VŨ-HỮU-SAN
&Thế-Giới của Nước |
|
Mối Lo Biển Đông Ô Nhiễm Vũ Hữu San Biển Đông đang Ô-Nhiễm Chủ-quyền của Việt-Nam trên Biển Đông bao gồm luôn Vịnh Bắc-Việt đã và đang bị mất dần về tay Trung-Quốc. Đây đúng là việc quan-trọng nhất hiện nay của Việt-Nam. Tuy nhiên dân-tộc ta cũng còn một vấn-đề cần-thiết về biển cả nữa phải lưu-tâm. Đó là tình-trạng “ô-nhiễm ngoài Biển Đông” đang suy-thoái, đe-dọa môi-sinh đồng-bào ta. Bài này trình-bày một cách khái-lược mối ưu-tư của cá-nhân chúng tôi về vấn-đề này.[1]
Môi trường toàn cầu. Các vấn đề môi trường toàn cầu, như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô-zôn, dâng cao mực nước biển, ô nhiễm xuyên biên giới, suy giảm chất lượng nước của các dòng sông lớn và các thảm rừng chung biên giới, hiện tượng mưa acid, hiện tượng El Nino... ngày càng ảnh hưởng xấu đến môi trường nước ta. Trong "Năm Quốc tế về Đại dương - 1998", Liên hiệp quốc đã đưa ra những chương trình hoạt động đặc biệt có chủ đề "Đại dương - Di sản chung của nhân loại" và kêu gọi các nước thành viên tích cực tham gia chương trình. Việt-Nam là một thành-viên hoạt-động của chương-trình này. Để theo dõi tình-trạng ô-nhiễm ngoài Biển Đông, chúng tôi thu-góp một số tài-liệu trong và ngoài nước để trình-bày cùng quý-vị dưới đây.
Nếu biển cả “chết” thì Nhân-loại cũng không tồn tại Càng ngày con người càng nhìn thấy rõ hơn về vai trò quan trọng của đại dương đối với sự sống trên trái đất. Liên hiệp quốc nhận định rằng cho tới hiện nay, các nhà cầm quyền cũng như công chúng vẫn chưa có ý thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và nguồn lợi thiên nhiên biển hầu bảo đảm sự trong lành cho các đại dương. Các tác động xấu của con người ảnh-hưởng tới nguồn lợi và môi trường biển hay đại dương vẫn thường xuyên diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Vai trò quan trọng của đại dương cũng đã được thừa nhận trong Hội nghị Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc ở Ri-ô đê Gia-nây-rô năm 1992. Tới nay quyết định của Liên hiệp quốc lấy "Năm 1998 là Năm Quốc-tế về Đại-dương" thể hiện sự quan tâm đối với đại dương như một di sản chung của nhân loại. Vì nếu biển cả “chết” thì cũng sẽ không có sự tồn tại của chính tất cả chúng ta. Mục tiêu chủ yếu của "Năm Quốc tế về Đại dương - 1998" là làm sao cho các chính phủ và công chúng có nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vai trò quan trọng của đại dương. Đó là nguồn tài nguyên và môi trường sống đáp ứng yêu cầu phát triển lâu bền của xã hội loài người trong tương lai. Nhân-loại cần có ý thức trách nhiệm cùng nhau bảo vệ các nguồn sống đó. Đây là cơ hội đặc biệt thuận lợi để các quốc gia và cộng đồng thế giới nói chung, hiểu biết đánh giá được tình trạng hiện nay của đại dương để có được những biện pháp thích hợp, hữu hiệu, bảo đảm sự tồn tại và phát triển di sản này của nhân loại. Trong số 131 nước tham gia, có Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình Biển và Ven bờ của WWF (Quỹ Quốc Tế về bảo vệ thiên nhiên World Wildlife Fund - WWF) trong nhiều năm nay kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới dành một phần diện tích biển và ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn cá cũng như môi trường sống của chúng, với chỉ tiêu là đến năm 2020, sẽ có ít nhất 10% tổng diện tích biển của thế giới được bảo vệ. Năm nay, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2004 thật-sự là một lời cảnh-báo hết sức mạnh mẽ. Đó là "Chúng ta muốn biển và đại dương sống hay chết?". Ngày Môi trường hàng năm được Liên hợp quốc sử dụng như một trong những hành động quan trọng nhằm khơi dậy nhận thức về môi trường và tăng cường sự quan tâm cũng như các hành động bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Trong cộng-đồng quốc-tế, quê-hương Việt-Nam chúng ta may mắn được thiên-nhiên ưu-đãi, nhưng nếu lạm-dụng thì cũng chịu chung một số phận sống chết cùng nhân-loại.
Việt-Nam may mắn hơn rất nhiều quốc-gia khác vì nằm dưới chân những rặng núi cao, đất đồng-bằng hướng ra phía biển. Biển Đông giúp dân ta có nơi chỗ thông-thoáng, hít thở. Nhìn tổng-quát, người ta thấy Biển Đông hoạt-động như một cái máy chống ô-nhiễm thần-diệu giúp con người sống mạnh khoẻ. Mối lo trong tương-lai cận kề, khi các nước duyên-hải tiến lên thời-đại kỹ-nghệ. Biển Đông sẽ bị ảnh-hưởng ô-nhiễm: nước sẽ không còn trong sạch, không-khí sẽ lẫn hơi độc và bầu trời rồi cũng u-ám. Nếu dân Đông-Nam-Á không bảo nhau cùng thi-hành chung những biện-pháp ngăn-ngừa đối-phó, thì tình-trạng sinh sống sẽ rất tồi-tệ.
Nước sạch sẽ Nhờ tiếp-giáp với hai khu-vực đại-đương rộng lớn xa các nơi kỹ-nghệ phát-triển tột cùng là Bắc-Mỹ và Âu-Châu, nước biển Thái-bình-Dương và Ấn-Độ-Dương vốn tinh-khiết sẽ giúp Biển Đông rửa sạch ô-nhiễm. Các đại-hải-lưu trên hai đại-dương luân-chuyển quanh năm là máy lọc mẹ trợ giúp máy lọc con là Biển Đông. Thiên-nhiên đặc-biệt là bà mẹ tốt, quét dọn sạch sẽ cái nhà Việt-Nam, làm bầu trời xanh xứ ta đẹp hơn các xứ khác trên phương-diện này. - Các hải-lưu Đông-Hải về mùa Đông mang nước sạch từ Thái-bình-Dương chảy vào, đẩy một số nước ô-nhiễm qua Ấn-độ-Dương. Thường thường, vận-tốc nguồn nước này rất mạnh, giữ cho nước biển khu-vực Trung-phần Việt-Nam luôn sạch sẽ. - Vào mùa hè khi dòng nước chảy ngược lại, nước sạch từ Ấn-Độ-Dương lại chảy vào, đẩy một số nước cũ ô-nhiễm ra phía Nhật-Bản.
Gió trong lành. Khí-hậu vùng biển từ lâu đã được biết là tốt hơn khí hậu đất liền, không khí ngoài biển có tác-dụng rất tốt cho cơ-thể của sinh-vật. Không-khí chuyển-động tạo thành gió. Sự di-chuyển của gió cũng có tác-dụng làm trong sạch không-khí tương-tự như hải-lưu làm trong sạch nước biển. Trên Biển Đông, gió mùa Đông-Bắc và Tây-Nam luân-phiên thổi qua thổi lại quanh năm, khối không-khí mới thay-thế khối không-khí cũ. Lâu lâu một trận giông bão, đại-phong xảy ra cuốn trôi hết mọi vẩn đục tác-hại còn sót lại trong không khí ra vùng Bắc Thái-Bình-Dương. Thường thường giông bão gây nhiều tai-ương khủng khiếp, nhưng giông bão cũng tiếp-cứu cho các lá phổi mọi loài sinh-vật Việt-Nam được hít thở tự-do hơn. Sau giông bão, khí trời lại trở nên trong trẻo như xưa!
Khái quát về Biển, Bờ và Đảo Vùng biển Việt Nam trải dài 15 vĩ độ theo hướng Bắc - Nam, có đường bờ dài khoảng 3260 km, gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trong vùng biển đặc quyền kinh tế diện tích gấp vài lần đất liền. Toàn bộ vùng biển đều nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Địa-hình bờ biển nước ta rất phức tạp. Có vào khoảng 250 con sông lớn nhỏ chảy ra biển. Dọc bờ biển, cứ hơn 10km lại có một cửa sông. Nhiều đầm phá vũng vịnh nhỏ nằm cạnh biển. Có vào khoảng 3.000 hòn đảo nằm ở biển và đới bờ Việt Nam, tổng diện tích gần 1.600km2. Các đảo này phân bố không đều. Gần 2.500 đảo nằm ở cùng vùng Quảng Ninh - Hải Phòng, trong đó có các đảo tương đối lớn như Cái Bầu (194 km 2), Cát Bà (150 km2) và Trà Bản (74 km2). Miền trung Việt Nam (Quảng Nam, Đà Nẵng) là nơi có cả các đảo gần bờ và các đảo ở ngoài khơi, và phía tây nam Việt Nam (Kiên Giang và Cà Mau) có rất nhiều đảo, trong đó có đảo lớn nhất Việt Nam là đảo Phú Quốc. Nhìn chung, các đảo đều có đặc điểm là nhiều đồi núi. Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, độ cao các đảo không quá 350 m.
