VŨ-HỮU-SAN &Thế-Giới của Nước
 

Home
Tương Ðồng HH Việt Mỹ
Tương Ðồng Thảo Mộc
Tương Ðồng Lịch Toán VMỹ
Ðuờng Biển Việt Mỹ  

 

Giao-tiếp Việt-Mỹ trong cổ-thời

-giả-thuyết qua bằng-chứng hàng-hải -

 Nếu người Việt đã đi biển tới Mỹ, tốt nhất là chứng-minh tương-đồng hàng-hải

Vũ-Quân

 I- Tổng-Quát. 

                Mỹ-châu xa cách với khối lục-địa còn lại gồm Á, Âu, và Phi-Châu bởi các đại-dương. Loài người từ Cựu-thế-giới muốn đến đó phải dùng phương-tiện độc-nhất là đường biển. Nhiều nhà khoa-học đã và đang tiếp-tục nghiên-cứu xem những giống dân nào từng vượt đại-dương đến đây trước thời Columbus.

                Đến nay, sau khi tìm ra nhiều chứng-cớ tương-đồng về văn-minh giữa Tân và Cựu-thế-giới, loài người có thể yên-tâm công-nhận rằng Mỹ-châu thời cổ không hoàn tòan bị cô-lập với cộng-đồng nhân-loại cư-ngự tại Cựu-thế-giới. Chắc chắn đã có những lần khám-phá Mỹ-châu được thực-hiện, lập đi lập lại nhiều lần.

Khi bàn về các sinh-hoạt hàng-hải thời cổ, những người Việt-Nam như chúng ta có thể yên-tâm phát-biểu rằng người Việt cổ, hơn bất cứ một chủng-tộc nào khác, có dẫn-chứng dồi-dào và vững-chắc nhất, rõ ràng mang chỉ-dấu rằng thuyền bè của ta đã từng đến Mỹ-châu nhiều ngàn năm trước. Người Việt tới đó liên-tiếp nhiều lần với số lượng lớn nhiều thuyền-nhân, có trường-hợp do ngẫu-nhiên nhưng cũng có trường-hợp cố-ý mà thành-phần ra đI là các di-dân hay người tị-nạn rất đông-đảo.

Phương-cách tốt nhất để chứng-minh các thành-tích như vậy được dựa trên các luận-cứ hàng-hải. Bài sơ-khảo này trình-bày những sự-kiện tương-đồng về hàng-hải giữa Mỹ-châu và Việt-Nam.

II- Mực Độ Giá-trị của tài-liệu.

                 Để kết-quả nghiên-cứu được chấp-nhận là khách-quan và chính-xác, người viết xin bàn về gía-trị các tài-liệu mang sử-dụng khi bàn về những tương-đồng văn-hóa hay liên-hệ sinh-hoạt như sau:

Những sự tương-đồng dùng làm dẫn-chứng sẽ có giá-trị lớn khi trình-bày được nhiều đặc-điểm đi sâu vào chi-tiết, nhất là những chi-tiết độc đáo không thể tìm ra ở một nơi nào khác trên thế-giới. Nếu các dẫn-chứng này được kết hợp thành một hệ-thống thì những chi-tiết sẽ hỗ-trợ nhau; do đó lý-luận về sự giao-tiếp thêm phần vững-chắc. Hai thí-dụ điển-hình như sau:

1- Nhân-loại dù sinh sống ở đâu trên trái đất cũng có nhu-cầu di-chuyển nên người ta phải nghĩ ra phương-tiện. Vậy thuyền bè xuất-hiện khắp thế-giới có thể là do các phát-minh riêng-rẽ. Nếu hai nơi cùng kiểu thuyền bè tương-tự, ta nghĩ có sự liên-hệ nào đó. Thuyền bè lại có thứ chạy buồm mà cùng giống nhau ở cách lèo lái thì mối giao-tiếp đã có thể xảy ra. Đến như trường-hợp người dân ở cả hai nơi đều biết dùng cây xiếm trong khi các xứ khác trên thế-giới chưa biết sử-dụng, người ta phải nhận rằng sự kiện không phải ngẫu-nhiên mà trùng-hợp. Thêm nữa, nhờ chứng-minh được là chỉ ở hai nơi đó, sự thành-thạo việc dùng một hệ-thống nhiều cây xiếm để có thể lái bè đi chếch ngược hướng gío nên giả-thuyết giao-tiếp sẽ vững hơn. Rồi sâu xa hơn, người ở cả hai nơi đó đều sử-dụng hệ-thống xiếm phối-hợp với buồm làm bè tự-động đi tới theo hướng chỉ-định không cần người lái, sự thật đã hiển-nhiên về những giao-tiếp từng xảy ra trong qúa-khứ.

