', rồi 'Chàng Hải Âu Cô Đơn', và ông bắt tức

cười. Mấy chú hải âu là loại tạp ăn, thùng rác nào hễ có thức ăn thừa là chúng nhào tới. Nào có đẹp đẽ gì mấy anh chàng háu ăn này. Chúng dành ăn và xin ăn thấy mà ghét. Và nhất là cái thói ị bậy. Đang đi giữa bãi đậu xe cũng có thể lãnh đủ một cái 'phẹt' của chúng. Và những bãi rác nghễu nghện ở Laval, cả một rừng hải âu! Nhìn chúng riết đến xốn con mắt. Phải chi cái anh chàng dịch sách nào đó được đến chốn này. Và nhất là anh chàng tác giả những loại truyện ướt át kiểu cải lương ấy nữa!! Ông bất ngờ liên tưởng đến những lý thuyết gia đói ăn, vừa nghiêm trọng, vừa ồn ào của cái Viện Khoa Học Xã Hội ở cái xứ chậm tiến, nghèo đói và nhếch nhác bên nhà.

Bên cạnh ông, ông Tuấn đưa ống nhòm nhìn lên trời, ông nói với cô em:

-Hạnh nhìn kià , đám mây phiá xa là một bầy ngỗng đi ăn ở hướng tây bắt đầu trở lại. Ông chuyển ống nhòm cho cô em.

Cô Hằng vừa nhìn vừa xuýt xoa:

-Đẹp quá! Không nhờ anh Châu có lẽ em chết già ở Québec mà chưa biết ngỗng tuyết đẹp như thế nào. Mấy năm trước em ở Toronto, thỉnh thoảng đi một vài park dọc bờ hồ Ontario như Woodbine Beach , nhưng ngỗng lèo tèo vài con mà lại là loại ngỗng đen, dạn người, đi đứng khệnh khạng như bà lão, chẳng đẹp tí nào.

-Cám ơn cô.

Ông Châu vẫn mải mê nhìn từng đàn ngỗng bay lên, lượn xuống, từ tốn, nhịp nhàng.

Ông quay qua nói với vợ chồng ông Định:

-Anh Chị biết không. Cứ một cặp ngỗng bay lên vùng cực bắc Québec vào tháng tư thì khi về vào tháng chín, tháng mười lại có thêm cả chục ngỗng con.

-...!!

Cô Hạnh trả ống nhòm cho anh. Cô nhìn chung quanh. Tây đầm đông nghẹt. Có những cô đầm say sưa quan sát những đường bay của ngỗng. Một cặp tình nhân trẻ buông thõng ống nhòm, đang hôn nhau say đắm. Cô xoay qua hướng khác, rồi cô lại khẽ liếc nhìn về phiá ông Châu.

Cô vẫn thường ngạc nhiên về người bạn của anh mình. Thỉnh thoảng ông Tuấn vẫn rủ ông Châu đi uống cà phê, nhưng bao giờ cũng chỉ có mình ông Châu đi mà thôi. Ít khi ông đi chung với bà. Hồi ở Sàigòn, ông Châu chưa biết ông Tuấn. Mãi đến khi họ gặp nhau ở Montréal, nhận ra nhau là bạn học cùng trường trung học xưa, thì lần lần họ trở nên thân nhau. Ông Châu không hề hay biết là cô Hạnh đã biết ông khá rõ từ những ngày còn ở Sàigòn, trước 75, khi ông có một hãng xuất nhập cảng nhỏ chuyên xuất những hàng sơn mài qua Pháp. Gia đình cô ở ngay chung cư phiá trên cái văn phòng của ông ở đường Nguyễn Huệ. Buổi trưa cô thường thấy ông thong thả qua tiệm cơm trong con hẻm bên hông Brodard.

Hình ảnh mà cô còn nhớ về ông là hình ảnh một thanh niên chừng mực, đi đứng, ăn nói chậm rãi, và một khuôn mặt đàn ông Việt Nam trung bình, có phần nhẫn nhục, xa vắng. Chỉ có cặp mắt của ông cho thấy chút lửa đam mê, có nhuốm màu tinh nghịch của một cậu học trò tỉnh lẻ. Một đôi lần ngồi nói chuyện với ông cùng với ông anh, cô chợt nhận ra người bạn của anh cô là một cái thư viện nho nhỏ, mà cũng là một người đàn ông cực kỳ nhạy cảm và nồng nàn. Nhưng ông cũng là một người cô đơn, xa vắng.