Hải-Sinh-Vật Việt Nam là một trong 16 nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nếu chỉ kể vùng biển nông, đã có khoảng 11,000 loài; 537 loài thực vật phù du, 657 loài động vật phù du, 600 loài rong biển, 6,377 loài động vật đáy cỡ lớn (có 2,523 loài thân mềm, 1,647 loài giáp xác, 714 loài ruột khoang, 743 loài giun đốt, 384 loài đa gai và nhiều nhóm khác...), 2,038 loài cá (trong đó có gần 500 loài cá san hô ven bờ), 21 loài bò sát, 12 loài có vú, nhiều loài chim (trong đó có khoảng 200 loài chim trú đông di cư theo mùa). Phần lớn các đảo của Việt Nam đều có tinh-chất biệt lập. Các loài sinh-vật trên đảo thường nhậy cảm, rất dễ bị tuyệt chủng. Đánh cá bằng chất nổ đã trở nên phổ biến trong nhiều năm. Nguy hại hơn, các loại xiết điện và chất độc gây mê cá cũng đã bắt đầu được nhập khẩu từ Hồng Kông, Đài Loan...Tai hại thay, có những nơi khai thác quá mức đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài theo vùng. Theo WWF, rùa biển hiện nay đã biến mất khỏi bờ biển Việt Nam và chỉ còn ở Côn Đảo và Trường Sa. Các loài hiếm như dugong (loài bò nước ăn cỏ biển) đang đứng trên bờ vực của tuyệt chủng, có thể chỉ còn 10-15 con ở Côn Đảo. Đồi mồi đã trở nên rất hiếm trong thiên nhiên. Theo WWF, rạn san hô khoảng 300 loài quý giá của Việt Nam cũng đang thu hẹp nhanh chóng do chịu ảnh hưởng của du lịch.[2]
Sinh-thái đặc-biệt vùng biển nhiệt-đới Biển Đông là biển nhiệt-đới. Biển mang những nét điển hình như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển... ở vùng biển nông ven bờ suốt từ Bắc tới Nam và ven các đảo ngoài xa. Có khoảng 40,000 ha rạn san hô ven bờ (không kể các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), 250,000 ha rừng ngập mặn, 100,000 ha đầm phá và vịnh kín và 290,000 ha bãi triều lầy. Đây là môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật biển: bãi đẻ, nơi ương ấp ấu trùng, nơi cung cấp nguồn giống để duy trì sự phát triển tự nhiên của nguồn lợi hải sản biển Việt Nam. Nhiều nhà Sinh-học cho rằng rạn san-hô và rừng tràm nhiệt-đới là kết hợp tạo nên vùng trú-ẩn của nhiều loài sinh-vật. Tại Việt-Nam rừng tràm Việt Nam có giá trị đa dạng sinh học hết sức quý giá với các loài tràm cừ, tràm gió, nắn ống... và trăn rắn, heo rừng, khỉ vượn cùng 36 loài chim khác nhau trong đó có sếu cổ trụi đầu đỏ (red necked crane). Vậy mà do sự bùng nổ dân số và tác động của con người, hiện nay muốn tìm được một vùng có vài ngàn mẫu tây rừng tràm thật rất khó. Cây tràm đang bị khai thác kiệt quệ. Vượn sống nhiều ở Thốt Nốt (Cần Thơ), có lúc đã tới hàng chục ngàn con nhưng đang giảm sút nghiêm trọng vì vùng kiếm ăn thu hẹp. Lượng cò chết do ăn phải thuốc sâu, mắc lưỡi câu bị săn bắn có ngày lên tới hàng trăm con. Riêng đàn sếu đầu đỏ tại khu Tràm Chim. Đồng Tháp nếu như năm 1988 còn có 1,052 con về thì năm 1996 chỉ còn 631 và năm 1998 nay chỉ còn 490 con.[3]
Biển Đông, nguồn dinh-dưỡng quan-trọng Việt-Nam là xứ chuyên về nông-nghiệp, nhưng yếu kém trong ngành chăn-nuôi. Ngũ-cốc là thực-phẩm căn-bản nuôi sống dân ta suốt mấy ngàn năm. Người nghèo lấy cơm làm chính. Nguồn dinh-dưỡng này không có nhiều chất đạm proteine nên nạn suy dinh-dưỡng thường xảy ra. Muốn cho cơ-thể được phát-triển đầy đủ, thân-thể cao lớn khoẻ-mạnh, đồ ăn phải đầy-đủ mọi loại thực-phẩm. Ngành chăn-nuôi xứ ta không đủ cung-ứng nhu-cầu thịt cho dân-chúng. Chất đạm hiếm quý ở xứ ta đến từ cá biển. Nguồn lợi hải sản của Biển Đông rất quan trọng. Khoảng 1/2 lượng đạm cho quốc gia do biển cung cấp. Ước tính trữ lượng cá biển Việt Nam có khoảng 2.7 triệu tấn. Sản lượng khai thác năm 1995 khoảng 1,344,000 tấn, trong đó đánh bắt là 829,860 tấn, nuôi trồng là 415,280 tấn (theo Bộ Thuỷ sản). Sản lượng khai thác tôm hàng năm khoảng 40-50 ngàn tấn/năm, sản lượng khai thác nhóm thân mềm vào khoảng 200-300 ngàn tấn /năm. Nguồn ngoại tệ thu được cho nền kinh tế quốc gia từ xuất khẩu hải sản là to lớn, đứng thứ 2 sau ngành dầu khí, cao hơn cả gạo. Biển và vùng bờ biển Việt Nam còn cho một tiềm năng to lớn về du lịch. Vịnh Hạ Long - Cát Bà, thành phố Nha Trang, Vũng Tàu...đang thu hút khách du lịch từ bốn phương.[4]
Những thách thức cho nguồn lợi biển Việt-Nam Theo Phó Giáo-Sư Nguyễn Tác An[5], Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang: Hiện nay, nguồn lợi biển đang phải chịu hai thách thức to lớn. Đối với toàn cầu, đó là thách thức do sự thay đổi của khí hậu. Sự thay đổi của khí hậu có tác động đến nguồn lợi tài nguyên biển. Đối với Việt Nam là nước đang phát triển, có những khó khăn về mặt kinh tế, về chính sách thì thách thức ấy lại càng nhân lên gấp nhiều lần. Tiềm lực để giải quyết tai biến thiên nhiên, tiềm lực để đầu tư bảo vệ môi trường biển, tiềm lực để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ biển ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, các khó khăn không phải là ít. Trong đề tài "Giải pháp nâng cao chất lượng môi trường biển từ Bắc đến Nam". Hiện nay, Ông An đang nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng môi trường, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng như san hô, tảo biển. Theo Ông, môi trường biển nói chung và môi trường biển ở Việt Nam vẫn còn "đạt yêu cầu", chưa bị ô nhiễm nhiều lắm. Tuy vậy việc quản lý biển địa phương đang gặp những khó khăn, như ô nhiễm hữu cơ do nuôi trồng hải sản, tai nạn về tràn dầu, ô nhiễm rác thải do hoạt động du lịch, do hoạt động dân cư... Những ô nhiễm như vậy làm chất lượng nước giảm sút, hàm lượng vi sinh nhiều (có những nơi còn nhiều hơn mức cho phép đến vài trăm lần), hàm lượng ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, ô nhiễm kim loại nặng do sử dụng hóa chất để khai thác vàng... Hệ sinh thái bị hủy hoại rất lớn, nuôi tôm thì phá rừng ngập mặn, đi du lịch thì phá hết quần đảo san hô, phá hoại rừng ven biển do quá trình phát trình phát triển kinh tế...