Những yếu-tố phụ-thuộc khác cũng không kém phần quan-trọng trong việc nghiên-cứu như ngôn-ngữ liên-hệ đến tên gọi, cách trang-trí thuyền-bè, xóm làng của dân đi biển ... 

2- Thí-dụ thứ hai sau đây về liên-hệ văn-hóa. Chẳng hạn như thời cổ, nhiều nơi trên thế-giới đã dùng chữ tượng-hình. Ta cũng tìm ra ở Mỹ và ở Việt cũng có những loại chữ tượng-hình. Khi nhìn tổng-quát thấy những chữ này tương-tự, ta có thể tìm xem cách-thức trình-bày có giống nhau không. Đi sâu hơn để hy-vọng tìm ra càng nhiều cổ-ngữ Việt và Mỹ có nét chữ giống nhau thì càng tốt. Sau đó nếu chúng ta chứng-minh rằng các ngữ ấy cùng phát-âm, cùng ý-nghĩa và cách cấu-trúc theo cùng một ngữ-pháp thì nhất-định lý-luận sẽ vững chắc hơn.

                Khi đứng riêng rẽ, một chứng-cớ lẻ loi có thể bị coi là ngẫu-nhiên, nhưng nhiều chứng-cớ kết-hợp lại theo hệ-thống có năng-lực như "ba cây chụm lại' sẽ "vững như "kiềng ba chân".

Riêng về khía cạnh hàng-hải, sự nghiên-cứu các liên-hệ ngôn-ngữ củaÕ những sắc dân duyên-hà, hải-đảo có thể dẫn đến nhiều giả-thuyết về sự di-dân trên biển. Một khi những chi-tiết tương-đồng về ngôn-ngữ như vậy lại phù-hợp với những chi-tiết đặc-thù về các hoạt-động thuỷ-sinh thì ta sẽ dễ dàng thuyết-phục các nhà khoa-học.

 III- NHữNG TƯƠNG-ĐồNG Về HÀNG-HẢI.

 Bỏ qua các dẫn-chứng nhỏ nhặt có tính cách phụ-thuộc, bài sơ-cứu này chỉ xin đưa ra những điều hiển-nhiên nhất liên-hệ trực-tiếp đến hàng-hải đã được các giới khoa-học-gia nhiều ít công-nhận là xác-đáng. Những tài-liệu này được góp nhặt từ nhiều công-trình nghiên-cứu khác nhau nhưng đáng kể nhất là của các tác-giả người Pháp như Đô-đốc Paris trong thế-kỷ thứ 19, các ông J. B. Piétri và Pierre Paris trong tiền-bán thế-kỷ 20 và những nhà khảo-cổ Hoa-Kỳ cận-đại như Stephen C. Jett, Edwin Doran... 

1- Bè và xiếm.

Không có chứng-cớ nào hùng hồn hơn về sự liên-hệ chặt chẽ Việt-Mỹ qua kỹ-thuật kiến-trúc và sử-dụng bè chạy buồm có gắn những cây xiếm. Chứng-tích cổ nhất về bè ở vùng Đông-Á đã được công-nhận là xưa tới 3, 4,000 năm, tiền-thân của xiếm trên thuyền Đông-sơn ít ra trên 2,200 năm. Xiếm ở Nam-Mỹ chắc chắn trước thời Kha-luân-Bố. Ngoài khu-vực Á và Mỹ-châu, cây xiếm chỉ được người Hòa-Lan dùng vào thế-kỷ 17. Tại các nơi khác còn lại trên thế-giới, người ta đều chậm trễ hơn nữa trong việc áp-dụng trang-cụ quan-trọng này. Cây xiếm ở Mỹ và cây xiếm ở Việt đều dài và hẹp bề ngang, cùng được điều-chỉnh và sử-dụng với cách-thức in hệt. Dân hai nơi cùng thấu-triệt hệ-thống phức-tạp này và cùng nắm vững kỹ-thuật tự-động hải-hành so với hướng gió, không cần người lái.

Nhiều chi-tiết về cây xiếm trong giao-tiếp Việt-Mỹ sẽ được trình-bày trong một chương riêng-biệt.

 Hình - So-sánh Xiếm trên thuyền Việt và Mỹ. Chỉ ở hai nơi này, người ta mới sử-dụng trang-cụ như hình lưỡi đoản đao này.

 2- Buồm.