 

Ngay lúc này, cô ngạc nhiên là cô đã có lúc bận tâm về ông. Cô vẫn tự nhủ là cô sẽ ở vậy như những bà già độc thân Bắc Mỹ. Cô đã trải qua một giai đoạn khó khăn những năm trên dưới ba chục tuổi khi cô còn ở VIệT-NAM. Cô đã chứng kiến nhiều điều đau lòng sau năm 75 tại quê nhà. Cô đã ra chợ trời, đã phải miễn cưỡng lăn lộn giữa giòng đời quay cuồng. Cô cũng đã chứng kiến nhiều chuyện đau lòng khác từ khi cô cùng người anh đến Canada.

Những năm đầu ở Canada, làm trong một xưởng may đầy thợ, cô không còn những xôn xao của thời thiếu nữ nữa. Cô cũng đã muốn quên thời kỳ đẹp đẽ ngắn ngủi, khi cô bắt đầu đặt chân đến trường Luật ở Sàigòn. Nhưng rồi 30 tháng tư ào tới. Và cô đã kẹt lại VIệT-NAM đến 11 năm trời. Bây giờ, cô chỉ biết một điều là phải đi cày để sống. Vậy thôi. Về đến nhà, đặt mình xuống giường, nhiều khi cô như vẫn còn nghe thấy tiếng máy may rào rào bên tai. Có lúc, cô nhớ tới tiếng thở dài rất nhẹ của mẹ cô những năm người còn sống: '' Tu là cõi phúc ''. Đã có lúc cô nghĩ đến chuyện nương vào một cảnh chùa nào đó. Nhưng rồi cô lại thôi. Sống độc thân như thế này cũng chẳng chết chóc gì.

Cô đã sửa soạn cho lúc về hưu. Vậy mà, thỉnh thoảng lòng cô lại gợn lên chút sóng. Cô đã gặp một vài người cùng trang lứa với cô một vài năm trước đây. Nhưng, những người cô gặp, kẻ thì xàm sỡ, người thì láu tôm láu cá, kẻ thì lù đù, người thì như một gã công tử bột già mà tâm hồn cạn cợt. Hình như những người đàn ông đàng hoàng, hiểu biết, và còn chút hồn thơ mộng đã biến khỏi thế gian này. Cô nhìn quanh chỉ thấy một lũ đàn ông nhếch nhác, phờ phạc, đi đứng, nói năng lờ quờ như kẻ vô hồn; thản hoặc, có kẻ mặt mũi coi được thì như một thứ lại cái, làm bộ, làm tịch, vuốt đầu, chuốt tai!! Có người, cũng bạn cũ của ông anh cô, qua đến đây may mắn lấy lại được cái bằng hành nghề, thì đến lúc có tiền, hắn như một thằng đĩ đực. Thế nên, cứ mỗi lần duyệt qua những khuôn mặt đàn ông cô biết, thì cô lại bắt nhớ đến ông.

Ông Lực đã có lần nói: '' Hắn là một gã cô đơn''. Và chính ông Châu, ông vẫn thường đùa: '' Thế kỷ này là thế kỷ của cả tỉ những anh đàn ông cô đơn. Và của cả tỉ những chị đàn bà đơn côi. Họ đi bên nhau. Họ ăn nằm với nhau. Nhưng chắc họ chẳng hiểu được nhau bao nhiêu. Họ bị nhịp sống cuốn phăng đi. Họ không còn đủ thời gian để mà tìm hiểu và thông cảm nhau nữa!!''

Riêng ông, ông là một người của đời sống ngăn nắp mà những mơ ước thời trai trẻ lúc nào cũng như những cơn bão muốn cuốn bứt ông đi!

Cô Hạnh năm nay đã ngoài 40, là em út của ông Tuấn. Cô có một nhan sắc trên trung bình. Gia đình cô chỉ còn ba anh chị em. Bà chị lớn có gia đình ở Pháp, có dâu, có rể . Còn cô và ông Tuấn đều còn sống độc thân, ở Canada.

x

x x

Ông Định đảo mắt một vòng quanh phòng ăn; ông nhìn những bức tranh vẽ cảnh trong vùng; ông cũng bắt gặp một hình in trên các-tông dày con gà trống Gaulois với cái mào đỏ chót đang gân cổ cất tiếng gáy. Trên cửa kiếng lớn nhìn ra phiá bờ sông là hình vẽ một bầy ngỗng, tiả thật kỹ từng cọng lông vũ trên mình. Góc bên mặt, phiá dưới cửa kiếng lớn, có cả chữ ký của họa sĩ .