Bài viết này không nói tới chuyện xa như tại-hại cuối-cùng của ô-nhiễm làm nhân-loại suy-thoái rồi biến mất trên địa-cầu. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn chuyên gần kề về những hậu-quả đang nhìn thấy về ô-nhiễm biển ở Việt-Nam hiện nay: 1- Cạn kiệt các nguồn tôm giống và các đàn cá gần bờ 2- Mất tính đa dạng sinh học do ô nhiễm biển và phá huỷ môi trường sống/nơi cư trú, như rừng ngập mặn v.v. 3- Phá huỷ san hô vì việc sử dụng thuốc nổ và lấy san hô bừa bãi: 4- Acid hoá đất do phát quang rừng (trên các vùng đất phèn), phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; 5- Ô nhiễm biển do dầu bởi vận tải biển, các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi và sự cố tràn dầu; 6- Ô nhiễm do nước thải từ cống rãnh, sử dụng hoá chất nông nghiệp và ngành công nghiệp không được kiểm-soát. Thêm vào đó, các thiên tai như bão, lũ và xâm nhập mặn có tác động lớn tới môi trường biển và đới bờ. Các hoạt động của thiên tai có thể trầm trọng thêm bởi những hoạt động của con người.[6]
Sự suy-giảm nguồn lợi hải-sản ven bờ Bên cạnh những lợi ích thu được từ việc khai thác, sử dụng nguồn lợi biển, các hoạt động của con người đã gây ra rất nhiều tác động đối với tài nguyên và môi trường biển, đặc biệt đới bờ biển. Tại đây, chúng ta đang phải đương đầu với những vấn đề về sự suy thoái của nguồn lợi tự nhiên và môi trường. Sau đây Nguyễn-Chu-Hồi nêu ra một số tác động chính như sau: - Khai thác quá mức và không hợp lý: Theo thống kê của Bộ Thuỷ sản, nhiều năm gần đây sản lượng khai thác cá biển hàng năm ở nước ta có tăng nhưng điều đáng chú ý là năng suất đánh bắt một số nghề bị giảm sút, nhất là các loại nghề hoạt động ven bờ độ sâu dưới 30 m nước trở vào. Sản lượng khai thác các loại hải sản chưa đến tuổi trưởng thành chiếm khá cao, đặc biệt đối với một số loài tôm cá, nhuyễn thể có giá trị xuất khẩu. Một số loài sinh vật quý hiếm như dugong, rùa biển cũng bị khai thác làm thực phẩm. Việc buôn bán các hàng mỹ nghệ từ hải sản phát triển ở các trung tâm du lịch (Hạ Long, Nha Trang, Cà Ná...) là nguyên nhân dẫn đến làm cạn kiệt một số loài san hô cảnh, trai ốc, tôm hùm và đồi mồi. Việc buôn bán cá cảnh biển phát triển mạnh ở Nha Trang, Vũng Tàu, Sài-Gòn... kéo theo việc đánh bắt quá mức cá trên các rạn san hô miền Trung... Nhìn trung sự khai thác quá mức và không hợp lý ở vùng biển ven bờ đang là mối đe doạ lớn cho nhiều loài sinh vật biển, đó cũng là nguyên nhân làm mất cân bằng tự nhiên của các quần xã sinh vật biển ven bờ. - Đánh cá huỷ diệt: Việc sử dụng các loại nghề, công cụ đánh bắt cá tôm có tính huỷ diệt hoặc ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi quần đàn còn đang phổ biến ở nhiều nơi như dùng chất nổ, xung điện, chất độc, các nghề te, xiệp, đăng đáy...phát triển quá mức ở vùng ven bờ cửa sông. - Phá huỷ nơi cư trú: Phá rừng ngập mặn bừa bãi để nuôi tôm với tốc độ 2,3%năm, phá huỷ các rạn san hô, các thảm cỏ biển, các vùng triều lầy... - Ô nhiễm môi trường nước do chất thải của tàu thuyền, chất thải công nghiệp, dầu khí, thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong nông nghiệp... cũng là nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi hải sản ven bờ.[7]
Nguồn lợi đang cạn kiệt Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam - No.187 [2004-11-11]: Sự phát triển của kinh tế trong những năm vừa qua đã khiến cho môi trường biển của Việt Nam bị biến đổi, với chiều hướng xấu cho sự tồn tại và tăng trưởng của các loài hải sản: các chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông được đưa ra biển ngày càng nhiều[8], gây nguy cơ thiếu ôxy trên diện rộng; vùng nước ven bờ bị ô nhiễm dầu, kẽm; trầm tích đáy biển ven bờ - nơi cư trú của nhiều loài thủy hải sản - bị ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép... Đặc biệt, theo những khảo sát gần đây, trong vùng biển ven bờ đã phát hiện được 8 - 16 loài vi tảo biển gây hại tiềm năng, khiến cho nhiều chủ ngư trại tôm và cá mú trắng tay vì dịch bệnh từ thủy triều đỏ[9]... Ô nhiễm môi trường đã làm cho các hệ sinh thái bị suy thoái nghiêm trọng. Chẳng hạn đối với rạn san hô - đóng vai trò như "rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển" - nhưng lại đang bị khai thác quá mức bằng các phương tiện mang tính hủy diệt để đánh bắt hải sản sống trong rạn (đánh giá cho thấy 80% rạn san hô biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó có 50% ở tình trạng rủi ro cao).Môi trường biển thay đổi, các nơi cư trú tự nhiên của nhiều loài bị phá huỷ như vậy đã gây ra tổn thất lớn về đa dạng sinh học biển và vùng bờ: số lượng loài giảm, một số loài bị tiệt diệt..., dẫn tới giảm năng suất khai thác tự nhiên ở vùng biển. Trước đây, mỗi 1 héc ta rừng ngập mặn có thể cho khai thác từ 700 - 1.000 kg thủy sản, nhưng hiện nay, con số này chỉ còn bằng 1/20; nhiều loài thường gặp trong rừng ngập mặn đã không còn hoặc với số lượng rất ít. Hiện có khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau, trong đó nhiều loài vẫn đang là đối tượng bị tập trung khai thác và trên 70 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản đang có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (các loài cá có giá trị kinh tế bị suy giảm sản lượng, năng suất đánh bắt giảm 2 - 6 lần); một số đặc sản có nguy cơ suy kiệt cao như bào ngư, tu hài, vẹm xanh... Trong khi đó, áp lực của nghề đánh bắt lại không hề giảm: trong 10 năm trở lại đây, sản lượng cá khai thác đã tăng 6 - 7%/năm và khoảng 80% sản lượng cá biển được đánh bắt từ vùng biển ven bờ (đến độ sâu 50 mét nước); nhiều phương thức khai thác mang tính hủy diệt như dùng chất độc, chất nổ, xung điện, lưới có kích thước mắt quá nhỏ... vẫn xảy ra, khiến cho nguồn lợi hải sản càng bị đe doạ nghiêm trọng.[10]
Tiếng Chuông Báo-động? Việc phá rừng và nạn sa mạc hoá liên-hệ với nhau. Việc phá rừng có thể cũng gây ra hiện tượng EI Nino và hiện-tượng nhà kính (Green-house Effect). Chu kỳ thiên-tai tiếp-diễn theo chu-kỳ: sau hạn hán lại đến lụt lội. Cho dù chưa thể khẳng định đâu là nguyên nhân chính cho sự mát cân bằng thiên-nhiên, nhưng tiếng chuông báo-động sa-mạc hoá đã đến với Việt-Nam. Hiện nay cả nước có hơn 12 triệu ha đất trống, đồi trọc và diện tích đất có xu hướng bị sa mạc hoá, đá ong hoá... ngày càng gia tăng. Độ phì nhiêu của nhiều vùng lãnh thổ đang có nguy cơ thoái hoá do xói mòn, rửa trôi, chua mặn hoá, đồng thời đất nông nghiệp đang thu hẹp trông thấy. Theo nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Trọng Hiếu, trên một số khu vực chính ở Trung bộ xuất hiện nguy cơ bị xa mạc hoá lớn: khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đang bị mặn hoá, khô hạn và xói mòn nghiêm trọng, khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã chớm bị hoang mạc hoá ở sông sau lũ, khô hạn, đá ong hoá và xói mòn trên vùng núi: Phú Yên, Khánh Hoà bị xói mòn và đá ong trong khi Bình Thuận, Ninh Thuận ở vùng ven biển xuất hiện cả sa mạc hoá, muối hoá và mặn hoá. Đây là khu vực có xu thế sa mạc hoá lớn nhất trong cả nước.[11]
