VŨ-HỮU-SAN &Thế-Giới của Nước
 

Home
TàuCộng KhóThắng BiểnĐông
Tham-Luận Biển Đông
Hải-phận Cho Quốc-Gia Lào
ThủĐoạn TiêuDiệt VănHóa
BảnĐồ ThuyếtTrình Edm&Calgary
Dự-Án Song-Tử
Tàu TrungCộng Cắt Cáp Tàu ThămDò VN
Biển Đông 74,000 năm trước
Hải-đồ DângGiặc
Bản-Đồ Bắc TrườngSa
BảnĐồ MalaysiaViệtNam
Nước Việt Hình Chữ S
RVN-CDWR-MainBody.pdf
Hải Phận Triệu Km2
Hải Phận Triệu Km2 (Tiếp)
Hải Phận Valencia
TàiLiệu PhápLý
BảnÐồBiênGiớiViệt-Hoa
Bản-đồ Phân-Chia Vịnh Bắc-Việt
VịnhBắcViệt
LáThư Gởi Đầy Tớ
Law of the Sea
Forum Openings
RVN WhitePaper75
ChinaPropaganda-LuuVanLoi
TiếngNóiVịnhBắcViệt
VấnÐềBiênGiới-BsNguyenÐanQuế
HảiGiới ViệtHoa
Vùng Biển Sâu Cho Tương-Lai
LêChíQuangPhảnÐối
CácĐội HoàngSa
NamQuan
BiểnĐông ThiênKỷMới
Biển Đông Ô Nhiễm
VịnhBắcViệt-HàngHải
VịnhBắcViệt-HuyềnThoại
NguyễnNhã-NghiênCứu HoàngSa
Chủ Quyền HoàngTrường
HảiThươngBiểnÐôngCổThời
BsTrầnÐạiSỹTổngKếtHảiChiến
HảiChiếnHoàngSaNóiChuyện
Hải Chiến Hoàng Sa
HQ16ÐàoDân
HảiChiếnHoàngSaTrầnThếÐức
VĩnhLiêmHoàngSaHảiChiến
Chuyện Một Con Tàu
NgườiBạnHảiQuân
BạnTôiSầuÐông
HồngNhanMộtThời
CâyÐinh
NhữngÔngThánh
ÐờiSống CăngThẳng
HỗnChiến
NgỗngTuyết
NgườiĐànBà
CònNụCườiNào
SóiGià
SachMoiNgoTheVinh
TranhCổTấnTinhChâu
HảiQuân Còn Mất
TuầnThám NguyễnVănƠn
FutureDestroyer
Mischief Situation
DER-HQ4
To Chuc HQVNCH
Forgotten ASPB
Études Vietnamiennes
Environments'Protection
VN Water Culture
Legends-Water Realm
Useful Books&Maps
VN Sovereignty
Vietnam Energy
Raft Across Pacific
Triết Lý Nước
HảiQuânViệtNam TừBaoGiờ
Hàng Hải Gốc Rễ Việt Nam
Ðịa Lý Biển Ðông
Thuật Ngữ Hàng Hải
NgườiViệt KhámPhá MỹChâu
Ngày HảiQuân1973
Lịch Sử Thuyền Bè
Bài Vè Thủy Trình
Petrus Ký&VănHoá Thuyền
Photo Album
Người Thủy Thủ Già
SoạnThảo HảiSử
MộtNgàyVớiÐÐCang
Lược Sử Nước
PhanQuỳnh
NguyễnVănLục
HT Nguyễn Văn Lộc
VũNgọcRuẩn BốTôi
VũVănToàn
ThơVăn HoàngĐìnhBáu
KỷNiệm ÐờiQuânNgũ
ChiếcBình TháiLọ
ChânDung SVSQHQXI
BảoBình&HìnhẢnh
Quê Nhà 50 Năm Trở Lại
ChuVănAn2B3-1956
Giải Ảo! HãyTỉnh Giấc Mơ Ma
AnhHùng NguyễnThànhSắc
ThuỷThủĐoàn HQ-4
ChiếnThuật ĐầuChữ T
HìnhẢnh HQ4 HảiChiến HoàngSa
TrangHình HảiChiến HoàngSa
Trận HoàngSa Hồ Hải
Hải-Chiến theo Trung-Cộng
Hải-Chiến theo BùiThanh
Diễn-Tiến Trận Hải-Chiến
TâySa HảiChiến
QuanBinhTC HoàngSa1974
HQ16-HQ5 Bắn Nhau
HQ5-Rã Ngũ
Đại-Tá Ngạc Ở Đâu
ChuyệnMột ConTàu
Bông Hồng Cho Nhựt-Tảo
Danh-Sách Tử-Sĩ Hoàng-Sa
DanhSách CốThủ HoàngSa
TrươngVănLiêm-HQ5
TruyệnNựcCười MấyAnh SửaQuân-Sử
Lệnh TamBấtĐả-HứaThếHữu
AnhHùng BH NguyễnVănVượng
TưởngNiệm AnhHùng NguyễnVănĐồng
Phạm Ngọc Đa AnhHùng Tử-Sĩ
TaoBanNuocKhong
VĩnhBiệt NguyênNhi
CáchNhìn LịchSử XâmLược
NgườiLínhGiàHQ4 NgôThếLong
NguyễnThượngLong-HảiChiến HoàngSa
NguyễnThượngLong-TìmMãi YêuThương
VănTế 74 TửSĩ HảiChiến HoàngSa
Nhớ lại HCHS & SuyNgẫm
HànhQuân TrầnHưngĐạo47
Bộ Hình ChiếnTrường HQ-4
Tài-Liệu CTCT/VNCH
Các ChiếnHạm VN&TC ThamChiến
TàiLiệuHQ4-TổngCụcCTCT
Lố bịch kiểu Tàu phù
Hải-Chiến theo LữCôngBảy
Phòng-Tai của HQ-4
Tiểu-Sử Anh-Hùng Tử-Sĩ
TrầnVănĐảm-AnhHùng&Nhà VôĐịch
AnhHùng BùiQuốcDanh
VũĐìnhQuang-AnhHùngHảiPháo
Anh-Hùng Vương-Thương
VưongThếTuấn: HQ4 Xin Rút Lui
Người AnhHùng HoàngSa
Thư HT PhạmTrọngQuỳnh
Thư Bạn ĐồngMôn ChuVănAn
Tìm Hiểu Gerald Kosh
Văn Tế HoàngSa
Những BàiCa HảiChiến HS
Thư Người Giám-Lộ
BứcThư 15 Năm
24 Years After Naval Battle
Tiểu Sử Vũ Hữu San
Tựa
ToànTập
Tổng-kết Hải-Chiến
Hồi Ký Của NgườiVề Từ HoaLục
Thư Riêng Về Đơn-Vị
Giới Thiệu
Gặp lại Niên-Trưởng NBT
TrùmMền HôXungPhong  

 

Vũ-Hữu-San xin giới-thiệu bài:

Vấn-Đề Chủ-Quyền Đối với

Hai Quần-Đảo Hoàng-Sa Và Trường-Sa:

Vài Nhận-Xét Về Lập Luận Của hai chính-phủ Bắc-Kinh và Đài-Loan

Tạ-quốc-Tuấn

Cuộc tranh-chấp về chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa đã kéo dài hơn bốn chục năm rồi. Ngoại trừ trận đụng-độ lớn giữa hải-quân Việt-nam Cộng-hòa và hải-quân Trung-Cộng tại quần-đảo Hoàng-sa ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974, trong đó Trung-Cộng với một lực-lượng lớn hơn lại không bị phân-tán cũng như suy-yếu vì nội-chiến nên đã cưỡng-chiếm được quần-đảo này, và một trận nổ súng nhỏ ngày 14.3.1988 tại vùng quần-đảo Trường-sa giữa hải-quân của hai nước cộng-sản Việt-nam và Trung-hoa, phần nhiều sự tranh-chấp đều diễn ra dưới hình-thức tranh-biện qua các lời tuyên-bố, thông-cáo, văn-thư hay bạch-thư của các chính-phủ Việt-nam và Trung-hoa thuộc cả hai phe quốc-gia và cộng-sản. Ngoài ra, còn có nhiều bài báo, biên-khảo hay sách viết về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa của một số học-giả, nhà văn, nhà báo hai bên nữa.

Để biện-minh hành-động xâm-lăng của mình năm 1974 trái với tinh-thần của bản Hiến-chương Liên-hiệp-quốc mà Trung-Cộng từ khi gia-nhập vào tháng 10 năm 1971 đã cam-kết tôn-trọng và bảo-vệ, Trung-Cộng đã nại cớ hai quần-đảo Hoàng-sa (hay là Tây-sa trong từ-ngữ Trung-hoa) và Trường-sa (Trung-hoa gọi là Nam-sa) vốn từ lâu là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc nhưng đã bị Nhật-bản xâm-chiếm trong Thế-chiến II và đã được chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc thu hồi lại năm 1946, sau khi trận chiến này chấm dứt. Trung-hoa Dân-quốc cũng đã phụ-họa sự biện-minh này. Các luận-cứ của Trung-Cộng còn được nhiều tài-liệu ngoại-quốc nhắc đi nhắc lại.

Trong bài này chúng tôi sẽ đưa ra những nhận-xét về các luận-cứ của các giới trong chính-phủ Trung-hoa, quốc-gia lẫn cộng-sản, đã cố-gắng chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Tuy các phe tranh-chấp gồm có Việt-nam (trước là Việt-nam Cộng-hòa, sau là Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam), Trung-quốc (cả Trung-hoa Dân-quốc lẫn Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc), Phi-luật-tân, và gần đây lại còn thêm cả Mã-lai-á, Brunei, v.v..., nhưng hai phe tranh-chấp chính là Việt-nam và Trung-hoa. Chúng tôi không nghiên-cứu luận-cứ của Việt-nam vì nhiều người đã làm việc này rồi, Trái lại, chúng tôi chỉ cứu-xét luận-cứ của Trung-quốc thôi, vì ngoài lý-do Trung-quốc là một trong hai phe tranh-chấp chính ra mà còn vì lý-do là dù là quốc-gia hay cộng-sản, Trung-quốc vẫn có một ảnh-hưởng và một thế-lực quan-trọng tại Đông-nam Á-châu.

Mặt khác, chúng tôi cũng giới-hạn thời-gian nghiên-cứu vào từ sau trận Thế-chiến thứ II trở lại đây thôi, không đề-cập tới thời-gian trước đó. Chỉ từ khi vấn-đề Hoàng-sa và Trường-sa được đề-cập tới trong một hiệp-ước quốc-tế, Hoà-ước Cựu-kim-Sơn ký ngày 8 tháng 9 năm 1951, nhất là từ khi người ta tìm thấy có nhiều túi dầu rất quan-trọng ở trong vùng này, sự tranh-chấp chủ-quyền mới trở nên ngày một mạnh. Thêm vào đó là biến-cố Đảng Cộng-sản Trung-quốc nắm được chính-quyền ở Hoa-lục ngày 1.10.1949, đã làm sôi-động chính-trường quốc-tế, nhất là ở vùng Đông-Á và Đông-nam Á-châu, từ thập-niên 1950 trở đi.

Sau hết, bài này chỉ cứu-xét các luận-cứ chính-thức của cả hai chính-phủ Trung-Cộng và Đài-loan thôi. Luận-cứ của các nhân-vật hay cơ-quan ngoài chính-quyền sẽ là đối-tượng của một bài nghiên-cứu khác.

Các tài-liệu sử-dụng trong bài này nếu là của chính-phủ đều phát-xuất từ Bắc-kinh hay Đài-bắc. Nếu có nguyên-bản Hoa-văn thì chúng tôi dùng làm tài-liệu chính; nếu không, chúng tôi dùng bản dịch Anh-ngữ cũng của hai chính-phủ đó. Trong trường-hợp không có hai loại tài-liệu này, chúng tôi căn-cứ vào bản dịch Anh-ngữ của nhiều nguồn khác, nhất là của Tòa Tổng Lãnh-sự Hoa-kỳ tại Hương-cảng (như các nhà nghiên-cứu các vấn-đề Hoa-lục đã dùng trước năm 1971) hay của các đài phát-thanh Hoa-kỳ, Anh-quốc, v.v...

Vì sử-dụng các tài-liệu thuộc nhiều loại khác nhau như vậy nên không có sự thuần-nhất trong việc ghi chép nhiều địa-danh và đặc-biệt là nhân-danh Trung-hoa. Chúng tôi cố-gắng ghi các từ đó bằng Việt-ngữ. Tuy nhiên khi không biết rõ một từ viết bằng Hoa-ngữ như thế nào, chúng tôi sẽ không ghi bằng Việt-ngữ vì sợ có thể ghi sai và bắt-buộc giữ lại lối ghi âm trong tài-liệu mà chúng tôi dùng. Lối ghi âm này có khi là bằng pinyin (phan-âm) được dùng ở Hoa-lục hay trong các tài-liệu của các người hay cơ-quan ngoại-quốc biên-soạn từ thập-niên 1980 trở đi, hoặc bằng phương-pháp Wade-Giles hiện vẫn được dùng trong phần lớn các tài-liệu phát-xuất từ Đài-loan hoặc của các tác-giả thuộc phe Trung-hoa Dân-quốc cũng như trong các tài-liệu ngoại-quốc trước thập-niên 1980.

Ngoài ra, có một số danh-từ riêng hay địa-danh mà người Trung-hoa dùng khác người Việt-nam. Trong tài-liệu này, khi đứng về phương-diện Trung-quốc, chúng tôi sẽ dùng các từ theo lối của người Hoa, còn khi đứng về phương-diện Việt-nam chúng tôi dùng các từ theo người Việt.

Chẳng hạn người Hoa nói Tây-sa, Nam-sa, Nam-hải (hay Nam Trung-quốc-hải), Quốc-vụ Viện (Trung-Cộng), Hành-chính Viện (Đài-loan), v.v..., còn người Việt lại nói Hoàng-sa, Trường-sa, Đông-hải (hay biển Đông), Chính-phủ...

 

Nhận-xét về các luận-cứ

Luận-cứ của các chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc (gọi tắt là Đài-loan) và Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc (tức Trung-Cộng) thường được phát-biểu những khi có một biến-cố hay sự việc nào có liên-quan tới vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

I. Phản-ứng đối với lời tuyên-bố của Tổng-thống Phi-luật-tân Quirino (1951)

Năm 1945 Nhật-bản bị các nước Đồng-minh đánh bại ở Thái-bình-dương phải đầu-hàng. Một trong những việc nước này phải làm khi đầu hàng là từ-bỏ các đất-đai ở ngoại-quốc mà Nhật-bản đã chiếm được trong thời-kỳ toàn-thịnh của chế-độ quân-phiệt, trong đó có hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Bốn năm sau, Đảng Cộng-sản Trung-quốc chiếm được toàn-thể Hoa-lục và Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc ra chào đời ngày 1.10.1949, còn chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc phải lánh nạn sang Đài-loan. Với hai biến-cố trọng-đại này vấn-đề tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa bắt đầu bước vào giai-đoạn mới.

Lần đầu tiên Trung-Cộng chính-thức lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo này là khi trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 17.5.1951 Tổng-thống Phi-luật-tân Quirino đã tuyên-bố là vì quần-đảo Trường-sa ở kế-cận quần-đảo Phi-luật-tân nên nó phải thuộc về Phi-luật-tân. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 5, Bắc-kinh đã có phản-ứng. Chính-phủ Trung-Cộng tuyên-bố như sau:

"Lời tuyên-truyền vô-lý của Chính-phủ Phi-luật-tân đối với lãnh-thổ của Trung-quốc rõ-ràng là sản-phẩm chỉ-thị của Chính-phủ Hoa-kỳ. Bọn khiêu-khích Phi-luật-tân và những kẻ Hoa-kỳ ủng-hộ chúng phải bỏ ngay mưu-đồ mạo-hiểm đó đi, nếu không thì hành-động này có thể đưa tới những hậu-quả nghiêm-trọng. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa không bao giờ để cho bất cứ một ngoại-bang nào xâm-lược quần-đảo Nam-sa hay bất cứ đất-đai nào khác thuộc về Trung-quốc."(1)

Tuy nhiên Trung-Cộng chỉ nói qua-loa như vậy thôi chứ không đưa ra được một bằng-chứng nào, dù là lịch-sử hay pháp-lý, cho thấy Trường-sa thuộc quyền Trung-hoa làm chủ. Sự thiếu-sót này kéo dài cho tới hiện-tại.

II. Dịp có Hoà-hội Cựu-kim-sơn (1951)

Đến đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính-phủ Hoa-kỳ, năm mươi mốt quốc-gia trước kia đã từng tham-gia hay có liên-hệ tới cuộc chiến chống xâm-lăng Nhật-bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham-dự Hội-nghị Hoà-bình nhóm họp ở Cựu-kim-Sơn (Hoa-kỳ) để thảo-luận vấn-đề chấm-dứt tình-trạng chiến-tranh và tái-lập bang-giao với Nhật-bản. Điểm đáng chú-ý là cả hai phe Quốc-gia và Cộng-sản Trung-hoa đều không được mời tham-dự hội-nghị. Trong hội-nghị, vấn-đề chính là thảo-luận bản dự-thảo hòa-ước do hai nước Anh và Hoa-kỳ đề-nghị ngày 12.7.1951. Ngày 8.9.1951, ngoại-trừ Liên-sô và một số nước đàn em, các nước tham-dự hội-nghị đã ký hòa-ước với Nhật-bản(2).

Vì thấy mình bị Hoa-kỳ gạt ra ngoài hoà-hội, các nhà lãnh-đạo Bắc-kinh, ngay từ cuối năm 1950, đã có phản-ứng. Một mặt họ ra một số tuyên-bố chính-thức, mặt khác họ cho phép đăng các bài báo để lên án việc không mời Trung-Cộng tham-dự hoà-hội và để trình-bày quan-điểm của Bắc-kinh về một số vấn-đề cần phải được thảo-luận, trong đó có vấn-đề chủ-quyền trên quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Vì giới-hạn của đề-tài, ở đây chúng ta chỉ xét tới các luận-cứ của chính-phủ Trung-Cộng đối với vấn-đề chủ-quyền này thôi.

Ngày 4.12.1950 Châu Ân-lai, lúc đó là Bộ-trưởng Ngoại-giao, trong bản tuyên-bố đầu tiên của chế-độ, đã nêu ra căn-bản chính để ký một hoà-ước với Nhật-bản:

"Bản Tuyên-cáo Cairo, Thỏa-ước Yalta, bản Tuyên-ngôn Potsdam và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng đã được các quốc-gia trong œy-hội Viễn-đông thỏa-thuận và thông-qua ngày 19.6.1947 -- các văn-kiện quốc-tế mà Chính-phủ Hoa-kỳ đã ký-két là căn-bản chính cho một hòa-ước liên-hợp với Nhật-bản."(3)

Châu Ân-lai còn nói thêm:

"Nhân-dân Trung-quốc rất ước muốn sớm có một hoà-ước liên-hợp với Nhật-bản cùng với các quốc-gia đồng-minh khác trong thời-kỳ Thế-chiến thứ hai. Tuy nhiên căn-bản của hoà-ước phải hoàn-toàn thích-hợp với bản Tuyên-cáo Cairo, Thỏa-ước Yalta, bản Tuyên-ngôn Potsdam và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng được qui-định trong các văn-kiện này."(4)

Tuy bản tuyên-bố trên của Trung-Cộng không đề-cập đến vấn-đè chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa mà chỉ đề-cập tới các vấn-đề khác, nhưng vì nó đã nêu ra quan-điểm chính-yếu của Bắc-kinh nên chúng ta cần phải nghiên-cứu kỹ nó cùng với bản tuyên-bố ngày 15.8.1951 là tuyên-bố chính-thức của Bắc-kinh về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa để tìm hiểu giá-trị các luận-cứ của Trung-Cộng.

Thực vậy, khi nghiên-cứu dự-thảo hoà-ước Cựu-kim-sơn của Anh-Mỹ gửi cho các quốc-gia được mời tham-dự hoà-hội, Chính-phủ Trung-Cộng thấy điều 2 của bản dự-thảo này không qui-định là hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Nhật-bản từ-bỏ phải dược trao cho quốc-gia nào. Vì thế ngày 15.8.1951, sau khi đề-cập tới quan-điểm của Trung-Cộng về từng vấn-đề một được nêu trong bản dự-thảo(5), Châu Ân-lai đã tuyên-bố:

"... Dự-thảo Hiệp-ước qui-định là Nhật-bản sẽ từ-bỏ mọi quyền đối với đảo Nam-uy (đảo Spratly) và quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel), nhưng lại cố ý không đề-cập tới vấn-đề tái-lập chủ-quyền trên hai quần-đảo này. Thực ra, cũng như các quần-đảo Nam-sa, quần-đảo Trung-sa và quần-đảo Đông-sa, quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) và đảo Nam-uy (đảo Spratly) lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Dù các đảo này đã có lúc bị Nhật-bản chiếm đóng trong một thời-gian trong trận chiến-tranh xâm-lăng do đế-quốc Nhật-bản gây ra, sau khi Nhật-bản đầu hàng Chính-phủ Trung-hoa đã thu-hồi những đảo này.

"Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa do đó tuyên-bố: dù Dự-thảo Hiệp-ước Anh-Mỹ có chứa đựng các điều-khoản về vấn-đề này hay không và dù các điều-khoản này có được soạn-thảo như thế nào, chủ-quyền bất-khả xâm-phạm của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa trên đảo Nam-uy (đảo Spratly) và quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) sẽ không vì thế mà bị ảnh-hưởng."(6)

Họ Châu sau đó kết-luận vấn-đề này bằng cách phủ-nhận giá-trị bất cứ một thỏa-ước nào ký với Nhật-bản mà không có sự tham-dự của Bắc-kinh:

"Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa một lần nữa tuyên-bố: Nếu không có sự tham-dự của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa trong việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký hòa-ước với Nhật-bản dù nội-dung và kết-quả một hiệp-ước như vậy có như thế nào, Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương cũng coi hòa-ước ấy hoàn-toàn bất-hợp-pháp, và vì vậy sẽ vô-hiệu."(7)

Tuy rằng lời kết-luận này nhằm chung toàn-thể hòa-ước với Nhật-bản, nó cũng bao-trùm luôn cả vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Trong bản tuyên-bố này chúng ta nhận thấy có những điểm đáng chú-ý sau:

Thứ nhất, tuy tuyên-bố là đảo Nam-uy và quần-đảo Hoàng-sa lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc, Châu Ân-lai lại không nêu ra một chi-tiết nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với các đảo này.