Cũng như nhiều nhà nghiên-cứu cổ hàng-hải Âu Mỹ khác, Clinton R. Edwards nhận thấy chứng cớ giao-tiếp Mỹ-châu và Đông-Á, mà trong đó có Việt-Nam rất hiển-nhiên trong cách sử-dụng buồm. Chỉ có buồm ở Đông Nam Á là liên-hệ trực-tiếp với buồm ở Mỹ-châu. Không có nơi nào khác trên thế-giới tương-tự như vậy. (The sails [of New World] are associated directly with a type of craft known elsewhere only in East and Southeast Asia, where inference suggest its more ancient occurrence. The correspondences between the Asian and northwest South American craft are very close: indeed, thaey seem more convincing than many that have been accepted as evidence of diffusion and contact over shorter distances). Đó là nguyên-văn lời của Edwards dùng trong đoạn kết-luận của một bài khảo-cứu hàng-hải có nhiều uy-tín, viết cách đây hơn 20 năm mang tiêu-đề "New World perpectives on pre-European voyaging in the Pacific", sưu-tập Early Chinese Art and Its Possible Influence in the Pacific Basin, Vol. 3, edited by Noel Bernard, New York, 1969).

Về chi-tiết kiến-trúc buồm, chúng tôi xin kể hai sự kiện sau đây:

-Buồm hình tai. Các nhà hàng-hải nhận ra hình-dáng buồm thật kỳ lạ giống như cái tai, cách kiến-trúc tương-tự ở Bắc Trung-phần Việt-nam và vùng hồ Titicaca. Cùng với bè, điểm trùng-hợp độc-đáo thứ hai này chỉ xuất-hiện riêng ở Mỹ và ở Việt, không thấy ở nơi nào khác trên Cựu-thế-giới.

-Cách dệt buồm. Người Việt cũng như một số dân Đông-Nam-Á chế-tạo những cánh buồm bằng cách dệt những loại cỏ vào mới nhau như họ thường dệt chiếu. Cách "dệt chiếu" làm buồm này cũng thấy ở vùng duyên-hải Mỹ-châu Thái-bình-Dương. Sự tương-tự của buồm đồng-thời với kiểu ghe, cách trang-trí totem của thổ-dân Alaska với buồm, ghe, totem ĐNÁ được Charles Marius Barbeau mô-tả trong bài khảo-cứu "Totemism, a Modern Growth on the North Pacific Coast". (Journal of American Folklore 57, 1944: 51-58).

 Hình - Hình thuyền buồm thời cổ Mỹ-châu (Gunnar Thompson, 1989). Có loại buồm mà kiến-trúc tương-tự như cách dệt chiếu ở Việt-Nam và một số nước Á-Đông khác.

3- Liên-hệ hàng-hải, kiến-trúc: Thuyền thân cong, mái nhà cũng cong. Người Việt cũng như những người láng giềng Đông-Nam-Á làm thuyền thân cong. Truyền-thống hàng-hải ảnh-hưởng cho ngành kiến-trúc. Suốt mấy ngàn năm trước đây, người Việt làm những nhà sàn mà mái cong vuốt lên ở hai đầu. Sự song-hành hàng-hải và kiến-trúc như vậy được tìm thấy tại Mỹ-châu. Thuyền của người Da Đỏ có thân cong với lái và mũi cao vượt hẳn lên. Ngày nay mái nhà ở Mỹ-châu cũng như mái nhà thường-dân Việt-Nam không cong nhưng các nhà khảo-cổ đã tìm được nhiều mẫu nhà cổ mái cong ở Việt-nam và Mỹ-châu giống như nhà các đồng-bào sơn-cước của ta vậy.

 Hình - Nhiều mẫu nhà cổ mái cong ở Việt-nam và Mỹ-châu

 4- Bơi chèo kép, mái chèo đơn.

Loại bơi chèo kép sử-dụng được cả hai đầu, được thổ-dân Mỹ-châu dùng khắp nơi, cũng xuất-hiện ở Việt-nam. (Esquisse d'une Ethnographie Navale des Peuples Annamites, Pierre Paris, Deuxième édition, Rotterdam, 1955: 33).

Cạnh mái chèo kép là trường-hợp đặc-biệt, những mái chèo đơn thông thường ở cả hai nơi cũng mang nhiều dáng vẻ tương-đồng.

 Hình - Bơi chèo kép ở Nam-Mỹ tương-tự như bơi chèo kép mà dân Huế thường dùng.

Hình - Hình dạng tương-tự giữa những mái chèo thông-dụng.

 5- Outrigger "giả-định".

Các cây bương hay balsa kèm hai bên các thuyền Việt-Nam và Nam-Mỹ có công-dụng làm cân-bằng khi thuyền bị nghiêng đi. Tác-dụng này giống như trường-hợp hai thân phụ cuả loại thuyền double outrigger. Tài-liệu dẫn-chứng cho sự tương-đồng này có khá nhiều, James Hornell thâu tóm lại trong một cuốn sách rất giá-trị về khảo-cổ hàng-hải, cuốn "Water Transport- Origines & Early Evolution", Cambridge, London, 1946, reprint 1970: 267-269). Không có nơi nào khác trên thế-giới mà ghe thuyền mang những "thân nổi giả-định" này .