Các nguồn ô-nhiễm chính Theo Hứa Chiến Thắng, các nguồn ô-nhiễm chính tác-hại Biển Đông[12] gồm có: 1- Tràn dầu ra biển Khoảng 200 triệu tấn dầu được vận chuyển hàng năm qua các vùng biển ngoài khơi Việt Nam từ Trung Đông tới Nhật Bản và Triều Tiên. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đang tăng lên hàng năm. Biển Đông đã trở thành một trong các địa điểm thăm dò và khai thác dầu khí nhộn nhịp nhất. Các vùng có các hoạt động dầu khí là vùng biển Việt Nam, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và Quần đảo Trường Sa. Các hoạt động thông thường kèm theo việc khai thác và vận chuyển dầu gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do dầu. Ví dụ các tầu trở dầu làm thoát ra biển tới 0,7% tải trọng của chúng trong quá trình vận chuyển thông thường. Sóng biển và gió đều có chiều hướng đưa lượng dầu thoát ra tấp vào bờ biển Việt Nam. Các vụ rò rỉ và tràn dầu đã được cục môi trường thống kê bằng tài liệu kể từ năm 1989. Vụ nghiêm trọng nhất cho tới nay xảy ra hồi tháng 10 năm 1994. Tàu chở dầu của Singapore đã đâm vào cầu tầu ở cảng Cát Lái trên sông Sài Gòn làm tràn ra hơn 1,700 tấn dầu gasoil. Vùng bị ảnh hưởng bao gồm khu cảng và hơn 30,000 ha ruộng lúa, trại cá và trại vịt. Hơn 1,000 đơn khiếu nại được nông dân địa phương đệ trình. Kết quả là tàu chở dầu này bị giữ lại cảng. Cuối cùng, phía chủ tàu đã phải bồi thường thiệt hại về môi trường là 4,2 triệu USD, chưa kể đến sự giúp đỡ của Singapore cho thành phố Sài-Gòn để đào tạo cán bộ về môi trường. Các vụ tràn dầu xẩy ra vì nhiều nguyên nhân, trong đó có gia tăng mật độ đi lại, thiếu sự kiểm soát giao thông và các biện pháp an toàn không phù hợp trên một số tầu chở dầu. Các vụ tràn dầu cũng có thể xảy ra do việc vệ sinh tầu chở dầu bằng nước biển. Thêm vào đó, còn có lượng dầu tràn nhất định xẩy ra trong quá trình khai thác và chế biến dầu tại các dàn khoan và cơ sở ven biển. 2- Ô-nhiễm công-nghiệp Công cuộc công nghiệp hoá được gắn với tình trạng ô nhiễm gia tăng. Ô nhiễm do kim loại nặng thải ra từ các ngành công nghiệp là một mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ nhân dân và sự an toàn của hệ sinh thái. Việt Nam là nước có nền kinh tế nông nghiệp nhưng hoạt động công nghiệp đem lại 20% GDP. Nhịp độ phát triển công nghiệp nhanh, đạt trên 10%. Sự phát triển trong hoạt động công nghiệp đang vượt sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các ngành công nghiệp đều đổ trực tiếp chất thải chưa được xử lý vào môi trường. Kim loại nặng và độc tố là các thành phần đặc trưng của các chất thải công nghiệp. Theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường, hàm lượng Đồng, Chì, Cátmi và Côban ở các vùng nước ven biển gần các thị trấn và trung tâm công nghiệp lớn nhiều hơn so với mức tự nhiên của chúng trong nước biển. Đặc biệt, Đồng và Kẽm được coi là hàm lượng cao không thể chấp nhận được, và Thuỷ Ngân, mặc dù chưa đạt tới "mức ô nhiễm", nhưng đã đạt tới mức cho phép. Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi GNP vào năm 2000 và quá trình công nghiệp hoá có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển kinh tế. Quá trình công nghiệp hoá dự kiến sẽ được tập trung ở các vùng thành thị, trong đó có các trung tâm đô thị ven biển lớn của Việt Nam. Các ngành công nghiệp của Việt Nam đều đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển và hiện không có đủ các phương tiện cần thiết để giảm và loại trừ các tác động môi trường do các hoạt động của mình gây ra. Đây là một nguy cơ gây ô nhiễm tiềm tàng, đe doạ hệ sinh thái vùng ven bờ và biển. 3- Đổ/xả chất thải xuống sông Sông là nguồn vận chuyển chủ yếu các chất gây ô nhiễm đổ vào biển và đới bờ. Chất thải không được xử lý đang được đổ xuống sông của Việt Nam. Kim loại và nhiều loại thuốc trừ sâu (như DDT) tích luỹ sinh học trong cá và các động vật khác. Tình trạng này có hại sức khoẻ của các động vật này và có thể gây tử vong. Con người khi sử dụng chúng làm thức ăn sẽ chịu ảnh hưởng của sự tích luỹ sinh học này và có nguy cơ gặp rủi ro nguy hại đến sức khoẻ. Hàm lượng dầu cao ở các cửa sông có thể gây thiệt hại nặng nề các nguồn tài nguyên biển và cửa sông như cá, tôm, cua, v.v.... Nước cống rãnh không được xử lý và các chất gây ô nhiễm từ công nghiệp và nông nghiệp đang đổ vào các sông của Việt Nam. Các con sông này đổ ra biển, làm ô nhiễm môi trường biển và đới bờ.[13] 4- Nước thải đô thị Công cuộc đô thị hoá nhanh chóng, cơ sở hạ tầng quản lý nước thải yếu kém và tình trạng xả nước thải chưa được xử lý trực tiếp xuống sông và biển đang làm suy thoái chất lượng nước ở các cửa sông, đặc biệt ở vùng ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Đà Nẵng, Vũng Tàu. Phần lớn nước thải đô thị được thải xuống rãnh hoặc cống lộ thiên, từ đó chảy vào các kênh rồi ra hồ ao, sông hoặc biển. Các bể phốt có chất lượng kém và thường không được tu sửa, dẫn tới việc nước thải chưa được xử lý thải ra môi trường trong các đợt mưa bão. Hệ thống thoát nước khi có bão nói chung không đủ và không phù hợp, gây nước tràn trong các cơn bão, nước cống và rác rưởi lan rộng và đe doạ sức khoẻ của nhân dân. ở những nơi bị ảnh hưởng của thuỷ triều, nước có thể chảy trở lại, giao động hai lần trong một ngày. Vấn đề xử lý nước thải chưa là một ưu tiên so với vấn đề cung cấp nước sạch cho dân cư ở đô thị. Vì vậy, cho tới nay, các cố gắng đều tập trung vào việc cung cấp nước, chứ không phải xử lý nước thải. Tình trạng ô nhiễm biển (trong nước biển và trầm tích đáy) đang gia tăng, là những yếu tố ảnh hưởng xấu trực tiếp đến đa dạng sinh học biển. [14]