Đành rằng trong một bản tuyên-bố chính-thức của chính-phủ không thể nào kể hết mọi chi-tiết hay dẫn-chứng, nhưng ít nhất nó cũng phải nêu ra một vài thí-dụ cụ-thể để hỗ-trợ lời tuyên-bố và để giúp người ngoại-cuộc có thể hiểu rõ một cách khách-quan hơn những điều được trình-bày trong bản tuyên-bố. Làm thế nào người ngoại-cuộc có thể thông-cảm và ủng-hộ lời tuyên-bố nếu nó không mang một chi-tiết nào, dù là nhỏ nhất, để giúp người ngoại-cuộc có thể kiểm-chứng tính-cách xác-thực và chân-thực của lời tuyên-bố? Nếu tuyên-bố chỉ để tuyên-bố thì lời tuyên-bố rất yếu. Chúng ta cũng nên biết rằng trong bản tuyên-bố này khi đề-cập đến các vấn-đề khác họ Châu đã nêu nhiều chi-tiết để chứng-minh hay biện-hộ.

Vì vậy sự không dẫn-chứng của Châu Ân-lai đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thật đáng cho chúng ta phải ngạc-nhiên và khiến chúng ta phải tự hỏi phải chăng vì biết Trung-Cộng quả không có một căn-bản nào vững-vàng, về pháp-lý cũng như về lịch-sử, để chứng-minh chủ-quyền này nên Trung-Cộng phải bỏ không viện-dẫn chứng-cớ?

Thứ hai, bản tuyên-bố này, cũng như các bản tuyên-bố khác sau này của Trung-Cộng, và cả của Đài-loan, đã đề-cập tới việc Chính-phủ Trung-hoa thu-hồi Hoàng-sa và Trường-sa sau khi Nhật-bản đầu hàng tháng 8 năm 1945.

Một câu hỏi được đặt ra: việc Chính-phủ Trung-hoa (khi đó là Trung-hoa Dân-quốc) thu-hồi hai quần-đảo này có phải là một hành-vi hợp-pháp không?

Chúng ta biết rằng năm 1938, trước khi xẩy ra trận Thế-chiến thứ II, Nhật-bản đã chiếm Lâm-đảo thuộc quần-đảo Hoàng-sa, nói là để khai-thác thương-mại nhưng thực ra chính là để lập căn-cứ chiến-lược làm bàn đạp tấn-công vùng Đông-nam Á. Theo R. Serene thì "Năm 1938 Nhật-bản mượn cớ khai-thác thương-mại đã chiếm Lâm-đảo để bành-trướng sự kiểm-soát tới các đảo Cam-tuyền và Linh-côn..."(8). Rồi đến ngày 31.3.1939, Bộ Ngoại-giao Nhật-bản ra một thông-cáo loan tin là ngày hôm trước, 30.3,

Nhật-bản đã quyết-định đặt quần-đảo Trường-sa duới quyền kiểm-soát của Nhật-bản vì lý-do tại đây đã thiếu một chính-quyền hành-chính địa-phương nên đã làm thiệt-hại đến quyền-lợi của Nhật-bản(9). Trong suốt thời-gian của trận Thế-chiến thứ II, Nhật-bản đã đóng quân trên hai quần-đảo này cho tới khi đầu hàng quân-đội Đồng-minh.

Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến-tranh đang ở mức-độ ác-liệt nhất thì các nhà lãnh-đạo tối-cao của Hoa-kỳ, Anh và Trung-hoa Dân-quốc đã bí-mật gặp nhau tại Cairo, thủ-đô nước Ai-cập, từ 23 đến 27 tháng 11(10) để thảo-luận các chiến-lược tiêu-diệt phe Trục (Đức-Ý-Nhật). Ngày 26, Tổng-thống Hoa-kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ-tướng Anh Winston Churchill và Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc Tưởng Giới-thạch đã ký một bản tuyên-cáo chung (thường được gọi là Tuyên-cáo Cairo) trong đó có một đoạn như sau:

"Đối-tượng của các nước này [tức là của ba nước Đồng-minh] là phải tước bỏ quyền của Nhật-bản trên tất cả các đảo ở Thái-bình-dương mà nước này đã cưỡng-đoạt hay chiếm-đóng từ khi có trận Thế-chiến thứ I năm 1914 và tất cả các lãnh-thổ Nhật-bản đã cướp của người Trung-hoa, như là Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ, phải được hoàn trả Trung-hoa Dân-quốc. Nhật-bản cũng sẽ phải bị trục-xuất khỏi các lãnh-thổ khác ã chiếm được bằng võ-lực và lòng tham."(11)

Đọc đoạn trích-dẫn trên chúng ta thấy Tuyên-cáo Cairo có hai qui-định quan-trọng. Thứ nhất, chỉ có các đất Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ được qui-hoàn cho Trung-quốc thôi. Thứ hai, còn các lãnh-thổ khác mà Nhật-bản chiếm được thì bản tuyên-cáo này chỉ qui-định việc trục-xuất Nhật-bản thôi, chứ không hề nói tới việc qui-hoàn chúng cho Trung-quốc. Chỉ có điều đáng tiếc, và đó cũng là nguyên-nhân gây ra những vụ tranh-chấp về chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa sau này, là Tuyên-cáo Cairo đã không nói các lãnh-thổ khác ấy phải được qui-hoàn cho nước nào.

Quyết-định này đã được Tổng Thư-ký đảng Cộng-sản Liên-sô Joseph Stalin tán-thành. Trong một bữa ăn trưa công-tác giữa ông, Tổng-thống Roosevelt và Thủ-tướng Churchill tại Tòa Đại-sứ Liên-sô ở Tehran (Ba-tư) ngày 30.11.1943, khi Churchill hỏi ông đã đọc bản Tuyên-cáo Cairo chưa thì Stalin cho biết ông đã đọc rồi và còn nói thêm là mặc dù ông không thể cam-kết điều gì, ông hoàn-toàn tán-thành bản tuyên-cáo và tất cả những điều nói trong đó. Ông cho hay việc hoàn Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ lại cho Trung-quốc là phải(12). Ngoài ra, Stalin hoàn-toàn không hề nói gì đến hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Một năm rưỡi sau, quyết-định của tam-cường tại Hội-nghị Cairo được tái xác-nhận trong một hội-nghị thượng-đỉnh tam-cường khác nhóm tại Potsdam từ 17.7 đến 2.8.1945 để ấn-định các điều-kiện cho Nhật-bản đầu hàng. Tổng-thống Hoa-kỳ, Thủ-tướng Anh (13) và Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc đã ra một tuyên-ngôn (thường gọi là Tuyên-ngôn Potsdam) ngày 26.7.1945 trong đó có ghi là "Các điều-khoản của bản Tuyên-cáo Cairo sẽ được thi-hành"(14).

Tại hội-nghị Potsdam này các nhà lãnh-đạo tam-cường đã quyết-định chia Đông-dương làm hai khu-vực để cho tiện việc giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng tại đây. Vĩ-tuyến thứ 16 được chọn làm ranh-giới: việc giải-giới ở khu-vực bắc vĩ-tuyến ủy-thác cho Quốc-quân Trung-hoa và ở khu-vực phía nam do liên-quân Anh-„n đảm-nhận(15). Vì quần-đảo Hoàng-sa nằm ở giữa hai vĩ-tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải-giới quân-đội Nhật trú-đóng ở đây thuộc thẩm-quyền Quốc-quân Trung-hoa. Trái lại, việc giải-giới ở quần-đảo Trường-sa phải do liên-quân Anh-„n đảm-nhận do lẽ quần-đảo này nằm giữa hai vĩ-tuyến thứ 8 và 12.

Nhật-bản khi đầu hàng đã chịu điều-kiện qui-định trong bản Tuyên-cáo Cairo và ghi nhận trong Văn-kiện Đầu hàng ngày 2.9.1945(16). Đồng-thời, khi ra lệnh cho quân-đội Nhật-bản ở ngoại-quốc đầu hàng và nộp vũ-khí cho quân-đội Đồng-minh, Nhật-hoàng Hirohito đã ban-hành Tổng Mệnh-lệnh số 1, trong đó điều I khoản (a) qui-định là:

"Các tư-lệnh Nhật-bản và tất cả lục, hải-quân cùng các lực-lượng phụ-thuộc ở trên đất Trung-hoa (ngoại trừ Mãn-châu), Đài-loan và Đông-Pháp ở 16 độ bắc vĩ-tuyến đầu hàng Đại Nguyên-soái Tưởng Giới-thạch"(17).

Việc giải-giới quân-đội Nhật-bản của Quốc-quân Trung-hoa ở bắc vĩ-tuyến thứ 16 được coi là bắt đầu từ ngày 9.9.1945, khi Quốc-quân Trung-hoa do Tướng Lư-Hán chỉ-huy tiến vào thành-phố Hà-nội để thi-hành nhiệm-vụ này, và chấm-dứt vào cuối tháng 8 năm 1946 khi đội quân chiếm-đóng Trung-hoa cuối-cùng rời khỏi Việt-nam(18) sau khi Trung-hoa Dân-quốc đã ký với Pháp một thỏa-ước ngày 28.2.1946 nhường lại quyền giải-giới cho quân-đội Pháp(19). Tuy nhiên theo Bành Phẩm-quang viết trong bài "Quần-đảo Nam-sa tiền-đồn phòng-thủ lãnh-hải" thì:

"Ngày 26.10.1946, hạm-đội đặc-biệt của Trung-hoa Dân-quốc gồm 4 chiến-hạm, mỗi chiếc chở một số đại-diện của các bộ và 59 binh-sĩ thuộc trung-đội độc-lập về cảnh-vệ của hải-quân (tiền-thân của thủy-quân lục-chiến) từ cảng Ngô-tùng xuất-phát ngày 29 tháng 10 và ngày 29 tháng 11 thì các tàu Vĩnh-hưng và Trung-kiện mới tới đảo Vĩnh-hưng thuộc quần-đảo Tây-sa và đổ-bộ lên đây. Ngày 4 tháng 12 chiến-hạm Vĩnh-hưng còn đi qua đảo La-bột, đảo Ba-bột v.v... rồi trở lại. Còn hai chiến-hạm Thái-bình và Trung-nghiệp đến ngày 9 tháng 12 mới tới quần-đảo Nam-sa. Tháng 12 hoàn-tất công-tác chiếm đóng đảo Thái-bình, ngày 15 tháng 1 chiến-hạm Thái-bình tới các đảo I-thái, Đế-đô, Song-tử, Nam-cực, v.v... rồi trở về. Đến đây công-tác chiếm đóng và tiếp thu quần-đảo Tây-sa và Nam-sa đã hoàn-tất và lần-lượt trở về cảng Du-lâm."(20)

Như vậy việc Quốc-quân Trung-hoa đổ-bộ lên hai quần-đảo này, mà cả hai Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc và Trung-Cộng gọi là "tiếp-thu", là một hành-vi bất-hợp-pháp vì nhiều lý-do:

a) Theo quyết-định của hội-nghị Potsdam, Quốc-quân Trung-hoa chỉ có quyền giải-giới quân-đội Nhật-bản ở trên quần-đảo Hoàng-sa chứ không có quyền ở trên quần-đảo Trường-sa vốn thuộc thẩm-quyền liên-quân Anh-„n. Chúng tôi không biết và cũng không thấy có tài-liệu nào cho thấy là liên-quân Anh-„n hay chính-phủ hoàng-gia Anh đã ủy-thác việc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở đây cho Quốc-quân Trung-hoa.

b) Việc giải-giới phải thực-hiện trước cuối tháng 8/1946. Tuy nhiên Quốc-quân Trung-hoa lại đổ-bộ quân lính lên hai quần-đảo này vào hai tháng 11 và 12 năm 1946 và tháng 1 năm 1947, như thế là đã làm một hành-vi xâm-lược chứ không phải là hành-vi thụ-ủy hợp-pháp, vì từ tháng 8/1946 hành-vi giải-giới của Quốc-quân Trung-hoa không còn căn-bản pháp-lý nữa.

Thực vậy, theo Hiệp-ước Về Việc Pháp Khước-từ Trị-ngoại Pháp-quyền và các Quyền Liên-hệ khác ở Trung-quốc, do Đại-sứ Pháp tại Trung-hoa là Jacques Meyrier ký với Bộ-trưởng Ngoại-giao Trung-hoa Dân-quốc Wang Shih-chieh ngày 28.2.1946 và có hiệu-lực từ ngày 8.6.1946, lãnh-thổ của Quốc-dân Chính-phủ Trung-hoa là Trung-hoa Dân-quốc (nghĩa là Hoa-lục và các đảo lân-cận) và của Chính-phủ Cộng-hòa Pháp là Pháp-quốc, Algeria, tất cả các thuộc-địa, các xứ bảo-hộ ở hải-ngoại cùng là các thác-quản địa của Pháp (điều 1). Mặt khác, theo văn-thư trao-đổi cùng ngày, việc quân-đội Pháp thay-thế Quốc-quân Trung-hoa (lúc đó đang chiếm đóng ở Viêt-nam phiá bắc vĩ-tuyến thứ 16) để canh giữ tù-binh Nhật-bản, duy-trì an-ninh trật-tự được thực-hiện từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 và chấm-dứt trễ nhất là ngày 31 tháng 3.

Trong khi đó, theo Hoà-ước Pháp-Hoa do Khâm-sai Đại-thần Thanh-triều là Tổng-đốc Trực-lệ Lý Hồng-chương ký với đại-diện Pháp là Trung-tá Hải-quân Fournier tại Thiên-tân ngày 11.5.1884, Trung-quốc khước bỏ mọi quyền đối với Việt-nam và Việt-nam từ ngày đó trở đi không còn là một thuộc-quốc của Trung-hoa nữa. Hoà-ước này được tái-xác-nhận hơn một năm sau trong một hòa-ước khác ký ngày 9.6.1885. Mặt khác, sau khi Thế-chiến thứ II chấm-dứt, hoàng-đế Việt-nam khi đó là Bảo-đại (1925-1945) ngày 11.3.1945 đã hủy bỏ tất cả các hiệp-ước bảo-hộ Pháp-Việt và tuyên-bố Việt-nam độc-lập. Nền độc-lập của Việt-nam được tái-xác-nhận ngày 2.9.1945 khi Đảng Cộng-sản Việt-nam nắm chính-quyền (19.8.1945). Chính nước Pháp cũng công-nhận nền độc-lập của Việt-nam trong điều 1 của Tạm-ước Pháp-Việt ký ngày 6.3.1946. Nói cách khác, kể từ 11.3.1945 trở đi lãnh-thổ của nước Việt-nam độc-lập gồm giải đất từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu và các đảo phụ-thuộc Việt-nam ở ngoài khơi, kể cả hai quần-đảo Hoàng-sa và Trưởng-sa. Như vậy đối với cả hai nước Pháp và Trung-hoa, Việt-nam không phải là thuộc-quốc của nước nào cả.

Do đó, việc "tiếp-thu" hay "giải-giới" của Quốc-quân Trung-hoa do Bành Phẩm-quang báo-cáo kể trên, dù là để thi-hành quyết-định của các quốc-gia đồng-minh trong trận Thế-chiến thứ II, đúng là một hành-vi bất-hợp-pháp, trái với các nguyên-tắc căn-bản của luật quốc-tế. Nó đã vi-phạm đến chủ-quyền của nước Việt-nam độc-lập.

c) Bản Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam hoàn-toàn không đề-cập tới vấn-đề trao-hoàn cho Trung-quốc hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Nhật-bản cưỡng-chiếm vào đầu trận thế-chiến thứ II. Sự thiếu-sót này có phải là do các nhà lãnh-đạo đồng-minh sơ-ý hay quên không? Lẽ dĩ-nhiên là không. Trái lại, chúng ta phải giải-thích là các vị ấy đã không quan-niệm hai quần-đảo này là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Điểm đặc-biệt đáng chú-ý hơn nữa là chính Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc, Đại Nguyên-soái Tưởng Giới-thạch, đã tham-dự cả hai hội-nghị và đã ký vào cả Tuyên-cáo Cairo lẫn Tuyên-ngôn Potsdam, chứ không phải một người đại-diện nào khác để bảo là có thể đã không thi-hành đúng chỉ-thị của Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc. Nếu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thực-sự thuộc chủ-quyền của Trung-quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi trao-hoàn có Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ thôi mà lại không đòi luôn Hoàng-sa và Trường-sa. Hơn nữa, trong bản văn của Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam chúng ta cũng không thấy từ "vân vân" để có thể nói là vấn-đề đã dược bao-hàm trong hai văn-kiện này.

Mười hai năm sau khi tham-dự Hội-nghị Cairo và ký bản Tuyên-cáo, ngày 8.2.1955 Tưởng Giới-thạch vẫn còn nhắc lại là:

"Trong thông-cáo công-bố vào lúc bế-mạc hội-nghị, chúng tôi đã tuyên-bố là tất cả các lãnh-thổ do Nhật-bản 'cướp' của Trung-hoa, kể cả Đông-tam tỉnh, Đài-loan và Bành-hồ phải được trao-hoàn lại cho Trung-hoa Dân-quốc. Lời tuyên-bố này đã được bản Tuyên-ngôn Potsdam công-nhận và Nhật-bản chấp-nhận khi nước này đầu hàng."(21)

Một lần nữa, ông hoàn-toàn không nói gì đến việc phải trao-hoàn hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-quốc. Vào lúc ông nói lời trên ông không phải là không biết có sự tranh-chấp về chủ-quyền đối với hai quần-đảo này mà cả chính-phủ của ông lẫn chính-phủ của Mao Trạch-đông đang đòi.

d) Giải-giới quân-đội Nhật-bản ở Hoàng-sa và Trường-sa không thể hiểu là tiếp-thu hay thu-hồi được. Hai hành-động này có bản-chất khác nhau. Giải-giới chỉ có nghĩa là tước bỏ tất cả vũ-khí của một đội quân nào để cho đội quân đó không thể dùng vào việc chiến-tranh được nữa. Dù việc giải-giới đó được thực-hiện trên phần lãnh-thổ của một nước khác với nước có phận-sự giải-giới nó cũng không thể là lý-do để cho nước giải-giới chiếm lãnh-thổ đó được, trừ phi trong hiệp-định ủy-thác việc giải-giới đó có qui-định thêm cho phép nước giải-giới được chiếm lấy lãnh-thổ đó. Ngược lại, tiếp-thu hay thu-hồi ngụ ý chỉ nước làm công việc này tiếp-nhận lại phần lãnh-thổ của mình trước đó đã bị một nước khác chiếm đoạt.

Như chúng ta được biết, cả Tuyên-cáo Cairo lẫn Tuyên-ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung-hoa Dân-quốc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở quần-đảo Hoàng-sa thôi, chứ không hề cho phép Trung-hoa Dân-quốc thu-hồi quần-đảo này cùng là giải-giới quân-đội Nhật-bản ở quần-đảo Trường-sa hay thu-hồi quần-đảo đó. Vì thế việc chiếm đóng và thu-hồi hai quần-đảo này của Trung-hoa Dân-quốc là bất-hợp-pháp và vi-phạm trầm-trọng luật quốc-tế vì đi trái với quyết-định của Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam.

Vì các lý-do vừa kể trên, chúng ta phải nhìn-nhận rằng lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai đã mâu-thuẫn với lời tuyên-bố ngày 4.12.1950 cũng của họ Châu. Một đằng Trung-Cộng đòi các quốc-gia phải tuân theo hai văn-kiện quốc-tế này và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng, trong đó việc chia đôi Đông-dương để giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng tại đây cũng là một chính-sách căn-bản, một đằng lại cho việc tiếp-thu hai quần-đảo không hề được qui-định trong hai văn-kiện quốc-tế là một hành-vi hợp-pháp.

Thứ ba, Trung-Cộng coi bất cứ một hòa-ước nào ký với Nhật-bản mà không có sự tham-dự của Trung-Cộng vào việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký-kết là bất-hợp-pháp và vô-hiệu.

Hòa-ước Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951 ký với Nhật-bản có phải là một hòa-ước bất-hợp-pháp và vô-hiệu không?

Theo định-nghĩa của luật quốc-tế, một hiệp-ước bị coi là bất-hợp-pháp khi nào nó nhằm theo đuổi một đối-tượng vô-luân, khi nào nó tạo ra những nghĩa-vụ bất-hợp-pháp trái với các nguyên-tắc của luật quốc-tế đã được mọi quốc-gia công-nhận, trái với nhân-quyền, trái với các nguyên-tắc căn-bản của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc, hoặc-giả một hiệp-ước mà sự thi-hành sẽ tạo nên một bất-công pháp-lý cho một quốc-gia đệ tam, hoặc khi nó được được ký-kết bất-xứng hay mâu-thuẫn với các nghĩa-vụ của hiệp-ước có trước mà tất cả hay một trong các nước kết-ước đã ký (22). Chính Trung-Cộng cũng chấp-nhận giải-thích này và quan-điểm của Trung-Cộng được hai học-giả luật quốc-tế nổi tiếng là Thiệu Kim-phủ và Trần Thể-cường trình-bày trong hai bài biên-khảo.