 Hình - Các cây bương kèm hai bên hông ghe bầu Việt-Nam (hình của J. B. Piétri)

 6- Bình lọ trên thuyền.

Hình-ảnh rất là độc-đáo về các loại bình, chai, lọ, tĩnh... thường được chuyên-chở trên những thuyền ở Việt-nam và Nam-Mỹ trong cổ-thời.

 Hình - cảnh chuyên chở chai lọ trên thuyền ở Mỹ giống hệt như ở Việt-Nam (Hình của D. E. Ibarra Grasso)

 7- Thuyền ván kết.

Cách dùng dây buộc ghép các tấm gỗ lại với nhau để làm một loại thuyền mà không cần đóng sườn hay khung thuyền, đáng được kể là một kỹ-thuật kiến-trúc rất cao siêu ở Việt-Nam. Ngày nay, dân ta vẫn còn kết ván với nhau thành những ghe nốcÕ ở Huế, thuyền song ở Cam-Ranh, Qui-Nhơn v.v... Mấy thế-kỷ trước đây, du-khách cho biết đã thấy nhiều ghe thuyền tương-tự thường hải-hành dọc theo bờ biển nước ta sang tận Xiêm-La. Các "thuyền-gia" này theo họ rất lớn, chuyên chở tới vài trăm tấn hàng-hóa.

Sau khi tham-khảo các tài-liệu của S. K. Lanthrop (Aboriginal Navigation off the West Coast of South America trong Journal of the Royal Anthropological Society, Vol.LXII, 1932: 229-256) và của J. Poujade (Notice bibliographique sur l'ouvrage de J. Poujade : Bateaux en Indochine, B.S.E.I., 1er Trimestre 1942: 103), nhà hàng-hải Pháp Pierre Paris cho rằng cách đóng ghe Dalcas ở đảo Chiloe xứ Chili cũng phần nào tương-tự như cách kết ván của thuyền Việt-Nam. (Esquisse d'une Ethnographie Navale des Peuples Annamites, Rotterdam, 1955: 24-25, các hình 225-231).

 Hình - Kết ván thuyền Việt-Nam

-Theo một số nhà hàng hải, kỹ-thuật kết ván thuyền Mỹ-châu tương tự kỹ-thuật đóng thuyền Việt-Nam.

 8- Cột buồm kép có hai chân.

Loại cột buồm hình chữ V ngược được ghép bằng hai cây gỗ hay tre khá thông-dụng tại Bắc-phần Việt-Nam cũng xuất-hiện tại Mỹ-châu. Sự tương-đồng này cùng với cách kiến-trúc thuyền ván kết kể trên và một số các điểm tương-đồng hàng-hải Đông-Dương / Mỹ-châu khác nữa được công-bố trong loạt bài nghiên-cứu của Pierre Paris, nhan-đề "L'Amérique Précolombienne et l'Asie méridionale", bưu-báo Bulletin de la Société des études Indochinoises de Saigon, các năm 1942 & 1943.

Gần 70 năm trước đây, loại cột buồm đặc-biệt này cũng đã được Cyril Daryll Forde đề-cập đến. Forde cho là hình-dáng loại cột buồm "A-mast" (hay V ngược), song-hành với kiểu kiến-trúc buồm và cách vẽ hình con mắt trên mũi thuyền tại hai đại-lục Á, Mỹ chứng tỏ có sự liên-hệ Á-châu và Mỹ-châu về phương-diện hàng-hải (Ancient Mariners; the Story of Ships and Sea Routes, London, 1927: 11 & 41ff).

 Hình - Cột buồm kép hình chữ A (hay V ngược) trên các thuyền ở Ninh-Bình Việt-Nam

- Cột buồm hình chữ A trên bè Mỹ-châu

 9- Thuyền độc-mộc kiểu bồn tắm. Có một loại thuyền độc-mộc cổ xưa, hình-dạng kỳ-dị ở Mỹ-châu đã được nhiều sách vở tài-liệu đề-cập đến cùng các hình vẽ mô-tả rõ ràng. Đó là loại thuyền mà thổ-dân chế-tạo bằng cách khoét rỗng ruột một cây gỗ lớn, có sàn mũi và lái đưa dài ra giống như kiểu bồn tắm ngày nay. Các loại nhỏ do một người chèo, nhưng cũng có loại rất lớn. Christopher Columbus báo-cáo đã nhìn thấy những chiếc tới 70 hay 80 người chèo bằng bơi chèo. Viện bảo-tàng Mérida Trung-Mỹ trưng-bày một mẫu thuyền bằng đồ gốm tương-tự, có lẽ cổ tới 1,200 năm. Đó là một món đồ tuỳ-táng trong vùng văn-minh Maya. Tục lệ dùng thuyền làm quan-tài cho người thủy-thủ hay dùng thuyền làm đồ tuỳ-táng cho người chết tại nhiều nơi tại Mỹ như vậy là một thông-lệ thời cổ và không xa lạ gì ở xứ ta.