Tràn Dầu Nguy-hiểm, Ô-nhiễm từ Sông đổ ra Biển Bích-Hà kể về những tai-nạn tràn dầu lớn trong những năm gần đây như sau: Ngày 3-10-1994, tàu chở dầu Neptune Aries của Singapore chở 21,000 tấn dầu cặn diesel oil (DO) đã đâm vào cầu cảng Sài Gòn Petro tại Cát Lái (Thủ Đức) làm tràn 1.864,7 tấn gồm DO, xăng, condensat, dầu lửa, gas. Đây là vụ tai nạn tàu lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay làm ô nhiễm nặng khoảng 300 km 2 vùng rừng ngập mặn - khu vực hệ sinh thái nhạy cảm của TPHCM. Đáng tiếc là hoạt động ứng phó đã không giải quyết được gì ngoài 200 tấn dầu do chính nhân dân điạ phương vớt. Ông Nguyễn Anh Dĩu, Trưởng phòng bảo vệ môi trường của Vietsovpetro kể lại rằng tàu cứu hộ của Vietsovpetro được báo tin nhưng do trời tối và không quen luồng nên không qua được cửa sông của biển vào vùng tại nạn. Từ năm 1989 đến nay có khoảng hơn 10 vụ tràn dầu do tai nạn tàu. Các vụ tai nạn này đều đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu. Tàu trở dầu Transco 01 (Hải Phòng) đâm vào tàu container Uni Humannity (Đài Loan) ở ngã ba Tắc Rối; ngày 8-5-94 làm tràn khoảng 130 tấn dầu FO, gây ô nhiễm khoảng 200km2. Vụ tràn dầu trên sông Cần Giờ ngày 8-5-1994 do tàu container đâm vào tàu chở dầu làm tràn 130 tấn dầu FO, gây ô nhiễm hơn 40km2 mặt nước. Vụ tràn dầu trên sông Cái Bè ngày 15-2-1995 làm ô nhiễm sông với hơn 10,000 lít dầu diesel không được thu hồi. Vụ tràn dầu 2 ở Cát Lái ngày 27-1-1996 do tầu chở dầu Gemini (Singapore) đâm vào cầu cảng Sài Gòn Petro làm tràn 72 tấn dầu diesel... Theo ước tính, lượng dầu tràn gây ô nhiễm biển ở nước ta năm 1992 là 7,380 tấn, năm 1995 là 10,020 tấn và với mức độ gia tăng của vận tải và khai thác dầu khí như hiện nay, đến năm 2000 sẽ lên đến 17,650 tấn, trong đó tràn dầu do sự cố hàng hải và tàu dầu chiếm hơn một nửa. Nguồn ô nhiễm tuy không gây ồn ào nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn chính là nguồn ô nhiễm từ đất liền. Việt Nam có khoảng 250 con sông lớn nhỏ. Dọc bờ biển, cứ 15 đến 20km lại có một cửa sông. Do mật độ sông quá cao như vậy nên bất kỳ lượng dầu hay sản phẩm dầu nào được thải ra môi trường đều có thể dễ dàng thâm nhập vào môi trường nước và trôi tới các vùng nước ven bờ. Trong tổng số 10,020 tấn dầu gây ô nhiễm biển vào năm 1995, lượng dầu ô nhiễm từ đất liền chiếm khoảng 5,300 tấn. Tỷ-lệ này đáng ngại, 53 phần trăm ![15]
Tràn dầu ngoài Biển Đông Hứa Chiến Thắng cho rằng trong quá trình vận chuyển thông thường các tầu trở dầu làm thoát ra biển tới 0,7% tải trọng của chúng. Biển Đông là khu-vực tàu dầu đi lại tấp nập. Với lư-lượng trung-bình thường-niên 200 triệu tấn, lượng dầu thoát ra gây ô-nhiễm cho bờ biển nước ta không phải là nhỏ. Dầu cũng thoát ra từ khu-vực dàn khoan. Bích-Hà dã cung-cấp tài-liệu các tai-nạn như sau: Hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí ở nước ta từ năm 1986 đến nay tuy chưa gây nên những tai-nạn tràn dầu ở mức hiểm hoạ nhưng cũng đã có 7 vụ tràn và rò rỉ dầu. Ngày 10-1-1996, tại lô 04-1, nhà thầu British đã để khoảng 80m3dầu diesel tràn ra biển, hoạt động ứng cứu không hiệu quả, toàn bộ dầu loang không được thu gom. Ngày 8-2-1995, tại mỏ Đại Hùng, 15,37m3 dầu thô bị tràn ra biển do đứt ống dẫn từ tàu chở dầu tới phao nổi, không có hoạt động ứng cứu và không tổ chức đánh giá thiệt hại môi trường. Trước đó, ngày 26-9-1992, tại mỏ Bạch Hổ, khoảng 700 tấn dầu thô bị tràn ra biển, 60 giờ sau mới có hoạt động ứng cứu, kết quả là không vớt được một chút dầu nào... Nguyễn-Tuấn cho những con số tổng-kết như sau: Lượng dầu thải ra biển đã lên tới 41 ngàn tấn/năm trong đó 81,7% là từ các thuyền hàng hải quốc tế, từ đất liền 12,8%, từ các giàn khoan 2,95% từ các tai-nạn tràn dầu 1,22% và từ tàu thuyền và hải cảng trong nước 1,07%. Nước biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ đã bị ô nhiễm dầu, sắt, kẽm, chất hữu cơ.
Nước, Gió và nạn Dầu loang Khi dàn khoan hoạt-động, các tàu chuyên chở dầu đi lại nhiều hơn và những ống dẫn dầu khí vào bờ khởi-sự; đây cũng là lúc người ta nghĩ đến những tai-nạn dầu loang và sự hiểu-biết về hải-lưu càng cần-thiết hơn. Các kế-hoạch phòng-tai bao gồm nhiều giả-thuyết kèm các biện-pháp ứng-phó. Nước trôi ra sao cùng gió thổi thế nào cần được tính-toán sẵn sàng. Vị-trí nước Việt-nam nằm dưới gió Biển Đông. Gần như quanh năm, gió thổi về phía bờ biển nước ta. Nếu có tai-nạn tràn dầu, sự tác-hại trên môi-sinh Việt-Nam sẽ rất lớn. Các phỏng-định sau đây đặt ra với giả-thuyết vài triệu gallons dầu thô, vì tai-nạn hay lầm-lỗi kỹ-thuật lúc khai-thác hay chuyên-chở, bị thất-thoát ra ngoài biển. Chừng 24% số dầu đó sẽ bay hơi hay tan-biến sau 2 ngày, 42% sau 5 ngày, 45% sau 8 ngày. Bách-phân tiêu-tán này đạt đến tối-đa là 48% qua 14 ngày. Sau đó thời-tiết không còn ảnh-hưởng bao nhiêu và số dầu còn lại sẽ nằm vật vờ trôi nổi trên mặt biển. Phải qua rất nhiều thời-gian để dầu loang tự nó phân-hóa qua những phản-ứng thoái-hóa sinh-học (Biological Degradation), oxide hóa quang-năng (photo-oxidation) mà từ từ tan-biến. Khi dầu thoát ra, vì nhẹ nên nổi và nước gió làm dầu trôi đi trên mặt biển. Phần nặng hay chất cặn bã của dầu thường không độc-hại bằng phần lỏng của nó. Chim chóc, cua cá, cây cối... tiếp-xúc với dầu hay nằm trong lớp dầu bao-phủ sẽ bị chết hại rất nhiều. Nếu không được làm sạch sẽ đúng cách, tình-trạng môi-sinh trong vùng bị dầu loang chỉ trở lại bình-thường sau nhiều năm hay nhiều chục năm. Chúng ta hãy xem vài giả-thuyết dầu loang dọc duyên-hải Việt-Nam theo tài-liệu của sách Atlas for Marine Policy in Southeast Asia (University of California Press, 1983): - Dầu loang ngoài khơi Vũng-Tàu (9o 40' N, 108 o E.) Nếu tai-nạn dầu loang xảy ra vào ngày 1 tháng 7 khi mùa gió Tây-Nam đang thổi mạnh, dầu loang sẽ trôi theo hướng Đông-Bắc một khoảng 600km (372hl) sau 29 ngày. Chỉ trong vòng 14 ngày, dầu loang sẽ tràn tới vùng Cam-Ranh. Nếu tai-nạn trên xảy ra vào ngày 1 tháng 12, trong mùa gió Đông-Bắc; dầu loang sẽ trôi theo hướng Tây-Nam một khoảng 400km (248hl) sau thời-gian 14 - 17 ngày. - Dầu loang ngoài khơi Tây-Nam Hải-Nam (23oN, 109o E.) Bờ biển Hải-Nam sẽ bị ô-nhiễm nếu dầu thất-thoát trong mùa gió Tây-Nam vào những tháng 5, 6, 7 và 8. Nếu tai-nạn trên xảy ra vào lúc giao mùa hay giữa mùa gió Đông-Bắc, dầu loang sẽ trôi về phía bờ biển Việt-Nam: tháng 8, vào Bắc-phần và các tháng 9, 10, 11, 12, 1, 2, 3 vào vùng Bắc Trung-phần. Trong tương-lai nếu Trung-Cộng khởi sự đào dầu tại Hoàng-Sa, cơ-nguy bờ biển Trung-phần Việt-Nam bị nạn dầu loang tràn ngập rất trầm-trọng, nhất là về mùa gió Đông-Bắc. Hải-lưu vùng này mạnh, đôi khi vượt 30hl một ngày. Dầu loang có thể tràn đến khu Cù-Lao Ré, Quảng-Ngãi trong vòng 10 ngày và đến Quy-Nhơn chừng 2 tuần-lễ.
Mất biển trong Vịnh Bắc Việt Thêm một khu-vực lớn hơn 11,000km2 của Vịnh Bắc Việt đã bị đặt dưới quyền sở-hữu của Trung-Quốc trong những năm qua, sớm hay muộn sẽ gây nguy-hại cho dân ta cả về an-ninh lẫn môi-sinh biển. Trung-Quốc đã khởi-sự khai-thác dầu khí trong Vịnh Bắc Việt, ngay cả nơi vừa mới chiếm. Duyên-hải chúng ta thường-xuyên nằm phía dưới của chiều gió và dòng nước biển, nên khi có “tai-nạn” thất-thoát dầu từ dàn khoan hay tàu chuyên-chở Trung-Quốc là Việt-Nam đương-nhiên trở thành nạn-nhân.