Khi bàn về Hòa-ước Cựu-kim-sơn, Trần Thể-cường đã nhắc lại định-nghĩa của luật quốc-tế là "một quốc-gia có bổn-phận không được ký các hiệp-ước nào không phù-hợp với các nghĩa-vụ của các hiệp-ước có trước. Việc ký-kết những hiệp-ước như vậy là một hành-vi bất-hợp-pháp không thể tạo nên những kết-quả hợp-pháp có lợi cho quốc-gia vi-phạm luật.(23)

Mặt khác, trong bài "'Lưỡng Cá Trung-Quốc' Mậu-Luận Hòa Quốc-Tế-Pháp Nguyên-Tắc"(24), Thiệu Kim-phủ đã viện-dẫn lời của L. Oppenheim cho rằng "Hiệp-ước phải phù-hợp với luật-pháp, biểu-hiện trong các nguyên-tắc của luật quốc-tế được công-nhận một cách phổ-biến cũng như trong các tập-tục của các quốc-gia"(25) và "các nghĩa-vụ mâu-thuẫn với các nguyên-tắc của luật quốc-tế đã được mọi quốc-gia công-nhận thì không thể là đối-tượng của một hiệp-ước được."(26) Ngoài ra, ông cũng viện-dẫn điều 103 của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc nói rằng khi có sự phân-tranh giữa các nghĩa-vụ của một quốc-gia hội-viên Liên-hiệp-quốc theo Hiến-chương này và các nghĩa-vụ do hiệp-ước quốc-tế khác tạo nên, nghĩa-vụ theo Hiến-chương Liên-hiệp-quốc sẽ ưu-thắng. Rồi ông kết-luận là hiệp-ước nào không phù-hợp với Hiến-chương Liên-hiệp-quốc sẽ bị coi là vô-hiệu không thể chấp-hành được.

Đem áp-dụng các định-nghĩa nêu trên vào Hòa-ước Cựu-kim-sơn, chúng ta thấy các quốc-gia ký hòa-ước với Nhật-bản là để chấm-dứt tình-trạng chiến-tranh có từ khi xảy ra trận Thế-chiến thứ II, khôi-phục địa-vị của Nhật trên trường quốc-tế, làm giảm tình-trạng căng-thẳng trên thế-giới ngõ hầu xúc-tiến việc tạo-dựng và duy-trì hòa-bình trên thế-giới, v.v... Như vậy các quốc-gia này đã tuân-thủ các nguyên-tắc căn-bản của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc và theo đuổi một đối-tượng cao-quý, chứ không phải là vô-luân. Riêng đối với Trung-Cộng, nếu muốn, nước này có thể viện cớ không được mời tham-dự hòa-hội Cựu-kim-sơn để coi hoà-ước không thể chấp-hành đối với mình thôi, chứ không thể coi nó là hòa-ước bất-hợp-pháp và vô-hiệu được.

Ngược lại, đứng về phương-diện hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, chính Trung-Cộng đã có hành-vi bất-hợp-pháp khi nhà cầm quyền Bắc-kinh cổ-võ và biện-minh cho việc Trung-hoa Dân-quốc đem quân đến chiếm hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa dưới danh-nghĩa tiếp-thu.

Thực vậy, điều 2 của Hoà-ước Cựu-kim-sơn sau khi đã nói về việc Nhật từ-bỏ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi-hỏi đối với tất cả các lãnh-thổ nào không phải là lãnh-thổ chính của Nhật-bản mà nước này đã chiếm được từ khi có trận Thế-chiến thứ I cho đến khi chấm-dứt trận Thế-chiến thứ II đã qui-định thêm trong đoạn (f) như sau:

"Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi-hỏi trên quần-đảo Trường-sa và quần-đảo Hoàng-sa."

Các qui-định trong điều 2 như vậy đã theo đúng với quyết-định của Hội-nghị Cairo năm 1943 được diễn-tả trong bản Tuyên-cáo Cairo mà Trung-Cộng vẫn luôn đòi phải được coi là căn-bản chính cho một hòa-ước ký với Nhật-bản đã nói ở bên trên. Nói cách khác, chính Trung-Cộng đã coi quyết-định của các đại-cường là hợp-lý, hợp-tình và hợp-pháp.

Về giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam, cả hai phe Quốc-Cộng Trung-hoa đều nhìn-nhận là có hiệu-lực. Chúng ta có thể nêu ra vài thí-dụ.

Về phía Trung-hoa Dân-quốc, ngày 8.2.1955, khi duyệt-xét tình-hình thế-giới, Tổng-thống Tưởng Giới-thạch, đã nói như sau:

"Tôi còn nhớ rằng năm 1945, cố Tổng-thống Hoa-kỳ Roosevelt và đương-kim Thủ-tướng Anh Churchill đã cùng tôi họp hội-nghị ở Cairo để thảo-luận về các vấn-đề liên-quan tới việc tiến-hành chiến-tranh chống Nhật-bản và hậu-quả của nó. Trong thông-cáo công-bố vào lúc bế-mạc hội-nghị, chúng tôi đã tuyên-bố là tất cả các lãnh-thổ do Nhật-bản 'cướp' của Trung-quốc kể cả Đông-Tam tỉnh, Đài-loan và

Bành-hồ phải được trao-hoàn cho Trung-hoa Dân-quốc. Lời tuyên-bố này đã được bản Tuyên-ngôn Potsdam công-nhận và Nhật-bản chấp-nhận khi nước này đầu hàng. Như vậy giá-trị của nó, tức là của bản Tuyên-cáo Cairo, dựa trên một số thỏa-thuận và không ai có thể hoài-nghi được ...........

"Có ngưới phủ-nhận giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo ... Nếu người ta có thể phủ-nhận giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo, thì bản Tuyên-ngôn Potsdam và tất cả các hiệp-ước, thỏa-ước quốc-tế được ký-kết từ khi chấm-dứt Thế-chiến thứ II sẽ ra sao? Có thể phủ-nhận giá-trị của những văn-kiện này được không? Nếu như các nước dân-chủ không thừa-nhận bản Tuyên-cáo Cairo mà chính họ đã ký-kết thì làm thế nào mà bây giờ hay trong tương-lai họ có thể chỉ-trích khối Cộng-sản xâm-lăng xé bỏ các hiệp-ước, thỏa-ước được?..."(27)

Về quan-điểm của Bắc-kinh đối với vấn-đề giá-trị của hai văn-kiện quốc-tế quan-trọng này, chúng ta đã thấy (a) khi cuộc tranh-luận tại Liên-hiệp-quốc về địa-vị của đảo Đài-loan đang tiến-hành, ngày 24.8.1950 nhà cầm quyền Cắm-thành đã gửi một bức công-điện cho tổ-chức quốc-tế này trong đó có đề-cập tới Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam coi là "những thỏa-ước có ước-thúc-lực" mà các quốc-gia ký-kết phải tôn-trọng và tuân-hành(28), (b) hoặc như qua lời tuyên-bố ngày 4.12.1950 của Châu Ân-lai nói trên, (c) cũng như trong lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai như sau:

"Dù xét về thủ-tục mà hòa-ước được chuẩn-bị hay về nội-dung, ta thấy Dự-thảo Hòa-ước Anh-Mỹ trắng-trợn vi-phạm các thỏa-ước quốc-tế quan-trọng, mà Anh-Mỹ đều là phe kết-ước, như là ... bản Tuyên-cáo Cairo, ... bản Tuyên-ngôn Potsdam ...

Vi-phạm sự thỏa-thuận theo bản Tuyên-cáo Cairo và bản Tuyên-ngôn Potsdam, Dự-thảo Hòa-ước chỉ qui-định là Nhật-bản sẽ khước-từ các quyền đối với Đài-loan và Bành-hồ..."(29)

Bên cạnh quan-điểm của nhà cầm quyền Bắc-kinh còn có quan-điểm của học-giả nữa. Chẳng hạn Trần Thể-cường đã viết một bài nhan-đề "Đài-loan đích Chủ-quyền Thuộc ư Trung-quốc," trong đó ông có nói:

"Bản Tuyên-cáo Cairo ... là một văn-kiện quốc-tế 'ràng buộc về pháp-lý các quốc-gia đương-sự.' Hơn nữa, bản Tuyên-ngôn Potsdam do Trung-quốc, Hoa-kỳ và Anh-quốc ký ngày 26 tháng 7 năm 1945 để thúc Nhật-bản đầu hàng đã tái xác-định các nghĩa-vụ trong bản Tuyên-cáo Cairo. Bản Tuyên-ngôn Potsdam qui-định là 'các điều-khoản của bản Tuyên-cáo Cairo sẽ được thì-hành.' Câu 'sẽ được thi-hành' như vậy chứng-tỏ rằng bản Tuyên-cáo Cairo là một văn-kiện tạo nên nghĩa-vụ quốc-tế, chứ không phải chỉ là lời tuyên-bố về các ý-định của các người ký ...

Đứng về phương-diện học-lý của luật quốc-tế, không thể nào nghi-ngờ hiệu-lực ước-thúc của bản Tuyên-cáo Cairo, một hiệp-ước quốc-tế ." (30)

Như vậy là cả hai phe Quốc-Cộng Trung-hoa đều đồng-ý là bản Tuyên-cáo Cairo có hiệu-lực đối với các quốc-gia kết-ước. Trung-hoa, một trong những quốc-gia đó, có bổn-phận phải tuân-thủ những điều cam-kết. Do đó, tuy không tham-dự việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký Hòa-ước Cựu-kim-sơn, Trung-Cộng không thể nào coi hòa-ước này bất-hợp-pháp được vì lẽ nó đã qui-định đúng những quyết-định của bản Tuyên-cáo Cairo mà Trung-Cộng vẫn đòi mọi quốc-gia kết-ước phải tuân theo. Nói cách khác, vì Hòa-ước Cựu-kim-sơn là một văn-kiện quốc-tế nhằm thi-hành những quyết-định của Hội-nghị Cairo 1943, nó cũng phải có hiệu-lực như bản Tuyên-cáo Cairo, kể cả đối với Trung-Cộng vốn tự nhận là "đại-diện duy-nhất chân-chính của nhân-dân Trung-hoa."

Hơn một tháng sau khi lên tiếng ngày 15.8.1951 về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nói trên, khi bình-luận về việc ký Hòa-ước Cựu-kim-sơn, trong một thông-cáo của Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh ngày 18.9.1951, Châu Ân-lai không hề nói gì về vấn-đề hai quần-đảo này cả mà chỉ lập lại lập-trường cũ, phủ-nhận giá-trị và hiệu-lực của hòa-ước vì đã được ký-kết mà không có sự tham-dự của Trung-Cộng(31).

Sự im-lặng này càng khó hiểu hơn nữa khi chắc-chắn là Trung-Cộng phải biết rằng hòa-hội Cựu-kim-sơn đã bác-bỏ đề-nghị của phái-đoàn Nga-sô đòi trao trả hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-Cộng và về phản-ứng của phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam(32).

Thực vậy, ngày 5.9.1951, trong phiên họp khoáng-đại hội-nghị thứ 2 của Hòa-hội Cựu-kim-sơn, đại-biểu Nga-sô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ-trích tính-cách bất-hợp-pháp và sự vô-nghĩa cùa bản dự-thảo hòa-ước của Anh-Mỹ để ký với Nhật-bản đã đưa ra một đề-nghị 7 điểm gọi là để hướng-dẫn việc ký-kết hòa-ước thực-sự với Nhật-bản. Điểm 6 đề-nghị trao trả hai quần-đảo này cho Trung-Cộng. Hai ngày sau, 7.9.1951 Thủ-tướng kiêm Ngoại-trưởng Trần-văn-Hữu, trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam, đã lên tiếng tái xác-định chủ-quyền của Việt-nam trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Về đề-nghị của Gromyko, chính-phủ Bắc-kinh không chính-thức lên tiếng. Chỉ có bán nguyệt-san Anh-ngữ của Trung-Cộng People's China (Nhân-dân Trung-quốc) tường-thuật lại trong một bài nhan-đề "At the San Francisco 'Conference'" (Tại "Hội-nghị" Cựu-kim-sơn), trong đó có ghi điểm 6 của đề-nghị Nga-Sô như sau:

"Qui-hoàn Đài-loan, quần-đảo Bành-hồ (Pescadores), quần-đảo Tây-sa và các lãnh-thổ trung-hoa khác cho nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa." (33)

Ngoài điểm này ra, bài tường-thuật cũng không đả-động gì đến việc hòa-hội bác-bỏ đề-nghị của Nga-sô và phản-ứng của Quốc-gia Việt-nam. Sự im-lặng này đáng lạ vì bài tường-thuật được viết trong khoảng thời-gian giữa các ngày 5.9.1951 (ngày Gromyko nêu đề-nghị 7 điểm), ngày 7.9.1951 (ngày trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam tái xác-định chủ-quyền của Việt-nam) và ngày 16.9.1951 (ngày báo phát-hành). Như vậy không thể nào Trung-Cộng không biết gì đến phản-ứng của Việt-nam đối với đề-nghị của Nga-sô và không có lý nào nhà cầm quyền Cấm-thành lại quên được, nhất là bài báo nói trên trước khi được in đã phải được nhà cầm quyền Trung-Cộng kiểm-duyệt và cho phép.

Một điểm khác chúng ta cũng nên nhớ là bất cứ một hành-vi nào của Quốc-gia Việt-nam (và sau này của Việt-nam Cộng-hòa) đều bị Trung-Cộng theo dõi rất kỹ và, khi thấy thuận-tiện, phê-bình, chỉ-trích rất nặng-nề. Nếu quả thực hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là của Trung-quốc thì việc trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam tái xác-định chủ-quyền trong hòa-hội không thể nào mà không bị Trung-Cộng chỉ-trích dữ-dội và lên án, đe-dọa như sau này Trung-Cộng sẽ làm.

Sự im-lặng lại càng trở nên khó hiểu hơn nữa khi trong bản tuyên-bố ngày 5.5.1952(34) về hòa-ước mà Trung-hoa Dân-quốc đã ký với Nhật-bản ngày 28.4.1952, Châu Ân-lai không nói gì đến hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, mặc dù hai quần-đảo này đã được đề-cập tới trong điều 2 của hòa-ước như sau:

"Điều 2.- Hai bên nhìn-nhận là theo điều 2 Hòa-ước với Nhật-bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại Cựu-kim-sơn ở Hoa-kỳ, Nhật-bản đã khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa hay đòi-hỏi liên-quan đến Đài-loan (Formosa) và Bành-hồ (the Pescadores), cũng như quần-đảo Trường-sa và Hoàng-sa."(35)

Theo điều-khoản này, Nhật-bản chỉ nhắc lại việc khước-từ thôi chứ không nói rõ là Nhật-bản qui-hoàn hai quần-đào này cho Trung-hoa Dân-quốc. Có một sự khác-biệt rất lớn giữa hai hành-động khước-từ và qui-hoàn. Khước-từ là một hành-động tiêu-cực do đó người (hay nước) khước-từ nhìn-nhận là từ ngày có (hay ký) quyết-định khước-từ người (hay nước) ấy sẽ không còn bất cứ một thứ quyền hợp-pháp nào đối với vật mà người (hay nước) ấy từ-bỏ. Tuy nhiên, người (hay nước) này không chuyển-giao hay chuyển-nhượng vật đó cho một người (hay nước) khác. Trái lại, qui-hoàn là một hành-động tích-cực, có nghĩa là người chiếm-hữu một vật gì, dù là chiếm-hữu hợp-pháp hay là bất-hợp-pháp, trả vật đó lại cho sở-hữu-chủ hợp-pháp của nó. Sở-hữu-chủ của vật được qui-hoàn là đối-tượng xác-định của hành-động qui-hoàn.

Vì mục-đích của chúng tôi trong bài biên-khảo này chỉ là tìm hiểu các luận-cứ của Trung-quốc về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thôi nên chúng tôi không tìm hiểu nguyên-nhân của sự im-lặng của Trung-Cộng.

III. Phản-ứng của Trung-quốc đối với việc Phi-luật-tân lại đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa (1956)

Sau khi hòa-hội Cựu-kim-sơn bế-mạc, cả Trung-Cộng lẫn Đài-loan không có dịp nào để lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho tới năm 1956 khi Phi-luật-tân lên tiếng đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa.

Trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma, chủ một đội ngư-thuyền và thương-thuyền và giám-đốc một trường hàng-hải(36) đã khám-phá thấy một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Phi-luật-tân(37) khoảng 400 dặm về phía tây. Ông hy-vọng lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, cũng như là khai-thác phân chim trong những hòn đảo kế-cận.

Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956 Cloma mới lại tiếp-tục khám-phá những hòn đảo này trong một chuyến du-hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV -- vẫn được dùng để huấn-luyện các sinh-viên trường hàng-hải của Cloma -- do thuyền-trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều-khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng(38). 40 thủy-thủ trên tàu, tất cả đều có quốc-tịch Phi-luật-tân, đã dựng quốc-kỳ Phi-luật-tân trên một hòn đảo và chính-thức tuyên-bố chiếm-hữu đảo này theo tục-lệ quốc-tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng, họ đều niêm-yết cáo-thị chiếm-hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù-lao với diện-tích tổng-cộng 64.976 dặm vuông, là "Freedomland" hay Đất Tự-do(39).

Ngày 15.5.1956 Cloma chính-thức thông-báo cho Phó Tổng-thống kiêm Ngoại-trưởng Phi-luật-tân Carlos P. Garcia hay là một số công-dân Phi-luật-tân đã quan-sát, trắc-lượng và chiếm-hữu "một lãnh-thổ ở Nam-hải, bên ngoài hải-phận Phi-luật-tân và không thuộc thẩm-quyền quản-hạt của nước nào."(40) Cloma cũng nói thêm là lãnh-thổ này đã được Cloma và các đồng-sự tuyên-bố chiếm-hữu.

Mặt khác, Cloma đã gửi "cáo-thị" về việc chiếm-hữu này tới báo-chí trong và ngoài nước, yêu-cầu đăng-tải theo thủ-tục luật quốc-tế. Cáo-thị nhấn mạnh là sự tuyên-bố này căn-cứ vào quyền khám-phá và/hay chiếm-hữu công-khai.

Sáu ngày sau, ngày 21.5.1956, Cloma gửi một bức thư thứ nhì cho Bộ Ngoại-giao Phi-luật-tân để thông-báo cho Chính-phủ Phi-luật-tân hay là lãnh-thổ mà ông tuyên-bố chiếm-hữu được đặt tên là "Freedomland." Kèm theo thư là danh-sách các đảo và cù-lao.

Trong thư Cloma còn nói thêm là:

"Kính xin lưu-ý là sự tuyên-bố này do 'các công-dân Phi-luật-tân' làm chứ không phải là 'nhân-danh Chính-phủ Phi-luật-tân' bởi vì chúng tôi không được phép làm như vậy. Tuy nhiên việc này sẽ có hậu-quả là lãnh-thổ trở thành một phần của Phi-luật-tân. Vì lý-do đó chúng tôi hy-vọng và thỉnh-cầu Chính-phủ Phi-luật-tân ủng-hộ cùng là bảo-vệ sự tuyên-bố của chúng tôi và xin cũng đừng đưa một tuyên-bố nào khác ra Liên-hiệp-quốc để tránh khỏi khuyến-khích, xúi-giục sự phản-đối của các nước khác."(41)

Sau đó Cloma chính-thức tuyên-bố thành-lập một chính-quyền riêng-biệt cho quần-đảo Freedomland và gửi một bản tuyên-cáo về việc thành-lập chính-quyền này cho Ngoại-trưởng Phi-luật-tân ngày 6.7.1956. Bản tuyên-bố còn yêu-cầu Phi-luật-tân cho quần-đảo hưởng qui-chế bảo-hộ.

Vấn-đề rắc-rối thêm khi Ngoại-trưởng Phi-luật-tân trong thư trả lời Cloma đã viết:

"Về phần Bộ Ngoại-giao, thiểm Bộ coi các đảo, cù-lao, ám-sa san-hô, thiển-than và các bãi cát bao gồm ở trong vùng mà ông mệnh-danh là "Freedomland", ngoại trừ nhóm 7 hòn đảo mà quốc-tế thường gọi là quần-đảo Spratly, là đất vô-chủ, có cái mới nổi lên, có cái đã được ghi-chú trên bản đồ quốc-tế chưa thám-sát và sự hiện-hữu đáng nghi-ngờ, và tất cả đều chưa có ai tới chiếm-hữu, chưa có ai cư-ngụ; nói một cách khác, điều đó có nghĩa là mọi công-dân Phi-luật-tân có quyền tự-do khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp như công-dân bất cứ quốc-gia nào khác, ngày nào mà chủ-quyền chuyên-hữu của bất cứ quốc-gia nào trên những đảo này không được thiết-lập theo các nguyên-tắc vẫn được luật quốc-tế chấp-nhận hay được cộng-đồng các quốc-gia thừa-nhận.

"Còn về nhóm 7 hòn đảo mà quốc-tế thường gọi là quần-đảo Spratly, Chính-phủ Phi-luật-tân coi những đảo này như là ở trong chế-độ giám-hộ trên thực-tế của các quốc-gia đồng-minh thắng trận Thế-chiến thứ 2 do kết-quả của Hòa-ước Nhật-bản ký tại Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951 do đó Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi hỏi trên quần-đảo Spratly và quần-đảo Paracel và cho tới nay các quốc-gia đồng-minh chưa có một vụ dàn-xếp đất-đai nào về hai quần-đảo này. Vì thế ngày nào mà nhóm các đảo đó còn ở trong tình-trạng này, mọi công-dân hay nhân-viên các quốc-gia đồng-minh có quyền khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp trên căn-bản bình-đẳng cơ-hội và đối-đãi về các vấn-đề xã-hội, kinh-tế và thương-mại liên-quan tới hai quần-đảo này.

"Phi-luật-tân là một trong những quốc-gia đồng-minh đã đánh bại Nhật-bản trong trận Thế-chiến thứ 2 và cũng là quốc-gia ký Hòa-ước Nhật-bản đã nói bên trên.