Ông quay qua nói với ông Châu và ông Tuấn: '' Tiệm này nó trang trí đẹp đấy mấy chú; bên Tây, ở những thành phố nhỏ, khó kiếm được những tiệm ăn đẹp như thế này; vậy mà mình vào ăn tụi nó cưa mình ngọt lắm. — Montréal, tôi thấy ăn uống rẻ mà lại ngon. Tiếp đãi cũng lịch sự nữa, mà không quá kiểu cách như bọn Tây Paris.''

Ông Châu:

-Anh nhìn quầy rượu bên kia kià; anh thấy nó cũng nghiên cứu kỹ lắm đấy chứ. Đây là vùng du lịch mà. Tụi nó làm ăn, muốn lấy được tiền du khách nó cũng phải phục vụ đến nơi đến chốn. Kỹ nghệ du lịch, khách sạn, ăn uống ở tỉnh này thuộc vào hàng đầu thế giới đó anh.

Mấy người đàn ông quan sát một lần chót trước khi kéo ghế mời các bà vào ngồi. Phòng ăn sạch như li như lau.

Bảy người đã an toạ quanh một bàn chữ nhật dài nằm ở góc trong cùng phiá bên phải của phòng ăn. Cô Hạnh ngồi ở một đầu cuối của bàn, giữa ông Châu và ông Tuấn. Tiệm ăn thật lịch sự.

Bà Lực nhìn một loạt quanh bàn, bà hỏi:

-Các vị đã lựa được món nào chưa? Chị Định uống gì nào? Em thấy trên menu có nước suối Perrier, nước ngọt đủ loại, và cả nước cam, nước chanh vắt nữa? Còn mấy ông thì ở đây có bia, cũng đủ loại.

Bà Định nhìn cô em, rồi quay qua nhìn mấy ông:

-Nghe nói chú Châu là thổ công nơi này. Nhờ chú chọn món ăn dùm.

Ông Định:

-Phải đấy, chú Châu lựa dùm đi.

Ông Châu quay qua cô Hạnh:

-Năm ngoái cô cũng đi xem ngỗng một lần rồi, và cũng đã ăn ở đây rồi. Cô còn nhớ gì không nào? Thôi, nhường cho cô đấy. Cô này ăn uống tinh tường lắm. Cao lương mỹ vị Sàigòn xưa cô đã từng nếm rồi mà.

-Em thấy ở đây có đủ sơn hào, hải vị. Món xúp cá doré của nhà này năm ngoái em ăn thấy ngon lắm. Nếu không, cá bass chiên cũng tuyệt. Mà đều là cá của vùng này.

Ông Lực:

-Rồi, xong một món rồi. Còn món thứ hai.

Ông Tuấn cầm thực đơn lên đọc lớn:

-Có món ngỗng đút lò này.

Ông Định:

-Món này có phải chờ lâu không?

-Không đâu anh. Món này là ức ngỗng ướp gia vị riêng của vùng, phó mát rải lên trên , rồi bỏ lò. Em đã ăn một lần. Khá ngon.

 

-Thế là được hai món rồi đấy.

Ông Lực tiếp:

-Ngỗng mà không có pâté gan thì khác gì nhậu thịt cầy mà không có miếng dồi.

Ông Châu kêu cô bồi bàn, và ông vui ra mặt:

-Có pâté gan ngỗng. Thứ này ăn chơi với bánh mì có lý lắm.

Bà Định nói:

-Mình kêu thêm cái xà lát cho đủ bộ.

Bà Lực kêu bồi lại bàn, thêm bớt một hai món lạ, và kêu bia cho những người đàn ông.

Ông Châu nhìn ông Định:

-— Montréal có nhiều buffet tầu, rẻ, ăn no, món ăn tạm được mà chỉ tốn mười đồng trở lại vào ngày thường, tính cả thuế đó anh.

 

-Các chú ở Canada sướng quá, nhà cửa rộng rãi, đồ ăn thức uống ê hề, mà giá sinh hoạt lại phải chăng. Ngày xưa khi còn đi học, mình cứ tưởng là bọn Tây ngon lành lắm. Ra bên ngoài rồi mới thấy Tây chẳng ra cái thống chế gì. Bọn mình có thể đi khai thực cho Tây được đấy mấy cụ.