So-sánh đường phân-định hải-phận Pháp-Hoa ký-kết năm 1887, đường phân-định mới này đã bị đẩy xa hơn về hướng Tây. Nơi xa nhất tới 54 hải-lý, như tại các điếm 16-17. Đặc-biệt duyên-hải các tỉnh Thanh-Hoá, Nghệ-An, Hà-Tĩnh có nơi chỉ cách đường biên mới chừng 56 hải-lý. Trường-hợp dầu tràn ra từ điểm 17, với vận-tốc 1-2 gút, chỉ cần một vài ngày là dầu sẽ lan tới ngay bờ biển Việt-Nam. Mới chỉ mất đi 11,000km2 trong Vịnh Bắc Việt, đất nước ta đã có lo-lắng như vậy. Mai này nếu Chính-quyền Hà Nội không tranh-đấu được hải-phân Biển Đông[16] đúng như Luật Biển Liên hiệp quốc, nguy-cơ đó còn gia-tăng gấp bội vì vùng tranh chấp rộng lớn bội-phần, tới nửa triệu km2.
Những tác-hại lên sinh-vật Tài-liệu sau đây trích ra từ các bài viết: Oil Spills, Greenpeace USA, National Geographic. Diễn-tiến tác-hại dầu tràn trên môi-sinh như sau: - Với dây truyền thức ăn : Dầu làm nhiễm độc phiêu-sinh-vật plankton. Cá nhỏ ăn phiêu-sinh-vật, cá lớn ăn cá nhỏ. Hải-cẩu, cá voi, cá heo, chim và người ăn cá. Tất cả trúng độc. - Với các loài hải-sinh-vật có vú: Dầu dính vào bộ lông các loài có vú, làm mất đặc-tính cách nhiệt. Khi thân-nhiệt bị mất, con thú chết. Cá voi và cá heo ngạt thở, bị chết khi dầu làm nghẹt đường khí-quản. Dầu làm gan và thận của rái cá và hải-cẩu trúng độc, chúng thường chết. Hơi từ dầu bốc hơi cũng gây nạn ngộp thở.[17] - Với các loài chim. Chim ngộ độc vì cố rỉa lông khi bộ lông của chúng dính dầu. Thường chúng chết sau vài giờ. Khi bộ lông đã bị dính dầu, thân chim không giữ thân-nhiệt. Chỉ cần chừng 1-inch trên thân chim hở ra trong vùng khí-hậu lạnh là chim chết. Nếu dính nhiều dầu, vì quá nặng, chim không bay được và cũng có thể không bơi nổi mà bị chìm. Cho đến một giọt dầu nhỏ cũng có thể làm chim không còn đẻ trứng được. - Với cá. Dầu làm cá trúng độc rất nhanh khi dầu được hút qua mang cá hay khi cá ăn phải thức ăn dính dầu. Dầu phá-hủy trứng cá hay nhẹ hơn, làm thành cá "quái-thai". - Trên bãi biển. Khi dầu tràn vào bờ biển, nếu không được làm sạch sẽ, dầu sẽ thấm vào đất và cả vùng bờ "chết" và không còn là nơi sinh sống của bất cứ loài vật nào.[18]
Môi-sinh ở Hoàng Sa Việt-Nam có hai quần-đảo lớn ngoài khơi là Hoàng-Sa và Trường-Sa. Ảnh-hưởng tình-trạng môi-sinh của chúng có ảnh-hưởng đến đất liền Việt-Nam. Về vị-trí, Hoàng-Sa sát với Việt-Nam, đảo gần nhất chỉ cách Cù-Lao Ré có 121 hải-Lý. Gió mùa Đông-Bắc và hải-lưu mạnh tới 2 gút đều theo hướng từ Hoàng-Sa đi về Trung-phần Việt-Nam. Ảnh-hưởng ô-nhiễm, nếu có sẽ tác-độ trực-tiếp lên đất ta, nhiều lần mạnh mẽ hơn trường-hợp ô-nhiễm đến từ Trường-Sa. Hoàng-Sa đã bị Trung-Cộng chiếm-đóng trọn-vẹn vào năm 1974. Tháng 4 năm 1998, tờ Minh-Báo ở Hương-Cảng loan tin Bắc-Kinh dự-tính xây một Trung-tâm Du-lịch trên một hòn đảo của Hoàng-Sa. Khi cho loan tin này ra ngoài, Bắc-Kinh nhắm vào việc tuyên-truyền. Cho đến nay, Website Du-lịch quốc-tế vẫn bỏ trống vùng Trăng Khuyết có đảo Hoàng-Sa. Một khi muốn kéo khách du-lịch, Trung-Cộng phải cải-tiến môi-sinh cả vùng biển này. Có lẽ vì gặp trở-ngại về tài-chính, dự-tính đó chưa thành-hình. Hoàng-Sa cũng như Trường-Sa và các phần lãnh-thổ đang tranh-chấp khác, nằm trong chương-trình thương-thảo Việt-Hoa. Theo đúng lẽ, cả hai bên đều cần tự-chế, không nên có những hành-động khiến cho tình-hình phức-tạp thêm như vậy.
Việc Nghiên-cứu Môi-sinh ỏ Trường-Sa Có tới sáu nước đang tranh-chấp chủ-quyền biển vùng Trường-Sa: Việt-nam, Trung-Hoa, Đài-Loan, Phi-luật-Tân, Brunei và Mã-lai-Á. Việt-Nam kiểm-soát một phần mà thôi.[19] Cũng như Hoàng-Sa, Trường Sa là quần đảo san hô. Việc nghiên cứu sẽ cung-cấp những hiểu biết đầy đủ hơn về bản chất của loại hệ sinh thái đặc thù này, đánh giá tiềm năng đa dạng sinh học và giá trị kinh tế, sinh thái học của chúng. Viện Nghiên cứu Biển tại Nha trang đã thực hiện các cuộc nghiên cứu vật lý, địa lý, địa mạo, hoá nước, thực vật, rong biển, sinh vật phù du sinh vật đáy, khu vệ cá và trứng cá, cá con, hệ sinh thái san hô, rùa biển, chim biển... Viện đã tìm thấy 112 loài sinh vật mới ở Trường Sa bổ xung vào danh mục khu hệ động vật Việt Nam. Theo tài-liệu của Viện Hải-sản, chương trình nghiên cứu khoa học đã có thêm những tài liệu về khối lượng động vật phù du là thức ăn của cá và 40 loài rong biển. Lần đầu tiên thiết bị lặn được sử dụng để nghiên cứu thành phần loại và cấu trúc rạn san hô tới độ sâu 50 m, công bố 108 loài san hô cứng, 13 loài san hô sừng, nghiên cứu hệ sinh thái rau san hô và thành phần cá của tác giả Phan Vinh, Nguyễn Huy Yết, Nguyễn Hữu Phụng...Sơ bộ nghiên cứu hệ động vật thân mềm của hai tác giả Trần Đình Nam và Tạ Minh Đường, hệ động vật da gai, sinh vật đáy vùng triều của tác giả Đào Tấn Hổ. Hệ sinh thái rạn san hô là động lực duy nhất để duy trì và bảo vệ sự phát triển bền vững đối với "đảo nổi" Hoàng-Sa Trường Sa. Các nghiên-cứu đã phát hiện ra 300 loài san hô rạn. Hình thái rạn thuộc kiểu rạn cơ bản là rạn viền bờ ven các đảo nổi và rạn vòng. Về cấu trúc, các rạn san hô ven các đảo nổi đều có năm đới tiêu biểu: đới la gun ven đảo, đới mặt bằng, đới mào rạn, đới sườn dốc và đới chân rạn. Mỗi đới có đặc trưng riêng về thành phần loại, quần xã, độ phủ san hô sống...Tuy mới khảo sát được một số đảo vùng biển Trường Sa, nhưng các tác giả đã tìm được 414 loài cá, trong đó 94% là cá sống trong các rạn san hô. Đáng giá nhất về kinh tế và khoa học đặc sắc là 35% loài cá mới phát hiện lần đầu tiên ở bờ biển Việt Nam. Tuy vậy, Viện Hải-sản cho biết công việc khảo sát rong biển, động vật đáy, san hô và rạn san hô còn sơ lược, thành phần loài, phân bổ, sinh thái học và cấu trúc quần xã sinh vật sống ở rạn san hô...còn bỏ trống. Cá và nguồn lợi hải sản chưa có số liệu xác đáng. Đó là chưa nói các yếu tố về vật lý, địa lý địa mạo, hoá học biển chưa được nghiên cứu.[20]
Nguồn lợi về sinh vật biển và ven biển đang bị suy giảm Đa dạng
sinh học biển và ven biển, ước tính lợi nhuận ròng là 39 triệu USD/ năm. Khảo sát 22 trong tổng số 29 tỉnh ven biển cho thấy số lượng loài bị biến mất ở địa phương ngày một tăng lên. Nguyên nhân bao trùm là do sự khai thác bừa bãi của các hộ ven biển vì mục đích sinh nhai. Cộng đồng ngư dân không còn áp dụng các phương thức khai thác truyền thống mà đa số (21/29 tỉnh) sử dụng phương thức đánh bắt có tính chất hủy diệt. Trong khi đó, các cơ quan có chức năng giám sát và thi hành luật lại rất thiếu thốn về nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị và các quyền hạn cần thiết để xử lý vi phạm.
Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam Mới đây, Bộ Thuỷ Sản đã xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2010, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm nay. Bản quy hoạch đề xuất 15 khu bảo tồn biển dọc theo chiều dài đất nước, với mục tiêu khoảng 2% diện tích vůng biển nước ta được bảo tồn vào năm 2010. Hệ thống các khu bảo tồn này được phân làm 3 loại theo tiêu chí của IUCN, gồm: Vườn quốc gia (biển), Khu bảo tồn loài và nơi cư trú, và Khu dự trữ tài nguyên thuỷ sinh vật. Tồn tại song song với hệ thống này là các khu bảo tồn được phân loại theo những hệ thống khác như Khu bảo tồn đất ngập nước (điểm RAMSAR, Xuân Thuỷ), Khu dự trữ sinh quyển (Cát Tiên)... Danh sách các điểm được đề xuất thành khu bảo tồn biển: - Đảo Trần, - Đảo Cô Tô (Quảng Ninh) - Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) - Nam Yết (Khánh Hoà) - Đảo Phú Quý (Bình Thuận) Cho đến lúc này, vì thiếu ngân-khoản, sự thành lập các “khu bảo tồn biển” rất chậm-trễ. Với sự trợ giúp của Chính phủ Đan Mạch, khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại Hòn Mun (Khánh Hòa) vào năm 2000. Bốn năm sau, khu bảo tồn thứ hai trong mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam chỉ vừa mới được thiết lập tại vùng biển Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam)[22].
Các Khu Bảo-tồn Biển của Việt Nam Theo Nguyễn Tuấn, hiện nay với sự trợ giúp quốc-tế, 7 khu bảo tồn biển của VN đã được ưu tiên bảo vệ là Cát Bà (Hải phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Mun (Nha Trang), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), An Thới (Kiên Giang) và Sơn Trà (Đà Nẵng). Tuy nhiên, Cục kiểm lâm lại cho biết đa số các khu bảo tồn trên lại đặt việc bảo tồn rừng là chính-yếu. Cũng theo Cục này, Việt-Nam cần phải tăng thêm các khu bảo tồn khác ngay lập tức vì diện tích vùng biển được quy hoạch trong hai vườn quốc gia Cát Bà. Côn Đảo và khu bảo tồn Sơn Trà mới chỉ là 13 ngàn hecta. Số-lượng này quá nhỏ bé so với tiềm năng biển Việt Nam. Theo ông Davis Hulse, Đại diện của Quỹ Quốc Tế về bảo vệ thiên nhiên World Wildlife Fund (WWF), WWF tại Việt Nam rừng nhiệt đới của cả nước đang bị đốt phá 10 vạn hec-ta mỗi năm và các khu rừng ven biển là nơi trú ngụ cho các loài linh trưởng cũng đang bị thu hẹp một cách nhanh chóng. Điều đáng nói là những khu đất ngập nước nay lại là những điểm dừng chân quan trọng dọc theo đường bay Đông Á của các loài chim di cư, trong đó gồm ít nhất 15 loài đang bị đe doạ tuyệt chủng trên toàn cầu. Ngoài ra, sự tấn công vào các hệ sinh thái ven biển đã ở mức báo động.
Nghiên cứu biển mà không có người đi biển, cũng không có cả tàu ra biển Nói ra chuyện này chắc mọi người đều… cười và cũng đau sót. Chúng tôi xin ghi vài mẩu chuyên của vị viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, PGS TS Nguyễn Tác An:
…Chúng
tôi (lời Ông An) cũng xác định nghiên cứu biển là phải nghiên cứu ở ngoài biển,
tuy nhiên nghiên cứu về biển rất tốn kém… Mặc dù chúng tôi rất mong muốn vươn ra
biển để nghiên cứu nhưng công cụ, trang thiết bị để nghiên cứu hầu như rất
thiếu. Thậm chí đến nay, chúng tôi vẫn không có nổi một con tàu nghiên cứu để ra
đại dương! Cách đây 80 năm, trong điều kiện suy thoái kinh tế sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp vẫn bỏ tiền ra xây dựng Viện Hải dương học ở Nha Trang. Bởi vì họ xác định Viện Hải dương học là một đơn vị khoa học sẽ góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua khai thác biển. Họ hy vọng phát triển về kinh tế biển sẽ là một nguồn lợi giúp khôi phục về mặt kinh tế. Ngày nay, Viện Hải dương học Nha Trang của chúng ta trông vẫn rất bề thế; nhưng… cần phải có tàu đi biển …rất tiếc là hiện nay chúng ta vẫn chưa có một tàu nghiên cứu nào. Gần đây, cán bộ Viện có dịp ra đại dương để nghiên cứu cũng chỉ được đi tàu thông qua một chương trình hợp tác do... chính phủ Đức trả tiền thuê tàu. Chúng tôi không đòi hỏi phải có... tàu ngầm hay tàu lớn, nhưng để có sự nghiên cứu về biển thì Việt Nam dứt khoát phải tự chủ, có tàu riêng để ra khơi nghiên cứu Hải dương học. Không nhất thiết tàu ấy phải thuộc Viện, vì cách tổ chức, quản lý tàu có thể theo dạng công ty để khai thác hợp lý.[23]
Giải-toả Nỗi Lo Chỉ trong vòng 6 năm từ 1992-1998, người Việt Nam đã phát hiện thêm 4 trong số 10 loài thú lớn được phát hiện trên thế giới trong thế kỷ này là sao la, mang lớn, mang Pủ Hoạt, mang Trường Sơn. Điều đó chứng tỏ đất nước ta có nhiều giá trị đa dạng sinh học quý mà chưa được phát hiện hết. Thế nhưng cũng tại Việt Nam đã có 356 loài động vật và 356 loài thực vật trong danh sách Đỏ vì có nguy cơ tiệt chủng do săn bắn và phá rừng, huỷ hoại sinh cảnh. Ở đất liền, một số cơ nguy về suy-thoái có thể nhìn thấy được dễ dàng. Người Việt-Nam cũng đã ý-thức một phần cơ nguy đó. Người dân nhiều nơi thuộc câu ca dao truyền đời: "Phá rừng như thể phá nhà. Đốt rừng như thể đốt da thịt mình." Ngoài Biển Đông, mối lo đáng kể hơn nhiều về phần tâm-lý. Qua nhiều thế-hệ, người Việt sống với Biển Đông, nhìn ra Biển Đông như một hình-thức bao la, vĩnh-cửu, thiêng-liêng... không lấy gì mà so-sánh cho được. Bernard Philippe Groslier nhận-xét rằng biển cả thật sâu đậm trong lòng dân Việt: "Biển cả trải dài, vượt cả ra ngoài chân trời và tầm hiểu biết của con người, gợi ra cái ấn-tượng về nguồn gốc của muôn loài, cả đến một thế-giới trước khi khai-thiên lập-địa và cũng là nơi quê-hương cho người chết trở về"[24]. Vậy thì làm sao Biển lại bị ô-nhiễm cho được. Nói chung, ý-thức trách-nhiệm bảo vệ Biển là những gì rất mới lạ. Phải cần một thời gian làm quen học hỏi, tình trạng này mới khá hơn được.