"Về phương-diện vị-trí địa-dư của những hòn đảo và cù-lao bao gồm trong "Freedomland", vì chúng kế-cận biên-giới lãnh-thổ Phi-luật-tân về phía tây, vì những quan-hệ lịch-sử và địa-chất của chúng đối với quần-đảo Phi-luật-tân, vì giá-trị chiến-lược lớn-lao của chúng đối với nền quốc-phòng và an-ninh của chúng ta, ngoài tiềm-năng kinh-tế đáng kể về ngư-nghiệp, sản-phẩm san-hô, hải-sản và phốt-phát, chắc chắn là Chính-phủ Phi-luật-tân không coi thường sự khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp của các công-dân Phi-luật-tân tại những nhóm đảo và cù-lao này ngày nào họ còn theo đuổi những mục-đích hợp-pháp."(42)

Ngoài ra, trong một buổi họp báo tại Manila ngày 19.5.1956, ông Carlos P. Garcia cũng tuyên-bố là một nhóm đảo ở Nam-hải, kể cả đảo Thái-bình và đảo Trường-sa, đúng lý ra phải thuộc về Phi-luật-tân vì chúng kế-cận nước này.

Các sự-kiện và lời tuyên-bố này đã đưa đến những phản-ứng mãnh-liệt trên thế-giới. Vì đề-tài của bài này, ở đây chúng tôi chỉ đề-cập tới phản-ứng của Trung-quốc thôi chứ không đề-cập tới phản-ứng của Việt-nam và của các quốc-gia khác.

Ngày 29.5.1956 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã ra một tuyên-bố về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo, nội-dung như sau:

"Theo tin gần đây của một vài hãng thông-tấn ngoại-quốc Bộ-trưởng Ngoại-giao Phi-luật-tân Carlos Garcia đã tuyên-bố trong một cuộc họp báo là nhóm các đảo ở Nam Trung-quốc-hải kể cả đảo Thái-bình và đảo Nam-uy 'đúng lý ra phải thuộc về Phi-luật-tân vì chúng ở kế-cận.' Các báo-cáo của các hãng thông-tấn ngoại-quốc còn tiết-lộ là Chính-phủ Phi-luật-tân hiện đang tiếp-xúc với bè lũ Tưởng Giới-thạch ở Đài-loan mưu toan 'dàn xếp' cái gọi là vấn-đề chủ-quyền trên quần-đảo Nam-sa. Về vấn-đề này, Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa thấy cần phải tuyên-bố như sau:

"Đảo Thái-bình và đảo Nam-uy ở Nam-hải nói trên, cùng với những đảo nhỏ ở lân-cận đều được gọi chung là quần-đảo Nam-sa. Quần-đảo này lúc nào cũng là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị và hợp-pháp đối với quần-đảo này. Ngay từ ngày 15.8.1951, Bộ-trưởng Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa Châu Ân-lai trong bản Tuyên-bố về Dự-thảo Hòa-ước ký với Nhật-bản của Anh-Mỹ và Hội-nghị Cựu-kim-sơn đã long-trọng vạch rõ rằng: 'Cũng như toàn-thể quần-đảo Nam-sa, quần-đảo Trung-sa và quần-đảo Đông-sa, quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) và đảo Nam-uy (đảo Spratly) lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Mặc dù đã có thời-kỳ những đảo này bị Nhật-bản chiếm đóng trong trận chiến-tranh xâm-lăng do đế-quốc Nhật-bản gây ra, sau khi Nhật-bản đầu hàng, Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi lại.' Cớ do Chính-phủ Phi-luật-tân nêu ra để che-đậy ý-đồ xâm-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc, quần-đảo Nam-sa, hoàn-toàn không thể biện-minh được.

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa long-trọng tuyên-bố: sự xâm-phạm chủ-quyền hợp-pháp của Trung-quốc đối với quần-đảo Nam-sa của bất cứ quốc-gia nào, vì bất cứ lý-do nào, và bằng bất cứ phương-tiện nào, cũng tuyệt-đối không thể dung-thứ được."(43)

Một lần nữa chúng ta thấy bản tuyên-bố vừa kể trên cũng không nêu ra một chi-tiết cụ-thể nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với quần-đảo Trường-sa, và cả Hoàng-sa nữa. Vẫn chỉ là sự tái khẳng-định chủ-quyền đó một cách vu-vơ thôi.

Về phía Đài-loan, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc, qua đại-sứ ở Manila, đã phản-kháng mạnh-mẽ cùng Chính-phủ Phi-luật-tân và viện vào cớ là quần-đảo này thuộc về Trung-quốc từ thế-kỷ thứ 15. Chúng tôi rất tiếc không được rõ nội-dung sự phản-kháng này nên không biết luận-cứ của Đài-loan ra sao và căn-cứ vào đâu Đài-loan cho là chủ-quyền đó có từ thế-kỷ thứ 15.

Song-song với việc phản-kháng tại Manila, phát-ngôn-viên Đài-loan còn loan tin Đài-loan phái một lực-lượng đặc-nhiệm tới quần-đảo Trường-sa "có thể và chắc chắn sẽ xảy ra" và quả thực một hạm-đội Đài-loan đã được phái tới nơi trong một thời-gian ngắn để ngăn-chặn mọi việc không hay xảy ra.

Nhận được tin này, Ngoại-trưởng Phi-luật-tân vội-vàng chỉ-thị cho Đại-sứ Phi-luật-tân tại Đài-bắc là Narciso Ramos báo cho Chính-phủ Đài-loan "không nên quá e-ngại về diễn-biến của tình-hình." Ngoài ra ông cũng loan-báo là Chính-phủ Phi-luật-tân chưa có một thái-độ chính-thức nào về những lời tuyên-bố của Cloma và tuy Phi-luật-tân chưa thăm-dò ý-kiến với Chính-phủ Hoa-kỳ về vấn-đề này, ông nghĩ rằng nếu sau này cần có một trung-gian hòa-giải thì Hoa-kỳ sẽ là "một trọng-tài công-minh chính-trực" vì Hoa-kỳ có quan-hệ thân-hữu với cả hai nước.

Trong khi đó, ngày 8.6.1956 Cloma lại phái một đoàn thứ 2 mang thực-phẩm ra tiếp-tế cho 29 thủy-thủ đã ở lại quần-đảo trong chuyến đi thứ nhất.

— đảo Thái-bình, các thủy-thủ của Cloma thấy hải-quân Đài-loan đã bốc rỡ những mốc bia đánh dấu mà họ dựng lên trên đảo trong chuyến đi thứ nhất và đã dựng một dấu hiệu của Trung-hoa Dân-quốc trên mốc bia cũ của Nhật-bản và cũng vẽ dấu hiệu Trung-hoa trên tường một căn nhà đổ nát trước kia thuộc trại lính Nhật-bản.

Cuộc chạm trán đầu tiên giữa đội của Cloma và hải-quân Đài-loan xảy ra ngày 1.10.1956. Lúc thuyền-trưởng Filemon Cloma đang ở trên tàu PMI IV bỏ neo ở ngoài khơi đảo Ciriaco thì có hai chiếc tàu của Đài-loan từ phía nam tiến lại gần. Thuyền-trưởng Cloma được mời lên tàu của Đài-loan để thuơng-nghị với thuyền-trưởng họ Hồ. Cuộc thảo-luận kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Sau đó một đoàn thủy-quân Đài-loan lên tàu của Cloma kiểm-soát trong hai tiếng đồng hồ. Họ tịch-thu tất cả súng ống, võ-khí, bản đồ và các tài-liệu trên tàu. Mặc dù có phản-kháng, thuyền-trưởng Cloma vẫn bị giữ trên tàu mãi đến 9 giờ đêm hôm đó. Hôm sau, thuyền-trưởng Cloma lại dược mời lên tàu Đài-loan. Tuy từ-chối không chịu nhận Freedomland là lãnh-thổ của Trung-hoa và không chịu ký vào tờ tuyên-bố là ông và các thủy-thủ sẽ rời Freedomland không bao giờ trở lại, nhưng ông không bị bắt-buộc phải nộp võ-khí cho các viên-chức Đài-loan. Ngày 3.10.1956 tàu của Đài-loan rời khu-vực này.

Nói tóm lại, cả Bắc-kinh lẫn Đài-bắc đều nhận hai quần-đảo Trường-sa và Hoàng-sa là lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, cả hai chính-phủ Quốc-Cộng Trung-hoa lại vẫn không đưa ra dược một dẫn-chứng cụ-thể nào để bênh-vực quan-điểm của mình mà chỉ biết dùng võ-lực để ép người khác phải nhìn-nhận quan-điểm của họ. Chính-sách sử-dụng võ-lực này 18 năm sau (1974) đã được Trung-quốc dùng tới một lần nữa, lần này đến phiên Trung-Cộng.

IV. Dịp Việt-nam Cộng-hòa bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng (1959)

Ngót ba năm sau, năm 1959, lại có một biến-cố khác đã xảy ra khiến cho Trung-quốc có dịp lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Đêm ngày 20 rạng ngày 21.2.1959, một đơn-vị hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đóng tại quần-đảo Hoàng-sa phát-giác thấy Trung-Cộng đã lén đưa ngư-dân đổ-bộ lên các đảo Cam-tuyền (Robert), Duy-mộng (Drummond) và Quang-hòa (Duncan) trong nhóm Nguyệt-thiềm (Crescent) thuộc quần-đảo Hoàng-sa với mục-đích chiếm lấy quần-đảo. Đây không phải là lần đầu họ làm như vậy. Năm 1956 các ngư-dân Trung-Cộng đã lén-lút đổ-bộ lên Lâm-đảo (Wooded Island) và đảo Linh-côn (Lincoln Island), cũng thuộc nhóm Nguyệt-thiềm, và sau được thay-thế bằng quân chính-qui của Trung-Cộng. Tuy nhiên lần đổ bộ này họ không thành-công. Hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã ngăn-chặn các ngư-thuyền của họ và ra lệnh cho họ rút lui. Khi họ từ-chối và kháng-cự, các lực-lượng hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã bắt giữ 82 ngư-dân và 5 ngư-thuyền. Vài bữa sau họ được thả.

Ngót một tuần sau, Bắc-kinh mới phản-ứng. Trong một bản tuyên-bố ngày 27.2.1959, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã vu-cáo là hải-quân VNCH đã xâm-nhập bất-hợp-pháp quần-đảo Hoàng-sa, bắt cóc 82 ngư-dân và chiếm giữ 5 ngư-thuyền cùng các tài-sản khác của ngư-dân Trung-Cộng. Bản tuyên-bố còn nói thêm là:

"Quần-đảo Tây-sa là một phần của lãnh-thổ trung-quốc. Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa đã long-trọng tuyên-bố về sự-kiện này ngày 15.8.1951 và ngày 29.5.1956. Bây giờ hải-quân Nam-Việt đã vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc và bắt cóc các ngư-dân, ngư-thuyền Trung-hoa. Điều này làm cho nhân-dân Trung-hoa hết sức tức-giận.

"Bộ Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa long-trọng cảnh-cáo nhà cầm quyền Nam-Việt phải phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc, trao trả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi, bồi-thường thiệt-hại cho những người này và bảo-đảm không để cho những việc bất-hợp-pháp tương-tự tái-diễn trong tương-lai. Nếu không, nhà cầm quyền Nam-Việt sẽ phải chịu trách-nhiệm về tất cả các hậu-quả."(44)

Bản tuyên-ngôn này, cũng như biết bao bản tuyên-ngôn trước đó, không hề đưa ra một chi-tiết nào để chứng-minh Hoàng-sa, và cả Trường-sa nữa, là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, bản tuyên-bố cũng mang một vài điểm đáng cho chúng ta chú-ý.

Thứ nhất, khác với những lần trước Trung-Cộng chỉ nói đến chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa và sự không dung-thứ những hành-vi nào mà Trung-Cộng cho là vi-phạm đến chủ-quyền đó thôi, lần này bản tuyên-bố đã đe-dọa rằng nhà cầm quyền Nam-Việt, một danh-từ Trung-Cộng thường dùng để gọi Việt-nam Cộng-hòa, "sẽ phải chịu trách-nhiệm về tất cả những hậu-quả." Lời đe-dọa đó sau này được Trung-Cộng thực-hiện bằng việc đánh chiếm quần-đảo Hoàng-sa năm 1974.

Thứ hai, Trung-Cộng đã coi việc hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đóng tại quần-đảo Hoàng-sa là xâm-nhập bất-hợp-pháp quần-đảo Hoàng-sa và vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải chỉ đến ngày 20 và 21.2.1959, nghĩa là ngày xảy ra biến-cố bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng, hải-quân Việt-nam Cộng-hòa mới tới đồn-trú tại đây; trái lại họ đã đồn-trú ở đó từ lâu rồi. Một việc quan-trọng như vậy, đến độ Trung-Cộng phải ghép vào loại "vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc" chắc chắn là cả Trung-Cộng lẫn Đài-loan đều phải biết. Trái lại, theo sự khảo-cứu của chúng tôi, cả Trung-Cộng lẫn Đài-loan không hề lên tiếng phản-đối việc đồn-trú này. Phải đợi đến khi ngư-dân Trung-Cộng bị bắt giữ thì Trung-quốc mới có phản-ứng. Hơn nữa, chỉ có nhà cầm quyền Bắc-kinh mới lên tiếng kết tội Việt-nam Cộng-hòa. Trái lại Đài-loan hoàn-toàn im-lặng, không ra một lời tuyên-bố nào, dù là chính-thức hay bán chính-thúc, về việc hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đồn-trú tại quần-đảo Hoàng-sa cũng như về việc bắt giữ ngư-dân, ngư-thuyền Trung-Cộng.

Thứ ba, Trung-Cộng đã vu-cáo hải-quân Việt-nam Cộng-hòa "bắt cóc ngư-dân, ngư-thuyền Trung-hoa." Sở-dĩ chúng tôi phải dùng từ "vu-cáo" ở đây là vì Trung-Cộng đã dùng từ "bắt cóc" gán-ghép cho hành-động của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa.

Theo định-nghĩa "bắt cóc" là tội bắt giữ người một cách bất-hợp-pháp và di-chuyển người đó đi nơi khác. Theo luật quốc-nội cũng như luật quốc-tế, đây là một hình-tội. Muốn bị kết tội bắt cóc, ngưới bắt giữ phải phạm những yếu-tố sau đây: cố-ý phạm tội, bắt giữ nạn-nhân bất-hợp-pháp, và di-chuyển nạn-nhân đi chỗ khác.

Cố-ý phạm tội có nghĩa là người bắt cóc phải đã có ý-định bắt cóc nạn-nhân trước khi thực-hiện ý-định đó. Trong việc bắt giữ các ngư-nhân Trung-Cộng, hải-quân Việt-nam Cộng-hòa không hề có ý-định bắt giữ họ từ trước mà chỉ giữ họ lại khi họ không chịu rời khỏi các đảo Cam-tuyền, Duy-mộng và Quảng-hòa theo như yêu-cầu của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa thôi.

Bắt cóc là một hành-vi bất-hợp-pháp. Tuy nhiên, nếu người bắt giữ người khác do trách-nhiệm, bổn-phận của mình trong phạm-vi pháp-luật cho phép, dù là pháp-luật quốc-nội hay pháp-luật quốc-tế, người bắt giữ không làm hành-vi bất-hợp-pháp. Trong vụ bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng, hải-quăn Việt-nam Cộng-hòa chỉ thi-hành nhiệm-vụ của mình là bảo-vệ lãnh-thổ quốc-gia. Đó là một nhiệm-vụ mà bất cứ quân-nhân nuớc nào trên thế-giới, kể cả Trung-Cộng, cũng phải thi-hành. Hơn nữa, nếu người bắt giữ không chịu thả nạn-nhân khi nạn-nhân có quyền được thả ra thì mới có thể bị coi là phạm tội bắt cóc. — đây, hảị-quân Việt-nam Cộng-hòa đã thả các ngư-dân Trung-Cộng ngay sau khi đã làm các hành-vi thuộc bổn-phận của mình nên cũng không thể coi là bắt cóc họ. Nói cách khác, họ chỉ bắt giữ theo luật-định chứ không bắt cóc.

Ngoài ra, việc bắt cóc ngụ-ý chỉ người làm ra hành-động giới-hạn sự di-chuyển của nạn-nhân, không cho nạn-nhân đi đâu hết. Trái lại, nếu chỉ ngăn-chặn không cho nạn-nhân tới một chỗ nào vì một lý-do hợp-pháp nào thì việc đó không phải là bắt cóc. Mặt khác, nếu nạn-nhân có cách thoát khỏi sự giam giữ mà không nguy-hại đến tính-mệnh của mình, việc bắt giữ nạn-nhân cũng không thể coi là bắt cóc được. Trong vụ này các ngư-dân Trung-Cộng đã được hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đồn-trú tại ba hòn đảo nơi xảy ra biến-cố, mà Việt-nam Cộng-hòa cho là phần lãnh-thổ của mình và ủy-thác cho hải-quân Việt-nam Cộng-hòa bảo-vệ và canh giữ, để cho tự-do đi bất cứ nơi nào khác ngoại trừ đổ bộ lên ba hòn đảo này nếu không có phép của Việt-nam Cộng-hòa. Như vậy khi hải-quân Việt-nam Cộng-hòa bắt giữ các ngư-dân Trung-Cộng không chịu rút lui khỏi ba đảo họ không bắt cóc các ngư-dân đó.

Sau hết, cũng nên nói thêm là Trung-Cộng đã dùng sai từ "bắt cóc". Bắt cóc đòi hỏi việc di-chuyển nạn-nhân đi một nơi khác với nơi bị bắt giữ và nơi đó không được tiết-lộ. — đây các ngư-dân Trung-Cộng không hề bị hải-quân Việt-nam Cộng-hòa di-chuyển đi dâu cả, mà chỉ bị ngăn không được lưu lại ba hòn đảo thôi. Hành-vi của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa không thể bị ghép tội bắt cóc được.

Thứ tư, chính-quyền Bắc-kinh đòi Vi(r)t-nam Cộng-hòa chẳng những là phải "phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc" mà còn phải "trao

Dụng-ý của Trung-Cộng * đây khi vu-cáo như vậy là có ý muốn tỏ cho thế-gi3/4i biết rằng hải-quân Vi(r)t-nam Cộng-hòa đã có hành-dộng bất-hợp-pháp của những tên hải-tặc chuyên-môn đánh cư3/4p trên mặt bể, chứ không phải là hành-dộng hợp-pháp của các quân-nhân bảo-v(r) lãnh-thổ quốc-gia. Tuy nhiên, sự vu-cáo này của Trung-Cộng cũng không đáng cho mọi người ngạc-nhiên vì Trung-Cộng có thói quen vu-cáo và lăng-nhục những nư3/4c hay những người đối-nghịch v3/4i Trung-Cộng và thói quen đó đã nổi tiếng trên thế-giới.

Thứ tư, chính-quyền Bắc-kinh đòi Việt-nam Cộng-hòa chẳng những là phải "phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc" mà còn phải "trao trả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi". Chỗ này Trung-Cộng vu-cáo quá lố. Hải-quân Việt-nam Cộng-hòa chỉ giữ các ngư-dân Trung-Cộng và ngư-thuyền thôi và không hề lấy một chút tài-sản nào khác chứ đừng nói là "chiếm mang đi." rả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi". Dụng-ý của Trung-Cộng ở đây khi vu-cáo như vậy là có ý muốn tỏ cho thế-giới biết rằng hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã có hành-dộng bất-hợp-pháp của những tên hải-tặc chuyên-môn đánh cướp trên mặt bể, chứ không phải là hành-dộng hợp-pháp của các quân-nhân bảo-vệ lãnh-thổ quốc-gia. Tuy nhiên, sự vu-cáo này của Trung-Cộng cũng không đáng cho mọi người ngạc-nhiên vì Trung-Cộng có thói quen vu-cáo và lăng-nhục những nước hay những người đối-nghịch với Trung-Cộng và thói quen đó đã nổi tiếng trên thế-giới.

V. Phản-ứng đối với lời tuyên-bố của Tổng-thống Phi-luật-tân về chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa (1971)

Mười hai năm lại trôi qua đi không có dịp nào dể các nhà cầm quyền Bắc-kinh và Đài-bắc lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, cho tới năm 1971.

Trong một buổi họp báo tại điện Malacanang(45) ngày 10.7.1971, trước buổi khai-mạc hội-nghị kỳ thứ 6 của Hiệp-hội các Quốc-gia Á-châu và Thái-bình-dương trên cấp bậc Tổng-trưởng tại Manila, Tổng-thống Phi-luật-tân Ferdinand Marcos tố-cáo quân-đội Đài-loan, lúc đó đang chiếm đóng ở đảo Thái-bình (Itu Aba, hay Ligaw theo tên Phi-luật-tân), đã đặt những ổ trọng-pháo để tăng-cường sự phòng-thủ đảo này và trong một vài trường-hợp đã bắn cảnh-cáo vào những phi-cơ và tàu của Phi-luật-tân đi trinh-sát trong vùng. Ông cũng nói thêm là Hội-đồng An-ninh Quốc-gia

Phi-luât-tân trong phiên họp ngày hôm đó đã đồng-thanh cho rằng vì những diễn-biến nhanh-chóng xảy ra trong vùng và vì đảo này ở kế-cận lãnh-thổ Phi-luật-tân nên việc một nước ngoài chiếm đóng ở đây là một mối đe-dọa trầm-trọng cho nền an-ninh của Phi-luật-tân(46). Ngoài ra, ông còn nhắc lại quan-điểm của Phi-luật-tân (đã nói ở đoạn III bên trên) là quần-đảo Trường-sa đang ở trong chế-độ giám-hộ trên thực-tế của các quốc-gia đồng-minh theo Hòa-ước với Nhật-bản ký tại Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951. Trong hòa-ước này Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi hỏi đối với quần-đảo này. Vẫn theo lời Marcos, vì quần-đảo Trường-sa ở dưới chế-độ giám-hộ, không nước nào có quyền mang quân-đội vào bất cứ hòn-đảo nào trong nhóm quần-đảo này nều không có phép và sự thỏa-thuận của các quốc-gia đồng-minh. Sau hết, ông loan-báo thêm là vì Đài-loan thiết-lập một đồn binh tại đảo Thái-bình không có phép và sự thỏa-thuận của các quốc-gia đồng-minh nên Phi-luật-tân đã yêu-cầu Chính-phủ Đài-bắc rút quân-đội khỏi nơi này.