Người Việt-Nam khi xưa đã xử-dụng thứ ghe cùng hình-dáng "bồn tắm" tương-tự. Bác-sĩ Harman cho biết một số chi-tiết trên báo-chí Pháp vềÕ sự sinh-sống của người Việt-Nam ở tỉnh La-Khôn (thuộc Trấn-ninh-phủ, nay thuộc Lào). Ông thăm-viếng nơi này năm 1879, gặp lại đúng kiểu thuyền độc-mộc đặc-biệt như kể trên. Hình vẽ đính kèm sau đây lấy ra từ bài "Le Laos et les Populations sauvages de l'Indo-chine", Docteur Harman, tạp-chí Tour du Monde, Premier Semestre 1880: trang 251.

 Hình - Hình vẽ của phái-đoàn Harman về loại thuyền hình-dáng đặc-biệt của người Việt thế-kỷ 19.

 Hình - Hình dáng của loại ghe mà người cổ Mỹ-châu sử-dụng tương-tự như thuyền La-Khôn.

 Hình - Thuyền bằng đồ gốm này là một đồ tùy-táng ở Mỹ-châu, hình-dạng như thuyền độc-mộc Việt-Nam.

 10- Thiên-văn.

Những người đi biển cho dù thuộc một chủng-tộc bán khai, cũng hiểu biết ít nhiều về vị-trí các vì tinh-tú, hình-dạng những chòm sao. Một số chuyện thần-thoại được đặt ra để kể về trăng, sao. Hàng đêm, nhà hàng-hải nào mà không quan-sát Bắc-đẩu, Nam-tào. Những vì sao này qua nhiều ngàn năm đã trở thành phương-tiện định-hướng căn-bản. Ta không ngạc-nhiên khi con người đã phong-thần tinh-tú này và thờ-cúng rất trang-nghiêm.

Tục cúng sao rất thông-thường ở Việt-Nam và đặc-biệt sùng-bái các ngôi sao chỉ Cực (Pole Star). Tại những ngôi đền cổ nhất ở Việt-nam, người dân vẫn còn ghi lại sự sùng-bái có tính-chất hàng-hải này. Sách Miền Bắc Khai-Nguyên của Cưủ-long-Giang và Toan-Ánh (Sài-gòn 1969) cung-cấp cho ta những tài-liệu ở trang 308 như sau: "Du-khách đến Ninh-Bình, cũng không nên bỏ qua động Thiên-Tôn ở làng Đa-giá, huyện Gia-Khánh ... trong động có thờ đức Trấn-Vũ từ hơn nghìn năm nay... Động ngoài thờ Nam-Tào, Bắc-Đẩu cùng các vị Kim-Cương..."

Tài-liệu thờ-cúng tinh-tú tương-tự như vậy ở Mỹ-châu đã được viết rất nhiều, một số sách liệt-kê sau đây:

- Indian Myths; or Legends, Traditions, and Symbols of the aborigines of America Compared with Those of Other Countries, Ellen Russel Emerson, Boston, 1884.

- North Americans of Antiquity: Their Origin, Migrations and Type of Civilization Considered, Third Edition, John T. Short, New York, 1882.

Người dân thuộc văn-hóa Đông-Sơn và thổ-dân Mỹ-Châu như Maya, Aztec, Toltec... cùng thờ mặt trời. Tài-liệu khảo-cổ Việt-Nam có khá nhiều và đáng kể nhất là sách của Bình-Nguyên-Lộc, cuốn "Nguồn gốc Mã-Lai của Dân-tộc Việt-Nam", 1971. Về phía cổ Mỹ-Châu, ngoài cuốn "Indian Myths..." của Ellen Russel Emerson như vừa kể trên, ........cũng không hiếm tài-liệu như:

- Le chien tarasque, le chien chihuahua et le culte solaire, G. Hasse, Bulletin de la société d'anthropologie de Bruxelles 60-61, 1949-1950: 222 - 248).