Biện-pháp Đề-nghị Chắc chắn đã có nhiều bản đề-nghị cải-tiến bảo-vệ Môi-Sinh Biển. Giới hữu-trách cần đánh giá và lập kế-hoạch thi-hành. Cá-nhân người viết không phải là chuyên-viên trong lãnh-vực, cũng xin đưa ra góp ý những biện-pháp như sau: - Cần-thiết phải có một chiến lược tổng thể lâu dài bảo-vệ Môi-Sinh Biển [25] - Tăng-cường nhân-lực cho cơ-quan trung-ương. Hiện nay Cục Môi-trường chỉ có 9 phòng với 74 cán-bộ. Dân-số Việt-Nam gần 80 triệu người, tỷ-lệ chuyên-viên là 1 cán bộ cho 1,000,000 người. - Thành-lập thêm cơ-quan nghiên-cứu và cơ-sở địa-phương để đáp-ứng nhu-cầu bảo-vệ môi-trường tại chỗ. - Tuyển-mộ và huấn-luyện chuyên-gia về chống ô-nhiễm biển. - Cấp-thiết thành-lập các khu-vực bảo-tồn ngoài biển, ven biển, vùng ngập nước. - Thiết-lập kế-hoạch Quốc-gia phòng-ngừa và ứng-phó tai-nạn tràn dầu. - Tìm tòi nguồn trợ-giúp từ nước ngoài nếu tai-nạn quá trầm-trọng không đủ sức ứng-phó. - Đưa vào chương-trình học-đường và giáo-dục đại-chúng ý-thức bảo-vệ môi-sinh biển. Cần thêm phương-tiện truyền-thông quảng-bá để ý-thức đi sâu vào mọi từng lớp dân-chúng. - Gia-nhập các công-ước và tổ-chức quốc-tế liên-hệ tới môi-sinh biển. Tổ-chức cần-thiết như IMO, IPIECA... công ước như: Công ước về trách nhiệm dân sự; công ước về nhấn chìm; công ước về sẵn sàng ứng phó, công ước về quy định đền bù thiệt hại môi trường... - Ban-hành những luật-lệ áp-dụng cho công-nghiệp về chất thải hay biện-pháp chống ô-nhiễm theo tiêu-chuẩn chung quốc-tế. Luật lệ áp-dụng cho cá-nhân như khói xe, việc dùng chất nổ đánh cá... cũng cần duyệt xét lại. - Phối hợp các chương-trình môi-sinh Rừng, Biển, Bờ. Nhiều biện-pháp đã khởi-sự tốt cho rừng núi, đồng-bằng. Đã đến lúc phải dành nỗ-lực thêm cho việc bảo-vệ Biển. - Khuyến-khích bằng cách tài-trợ để ngư-dân chuyển sang đánh cá viễn-duyên hay ra đánh cá ở những vùng biển sâu hơn 30m. - Kiểm-soát việc thi-hành. Cho dù nghiên-cứu đúng, kế-hoạch hay, nhưng nếu không thi-hành được đúng đắn thì cũng vô-ích mà thôi. - Trang-bị các tàu nghiên-cứu Hải-Dương.
Kết-luận Biển Đông hiền-hòa, đã nuôi-dưỡng Việt-Nam từ muôn đời trong quá-khứ. Trước khi quá muộn, chúng ta nên cùng nhau nỗ-lực chống ô-nhiễm, bảo-vệ môi-sinh. Nếu làm được việc này tốt, chúng ta khỏi lo âu để mãi mãi chúng ta được gọi Biển Đông là Biển Mẹ! Vũ Hữu San
[1] Nhiều chi-tiết về Ô Nhiễm đã đươc chúng tôi trình-bày trước đây trên internet cũng như trong những sách địa-lý “Vịnh Bắc-Việt, Địa-lý và chủ-quyền Hải-phận“, “Địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa & Trường-Sa”.
[2] Bài “Quy hoạch, xây dựng các khu bảo tồn biển Việt Nam” của Nguyễn Chu Hồi và những người khác, Phân viện Hải dương học Hải Phòng. http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_25.html [3] Nguyễn Tuấn. Ai chịu trách nhiệm về suy thoái môi trường ở Việt Nam? http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_01.html retrieved on Sep 29, 2004 14:09:49 GMT. Google's cache [4] Nguyễn Chu Hồi và những người khác Quy hoạch, xây dựng các khu bảo tồn biển Việt Nam. Phân viện Hải dương học Hải Phòng http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_25.html [5] Bài phỏng-vấn của Thu Thảo với Phó Giáo-Sư Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang tiêu đề: “Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể” (VietNamNet) 04:37' 06/06/2004 (GMT+7) [6] Hứa Chiến Thắng - Cục Môi trường. “Vấn đề ô nhiễm và đa dạng sinh học biển” http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_21.html [7] Nguyễn Chu Hồi và những người khác Quy hoạch, xây dựng các khu bảo tồn biển Việt Nam. Phân viện Hải dương học Hải Phòng http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_25.html [8] Theo Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Ô nhiễm nguồn nước là một hiểm họa quốc gia. Do sự phân phối không đồng bộ của thiên nhiên, miền Nam có lượng nước dư thừa; trong khi miền Trung thì khô cằn. Trong hiện tại, hầu như tất cả lượng nước thải công nghiệp (95%) đều được chảy thẳng vào sông, hồ, hoặc biển gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước sinh hoạt của cả nước, đặc biệt là ô nhiễm manganese, thủy ngân, chrome, chì, selenium, sắt, đồng, và ô nhiễm hữu cơ và vi sinh. Nước thải sinh hoạt từ các gia đình cũng cần được nghiên cứu xử lý ít nhất là xử lý cơ học trước khi thải hồi vào sông hay biển. [9] Theo báo Lao Động số 199 Ngày 31.07.2002 Cập nhật: 14:34:19 - 31.07.2002 Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) Vào trung tuần tháng 7-2002, hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện và lan rộng trên một vùng biển dài khoảng 30km từ Cà Ná đến Phan Rí thuộc tỉnh Bình Thuận. Tại đây, nước biển có chỗ như nước rau má, có chỗ đen ngòm, cua, cá chết la liệt; san hô chết bạc trắng, rong biển, cỏ biển cũng chết. Thảm họa này do sự "nở hoa" của tảo độc gây ra. Theo Báo Thanh Niên ngày 30/07/2002, vào sáng 29/07, hiện tượng tảo "nở hoa" cũng lại xảy ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) [10] Bài viết của Đức Nguyễn, “Bảo tồn để phát triển biển”, Thời báo Kinh tế Việt Nam - No.187 [ 2004-11-11 ]. [11] Nguyễn Tuấn, Ai chịu trách nhiệm về suy thoái môi trường ở Việt Nam? http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_01.html retrieved on Sep 29, 2004 14:09:49 GMT. Google's cache [12] Hứa Chiến Thắng - Cục Môi trường. “Vấn đề ô nhiễm và đa dạng sinh học biển” http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_21.html [13] Hứa Chiến Thắng - Cục Môi trường. Vấn đề ô nhiễm và đa dạng sinh học biển. http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_21.html [14] Hứa Chiến Thắng - Cục Môi trường. Vấn đề ô nhiễm và đa dạng sinh học biển. http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_21.html [15] Bích Hà. Cần nhanh chóng thành lập lực lượng ứng cứu sự cố tràn dầu http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9811/duluan/bai_23.html [16] Website của Đảng Cộng Sản Việt Nam: “Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước Việt Nam ngày nay không chỉ có phần lục địa nhỏ hẹp “hình chữ S'' mà còn có cả vùng biển rộng lớn gần l triệu km2 gấp 3 lần diện tích đất liền.” http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=67&subtopic=166&leader_topic=278&id=BT1850437252 [17] U.S. Environment Protection Agency. Impacts on Habitats. http://www.epa.gov/oilspill/relation.htm[18] Oil Spills, Greenpeace USA, National Geographic [19] Một tài-liệu điển-hình tương-đối khách-quan về tình-trạng tranh-chấp chủ-quyền Quần-đảo Trường-Sa : Mark J. Valancia, Jon M. Van Dyke, Noel A. Ludwig "Sharing the Resources of the South China Sea" Published by Kluwer Law International, P.O. Box 85889 CN The Hague, The Netherlands, 1997. [20] Có thể xem thêm tài-liệu của J.W. McManus, The Spratly Islands: A Marine Park Alternative, NAGA, The ICLARM Quarterly, July 1992, at 4-6; Feasibility of Establishing Marine Protected Areas in the Spratlys and Fringing Reefs of the South China Sea Towards the Conservation of Marine Biodiversity, in Asian Legal Studies Centre, University of British Columbia, Vancouver, The Third Meeting of the Technical Working Group on Marine Scientific Research in the South China Sea, Singapore, April 24-29, 1994. [21] Bích Hạnh. Đề xuất 15 khu bảo tồn biển đầu tiên tại Việt Nam. VNExpress Chủ nhật, 8/8/2004, 07:00 GMT+7 http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2004/08/3B9D51E1/ [22] Theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN). Tuổi Trẻ Thứ Năm, 09/09/2004, 14:43 (GMT+7) [23] Bài phỏng-vấn của Thu Thảo với Phó Giáo-Sư Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang tiêu đề: “Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể” (VietNamNet) 04:37' 06/06/2004 (GMT+7) [24] Bernard Philippe Groslier. The Art of Indochina, Bernard Philippe Groslier. Bản dịch Anh-Ngữ của George Lawrence, Crown Publishers, inc., New York, 1962, trang 21. [25] Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể 04:37' 06/06/2004 (GMT+7) (VietNamNet) - Trao đổi về Việt Nam Biển với PGS TS Nguyễn Tác An - viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, trước chuyến đi công tác dài ngày của ông sang Pháp và Đức. |