Lời tuyên-bố cùa Marcos đã gây ra phản-ứng tại nhiều quốc-gia. Vài ngày sau khi có lới tuyên-bố này, các Chính-phủ Anh và Hoà-lan loan-báo hai nước khước-từ quyền giám-hộ trên quần-đảo Trường-sa(47). Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa, qua lời tuyên-bố của Ngoại-trưởng Trần-văn-Lắm ngày 13.7.1971, tái khẳng-định chủ-quyền của Việt-nam trên quần-đảo Trường-sa mà các dữ-kiện lịch-sử và pháp-lý chứng tỏ là thuộc về Việt-nam, ít nhất là từ thế-kỷ thứ 18. Ông cũng nhắc lại lời tuyên-bố của cựu Thủ-tướng kiêm Ngoại-trưởng Trần-văn-Hữu tại Hoà-hội Cựu-kim-sơn ngày 7.9.1951 (đã nói ở phần II bên trên).

Về phần Đài-loan, Ngoại-trưởng Châu Thư-giai đã tuyên-bố rằng quần-đảo Nam-sa từ thời xa xưa vẫn thuộc về Trung-hoa và quân-đội Đài-loan đã chiếm đóng quần-đảo này hơn 20 năm qua. Sau đó ông đã hội-đàm với Ngoại-trưởng Phi-luật-tân Carlos Romulo, nhưng nội-dung không được tiết-lộ.

Đáng tiếc là Châu ngoại-trưởng đã không đưa ra một chi-tiết hay một thí-dụ nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với quần-đảo này "từ thời xa-xưa" và cũng không cho biết là "thời xa xưa" ấy là từ bao giờ. Chúng tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm là Đài-loan đã cho leo thang thời-gian chủ-quyền. Trong lần phản-ứng năm 1956 (nói ở phần II bên trên), Đài-loan nói là Trung-quốc có chủ-quyền trên hai quần-đảo này từ thế-kỷ thứ 15, nay lại đổi thành từ thời xa-xưa. Hơn nữa, ông lại cố-tình che dấu tính-cách bất-hợp-pháp của việc Quốc-quân Đài-loan chiếm đóng ở đây như chúng tôi đã trình-bày trong đoạn II bên trên.

Mặt khác, trong vụ này nhà cầm quyền Bắc-kinh đã không chính-thức lên tiếng mà chỉ cho phép hãng thông-tấn nhà nước là Tân Hoa-xã phổ-biến ngày 16.7.1971 một bài nhan-đề là "Philippine Authorities Openly Violate China's Territorial Sovereignty by Occupying Islands of China's Nansha Islands" (Nhà Cầm Quyền Phi-luật-tân Công-khai Vi-phạm Chủ-quyền Lãnh-thổ của Trung-quốc Bằng Cách Chiếm đóng Các Đảo thuộc Quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc), để lên án việc Phi-luật-tân phái quân tới chiếm đóng vài hòn đảo trong quần-đảo Nam-sa, cho "đó là một biến-cố trầm-trọng của một sự vi-phạm trắng-trợn chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc của nhà cầm quyền Phi-luật-tân trong lúc theo đuổi chính-sách xâm-lược và mưu-đồ chiến-tranh ở Á-châu của đế-quốc Mỹ." Bài này nói là:

"Quần-đảo Nam-sa gồm đảo Thái-bình, đảo Nam-uy, đảo Trung-nghiệp, đảo Mã-hoan và nhiều cù-lao khác ở Nam-hải. Những đảo này lúc nào cũng là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có quyền bất khả tranh-nghị và hợp-pháp trên những đảo này. Mặc dù quần-đảo Nam-sa đã có lần rơi vào tay đế-quốc Nhật-bản sau khi nước này tung ra trận chiến-tranh xâm-lăng, khi Nhật-bản đầu hàng Chình-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi lại quần-đảo này.(48)

Sau khi nhắc lại các lời tuyên-bố ngày 15.8.151 của Châu Ân-lai và ngày 29.5.1956 của phát-ngôn viên Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng là "tuyệt-đối không nước nào được phép vi-phạm chủ-quyền hợp-pháp của Trung-quốc trên quần-đảo Nam-sa vì bất cứ lý-do nào và dưới bất cứ hình-thức nào", bài của Tân Hoa-xã còn cảnh-cáo:

"Chính-phủ và nhân-dân Trung-hoa tuyệt-đối không thể nào dung-thứ việc chính-phủ Phi-luật-tân công-khai vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc. Chính-phủ Phi-luật-tân phải ngưng ngay việc vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc và rút nhân-viên ra khỏi quần-đảo Nam-sa."(49)

Điểm đáng chú-ý là bài này làm ngơ không đả-động gì đến việc Đài-loan chiếm đóng đảo Thái-bình và tuyên-bố chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo Trường-sa.

Một lần nữa, Trung-Cộng, giống Đài-loan, không đưa ra được bằng-chứng nào mà chỉ nói vu-vơ là quần-đảo Trường-sa thuộc về Trung-quốc thôi.

VI. Luận-cứ nêu ra trong vụ đụng-độ hải-quân với Việt-nam Cộng-hòa (1974)

Vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa bước sang một giai-đoạn mới vào tháng giêng năm 1974, lần này đưa đến việc giải-quyết bằng vũ-lực qua một cuộc đụng-độ hải-quân công-khai và trực-tiếp giữa Việt-nam Cộng-hòa và Trung-Cộng tại quần-đảo Hoàng-sa. Vì là một nước rất nhỏ bé, về địa-dư cũng như về nhân-số, so với Trung-Cộng, vì không được sự giúp đỡ tận-tình của các quốc-gia tự nhận là đồng-minh, vì bị thế-giới làm ngơ và vì kiệt sức trước cuộc chiến-tranh trong nước đã kéo dài ngót 30 năm, Việt-nam Cộng-hòa chỉ chống lại Trung-Cộng được có hai ngày để rồi cuối cùng nhìn thấy quần-đảo Hoàng-sa rơi vào tay Trung-Cộng mà hậu-quả còn kéo dài tới ngày nay.

Biến-cố này xảy ra sau khi Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa đã quyết-định sáp-nhập quần-đảo Trường-sa vào xã Phước-hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước-tuy, ngày 6.9.1973(50).

Đây không phải là lần đầu tiên có sự sáp-nhập hai quần-đảo Hoàng-sa và quần-đảo Truòng-sa vào các đơn-vị hành-chính nội-địa ở Việt-nam. Thực vậy, trong thời Pháp-thuộc, ngày 21.12.1933 quần-đảo Trường-sa đã được sáp-nhập vào địa-phận tỉnh Bà-rịa(51) và ngày 30.3.1938 quần-đảo Hoàng-sa được sáp-nhập vào tỉnh Thừa-thiên(52). Từ khi Việt-nam giành được độc-lập khỏi tay thực-dân Pháp, quần-đảo Hoàng-sa dược tổ-chức thành xã Định-hải, do một phái-viên hành-chính cai-trị và trực-thuộc quận Hoà-vang, tỉnh Quảng-nam ngày 13.7.1961(53), rồi đến ngày 21.10.1969 xã Định-hải (tức quần-đảo Hoàng-sa) sáp-nhập vào xã Hòa-long cùng quận Hòa-vang, tỉnh Quảng-nam(54); còn quần-đảo Trường-sa được đặt thuộc tỉnh Phước-tuy (tên mới của tỉnh Bà-rịa) ngày 22.10.1956(55). Nghị-định ngày 6.9.1973 chỉ đổi quận trực-tiếp quản-trị quần-đảo Trường-sa.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy là trong các việc sáp-nhập hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trước đây các chính-phủ Trung-hoa không hề lên tiếng phản-đối gì cả. Chỉ đến lần cuối cùng, năm 1973, thì cả Bắc-kinh lẫn Đài-loan mới có phản-ứng.

A. Phản-ứng của Trung-Cộng

1. Tuyên-bố ngày 1.1.1974

Điều chúng ta không hiểu rõ là vì lý-do gì mà mãi hơn 4 tháng sau khi có việc sáp-nhập quần-đảo Trường-sa vào quận Đất Đỏ Bắc-kinh mới có phản-ứng.

Ngày 11.1.1974 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã ra một bản tuyên-bố(56), mở đầu như sau:

"Cách đây không lâu, nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã trắng-trợn loan báo đặt hơn mười đảo thuộc quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc, kể cả Nam-uy và Thái-bình, dưới quyền quản-trị của tỉnh Phước-tuy ở Nam-Việt. Đây là một sự xâm-phạm điên-cuồng đến sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc."

Sau khi nhắc lại lời tuyên-bố đã từng được nói tới nhiều lần là "cũng giống như các quần-đảo Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa, quần-đảo Nam-sa luôn luôn là lãnh-thổ của Trung-quốc," bản tuyên-bố đã tố-cáo đây không phải là lần đầu Việt-nam Cộng-hòa đã có hành-động như vậy:

"Trong những năm gần đây nhà cầm quyền Sài-gòn đã gia-tăng xâm-chiếm vài hòn đảo trong quần-đảo Nam-sa và Tây-sa, trong nhiều trường-hợp đã ồn-ào đòi chủ-quyền trên hai quần-đảo này, ngay cả dựng các "bia chủ-quyền" trên đó. Giờ đây nhà cầm quyền Sài-gòn lại đi thêm bước nữa, công-khai sáp-nhập hơn mười đảo, kể cả đảo Nam-uy và Thái-bình, vào ranh-giới của mình. Hành-động này tạo nên một bước mới nhằm nắm vĩnh-viễn quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc."

Đoạn bản tuyên-bố nhắc lại lập-trường cũ của Trung-Cộng:

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhắc lại ở đây rằng các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa tất cả đều là phần của lãnh-thổ trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên những quần-đảo này."

Sau hết bản tuyên-bố đã kết-luận bằng cách phủ-nhận giá-trị hành-động của Việt-nam Cộng-hòa.

"Quyết-định của nhà cầm quyền Sài-gòn đem sáp-nhập đảo Nam-uy, Thái-bình và các đảo khác ở quần-đảo Nam-sa vào Nam-Việt là bất-hợp-pháp và vô-hiệu-lực. Chính-phủ Trung-hoa sẽ không bao giờ dung-thứ việc xâm-phạm đến sự vẹn-toàn lãnh-thổ và chủ-quyền nào do nhà cầm quyền Sài-gòn gây ra."

Bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 này vẫn không đưa ra bằng-chứng nào để chứng-minh hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thuộc về Trung-quốc. Tuy nhiên, bản tuyên-bố đó có mấy điểm đáng cho chúng ta chú-ý.

Thứ nhất, không giống các lần tuyên-bố trước, lần tuyên-bố này có giọng điệu gay-gắt hơn ("trắng-trợn loan báo," "xâm-phạm điên-cuồng," "ồn-ào đòi chủ-quyền") như báo-hiệu trước những biện-pháp mạnh của Trung-Cộng sẽ dùng tới.

Thứ hai, trong những bản tuyên-bố trước Trung-Cộng chỉ nói đến việc các nước vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc thôi, lần này Trung-Cộng lại vu-cáo Việt-nam Cộng-hòa gia-tăng xâm-chiếm hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trong mưu-đồ nắm vĩnh-viễn hai quần-đảo này. Sự vu-cáo đó dường như nhằm đánh lạc hướng dư-luận quốc-tế, qui tội xâm-lăng cho Việt-nam Cộng-hòa trước, để cho việc đánh chiếm hai quần-đảo này của Trung-Cộng trở nên hợp-pháp, nghĩa là muốn chứng-minh Trung-Cộng chỉ dùng võ-lực để bảo-vệ lãnh-thổ, chủ-quyền của mình thôi. Nhận-xét này đã được chứng-minh rõ-ràng sau ngày 19 và 20.1.1974. Khi Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa, thế-giới đã hoàn-toàn im-lặng, không một nước nào lên tiếng. Ngay cả Liên-hiệp-quốc, một tổ-chức quốc-tế có bổn-phận duy-trì an-ninh thế-giới, cũng giữ thái-độ im-lặng khó hiểu. Ngoài ra, sau biến-cố này Việt-nam Cộng-hòa tính đưa nội-vụ ra trước Liên-hiệp-quốc và chuẩn-bị hồ-sơ kiện tại Toà Án Quốc-tế, nhưng một số nước vẫn nhận là đồng-minh của Việt-nam Cộng-hòa đã tìm cách ngăn-cản để cho Việt-nam Cộng-hòa không thể làm được việc này. Đấy là chưa kể vào thời-gian xảy ra vụ Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Đệ Thất Hạm-đội của Hoa-kỳ đang tuần-tiễu và hoạt-động ở quanh vùng biển Đông, gọi là để bảo-vệ Việt-nam Cộng-hòa, cũng không có một phản-ứng nào trước hành-động của Trung-Cộng.

Thứ ba, từ năm 1956 trở đi, mỗi khi nói đến chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, Trung-Cộng bao giờ cũng dùng từ "chủ-quyền bất-khả tranh-nghị và hợp-pháp" hay "chủ-quyền hợp-pháp". Tuy nhiên trong lần tuyên-bố ngày 11.1.1974 này -- và cả những lần sau đó, như chúng ta sẽ thấy -- Trung-Cộng chỉ nói tới "chủ-quyền bất-khả tranh-nghị" hay "chủ-quyền bất-khả xâm-phạm" thôi và hoàn-toàn không dùng từ "hợp-pháp" nữa. Có lẽ Trung-Cộng đã yên-chí là thế-giới đã mắc phải bả của mình rồi nên thấy không cần dùng từ này nữa!

Thứ tư, lần đầu tiên Trung-Cộng đã công-khai bộc-lộ rõ nguyên-nhân thầm-kín thúc-đẩy việc tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa: đó là nguồn tài-nguyên thiên-nhiên ở vùng này. Thực vậy, bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 có câu:

"Các tài-nguyên thiên-nhiên trong các vùng biển quanh các quần-đảo này cũng thuộc về Trung-quốc."

Điểm đáng chú-ý ở đây là sự sử-dụng chữ của Trung-Cộng. Bản tuyên-bố không nói là những tài-nguyên thiên-nhiên trên càc quần-đảo này mà lại nói tới "những tài-nguyên thiên-nhiên trong các vùng biển quanh các quần-đảo này" cũng thuộc về Trung-quốc. Như vậy, Trung-Cộng cố đòi cho kỳ được chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa không phải chỉ vì chỗ phân chim, phốt-phát hay các tài-nguyên khác tìm thấy trên hai quần-đảo mà chính là nhằm vào những túi dầu có ở quanh hai quần-đảo đương-tranh. Đây mới là động-lực chính thúc-đẩy Trung-cộng ra tay hành-động mạnh.

Tưởng cũng cần nhắc lại là Trung-Cộng chỉ lên tiếng với các lời lẽ gay-gắt hơn và sau này đi đến hình-thức tranh-chấp cực-đoan hơn bằng cách dùng đến võ-lực để chiếm quần-đảo Hoàng-sa, sau khi mấy công-ty dầu ngoại-quốc đã ký giao-kèo khai-thác dầu ở ngoài khơi Việt-nam với chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa. Giả thử quanh hai quần-đảo này không có các túi dầu quan-trọng thì chưa chắc Trung-Cộng đã làm gì, có lẽ vẫn giữ nguyên thái-độ cũ là chỉ tuyên-bố, đe-dọa suông như mọi lần, chứ không đánh chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Vì vậy chúng ta có thể đề-quyết không sợ bị sai-lầm là chính vì các túi dầu của Việt-nam Cộng-hòa mà Trung-Cộng đã ra tay.

2. Tuyên-bố ngày 20.1.1974

Tuy nhiên bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 mới chỉ là màn giáo đầu. Tám ngày sau đã xảy ra một cuộc hải-chiến hai ngày 19 và 20.1.1974 tại vùng quần-đảo Hoàng-sa giữa Việt-nam Cộng-hòa và Trung-Cộng. Điều chúng ta thắc-mắc là không hiểu tại sao Trung-Cộng không chọn quần-đảo Trường-sa để ra tay mà lại chọn quần-đảo Hoàng-sa. Phải chăng vì quần-đảo này ở gần hải-phận của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa (Bắc-Việt) hơn nên các cuộc hành-quân của Trung-Cộng không bị trở-ngại và còn được Bắc-Việt chống lưng cho hơn là một cuộc hành-quân ở quần-đảo Trường-sa nằm mãi sâu xuống phía nam và gần hải-phận của Việt-nam Cộng-hòa?

Sau khi có trận hải-chiến ở vùng Hoàng-sa ngày 20.1.1974 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã tung ra một bản tuyên-bố khác(57). Bản tuyên-bố này rất quan-trọng vì đã đề-cập tới một số dữ-kiện không hề nói tới trong những bản tuyên-bố khác. Chúng ta sẽ lần-lượt cứu-xét những dữ-kiện đó.

Trước hết, theo đường lối vu-khống cố-hữu của Trung-Cộng, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 đã che dấu sự thật và vu-cáo là hải-quân và không-quânViệt-nam Cộng-hòa đã có hành-động trước như là tấn-công các ngư-thuyền của Trung-Cộng và chiếm hai đảo trong quần-đảo Hoàng-sa ngày 15.1.1974, tấn-công các đảo khác ngày 19.1.1974 và bắn vào các chiến-hạm Trung-Cộng đang đi tuần-tiễu. Rồi để biện-minh hành-động quân-sự của mình, nhà cầm quyền Trung-Cộng đã tuyên-bố:

"Vì bị đẩy tới quá mức chịu-đựng nên các đơn-vị hải-quân, ngư-dân và dân-binh của chúng ta [tức là của Trung-Cộng] mới anh-dũng chống trả để tự-vệ và để trừng-phạt đích-đáng quân địch xâm-lăng."

Sau khi vu-cáo "nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã từ lâu định xâm-chiếm hai quần-đảo Tây-sa và Nam-sa của Trung-quốc" và nhắc lại việc Việt-nam Cộng-hòa sáp-nhập hơn mười đảo thuộc quần-đảo Trường-sa như đã nói tới trong bản tuyên-bố ngày 11.1.1974, Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh đã lên án là Việt-nam Cộng-hòa "giờ đây còn trắng-trợn khiêu-khích Trung-quốc về quân-sự và chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc bằng võ-lực. Đó là điều táo gan đến cùng-cực."

Nói cách khác, bản tuyên-bố này cố vẽ một Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến, đã có những hành-động gấy-hấn trước và một Trung-Cộng hiếu-hòa, chỉ ra tay hành-động khi không thể chịu đựng sự khiêu-khích và xâm-lăng của Việt-nam Cộng-hòa được nữa. Mục-đích của lời vu-cáo này hiển-nhiên là nhằm vào dư-luận thế-giới nói chung và Hoa-kỳ nói riêng hầu chặn trước không cho một nước nào phản-đối Trung-Cộng đã vi-phạm Hiến-chương Liên-hiệp-quốc, mà Trung-Cộng là một hội-viên trước đó ba năm, bằng việc cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Về điểm này Trung-Cộng đã thành-công. Không một nước nào trong Liên-hiệp-quốc dã lên tiếng cả.

Bản tuyên-bố còn phê-bình các hành-động của Việt-nam Cộng-hòa là:

"Đồng-thời với việc xâm-nhập võ-trang vào lãnh-thổ trung-quốc, nhà cầm quyền Sài-gòn lại còn dùng đến chiến-thuật 'kẻ có tội đâm đơn kiện trước,' bịa-đặt là Trung-quốc 'đột-nhiên thách-thức' chủ-quyền của chúng trên quần-đảo Tây-sa nhằm cố-gắng làm rối-loạn dư-luận quần-chúng và lại còn khẳng-định là Sài-gòn hoàn-toàn có chủ-quyền trên quần-đảo Tây-sa và không một quốc-gia nào tham-dự Hội-nghị Cựu-kim-sơn năm 1951 lại phản-đối việc chúng đòi chủ-quyền."

Tới đây Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh nhắc lại lời tuyên-bố cố-hữu là: "Như mọi người đều biết, quần-đảo Tây-sa cũng như các quần-đảo Nam-sa, Trung-sa và Đông-sa luôn luôn là lãnh-thổ của Trung-quốc." Điểm đáng nói ở đây là sau khi tuyên-bố chủ-quyền này là "một sự thực bất-khả tranh-nghị" bản tuyên-bố của Bắc-kinh đã gài thêm một câu là "mọi người Trung-hoa đều chủ-trương như vậy."

Câu này nhằm chặn họng trước Đài-loan để đề-phòng trường-hợp Đài-loan, vì nhu-cầu muốn duy-trì sự giao-hảo với Việt-nam Cộng-hòa vào lúc các quốc-gia khác dần-dần bỏ rơi Đài-loan sau khi Trung-Cộng được gia-nhập Liên-hiệp-quốc năm 1971 và đang được Hoa-kỳ o-bế, và vì vốn có cừu-thù với Trung-Cộng, coi việc gì Trung-Cộng làm cũng là trái với quyền-lợi của Trung-quốc, quay ra chống-đối hành-động cưỡng-chiếm Hoàng-sa của Trung-Cộng, khiến cho Đài-loan không thể làm gì khác được. Hơn nữa, câu này còn có ý thách-thức Đài-loan có dám đi ngược lại với quyền-lợi của Trung-quốc không.

Về điểm này Trung-Cộng cũng đã thành-công. Đài-loan không những đã phụ-họa với Trung-Cộng trong việc đòi chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà lại còn phái thêm quân đến chiếm đóng vài hòn đảo thuộc quần-đảo Trường-sa của Việt-nam Cộng-hòa để sẵn-sàng chống lại khi cần.

Mặt khác, trái với các tuyên-bố trước đây chỉ đề-cập tới việc quần-đảo Hoàng-sa (và cả Trường-sa) bị Nhật-bàn chiếm đóng trong thời Thế-chiến thứ II và sau đó Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã thu-hồi lại, lần này bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 đưa ra một chi-tiết tuy không mới lạ đối với Việt-nam nhưng lại mới đối với các người ngoại-cuộc: đó là việc Pháp chiếm đóng quần-đảo Hoàng-sa.

"Mặc dù vài hòn đảo thuộc quần-đảo Tâỵ-sa có một thời-kỳ trước Thế-chiến thứ II đã bị Pháp chiếm đóng và sau đó đến lượt Nhật-bản, nhưng sau Thế-chiến, quần-đảo Tây-sa cũng như các đảo khác trong Nam-hải đã được Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ chính-thức thu-hồi."