 11- Lịch-toán

Hải-hành không những liên-hệ đến thiên-văn mà còn liên-hệ đến lịch-toán. Vì sống trong vùng có hai vụ gío mùa, người Việt biết rõ chu-kỳ và thời-gian mùa gío. Vì cần lấy nước vào ruộng, dân ta lưu-tâm quan-sát mực nước lên xuống, họ cũng thông-hiểu chu kỳ và biên-độ thuỷ-triều cùng thời-gian khi nào trăng tròn hay khuyết...

Việt và Mỹ cùng dùng loại âm-lịch tính theo sự chuyển-động của nguyệt-cầu và cùng sử-dụng tên súc-vật để chỉ ngày như 12 con giáp trong thập-nhị chi của ta.

a- 5 tên gọi đồng-nhất về Dần (Cọp Việt, Báo Mỹ), Mẹo (Thỏ Việt-Mỹ), Tị (Rắn Việt-Mỹ), Thân (Khỉ Việt-Mỹ), Tuất (Chó Việt-Mỹ).

b- 5 tên tương-đồng đặc-tính : vua chúa: Thìn (Rồng Việt, Vua Kên-kên Mỹ), nông-súc, nông-phẩm chính: Sửu (Trâu Việt, Ngô Mỹ), thiên-tai cho mùa màng: Tí (Chuột Việt, Thủy-tai Mỹ), súc vật ăn cây cỏ: Mùi (Dê Việt, Nai Mỹ), loài chim muông (gà Việt, chim ưng Mỹ).

c- 2 tên còn lại thuộc lục-súc Việt-Nam: Ngọ (Ngựa Việt, thần Chết Mỹ) và Hợi (heo Việt, Nước của lịch Mỹ). Theo Paul Kirchhoff, trong nhiều sứ Á-Đông, Ngọ (Ngựa) liên-hệ đến Thần Chết (Diffusion of a Religious System from India to Mexico, báo-cáo XXXV Congresso Internacional de Americanista: Mexico 1962: 80). Ở Mỹ không có Heo làm gia-súc, Hợi đã được thay thế bằng Nước.

Việt biết lịch-toán từ thượng-cổ. Jerry Norman tìm ra rằng :" ...dân Bày tiếp-xúc với ngươì Nam-Á trước cả Thiên-kỷ thứ nhất TTL, đã vay mượn một số kiến-thức văn-hóa của họ. Vì hình-thức (thập-nhị chi) của Trung-Hoa giống cận kề với những danh-từ hiện được dùng tại Việt-Nam và Mường, sự vay mượn ngôn-ngữ rất có thể qua vùng duyên-hải Đông-Nam, chỗ các nước Ngô và Việt trong cổ-thời (Linguistic of the Sino-Tibetan Area - The State of the Art, edited by Graham Theorgood, Australia ,1985: 85-89). Sự kiện người dân Việt biết trước, thổ-dân Mỹ biết sau, lại cùng một hệ-thống danh-hiệu có thể chứng-tỏ lịch-toán là sản-phẩm của hàng-hải người Việt cổ chúng ta đã mang qua Tân-thế-giới.

Hình - Những con "giáp" trong lịch cổ Mỹ-châu.

 12- Thuyền và hải-điểu.

Chim, cá và thuyền thường đi kèm với nhau trong những hình vẽ điêu-khắc cổ như trên trống đồng Đông-sơn và trên các hình vẽ tại những đền đài xưa cũ ở Trung và Nam-Mỹ. Từ rất lâu đời, hải-điểu luôn luôn là niềm vui, niềm hy-vọng của những người đi biển Lạc-Việt cũng như của người Mỹ-châu. 

13- Nhà trên bè.

Phần cư-trú trên thuyền bè hai nơi đều được kiến-trúc giống như nhà ở, đôi khi đủ cả hai mái .

 Hình - Nhà tranh trên bè Nam-Mỹ, nhà tranh trên thuyền Việt-Nam.

 14- Cây bương Liêm-luật và Caballito.

                Một trong những tấm hình vẽ nổi tiếng và cổ nhất do người Âu-châu vẽ về Mỹ-châu là về cảnh lưới cá. Hình này xưa hơn 400 năm ghi lại cảnh 4 thổ-dân Mỹ-châu cưỡi trên hai bó sậy vừa chèo vừa lưới. Cách đánh cá này cổ lỗ, không thấy sử-dụng ở nơi nào trên thế-giới nhưng lại thấy tại Việt-Nam. Tài-liệu cỡi ống bương, vừa bơi vừa đánh cá ở Liêm-luật, Hà-Tĩnh được J. B. Piétri mô-tả rõ trong sách "Voiliers d'Indochine", Saigon 1949: 1.