Ông cười hề hề, cầm cái bánh mì nhỏ bằng nắm tay, bẻ đôi, quẹt một ít bơ đưa lên miệng. Ông khen:

-Bánh mì này ngon. Hồi nãy tôi nói bọn Tây không ra cái thống chế gì thì cũng có phần bất công. Về ăn chơi thì bọn nó cũng là loại có hạng trên thế giới.

Ông Tuấn:

-Em cũng đồng ý với anh. Nhưng những mặt khác thì đoảng lắm, nhất là về kỹ nghệ, làm ăn buôn bán, tụi nó không sao bì được với bọn Anh-Mỹ.

Xúp cá đã được mang ra. Mọi người vừa ăn vừa khen ngon.

Cô Hạnh nhìn ông Châu:

-Bọn Tây ở Québec nó căm bọn gốc Anh lắm; nó bị chèn ép từ bao nhiêu đời rồi nên những năm gần đây nó mới bùng ra phong trào đòi ly khai. Em đã ở Toronto một thời gian, em thích tỉnh Québec này hơn, chỉ phải tội mùa đông ở vùng này gay gắt quá.

-Cô nói đúng. Nhưng mà Tây ở Québec nó cũng chẳng thua gì bọn Anh đâu. Nó là dân Bắc Mỹ nói tiếng Tây thôi. Cô thấy cái Caisse Populaire Desjardins, rồi đến Jean Coutu, Quebecor,...toàn là chủ Tây cả đấy. Tôi cũng thích vùng dân Tây này hơn vùng dân Anh. Dầu gì mấy thằng có máu la-tinh trong người nó cũng đằm thắm hơn bọn Anglo-Saxon. Cô thấy món ngỗng đút lò này ra sao?

-Ngon đấy anh. Nhưng nói thật em vẫn thích mấy món Việt Nam hay món ăn Tầu hơn. Anh có thấy vịt tìm hay vịt quay đậm đà hơn món này không?

-Khẩu vị mình giống nhau. Nhưng tôi không thích món ăn Tàu lắm.

Dầu mỡ nhiều, mà thứ nào cũng ướp đẫm bột ngọt.

Ông Lực nhìn hai người :

-Tôi mới đọc được một bài báo của một cô phóng viên người Mỹ về ngành ăn viết trên New York Times. Bà ta làm phóng sự điều tra về những nhà hàng Tàu vùng này, và bà ta nêu hai điểm nổi bật của những nhà hàng này là phục vụ kém và bột ngọt nêm vô tội vạ.

-Năm ngoái em về Việt-Nam chơi, ra Hà-Nội, ăn phở ở một quán gần bờ Hồ. Ông hàng phở vừa múc bột ngọt vào muỗng vừa hớn hở là chỉ khách đặc biệt mới được ưu đãi 'mì chính' như thế!!! Em hãi quá, bảo là không ăn được bột ngọt, ông ta mới để yên.

Ông Tuấn nhìn ông bà Định:

-Dân Hà-Nội chính cống như anh chị hình như đã biệt tích khỏi Hà-Nội từ lâu rồi, từ hồi 54 lận. Lúc này chỉ còn lại một lũ người quái đản lắm! Em sợ là rồi đây ở Âu-Mỹ này cũng vậy.

Thế hệ những người còn thừa hưởng được chút hơi hướng cái học Đông phương xưa, cũng như cái học phần hồn ít ỏi của Tây phương rồi sẽ qua đi. Còn lại là một lũ nửa dơi, nửa chuột, chỉ sống cái phần xác nhầy nhụa mà thôi!!

-Các vị kêu tráng miệng rồi mình ra ngắm một đợt nữa trước khi về Montréal chứ. Bà Định nhắc.

x

x x

Xe bon bon chạy về lại Montréal theo xa lộ 20. Ông Châu nhìn mọi người. Ai nấy đều vui vẻ. Ông cảm thấy nhẹ nhàng. Ông quay sang nhìn cô Hạnh. Nét mặt cô nhẹ nhõm, thanh thoát. Cô mỉm cười vu vơ, nhưng ông đâu có biết là cô đang nghĩ: '' thế giới này gồm cả tỉ người cô đơn'', như cô, khi về tới Montréal vậy. Xa xa một vài cặp ngỗng lẻ loi, đi ăn muộn, bay ngược hướng xe về lại Montmagny.

 

Sầu Đông

 

Free Web Hosting