Chúng ta tự hỏi tại sao Trung-Cộng lần này lại đề-cập tới việc Pháp chiếm đóng quần-đảo Hoàng-sa? Câu hỏi này thật khó trả lời.

Nếu bảo rằng đó chỉ là để đáp lại lời tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa ngày 12.1.1974 và 16.1.1974 trong đó đã nêu việc trong thời-gian Việt-nam bị Pháp đô-hộ (1862-1945) "nhân-danh vương-quốc Việt-nam, Chánh-phủ Pháp đã thực-hiện việc chiếm-cứ chính-thức đảo Hoàng-sa"(58) và đặt "quần-đảo Hoàng-sa thành đơn-vị hành-chánh sáp-nhập vào tỉnh Thừa-thiên" cùng "thiết-lập hai đơn-vị hành-chánh tại quần-đảo Hoàng-sa là đơn-vị Croissant và đơn-vị Amphytrite"(59) để chứng-minh chủ-quyền của Việt-nam trên quần-đảo thì lập-luận này không đúng. Tại sao? Đây không phải là lần đầu tiên Việt-nam Cộng-hòa đã đưa ra bằng-chứng này. Thực vậy, suốt từ khi có Hòa-hội Cựu-kim-sơn năm 1951, và nhất là từ năm 1956, trở đi, Việt-nam Cộng-hòa đã nhiều lần nhắc tới việc Pháp đã nhân-danh Việt-nam chiếm-hữu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa để chứng-minh chủ-quyền của mình. Lại nữa, trong vụ Phi-luật-tân đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa năm 1976 (đã nói ở đoạn III bên trên),

Xử-lý Thường-vụ Toà Đại-sứ Pháp tại Manila ngày 9.6.1956 đã thông-báo cho Bộ Ngoại-giao Phi-luật-tân về việc Pháp chiếm-hữu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa(60). Như vậy không phải là Trung-Cộng không biết đến việc Pháp chiếm-hữu hai quần đảo.

Câu hỏi là tại sao trong mọi lần trước Trung-Cộng không đả-động gì đến sự-kiện này mà nay lại nhắc tới? Phải chăng đó là vì Trung-Cộng muốn leo thang việc chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo đương-tranh có từ trước Thế-chiến thứ II nhưng đã bị Pháp chiếm mất? Không chắc như vậy. Một luận-cứ kiểu này không thể nào đánh đổ được luận-cứ của Việt-nam Cộng-hòa về tính-cách hợp-pháp của chủ-quyền của Việt-nam Cộng-hòa trên quần-đào này cũng như trên quần-đảo Trường-sa, và cũng không thể nào chứng-minh được chủ-quyền của Trung-Cộng. Vả lại, nếu đúng vì mục-đích này thì tại sao trong các lần tuyên-bố trước Trung-Cộng không hề nêu yếu-tố Pháp ra, mà chỉ nói tới yếu-tố Nhật-bản chiếm đóng Hoàng-sa và Trường-sa thôi?

Hay là vì những lần trước Trung-Cộng đã không biết đến yếu-tố Pháp này? Càng không đúng nữa vì các tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa từ 1951 đến nay luôn luôn đề-cập tới yếu-tố Pháp. Chắc-chắn Trung-Cộng đã nghiên-cứu kỹ-lưỡng các tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa. Vì thế không có lý-do gì để tin được là Trung-Cộng đã không biết đến yếu-tố này.

Cũng không thể cho rằng Trung-Cộng đã coi thường yếu-tố này. Không một nhà hoạch-định chính-sách của một quốc-gia nào có thể và có quyền coi thường bất cứ một chi-tiết nào, dù là cỏn-con, để có ảnh-hưởng tai-hại cho quốc-gia. Điều này lại càng đúng hơn nữa đối với Cộng-sản nói chung và Trung-Cộng nói riêng, vốn có thói quen "cái tóc chẻ tư" trong việc nghiên-cứu bất cứ vấn-đề nào.

Mặt khác, trong bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 này Trung-Cộng đã chú-trọng đến bản-chất và giá-trị cái mà họ gọi là sự thu-hồi hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa của Chính-phủ Trung-hoa sau khi Thế-chiến thứ II chấm dứt. Các bản tuyên-bố trước chỉ nói là "Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi" hai quần-đảo thôi. Lần này bản tuyên-bố đi xa hơn bằng cách thêm trạng-từ "chính-thức" để làm nổi bật giá-trị hành-vi của Trung-Cộng và đồng-thời để biện-minh sự đòi hỏi chủ-quyền của mình.

Hơn nữa, sau khi lập lại lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai như mọi lần trước, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974, để biện-hộ cho việc cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa của mình, đã viện-dẫn đến chiêu-bài là:

"Trung-quốc là một quốc-gia xã-hội chủ-nghĩa. Chúng tôi không bao giờ chiếm đóng lãnh-thổ của nước khác, nhưng chúng tôi cũng sẽ không để cho các nước khác chiếm đóng lãnh-thổ của chúng tôi."

Ngoài ra, làm như có sự đồng-nhất quan-niệm và chính-sách của nhà cầm quyền Cấm-thành và nhân-dân Trung-quốc trong mọi việc, bản tuyên-bố này còn gài thêm một câu là:

"Để bảo-vệ sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc, Chính-phủ và nhân-dân Trung-hoa có quyền làm mọi hành-vi cần-thiết để tự-vệ."

Trước đây các lãnh-tụ Trung-Cộng chỉ nói đến chính-phủ không thôi. Từ bản tuyên-bố này trở đi nhân-dân Trung-quốc được chính-quyền Bắc-kinh đoái-hoài tới trong vụ tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Sau hết, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 lại một lần nữa đã cố tô vẽ một Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến dám chống-đối một lân-bang khổng-lồ bằng cách đòi "Nhà cầm quyền Sài-gòn phải ngưng ngay lập-tức mọi khiêu-khích quân-sự chống Trung-quốc" với mục-đích chứng-minh cho thế-giới biết rằng chỉ có Trung-Cộng mới hiếu-hòa thôi. Bản tuyên-bố kết-thúc bằng một sự đe-dọa quen-thuộc: "Nếu không, họ sẽ phải chịu mọi hậu-quả do các hoạt-động này gây nên."

3. Bài tường-thuật nội-vụ trận hải-chiến tại Hoàng-sa

Cùng lúc với bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 trên, guồng máy tuyên-truyền của Trung-Cộng đã cho phổ-biến một bài tường-thuật nội-vụ cuộc hải-chiến nhan-đề "Saigon Authorities Invade China's Hsisha Islands and Provoke Armed Conflicts"(61).

Bài tường-thuật này bổ-túc bản tuyên-bố nói trên. Nó đã xuyên-tạc mọi chi-tiết, bóp méo hay thổi phồng các dữ-kiện hay sự-kiện trong một mục-đích chung là tô vẽ hai hình-ảnh. Một hình-ảnh Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến đã "trắng-trợn xâm-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc cùng là điên-cuồng khiêu-khích nhân-dân Trung-hoa," với những hành-động nào là "mặt dạn mày dày phái chiến-thuyền và phi-cơ xâm-nhập lãnh-hải và lãnh-không của Trung-quốc ở chung quanh và phía trên quần-đảo Tây-sa, cưỡng-chiếm quần-đảo của Trung-quốc và nổ súng bắn vào các ngư-dân Trung-hoa đang làm công-tác sản-xuất và vào hải-hạm Trung-hoa đang đi tuần-tiễu theo thường-lệ," nào là "khuấy-rối và phá-hoại ngư-thuyền Trung-hoa...đang làm công-tác sản-xuất ở gần đảo Cam-tuyền, bắn lên đảo có treo quốc-kỳ của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa và vô-lý ép ngư-thuyền Trung-hoa phải rời hải-vực của mình," nào là "chiếm đảo Cam-tuyền và om-sòm hạ quốc-kỳ của Trung-hoa ở đó," nào là "đâm vào các ngư-thuyền Trung-hoa một cách tàn-bạo và vô-lý," nào là "tiếp-tục gia-tăng khiêu-khích và không thèm để ý đến những lời cảnh-cáo liên-tiếp của Trung-quốc," nào là "bắn chết và gây trọng-thương cho một số [ngư-dân Trung-hoa]," nào là "dội bom san bằng đảo," v.v... Hình-ảnh khác là một Trung-Cộng hiếu-hòa, với những hành-động như là "đấu-tranh chính-đáng bằng cách lý-luận với họ [tức là quân-sĩ Việt-nam Cộng-hòa] và yêu-cầu họ rời khỏi lãnh-thổ của Trung-quốc, "rồi chỉ chống trả lại khi "bị dồn-ép đến quá mức chịu-đựng" và "để tự-vệ."

Bài tường-thuật còn nhắc lại lời vu-cáo là "Nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã từ lâu nuôi ý-đồ thôn-tính các hòn-đảo của Trung-quốc ở Nam-hải và đã chiếm-đóng một cách bất-hợp-pháp một vài hòn đảo thuộc quần-đảo Nam-sa và Tây-sa của Trung-quốc" và bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 của phát-ngôn-viên bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã "nghiêm-khắc lên án sự xâm-lấn vô-luân của nhà cầm quyền Sài-gòn vào sự toàn-vẹn lảnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc và tái khẳng-định là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa." Tuy nhiên, vẫn theo bài tường-thuật, "dù chính-phủ Trung-hoa đã liên-tiếp cảnh-cáo, chúng [tức là Việt-nam Cộng-hòa] vẫn phái quân-lực tới lấn-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc và gây-chiến ... khiến cho nhân-dân Trung-hoa hết sức phẫn-nộ." Bài tường-thuật kết-thúc bằng câu đe-dọa là "Nếu nhà cầm quyền Sài-gòn nhất-quyết cố-ý hành-động như vậy, không chịu ngưng ngay việc lấn-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc thì nhất-định chúng sẽ phải ăn trái đắng của chính chúng."

4. Tuyên-bố ngày 4.2.1974

Để đề-phòng mọi bất-trắc có thể xảy ra, ngày 1.2.1974 Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa đã phái một đội đặc-nhiệm hải-quân tới tăng-viện phòng-thủ năm đảo thuộc quần-đảo Trường-sa và dựng bia chủ-quyền tại đây. Vì thế, ngày 4.2.1974, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng lại ra một bản tuyên-bố(62) tố-cáo hành-động này, coi đó là "một sự xâm-lấn điên-cuồng đến sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc và một khiêu-khích quân-sự mới chống lại nhân-dân Trung-hoa" do đó "Chính-phủ và nhân-dân Trung-quốc cực-lực lên án và phản-đối [hành-động này]."

Hơn nữa, bản tuyên-bố còn nói rằng:

"Chính-phủ Trung-hoa đã nhiều lần tuyên-bố là các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa tất cả đều là phần lãnh-thổ của Trung-quốc và nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị đối với các quần-đảo này và các hải-khu chung quanh các quần-đảo đó."(nhấn mạnh thêm)

Đoạn bản tuyên-bố kết-thúc bằng lời tuyên-bố cố-hữu là:

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhất-quyết không để cho nhà cầm quyền Sài-gòn xâm-lấn vào sự toàn-vẹn lảnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc vì bất cứ lý-do gì. Lập-trường này của Chính-phủ Trung-hoa cương-quyết không thể lay-chuyển được."

Tuy bản tuyên-bố vẫn mang những vu-cáo quen-thuộc và những luận-điệu cũ-rích nhưng nó cũng có một điểm mới đáng nói. Đó là nó đã nới rộng phạm-vi tranh-chấp chủ-quyền.

Trong những lần tuyên-bố trước, Trung-Cộng chỉ nói rằng các quần-đảo Tây-sa, Nam-sa, Trung-sa và Đông-sa là phần lãnh-thổ của Trung-quốc mà Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị (có khi lại nói là chủ-quyền bất-khả xâm-phạm) không thôi. Lần này, bản tuyên-bố ngày 4.2.1974 còn nới rộng thêm ra và cho rằng cả các hải-khu chung quanh các quần-đảo đó cũng thuộc chủ-quyền của Trung-quốc.

Như đã nói ở một đoạn bên trên, lý-do sự tranh-chấp chủ-quyền trên các quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa (và cả Trung-sa lẫn Đông-sa nữa) là các túi dầu ở đây. Lý-do này một lần nữa được Trung-Cộng để lộ cho thấy, dù chỉ là gián-tiếp, trong bản tuyên-bố ngày 4.2.1974 này, khi Bắc-kinh còn đòi thêm cả chủ-quyền ở các vùng biển chung quanh các quần-đảo, nơi gần dây người ta tìm thấy có những túi dầu quan-trọng.

B. Phản-ứng của Đài-loan

Về phần Đài-loan, chính-phủ của Tưởng Giới-thạch đã nhiều lần lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trong thời-gian có trận hải-chiến ngày 19-20.1.1974. Trong số những tuyên-bố này, có hai tuyên-bố đáng cho chúng ta xét ở đây.

1. Tuyên-bố của Bộ Ngoại-giao Đài-loan ngày 7.2.1974

Tuyên-bố thứ nhất là của Bộ Ngoại-giao Đài-loan vào ngày 7.2.1974, nội-dung như sau:

"Gần đây Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa tuyên-bố chủ-quyền trên quần-đảo Nam-sa (Spratly). Đối với lời tuyên-bố này, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã cực-lực phản-kháng với Chính-phủ Việt-nam và tái khẳng-định lập-trường là quần-đảo này là phần lãnh-thổ cố-hữu của Trung-hoa Dân-quốc và không ai có thể nghi-ngờ chủ-quyền của Trung-hoa Dân-quốc đối với quần-đảo này.

"Quần-đảo này đã bị Nhật-bản chiếm đóng trong trận Thế-Chiến thứ II và được qui-hoàn Trung-hoa Dân-quốc khi, sau chiến-tranh, vào tháng 12 năm 1946, Chính-phủ Trung-hoa đã phái một hải-đội tới thu-hồi khỏi tay Nhật-bản. Từ đó trú-quân thường-trực Trung-hoa đã tới đóng ở đó. Hơn nữa, ngày 1.12.1947, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã loan-báo cùng thế-giới tên tiêu-chuẩn của các đảo, cù-lao, ám-tiêu, thiển-than trong quần-đảo.

"Những đảo này, tạo thành phần hoàn-chỉnh lãnh-thổ trung-hoa, là một sự thực bất-khả tranh-nghị. Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc vì vậy cương-quyết tái khẳng-định chủ-quyền của Trung-hoa trên quần-đảo Nam-sa. Lập-trường này không thể bị bất cứ nước nào thay-đổi bằng bất cứ biện-pháp nào."(63)

Về tuyên-bố của Đài-loan chúng ta có mấy nhận-xét sau quần-đảo này.:

Thứ nhất, bản tuyên-bố đã đề-cập tới việc hải-quân Trung-hoa tới thu-hồi quần-đảo Trường-sa khỏi tay người Nhật vào tháng 12 năm 1946 và từ đó có quân trú-đóng tại đây.

Trong phần II bên trên chúng tôi đã trình-bày tính-cách bất-hợp-pháp của sự tiếp-thu quần-đảo Trường-sa do hải-quân Trung-hoa Dân-quốc thực-hiện nên không cần nhắc lại ở đây. Vì hành-vi tiếp-thu Trường-sa bất-hợp-pháp nên luận-cứ này của Đài-loan không có giá-trị nữa.

Thứ hai, ngày 1.12.1947 Chính-phủ Đài-loan đã thông-tri cho thế-giới hay việc đặt tên tiêu-chuẩn cho các đảo, cù-lao, ám-tiêu, thiển-than trong quần-đảo Trường-sa. Vấn-đề đặt ra là việc đật tên đó có phải là yếu-tố cần-thiết không có không được để chứng-minh quần-đảo Trường-sa thuộc Trung-quốc hay không.

Đứng về phương-diện thực-tế, việc đật tên cho một vật gì chẳng qua chỉ là để cho người khác hiểu được người nói muốn ám-chỉ, đề-cập tới vật đó thôi. Nó không có tính-cách bắt-buộc. Đứng về mặt pháp-lý cũng vậy, việc một người hay một quốc-gia đặt tên cho một vật gì không có nghĩa là vật đó đương-nhiên thuộc quyền sở-hữu hay thuộc chủ-quyền của người hay quốc-gia đặt tên cho nó. Nếu không thì bất cứ một người hay quốc-gia nào cũng có thể đặt tên cho một vật rồi chiếm ngay lấy vật đó làm vật sở-thuộc của mình. Giả thử nếu Việt-nam đật một tên tiêu-chuẩn cho đảo Đài-loan rồi tuyên-bố cùng thế-giới hay rằng Đài-loan thuộc chủ-quyền của Việt-nam thì Đài-loan sẽ nghĩ sao? Nếu Hoa-kỳ, Nga, Anh, Pháp, v.v..., mỗi nước cũng đặt cho Đài-loan một tên rồi bảo nó thuộc chủ-quyền của mình, như vậy có được không?

Vì lý-do này, luận-cứ thứ 2 của Đài-loan không đứng vững và không có giá-trị.

Thứ ba, căn-cứ vào hai sự-kiện nêu trên (tiếp-thu và đặt tên), Đài-loan tuyên-bố rằng quần-đảo Trường-sa là một phần lãnh-thổ của Trung-hoa Dân-quốc và sự thực này bất-khả tranh-nghị.

Chúng ta thấy điều tuyên-bố này không có gì mới lạ. Nó chỉ là nhắc lại những lời tuyên-bố của Trung-Cộng từ trước tới nay. Cũng giống trường-hợp các tuyên-bố của Trung-Cộng, nó thiếu-sót các chứng-liệu để chứng tỏ rằng chủ-quyền của Trung-quốc đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là bất-khả tranh-nghị. Sự thiếu-sót này làm cho luận-cứ của Đài-loan, cũng như của Trung-Cộng, không có giá-trị về thực-tế cũng như về pháp-lý.

2. Tuyên-bố của Tưởng Kinh-quốc ngày 24.2.1974

Mười bảy ngày sau khi Bộ Ngoại-giao Đài-bắc ra bản tuyên-bố nói trên, Tưởng Kinh-quốc, con trai của Tưởng Giới-thạch và lúc đó đang giữ chức Hành-chính-viện Viện-trưởng tức Thủ-tướng Chính-phủ Đài-loan, trong một cuộc phỏng-vấn dành cho ký-giả Roy Rowan của tạp-chí Time ngày 24.2.1974 tại Đài-bắc cũng đã đề-cập tới vấn-đề Hoàng-sa và Trường-sa như sau(64):

Hỏi: Xin Thủ-tướng cho rõ quan-điểm của ngài về vụ tranh-chấp đối với hai nhóm quần-đảo Paracel và Spratly. Liệu quí-quốc có phòng-vệ đội trú-quân đóng ở quần-đảo Spratly của quí-quốc khi bị tấn-công không?

Đáp: Chúng ta cần phải duyệt lại lịch-sử các quần-đảo này. Cách đây nhiều năm, Chính-phủ chúng tôi đã duy-trì lực-lượng tại quần-đảo Paracel. Lực-lượng này chỉ là một phần của hệ-thống phòng-thủ đảo Hải-nam. Việc chúng tôi rút các lực-lượng đó đi không có nghĩa là chúng tôi từ-bỏ chủ-quyền của chúng tôi trên quần-đảo Paracel. Việc này chằng qua cũng giống như việc chúng tôi từ-bỏ chủ-quyền của chúng tôi trên đảo Hải-nam. Quần-đảo Spratly được qui-hoàn cho Trung-hoa Dân-quốc đồng-thời với việc quang-phục Đài-loan khỏi tay Nhật-bản. Từ nhiều năm rồi binh-sĩ của chúng tôi đã trú-đóng ở trên hòn đảo chính của nhóm Spratly. Chúng tôi cuơng-quyết làm những gì có thể được để phòng-vệ quần-đảo này. Tôi thấy cần phải nói rõ là quân-đội của chúng tôi có bổn-phận phòng-vệ lãnh-thổ ủy-thác cho họ.

Hỏi: Liệu có thể có việc Trung-Cộng tấn-công nhóm Spratly không?

Đáp: Vì Cộng-sản có thể tính-toán lầm nên chúng tôi không thể gạt bỏ việc đó được.

Có bốn điểm đáng nói trong các câu trả lời của Tưởng Kinh-quốc:

Thứ nhất, Tưởng Kinh-quốc làm như hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa đương-nhiên thuộc về Trung-quốc rồi nên không đưa ra một bằng-chứng nào để chứng-minh chủ-quyền thuộc về Trung-quốc. Cũng vì thế tuy ông ta nói là "Chúng ta cần phải duyệt lại lịch-sử các quần-đảo này," nhưng nói xong bỏ đấy, ông không đề-cập tới lịch-sử đó mà chỉ nói về sự từ-bỏ chủ-quyền trên Hoàng-sa và việc thu-hồi cùng bảo-vệ Trường-sa. Do đó, những ai muốn tìm hiểu xem vì lý-do nào Đài-loan nhận có chủ-quyền trên hai quần-đảo này không còn cách nào biết được.

Thứ hai, việc Trung-hoa Dân-quốc duy-trì lực-lượng tại quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Tưởng Kinh-quốc nói ở đây chính là việc mà Bành Phẩm-quang tường-thuật trong một bài báo chúng ta đã xem qua trong phần II. Chỉ có một chi-tiết mới là theo họ Tưởng, lực-lưọng trú đóng ở Hoàng-sa là một phần của hệ-thống phòng-thủ đảo Hải-nam của Trung-quốc.

Thứ ba, cũng vì lý-do này, theo ông, việc Đài-loan từ-bỏ chủ-quyền đối với quần-đảo Hoàng-sa cho Trung-Cộng cũng giống việc từ-bỏ chủ-quyền đối với đảo Hải-nam. Nó không có nghĩa là Đài-loan từ-bỏ chủ-quyền trên quần-đảo này. Nói cách khác, Tưởng Kinh-quốc ngụ-ý là dù cho quần-đảo Hoàng-sa có rơi vào tay Trung-Cộng thì nó vẫn còn thuộc chủ-quyền của Trung-quốc, chứ không phải là của nước khác, không đi đến đâu mà thiệt.