                Sự tương-đồng Mỹ-Việt về ngư-nghiệp kiểu tiền-sử này cũng đã được Pierre Paris ghi-nhận và phân-tích khá kỹ nơi các trang 34 và 24Õ của cuốn sách "Esquisse ..." nói ở trên.

 Hình - Thổ-dân Da Đỏ và cách đánh cá với phương-tiện cổ-lỗ kiểu Caballito. Cách-thức ngư-dân Việt cưỡi cây bương đánh cá cũng cổ-lỗ vậy.

 15- Cách chế-tạo thuyền độc-mộc.

Người Việt thời cổ sử-dụng thuyền độc-mộc khắp nơi. Đồng-bào thiểu-số của chúng ta ngày nay còn tiếp-tục chế-tạo và sử-dụng những con thuyền đẽo ra từ thân một cây gỗ như vậy. Tất cả nhân-loại thời xưa có lẽ đều dùng loại thuyền như vậy, nhưng điều chúng ta lưu-ý ở đây là cách-thức đặc-biệt dùng lửa để đốt ruột cây, khoét rỗng lòng thuyền của dân ta. Người Da Đỏ cũng có cùng kỹ-thuật tương-tự.

 Hình - Dùng lửa để khoét rỗng lòng thuyền độc-mộc.

 16- Trang-trí hình mắt trên thuyền.

Hornell chứng-minh sự hiện-hữu của những hình con mắt trên thuyền suốt từ khu-vực Ấn-Độ đi ngang Việt-nam, Trung-Hoa, qua tận Mỹ-châu. Vì chuỗi địa-danh này liên-tục, không đứt quãng nên nó mang chỉ-dấu có những sự liên-hệ. Cyril Daryll Forde đồng-ý với Hornell và truy-cứu sâu xa hơn về hình-dáng các con mắt, tuyên-bố rằng con mắt trên thuyền bè ở Mỹ có vẻ gần gũi với thuyền Ấn hơn là với thuyền Bày. (Ancient Mariners: the Story of Ships and Sea Routes, London 1927: 41ff). Thuyền bè Việt-Nam và thuyền bè Ấn-Độ/ Mã-lai rất tương-đồng, kể cả cách vẽ mắt trên thuyền như vậy. (Thanh-Thư về Bày Thuyền Cận-duyên Miền Nam Việt-Nam).

Cách nay ba, bốn ngàn năm, người Việt vẽ mắt cho mọi loại ghe thuyền, chứng tích rõ rệt trên trống đồng Đông-Sơn. Mắt được vẽ theo nhiều kiểu, khác hẳn những mẫu vẽ Ai-Cập, La-Mã v.v... Các thuyền Nam-Mỹ cũng được sơn hình hai con mắt ở mũi thuyền mà Pablo Martinez del Rio cho là cùng một kiểu vẽ với các thuyền Việt-Nam xưa và nay (Los origines americanos, 3rd edition, Mexico, 1952).

 Hình - Hình mắt trên thuyền Đông-Sơn

 17- Dùng thuyền làm quan-tài khi táng người chết

ở Việt và ở Mỹ, tục-lệ này rất thông-dụng, khoa Khảo-cổ không thiếu chi bằng-chứng

 Hình - Táng người chết trong thuyền

 18- Xâm mình.

Người Việt khởi-nguyên là những thủy-thủ, đi thuyền hay đánh cá; họ có tục-lệ xâm mình để chống lại các thuỷ-tộc hung dữ. Thổ-dân Mỹ-châu cũng xâm mình, vẽ mình như vậy.

 Hình -Dân Việt xâm mình

-Người Da Đỏ vẽ mình

 19- Đánh cá.

Dân Việt-Nam hiểu biết cách-thức đánh cá từ rất lâu đời. A. Gruvel cho rằng ngay trong cổ-thời, người Việt đã hoàn-bị nhiều kỹ-thuật bắt cá, đánh tôm (La Pêche dans la Prehistoire dans l'antiquité et chez les peuples primitifs, Paris 1928). Vì hải-hành và ngư-nghiệp song-hành với nhau, chứng cớ ngư-nghiệp Việt tại Cổ Mỹ có thể nói là yếu-tố quan-trọng hàng đầu dùng chứng-minh sự hiện-diện của hàng-hải Việt tại Mỹ.

Để sinh-tồn, con người khi sống cạnh ao hồ, sông biển cùng phải bắt cá để ăn, tuy vậy có nhiều phát-minh đưa đến những cách-thức bắt cá khác nhau. Ngư-phủ có sự tự-do hoàn-toàn trong lúc tìm tòi phương-tiện. Hiển-nhiên là trong thời nhân-loại còn sống hoang-dã, con người chưa bị sự áp chế như lệ, luật, quyền, lực... bắt phải làm thế này hay không được làm thế nọ.