Thứ tư, ông cũng đề-cập tới việc quần-đảo Trường-sa qui-hoàn Trung-hoa Dân-quốc và phòng-thủ Trưòng-sa, không có thêm chi-tiết gì mới lạ. Có lẽ ông không biết, hay biết mà lờ không nói, đến tính-cách bất-hợp-pháp của cái ông gọi là "qui-hoàn" này.

VII. Các tuyên-bố của Trung-quốc từ sau trận hải-chiến tháng 1/1974

Sau khi quần-đảo Hoàng-sa rơi vào tay Trung-Cộng tháng 1/1974, các chính-phủ Trung-hoa, cả cộng-sản lẫn quốc-gia, mỗi khi có dịp vẫn tiếp-tục lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa(65). Tuy nhiên, với thời-gian các tuyên-bố của chính-phủ đó ngày một thưa dần, nhường chỗ cho các tư-nhân lên tiếng thay-thế. Tất cả những tuyên-bố này đều nhắc lại gần như nguyên-văn các tuyên-bố chúng ta đã xét trên đây, không có gì khác-biệt hay mới lạ. Trong phần này chúng tôi chỉ nêu ra phải thí-dụ điển-hình thôi.

A. Tuyên-bố ngày 30.3.1974

Cuối tháng 3 năm 1974, trong khóa họp thứ 30 của Hội-nghị Á-châu Viễn-đông Kinh-tế œy-hội (hay Á-Viễn Kinh-ủy-hội) thuộc Liên-hiệp-quốc nhóm tại Colombo, thủ-đô xứ Tích-lan (Sri Lanka), khi phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa lên án vụ Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa của Việt-nam, đại-biểu của Trung-Cộng là Chi Lung đã lên tiếng ngày 30.3.1974(66).

Chi Lung bác-bỏ lập-luận của phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa mà ông gọi là "chủ-trương vô-liêm-sỉ" và tái xác-định lập-trường của Trung-Cộng về chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cùng là các hải-khu quanh đó. Ông nói thêm là điều 4 chương-trình nghị-sự của khóa họp hiện-tại đã ghi hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là các khu đảo cận-hải của nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt và còn ghi thêm là "đã có khế-ước thám-sát và phát-triển khoảng 30 khu [như vậy] ở Nam-hải." Đoạn Chi Lung tuyên-bố:

"Quần-đảo Tây-sa và quần-đảo Nam-sa ở Nam-hải vốn-dĩ là một phần bất-khả-phân của lãnh-thổ trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên những quần-đảo này cũng như là các hải-khu quanh đó. Mặt khác, vào ngày 15.8.1951, trong một Tuyên-bố về Dự-thảo Hòa-ước với Nhật-bản của Anh-Mỹ và Hội-nghị Cựu-kim-sơn, Ngoại-trưởng Châu Ân-lai đã long-trọng tuyên-bố là 'cũng như các quần-đảo Nam-sa, Trung-sa và Đông-sa, quần-đảo Tây-sa và đảo Nam-uy lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Mặc dù những đảo này đã có lúc bị Nhật chiếm đóng một thời-gian trong trận chiến-tranh xâm-lăng của đế-quốc chủ-nghĩa Nhật-bản, sau khi Nhật-bản đầu hàng Chính-phủ Trung-hoa đã thu-hồi những quần-đảo này.' Từ đó trở đi Chính-phủ Trung-hoa đã nhiều lần nhắc lại lập-trường này.

"Việc văn-phòng hội-nghị ghi trong tài-liệu nói trên rằng quần-đảo Tây-sa và Nam-sa của Trung-quốc là các đảo cận-hải của chính-quyền Sài-gòn ở Nam-Việt là một việc sai-lầm. Phái-đoàn Trung-quốc yêu-cầu văn-phòng áp-dụng mọi biện-pháp để sửa lại lỗi-lầm này để sau này không tái-diễn việc tương-tự nữa."

Trước lời phản-đối kịch-liệt của đại-biểu Việt-nam Cộng-hòa, mà Trung-Cộng gọi là "gào" đòi "chủ-quyền" trên quần-đảo Hoàng-sa và "khả-ố tấn-công Trung-quốc", Chi Lung lại lên tiếng cho rằng hành-động của Việt-nam Cộng-hòa chỉ cốt để "che-đậy sự xâm-lăng của mình một cách lão-luyện". Ông nói thêm rằng "Nhà cầm quyền Sài-gòn từ lâu đã muốn chiếm quần-đảo Tây-sa và quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc" bằng cách "chẳng những là đã sáp-nhập vào lãnh-thổ của chúng hơn mười đảo của Trung-quốc, kể cả đảo Nam-uy và đảo Thái-bình thuộc nhóm quần-đảo Nam-sa, mà lại còn công-khai khiêu-khích võ-trang chống Trung-quốc và chiếm lãnh-thổ trung-quốc bằng võ-lực," một việc Chi Lung coi là "hết sức mặt dạn mày dầy." Đoạn ông ta "tái khẳng-định chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc đối với những quần-đảo này và những hải-khu chung quanh đó" và kết-luận là "Chính-phủ Trung-hoa sẽ không bao giờ để cho nhà cầm quyền Sài-gòn xâm-lấn chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc bằng bất cứ lý-do gì" và "Lập-trường này của Chính-phủ Trung-hoa cương-quyết và bất-di bất-dịch."

Ngoài những lời-lẽ thô-bỉ và kém lễ-độ không xứng-đáng với tư-cách đại-diện quốc-gia tại hội-nghị quốc-tế (chủ-trương vô-liêm-xỉ, gào đòi chủ-quyền, khả-ố tấn-công, hết sức mặt dạn mày dầy), lời tuyên-bố của Chi Lung chẳng qua chỉ là nhắc đi nhắc lại những luận-cứ cũ-rích của Trung-Cộng và không mang thêm một chi-tiết mới lạ nào cả. Tiện đây chúng ta cũng cần nói thêm là kể từ khi có trận hải-chiến tháng 1/1974 và sau vụ cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa, trong các tuyên-bố chính-phủTrung-Cộng, về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cũng như về bất cứ vấn-đề gì khác có liên-quan tới Việt-nam Cộng-hòa, đã càng ngày càng dùng nhiều lời-lẽ thô-bỉ đối với Việt-nam Cộng-hòa. Sở-dĩ nhà cầm quyền Cấm-Thành phải dùng đến thái-độ này có lẽ là vì họ biết rằng họ bị đuối lý không thể tranh-luận một cách đứng-đắn với Việt-nam Cộng-hòa về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nên đành phải dùng đến hình-thức này, một hình-thức Trung-Cộng tỏ ra rất điêu-luyện.

B. Tham-luận ngày 2.7.1974

Ngoài ra, tại Hội-nghị Liên-hiệp-quốc về Luật Biển kỳ 2 nhóm tại Caracas, thủ-đô nước Venezuela, từ 20.6 đến 29.8.1974, trong một bài tham-luận đọc trước hội-nghị ngày 2.7.1974, Trưởng phái-đoàn Trung-Cộng tham-dự hội-nghị là Thứ-trưởng Ngoại-thương Sài Thụ-phiên đã bác-bỏ những lời tố-cáo của phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa về việc Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa và khẳng-định là "Quần-đảo Tây-sa và Nam-sa ở biển Nam xưa nay vẫn là một phần lãnh-thổ không thể chia cắt của Trung-quốc, quyết không cho phép nhà cầm quyền Sài-gòn vì bất cứ cớ nào xâm-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc."(67)

Giống như các tuyên-bố khác của Trung-Cộng, tham-luận của họ Sài không nêu ra một bằng-chứng nào để cho hội-nghị thấy rõ chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa quả thực thuộc về Trung-quốc. Lời khẳng-định của họ Sài không có gì đáng chúng ta chú-ý, ngoại trừ từ "xưa nay" được gài thêm mà trong các tuyên-bố trước đây không có. Từ này được thêm có lẽ vì từ vụ hải-chiến tháng 1/1974 Việt-nam Cộng-hòa đã đưa ra nhiều bằng-chứng lịch-sử và pháp-lý để chứng-minh chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Truòng-sa thực-sự thuộc về Việt-nam từ mấy thế-kỷ rồi nên Trung-Cộng phải thêm từ "xưa nay" hầu để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc cũng có từ lâu. Tuy nhiên, bài tham-luận của họ Sài, cũng như tất cả những bản tuyên-bố khác của Trung-Cộng, vẫn chỉ nói mập-mờ như vậy thôi, chứ không hề nêu ra được một thí-dụ điển-hình nào cả.

C. Các tuyên -bố trong năm 1979

Mặt khác, từ sau khi Đảng Cộng-sản Việt-nam chiếm được Nam-Việt (30.4.1975) bang-giao Việt-Hoa, vốn không mấy tốt đẹp từ thập-niên 1960 trở đi nên dù vẫn được các nhà lãnh-đạo Bắc-kinh ví như quan-hệ giữa môi và răng, môi hở thì răng lạnh, đã trở nên suy-sụp nhanh quá mức, biến thành bang-giao giũa hai quốc-gia thù-nghịch. Ngoài những vụ Việt-nam đuổi các Hoa-kiều cư-trú hay sinh-trưởng ở Việt-nam ra khỏi nước Việt, đưa đến việc Trung-Cộng xua quân vượt biên-giới đánh chiếm mấy tỉnh ở miền Bắc, việc tranh-chấp về chủ-quyền đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cũng leo thang. Trong năm 1979 có ít nhất là 8 lần vấn-dề này được nêu ra.

Quan-trọng nhất có ba lần.

1. Tuyên-bố của Ngoại-trưởng Trung-Cộng ngày 16.3.1979

Trong một buổi họp báo ở Bắc-kinh ngày 16.3.1979(68), ngoại-trưởng Trung-Cộng Hoàng-Hoa đã có mấy lời tuyên-bố hết sức phi-lý, không thể chấp-nhận được.

Thực vậy, khi nói về vấn-đề tranh-chấp biên-giới Việt-Hoa, Hoàng-Hoa đã nhìn-nhận với các ký-giả ngoại-quốc là có thể có nhiều điều đáng nghi-ngờ về vấn-đề sở-hữu "vài chục cây số vuông" dọc biên-giới Hoa-Việt được qui-định trong hiệp-ước giữa triều-đình Mãn-Thanh và nhà cầm quyền đô-hộ Pháp ký vào cuối thế-kỷ thứ 19(69). Câu nói của họ Hoàng phải hiểu là vì ngu-dốt không biết gì về lịch-sử, địa-lý và chính-trị Việt-nam (điều này có thể có được, nhưng khó tin) hoặc vì để lấy lòng nhà cầm quyền Mãn-Thanh hầu thu-hoạch được lợi lớn hơn (có lẽ đây là nguyên-nhân chính), Pháp đã trao vài chục cây số vuông lãnh-thổ của Việt-nam cho Trung-quốc cuối thế-kỷ thứ 19. Cái phi-lý và trơ-trẽn của Hoàng-Hoa là ông ta đã tiêu-biểu cho thái-độ Trung-quốc khinh-thị các nước nhỏ bé.

Đành rằng con số vài chục cây số vuông lãnh-thổ của một quốc-gia quả có nhỏ bé thực, nhất là so với một nuớc có lãnh-thổ bao-la như Trung-quốc, nhưng nó vẫn là một vấn-đề trọng-đại đối với Việt-nam. Đáng lý ra Hoàng-Hoa, với chức-vụ ngoại-trưởng của mình, nghĩa là đại-diện cho Trung-quốc về phương-diện ngoại-giao cũng như bang-giao quốc-tế, phải thẳng-thắn tuyên-bố nhìn-nhận chủ-quyền của Việt-nam đối với vài chục cây số vuông đó, phải tỏ ra là Trung-quốc hối-tiếc về sự lầm-lẫn này đã làm tổn-hại rất lâu cho một quốc-gia vốn có mấy ngàn năm bang-giao với Trung-quốc và quan-hệ Việt-Hoa đó, như trên đã nói, vẫn được Trung-quốc coi rất mật-thiết giống như quan-hệ giữa răng và môi, và phải đưa ra những đề-nghị để giải-quyết vấn-đề, dù chỉ là đề-nghị sơ-khởi và trên lý-thuyết. Đằng này họ Hoàng chỉ nói khơi-khơi rằng đó không phải là một điểm tranh-chấp quan-trọng. Nói cách khác, tuy nhìn-nhận sự sai-lầm, Trung-Cộng vẫn cứ chiếm giữ phần đất đó một cách bất-hợp-pháp như thường và bất-chấp dư-luận quốc-tế.

Mặt khác, về vấn-đề Hoàng-sa và Trưòng-sa, Hoàng-Hoa còn nói thêm rằng vào thời-kỳ có hiệp-ước nói trên Trung-quốc không thể cùng Pháp ấn-định ranh-giới miền lãnh-hải và vì thế không thể nào có sự nghi-ngờ về quyền sở-hữu của Trung-quốc trên hai quần-đảo Tây-sa vá Nam-sa vì đã có rất nhiều chứng-cớ lịch-sừ chứng-minh.

Điều đáng tiếc là Hoàng-Hoa đã không cho biết vì những lý-do nào vào cuối thế-kỷ thứ 19 Trung-quốc không thể ấn-định ranh-giới miền lãnh-hải với Pháp được. Mặc dù chúng ta có thể suy-luận ra được các nguyên-nhân, nhưng ở đây chúng ta không cần nói đến vì không phải là mục-đích của bài này. Điểm chúng ta cần nhấn mạnh là sự biện-hộ rất phi-lý của Hoàng-Hoa.

Chúng ta không thể nào viện-cớ vì không thể ấn-định ranh-giới lãnh-hải của một quốc-gia để bảo quốc-gia đó có quyền sở-hữu một phần lãnh-thổ nào đó. Nếu biện-luận theo kiểu họ Hoàng thì chúng ta cũng có thể nói được rằng vì không thể ấn-định ranh-giới được nên không thể có sự nghi-ngờ nào về quyền sở-hữu của Việt-nam ở ngay chính đại-lục Trung-hoa, trên một giải dất chạy dài từ hồ Động-đình (tỉnh Hồ-nam) ở phía bắc và từ tỉnh Tứ-xuyên ở phía tây xuống tới phần lãnh-thổ Việt-nam hiện-tại vì đã có nhiều chứng-cớ lịch-sử chứng-minh. Các nhà lãnh-đạo Cấm-Thành nói chung và Hoàng-Hoa nói riêng nghĩ sao về biện-luận này? Trung-quốc có chịu nhìn nhận chủ-quyền của Việt-nam đó không? Hơn nữa, nói theo kiểu Hoàng-Hoa thì Trung-quốc phải nhìn nhận chủ-quyền của Việt-nam trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mới đúng vì đã có rất nhiều chứng-cớ lịch-sử chứng-minh chủ-quyền này. Các chứng-cớ đó Việt-nam Cộng-hòa đã viện-dẫn minh-bạch rất nhiều lần và ai muốn cũng có thể kiểm-chứng được, chứ không chỉ nói mù-mờ như Hoàng-Hoa và các nhà lãnh-đạo khác của Trung-Cộng đã làm.

Sau hết, cũng cần nói thêm là trong buổi họp báo này Hoàng-Hoa còn cho biết thêm là chính Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa năm 1958 đã nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-Cộng nhưng vào mùa hè năm 1977 Thủ-tướng Việt-nam Phạm-văn-Đồng đã phủ-nhận sự nhìn-nhận ấy.

2. Giác-thư của Phó Thủ-tướng Trung-Cộng ngày 23.3.1979

Một tuần sau buổi họp báo của Hoàng-Hoa, tờ Nhân-dân Nhật-báo, cơ-quan ngôn-luận của Đảng Cộng-sản Trung-quốc ở Bắc-kinh, đã đăng-tải nguyên-văn bức giác-thư của Phó Thủ-tướng Trung-Cộng Lý Tiên-niệm gửi Thủ-tướng Việt-nam Phạm-văn-Đồng ngày 10.6.1977 trong đó có ghi rõ bối-cảnh các vụ tranh-chấp biên-giới giữa Trung-quốc và Việt-nam theo quan-điểm của Trung-Cộng (70). Một trong những điểm nêu ra trong bức giác-thư này có liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Theo bức giác-thư, ngày 15.6.1956 một thứ-trưởng ngoại-giao Việt-nam đã chính-thức nói với Trung-Cộng rằng "đứng về quan-điểm lịch-sử" thì hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa "là lãnh-thổ của Trung-quốc." Hơn nữa, trong các văn-thư ngoại-giao và tuyên-cáo ngày 14.9.1958 và 9.5.1965 chính-phủ Cộng-sản Việt-nam cũng đã chấp-nhận chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo này.

Qua hai chi-tiết này chúng ta biết thêm được rằng một luận-cứ khác của Trung-Cộng đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là chính Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa cũng đã nhìn-nhận chủ-quyền đó thuộc Trung-quốc. Có điều đáng tiếc là bức giác-thư này không nói rõ tên của viên thứ-trường ngoại-giao Việt-nam đã nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-quốc và ông ta đã tuyên-bố như vậy trong trường-hợp nào, ở đâu, ngày nào, với ai, và nguyên-văn lời tuyên-bố đó ra sao. Hơn nữa vì bức văn-thư ngoại-giao và tuyên-cáo ngày 14.9.1958 và 9.5.1965 của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa không hề được công-bố nên chúng ta không thể kiểm-chứng những điều bức giác-thư nêu ra xem có đúng sự thực không hay đã bị bóp méo, sửa đổi cho hợp với lập-luận hay mục-đích của Trung-Cộng.

Tuy nhiên, dù bức giác-thư có trích-dẫn đứng-đắn các lời tuyên-bố của Hà-nội, chúng ta thấy việc nhìn-nhận của Hà-nội không phản-ảnh quan-điểm thực và lâu dài của nhà cầm quyền Hà-nội, mà chỉ là nhìn-nhận có tính-cách giai-đoạn thôi. Thực vậy, vẫn theo bức giác-thư, Phạm-văn-Đồng đã có lần giải-thích là những lời tuyên-cáo ủng-hộ chủ-quyền của Trung-quốc đối với Hoàng-sa và Trường-sa này được đưa ra chẳng qua là vì trong thời-gian kháng-chiến(71) "lẽ dĩ-nhiên là chúng tôi phải đặt việc chống đế-quốc chủ-nghĩa Hoa-kỳ lên trên mọi việc khác." Về giải-thích này, Lý Tiên-niệm đã đáp lại là các vấn-đề chủ-quyền lãnh-thổ phải được cứu-xét một cách nghiêm-túc.

Ngoài ra, Lý Tiên-niệm còn cho biết là sự thay-đổi lập-trường của Hà-nội đã xảy ra vào năm 1974 và 1975 khi Việt-nam đã "lợi-dụng cơ-hội giải-phóng miền nam Việt-nam để xâm-chiếm sáu đảo trong nhóm quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc." Cũng cần nói thêm ở dây là bức giác-thư còn nói là thái-độ của Liên-sô về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Nam-sa và Tây-sa cũng đã thay-đổi vào năm 1975.

3. Phản-đề-nghị của Trung-Cộng ngày 26.4.1979

Để trả lời một đề-nghị của Hà-nội nhằm giải-quyết cuộc tranh-chấp, ngày 26.4.1979, Thứ-trưởng Ngoại-giao Trung-Cộng Hàn Niệm-long đã đưa ra một phản-dề-nghị của Bắc-kinh(72). Trung-Cộng đề-nghị là trong khi chờ đợi một cuộc dàn-xếp về vấn-đề biên-giói trên căn-bản Hòa-ước Trung-Pháp(73), hai nước Việt và Hoa nên tôn-trọng ranh-giới đã được đôi bên đồng-lòng thỏa-thuận năm 1957 là lãnh-hải nên được hoạch-định một cách công-bằng và hợp-lý theo các nguyên-tắc hiện-tại của luật quốc-tế và Việt-nam phải "quay trở lại lập-trường trước."

— đây chúng ta không cần nói tới đề-nghị dàn-xếp vấn-đề biên-giới Việt-Hoa trên căn-bản Hoà-ước Pháp-Hoa mà chỉ bàn tới vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Về điểm này, chúng ta nhận thấy có sự mâu-thuẫn và phi-lý trong luận-cứ của Trung-Cộng. Trung-Cộng một mặt chủ-trương giải-quyết vấn-đề ranh-giới lãnh-hải, hay nói cách khác là chủ-quyền lãnh-hãi, một cách công-bằng và hợp-lý theo các nguyên-tắc hiện-tại của luật quốc-tế, nhưng mặt khác lại đòi Việt-nam phải quay trở lại lập-trường trước, tức là phải công-nhận chủ-quyền của Trung-Cộng trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Một trong những nguyên-tắc căn-bản và sơ-đẳng của việc giải-quyết một tranh-chấp, một mâu-thuẫn hay một xung-đột nào, dù là ở trên lãnh-vực quốc-gia hay trong lãnh-vực quốc-tế, là hai bên đương-tranh phải giữ nguyên hiện-trạng vào lúc đưa việc tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột ra giải-quyết. Đối-tượng của sự giải-quyết ở đây là sự bất-đồng, nó là nguyên-nhân hay nguyên-động-lực của sự tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột. Nếu một bên đương-tranh bị bắt-buộc phải công-nhận trước quan-điểm hay đòi hỏi của bên kia trước khi cuộc tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột được mang ra giải-quyết thì sự giải-quyết không còn đối-tượng nữa. Nếu có giải-quyết thì chẳng qua chỉ là làm một việc thừa. Hơn nữa, giải-quyết theo kiểu này thì đâu có công-bằng và hợp-lý nữa?

Sở-dĩ Trung-Cộng đòi-hỏi một cách phi-lý và mâu-thuẫn như vậy có lẽ là vì Trung-Cộng biết rằng nếu áp-dụng một cách đứng-đắn, công-bằng và hợp-lý các nguyên-tắc của luật quốc-tế đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thì Trung-Cộng sẽ bị thua do lẽ Trung-Cộng, và cả Đài-loan nữa, không thể nào chứng-minh một cách đứng-đắn, thành-thực và phi-chính-trị được là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc. Đấy là chưa kể một nguyên-nhân khác là Trung-Cộng biết rằng khi đó Việt-nam, vốn bị cô-lập trên trường quốc-tế, vẫn cần đến sự giúp-đỡ và chống lưng của Trung-Cộng nên dù đòi-hỏi của Trung-Cộng có phi-lý và mâu-thuẫn thế nào đi chăng nữa, Việt-nam cũng sẽ bắt-buộc phải chịu theo.

4. Tuyên-bố tháng 9/1983

Vào đệ tam tam-cá-nguyệt 1983, trong một buổi họp báo hàng tuần tại Bắc-kinh(74), phát-ngôn-viên bộ Ngoại-giao Trung-Cộng là Qi Huaiyuan đã cho hay là gần đây có quân-lính ngoại-quốc chiếm-đóng bất-hợp-pháp ám-tiêu Danwan(75) và nột vài quốc-gia đã liên-tiếp đòi chủ-quyền lãnh-thổ trên một vài hòn đảo và ám-tiêu thuộc nhóm quần-đảo Nam-sa. Vì vậy, ông nhắc lại lập-trường cố-hữu của Trung-Cộng là chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo Nam-sa ở Nam-hải không thể để cho bất cứ nước nào vi-phạm, vì bất cứ lý-do gì hay bằng bất cứ cách nào. Đoạn ông nói thêm là:

"Bộ Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhắc lại là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên quần-đảo Nam-sa cùng các hải-khu lân-cận, và các tài-nguyên thiên-nhiên ở những vùng này thuộc về Trung-quốc."

Tuy lời tuyên-bố trên không có gì mới lạ nhưng chúng ta thấy Trung-Cộng đã càng ngày càng để lộ rõ lý-do Trung-quốc cố đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa, cũng như quần-đảo Hoàng-sa: đó là kho tài-nguyên thiên-nhiên, hay nói cho đúng hơn là những túi dầu, ở vùng này. Vì vậy, trong lần tuyên-bố này, Trung-Cộng đã nhấn mạnh bằng cách thêm câu "các tài-nguyên thiên-nhiên ở những vùng này thuộc về Trung-quốc" sau khi nói về chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc trên quần-đảo và những hải-khu lân-cận.

Hơn nữa, trong khi những tuyên-bố trước chỉ nói đến tính-cách bất-hợp-pháp của việc bất cứ quốc-gia nào khác chiếm đóng hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thôi, lần này Qi Huaiyuan còn nói đến tính-cách bất-hợp-pháp và không thể chấp-nhận của sự khai-thác các tài-nguyên thiên-nhiên ở đây cùng những hoạt-động khác nữa.

"Việc bất cứ một quốc-gia nào khác chiếm đóng bất cứ một hòn đảo nào trong quần-đảo Nam-sa và khai-thác cũng như các hoạt-động khác ở những vùng này là việc làm bất-hợp-pháp và không thể chấp-nhận được."

Kết-luận

Qua việc nghiên-cứu các lời tuyên-bố của hai chính-phủ Bắc-kinh và Đài-bắc liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa từ năm 1951 đến nay, chúng ta nhận thấy rằng cả hai chính-phủ này có luận-cứ vu-vơ, mơ-hồ và võ-đoán. Họ chỉ nói đi nói lại nhiều lần là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị hay chủ-quyền hợp-pháp và chủ-quyền đó có từ xa-xưa lắm rồi, nhưng lại không đưa ra được một bằng-chứng cụ-thể nào, căn-cứ vào các tiêu-chuẩn lịch-sử, địa-lý hay luật quốc-tế, để chứng-minh là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc. Vì vậy những luận-cứ đó hoàn-toàn không có tính-cách thuyết-phục, dù là đối với những người đễ tính nhất. Cái lầm lớn nhất của cả Bắc-kinh lẫn Đài-bắc là cứ làm như chủ-quyền đó là vấn-đề đương-nhiên, không cần biện-minh. Sở-dĩ chúng tôi bảo là sai-lầm là bởi vì khi có sự tranh-chấp về một quyền nào đối với vật nào, các phe đương-tranh ít nhất cũng phải đưa ra các bằng-cớ cần-thiết để chứng-minh quyền sở-hữu của mình đối với vật tranh-chấp ngõ hầu có thể thuyết-phục những người ngoại-cuộc. Việc không chứng-minh quyền sở-hữu này có thể khiến cho người ngoại-cuộc nghĩ rằng sự thực thì phe không đưa ra bằng-chứng không hề có quyền sở-hữu, mà hành-động đòi chủ-quyền chỉ là vì do lòng tham muốn chiếm-đoạt vật của người khác.

Ngoài ra, cả Bắc-kinh lẫn Đài-bắc đã có hành-vi bất-hợp-pháp là cố tình coi việc giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng ở hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa năm 1946 là Trung-quốc đã thu-hồi hai quần-đảo này để rồi vin vào đó họ tuyên-bố chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo, mặc dù các quốc-gia đồng-minh trong trận Thế-chiến thứ II chỉ quyết-định giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng ở đây thôi chứ không hề quyết-định qui-hoàn hai quần-đảo này cho Trung-quốc. Ngay cả trong Hoà-ước Cựu-kim-sơn năm 1951 Nhật-bản cũng không hề tuyên-bố hay nhìn-nhận qui-hoàn Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-quốc. Lý-do này rất dễ hiểu: các nước đồng-minh trong Thế-chiến thứ II củng như Nhật-bản đều biết rằng hai quần-đảo này không phải là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Hành-vi bất-hợp-pháp này có hậu-quả rất tai-hại là nhiều người ngoại-quốc không nghiên-cứu kỹ và chỉ dựa vào các tuyên-bố của Bắc-kinh hay Đài-loan đã mặc-nhiên nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Các tài-liệu do người ngoại-quốc viết về vấn-đề này đã cho thấy rõ hậu-quả tai-hại đó. Rất hiếm, nếu không thể nói quả-quyết được là không có, tài-liệu do người ngoại-quốc biên-soạn hay viết đã tham-chiếu các tài-liệu của Việt-nam chứng-minh chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa thực sự thuộc về Việt-nam, mà chỉ tham-chiếu tài-liệu của Trung-quốc, cả quốc-gia lẫn cộng-sản, thôi.

Ngay cả việc giải-giới do Quốc-quân Trung-hoa thực-hiện năm 1946 cũng là hành-vi không hợp-pháp nốt. Một mặt, qua hiệp-ước ký với Pháp ngày 28.2.1946 Trung-hoa Dân-quốc đã chuyển-nhượng việc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở bắc vĩ-tuyến thứ 16 cho Pháp nhưng mặt khác cuối năm 1946 lại cho quân đến giải-giới quân-đội Nhật-bản chẳng những ở Hoàng-sa mà còn ở cả Trường-sa nữa, để sau này vịn vào hành-động đó cả hai chính-phủ Bắc-kinh và Đài-bắc coi là Trung-quốc đã tiếp-thu và có chủ-quyền trên hai quần-đảo này. Như vậy, nếu áp-dụng riêng luật quốc-tế theo yêu-sách của Trung-Cộng không thôi chúng ta thấy là Trung-quốc cũng không có tư-cách pháp-định làm chủ hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Nói tóm lại, luận-cứ chính-thức của hai chính-phủ Trung-Cộng và Đài-loan không có sức thuyết-phục được ai về chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa vì đã không đưa ra được một bằng-chứng nào và lại dựa vào hành-vi bất-hợp-pháp.

Tạ-quốc-Tuấn

 

Chú-Thích

(1) Đề-cập tới trong bài "Notes on the Nanwei and Sisha Islands," đăng trong PEOPLE'S CHINA, Bắc-kinh, tập IV, số 5, phụ-trương ng. 1.9.1951, tr. 7.

(2) Toàn văn bản Hòa-ước Cựu-kim-sơn đăng trong: (a) UNITED NATIONS TREATY SERIES, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b) AMERICAN FOREIGN POLICY, 1950-1955: BASIC DOCUMENTS do bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ xuất-bản năm 1957, ấn-bản số 5446, tr. 425-439.

(3) "Chou En-lai's Statement on the Peace Treaty with Japan," đăng trong PEOPLE'S CHINA, tập II, số 12, phụ-trương ngày 16.12.1950, tr. 17 (viết tắt: Chou En-lai's Statement). Nhấn mạnh thêm.

(4) Chou En-lai's Statement, tr. 19. Nhấn mạnh thêm.

(5) Bản Anh-ngữ nhan-đề "Foreign Minsiter Chou En-lai's Statement on the U.S.-British Draft Peace Treaty with Japan," (viết tắt: Foreign Minister) đăng trong (a) PEOPLE'S CHINA, tập IV, số 5, phụ-trương ngày 1.9.1951, tr. 3-6 (Chúng tôi trích-dẫn theo bản này); hay (b) bản tin Tân Hoa-xã số 777, Bắc-kinh ngày 16.8.1951, tr. 75-78.

(6) Foreign Minister, tr. 4. Nhấn mạnh thêm.

(7) Foreign Minister, tr. 6.

(8) R. Serene, "Petite Histoire des Paracels," đăng trong SUD-EST ASIATIQUE, Bruxelles, số 19, th. 1/1951, tr. 38.

(9) Xem: (a) B.B., "Les Iles Spratlys," đăng trong L'ASIE FRANCAISE, Paris, tập 39, số 269, th. 4/1939, tr. 123; (b) Charles Rousseau, "Chine, France, Japon, Philippines et Vietnam -- Différend Concernant l'Appartenance des Iles Spratlys et Paracels," đăng trong REVUE GENERALE DE DROIT INTERNATIONAL PUBLIC, Paris, năm thứ 76, tập 76, số 3, th. 7-9/1972, tr. 828.

(10) Chi-tiết về hội-nghị này và hội-nghị Tehran được in trong tập THE FOREIGN RELATIONS OF THE UNITED STATES -- DIPLOMATIC PAPERS: THE CONFERENCES AT CAIRO AND TEHRAN, 1943, (viết tắt: FRUS Cairo-Tehran), Government Printing Office, Washington, D.C., 1961.

(11) FRUS Cairo-Tehran, tr. 448-449.

(12) Xem bài "Roosevelt-Churchill-Stalin Luncheon Meeting", trong FRUS Cairo-Tehran, tr. 566.

(13) Mới đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee khi đảng bảo-thủ Anh thất-cử.

(14) DOCUMENTS ON AMERICAN FOREIGN RELATIONS, do Raymond Dennett và Robert K. Turner biên-tập và Prince University Press xuất-bản năm 1948, tập VIII: 1.7.1945 - 31.12.1946.

(15) Jean R. Sainteny, HISTOIRE D'UNE PAIX MANQUéE: INDOCHINE 1945-1947, Amiot Dumont, Paris, 1953, tr. 50.

(16) Xem UNITED STATES STATUTES-AT-LARGE, trong Executive Agreement Series, số 493, tập 59, phần II, Government Printing Office, Washington, D.C., 1945, tr. 1734-1735.

(17) Herbert Feis thuật lại trong sách JAPAN SUBDUED: THE ATOMIC BOMB AND THE END OF THE WAR IN THE PACIFIC, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, 1961, tr. 139.

(18) Xem thêm chi-tiết trong VIETNAM AND CHINA: 1938-1954 của King C. Chen, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, 1969, tr.115-154.

(19) Ngày 28.2.1946 Pháp và Trung-quốc đã ký (a) một hiệp-ước 13 điều mệnh-danh là "Hiệp-ước giữa Trung-hoa Dân-quốc và Pháp-quốc về việc Pháp-quốc Khước-từ Trị-ngoại Pháp-quyền và Các Quyền Liên-hệ Khác ở Trung-quốc", (b) một thỏa-ước 11 điều mang tên là "Thỏa-ước giữa Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc và Chính-phủ Pháp-quốc Liên-quan tới Quan-hệ Trung-hoa và Đông-dương", và (c) một văn-thư trao-đổi. Các tài-liệu này in trong: (a) TREATIES AND AGREEMENTS BETWEEN THE REPUBLIC OF CHINA AND OTHER POWERS, do Chen Yin-ching biên-soạn, Sino-American Publishing Service xuất-bản tại Washington, D.C., 1957, tr. 258-270; (b) King C. Chen, sđd, tr. 360-374.

(20) TRUNG-HOA BÁO, Đài-bắc, ng. 14.7.1971.

(21) Xem bài "Review of International Situation" đăng trong PRESIDENT CHIANG KAI-SHEK'S SELECTED SPEECHES AND MESSAGES IN 1955, do China Publishing Co. ấn-hành tại Đài-bắc năm 1956, tr. 22. (viết tắt: Review) Đông-tam tỉnh nói ở đây là danh-xưng người Trung-hoa vẫn dùng để gọi Mãn-châu.

(22) Thí-dụ xem L. Oppenheim, INTERNATIONAL LAW: A TREATISE, do H. Lauterpacht hiệu-đính, Longmans, Green & Co., xuất-bản ở Luân-đôn, tập I, ấn-bản thứ 7, 1948.

(23) Ch'en T'i-ch'iang, "Taiwan -- A Chinese Territory", đăng trong Law in the Service of Peace: International Association of Democratic Lawyers' Review, số 5, 1956, tr. 42.

(24) Đăng trong báo Quốc-tế Vấn-đề Nghiên-cứu, số 2, 1959, tr. 7-17 và bản dịch Anh-ngữ in trong sách Oppose the New U.S. Plots to Create "Two Chinas" của nhà Xuất-bản Ngoại-văn, Bắc-kinh, 1962, tr. 85-97.

(25) Oppenheim, I, tr. 808.

(26) Oppenheim, I, tr. 807.

(27) Review, tr. 22-23.

(28) TRUNG-HOA NHÂN-DÂN CộNG-HòA-QUốC ĐốI-NGOạI QUAN-Hệ VĂN-KIệN-TậP, Bắc-kinh, tập I, tr. 134 (viết tắt: Đối-ngoại). Nhấn mạnh thêm.

(29) ĐốI-NGOạI, tập II, tr. 30 và 36.

(30) NHÂN-DÂN NHậT-BÁO, Bắc-kinh, ng. 8.2.1955, tr. 4. Nhấn mạnh thêm.

(31) Toàn bản văn nhan-đề "Foreign Minister Chou En-lai's Statement on San Francisco Peace Treaty" đăng trong PEOPLE'S CHINA, tập IV, số 7, ngày 1.10.1951, tr. 39. Vì bài này không đề-cập tới hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nên chúng tôi không trích-dịch nơi đăy.

(32) Từ 2.6.1948 đến 26.10.1955 phần đất do chính-quyền quốc-gia (không Cộng-sản) cai-trị gọi là Quốc-gia Việt-nam. Sau đó mới gọi là Việt-nam Cộng-hòa.

(33) PEOPLE'S CHINA, tập 4, số 6, ngày 16.9.1951, tr. 4. Nhấn mạnh thêm.

(34) Toàn bản văn đăng trong PEOPLE'S CHINA, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr. 4.

(35) Toàn bản văn hòa-ước giữa Trung hoa Dân-quốc và Nhật-bản đăng trong TREATIES AND AGREEMENT, sđd, tr. 454-456. Vì không có bản văn bằng Hoa-ngữ nên chúng tôi dịch hai danh-từ Spratly Islands và Paracel Islands bằng danh-từ thông-dụng của Việt-nam là quần-đảo Trường-sa và quần-đảo Hoàng-sa.

(36) Đây không phải là Hải-học-viện Phi-luật-tân như nhiều tài-liệu cho tới nay vẫn đề-cập tới một cách sai lầm.

(37) Palawan là một hòn đảo khoảng 4.550 dặm vuông ở tây-nam thủ-đô Manila và bắc Borneo.

(38) Nhiều tài-liệu hiện-hữu đã không để ý đến chi-tiết này mà lại nói là chính Tomas Cloma đem thủy-thủ tới chiếm đóng.

(39) Đây cũng là một chi-tiết mà các tài-liệu hiện-hữu đã sai-lầm khi cho rằng chỉ có hòn đảo lớn mà Tomas Cloma đặt chân tới lần đầu mới mang tên là Freedom Island.

(40) Trích đăng trong bài "Freedomland: Gov't States Position on Imbroglio over Isles," trong bán-nguyệt-san NEW PHILIPPINES, Manila, số tháng 2/1974, tr. 7.

(41) nt.

(42) nt. Nhấn mạnh thêm.

(43) Tân Hoa-xã, ấn-bản Anh-ngữ, ngày 29.5.1956, nhan-đề "Foreign Ministry Statement on Nansha Islands", đăng trong SURVEY OF CHINA MAINLAND PRESS (viết tắt: SURVEY) của Toà Tổng Lãnh-sự Hoa-kỳ tại Hương-cảng, số 1301, ng, 4.6.1956, tr. 20. Nhấn mạnh thêm.

(44) Tân Hoa-xã, ấn-bản Anh-ngữ, ngày 27.2.1959, nhan-đề "Statement on Kidnapping of Chinese Fishermen by South Vietnam Navy," đăng tải trong SURVEY số 1966, ngày 5.3.1959, tr. 47. Hai bản tuyên-bố ngày 15.8.1951 và 29.5.1956 đã được trích-dẫn và phê-bình trong hai phần số II và III bên trên.

(45) Tức phủ tổng-thống Phi-luật-tân.

(46) Tường-thuật lại trong bài Freedomland, bđd.

(47) nt.

(48) Đăng-tải trong SURVEY, số 4944, ng. 27.7.1971, tr. 140. Nhấn mạnh thêm.

(49) nt.

(50) Do Nghị-định số 420-BNV/HCDP/26.X ngày 6.9.2973 của Tổng-trưởng Nội-vụ Lê-công-Chất.

(51) Do Nghị-định số 4762.CP ngày 21.12.1933 của Thống-đốc Nam-kỳ M.J. Krautheimer.

(52) Do Dụ số 10 ngày 30.3.1938 của Hoàng-đế Bảo-đại.

(53) Do Sắc-lệnh số 174-NV ngày 13.7.1961 của Tổng-thống Ngô-đình-Diệm.

(54) Do Nghị-định số 709-BNV/HCDP/26 của Tổng-trưởng Nội-vụ Trần-thiện-Khiêm.

(55) Do Sắc-lệnh số 143-NV ngày 22.10.1956 của Tổng-thống Ngô-đình-Diệm.

(56) Toàn văn đăng trong PEKING REVIEW, Bắc-kinh, tập 17, số 3, ngày 17.1.1974, tr.3, dưới nhan-đề "Statement by Spokesman of Chinese Ministrty of Foreign Affairs."

(57) Toàn văn đăng trong PEKING REVIEW, tập 17, số 4, ng. 25.1.1974, tr. 3-4, dưới nhan-đề "Statement of the Chinese Ministry of Foreign Affairs."

(58) Tuyên-bố ngày 12.1.1974 của phát-ngôn-viên Bộ Ngoại-giao Việt-nam Cộng-hòa, nhan-đề "Việt-nam Cộng-hòa Bác-bỏ Lời Tố-cáo Phi-lý cùa Trung-Cộng về Quần-đảo Hoàng-sa." Bản quay ronéo, tr. 1.

(59) "Tuyên-bố của Bộ Ngoại-giao Việt-nam Cộng-hòa Về Việc Trung-cộng Vi-phạm Chủ-quyền của Việt-nam Cộng-hòa Trên Các Quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa" ngày 16.1.1974. Bản quay ronéo, tr. 1-2.

(60) Tường-thuật trong bài Freedomland, bđd.

(61) Đăng trong PEKING REVIEW, tập 17, số 4, ngày 25.1.1974, tr. 4.

(62) Toàn văn đăng trong PEKING REVIEW, tập 17, số 6, ngày 8.2.1974, tr. 3, dưới nhan-đề "Statement by Spokesman of Foreign Ministry."

(63) Toàn văn đăng trong FREE CHINA WEEKLY, Đài-bắc, ngày 10.2.1974, tr. 1, dưới nhan-đề 'ROC Reaffirms Spratly Title."

(64) TIME, New York, 11.3.1974.

(65) Xem Tạ-quốc-Tuấn, "Diễn-tiến Cuộc Tranh-chấp Về Chủ-quyền Trên Hai Quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa Từ Sau Trận Hải-chiến 19-20 Tháng 1/1974" đăng trong Việt-nam Tập-chí, Campbell, California, số 3 & 4, th. 8/1991, tr. 49-82. (Vì sự sơ-ý kỹ-thuật bài này tuy được đăng trọn-vẹn nhưng lại ghi lầm là "Còn Nữa").

(66) Tường-thuật trong PEKING REVIEW, tập 17, số 14, ngày 5.4.1974, tr. 1, nhan-đề "China's Sovereignty Over Hsisha, Nansha Islands Reaffirmed."

(67) Đài Bắc-kinh, chương-trình Việt-ngữ, ngày 3.7.1974, hồi 21 giờ 30. Chúng tôi trích nguyên-văn theo bản tin, không sửa đổi dù cách hành-văn lai-căng.

(68) Tường-thuật trong British Broadcasting Corporation, Summary of World Broadcasts, Part III: The Far East (viết tắt: FE), số 6070.

(69) Đó là Trung-Pháp Hòa-ước ký tại Thiên-tân ngày 11.5.1884, sau được ưng-chuẩn bằng một hòa-ước khác ký ngày 9.6.1885.

(70) FE số 6075.

(71) Ý Phạm-văn-Đồng nói tới cuộc chiến-tranh 1960-1975.

(72) FE, số 6102.

(73) Hàn Niệm-long không nói rõ hòa-ước nào. Có lẽ là hòa-ước 1884 (Xem chú-thích 69 bên trên).

(74) Tường-thuật trong báo BEIJING REVIEW (tên viết theo phương-pháp phan-âm tức pinyin của Trung-Cộng), tập 26, số 39, ngày 26.9.1983, tr. 8.

(75) Tên Việt-nam là Đá Hoa-lau và tên Anh-ngữ Swallow Reef.

Free Web Hosting