Việc nghiên-cứu sự tương-đồng trong lãnh-vực riêng-biệt này đã được thực-hiện một cách gián-tiếp qua các công-trình riêng rẽ của nhiều nhà chuyên-môn về ngư-nghiệp thời cổ ở cả Mỹ-châu lẫn vùng Đông-nam-Á. Dưới đây, ta rút ra các điểm có thể tin là khá chính-xác như sau:

- Các lưỡi câu đồng Đông-sơn (trên 2,200 tuổi), lưỡi câu bằng đá ở California, Easter Island (có lẽ trên 1,500 tuổi) cùng hình dáng.

Hình - Lưỡi câu bằng đá ở Mỹ

 Hình - Cùng đan lát tre giây thành dụng-cụ đánh cá - Vật-dụng đan lát dùng trong ngư-nghiệp ở Việt và ở Mỹ

 - cách lưới cá tương-tự và sâu xa hơn, việc neo lưới bằng những cục đất nung ở Mỹ mà hình-dạng không lầm lẫn được là xuất-xứ của Đông-dương. (A Complex of Traits of Probable Transpacific Origin on the Coast of Ecuador, Estrada, Emilio and Betty J Meggers, báo American Anthropologist 63, 1961: 913-939)

 Hình - Cục đất nung dùng neo lưới ở Mỹ

 20- Kỹ-thuật "bắt cá bằng độc".

Cách-thức bắt cá bằng cách "đánh bả" chỉ thấy ở Đông-Nam-Á và ở Mỹ-châu.

Về cách đánh bả cá của dân Việt-Nam thời xưa, ta được biết rõ ràng qua một số tài-liệu tương-tự như sau :"Tục gọi là hột Mát, nó như quả dâu, hột thì dẹp, cây nó to lớn bằng cây Xoan, lấy hột đem giã nhỏ ra trộn với bùn, quấy xuống vũng nước có cá thì cá nó say nổi lên, làm như vậy cho người đánh cá dễ bắt, độ 30 phút thì cá lại sống như trước" (Miền Bắc Khai-nguyên, Cửu-long-Giang & Toan-Ánh, Sài-gòn 1969: 252).

Thổ-dân Mỹ-châu cũng dùng hạt một loại cây lớn nghiền nát, cũng trộn bùn quấy xuống nước và để cùng đạt một mục-đích làm cho cá bị "shock" để bắt sống (Bài Fish Poison, Robert F. Heizer; trong Handbook of South American Indians, edited by Julian H. Steward, Vol. 5, Smithsonian Institution, 1949: 277-281)

21- Bắt cá nhờ súc vật.

Người Việt cũng như những người trong vùng Đông-Nam-Á rất sành sỏi trong cách-thức điều-khiển các súc vật như rái cá hay chim cồ cộ trong việc bắt cá. Chứng-tích hiển-nhiên về cách bắt cá nhờ chim cồ cộ (Cormorant) ở Mỹ-châu thời cổ được nhiều nhà khảo-cổ tìm ra nhờ những hình vẽ trên nhiều đồ sành sứ. (The Origin of the Indian Civilization in South America, Erland Nordenskiold, reprinted ASM, New York 1979).

Báo-cáo của đoàn thám-hiểm các sông Jauru và Juruena trong năm 1910 mô-tả rõ ràng hoạt-động đánh cá của dân bản-xứ Peru. Cách-thức họ điều-khiển chim cồ-cộ lặn xuống nước bắt cá mang lên tương-tự như cách-thức quen-thuộc của những người Hoa-Nam và người Việt ở Bắc Việt-Nam. (Die Paressi-Kabisi: Ethnologische Ergebnisse der Expedition zu den Quellen der Jauru und Jaruena im Jahre 1910, Max Schmidt, báo Baessler-Archiv 4(4-5):167-240).

 Hình - Hình vẽ trên một bình cổ ở Mỹ: thổ-dân dùng chim cồ cộ bắt cá

22- Mái chèo lái trong vịnh Thái-Lan và tại Peru.

Có một loại mái chèo lớn đặt ở chính giữa lái thuyền hay bè của người Việt, người Camgodge và người Thái sinh sống trong vùng Đông-Dương. Khi chèo nó theo hình số 8, người ta vừa đẩy thuyền đi tới lại vừa có thể lái thuyền. Người Việt-nam thiết-trí thứ chèo này trên các loại bè ở Bắc và Trung-phần.

Khi quan-sát các ngư-dân đánh cá trong vùng vịnh Thái-Lan, Pierre Paris đã rất ngạc-nhiên khi nhận ra họ sử-dụng một loại mái chèo lái mà hình-dáng quá ư đặc-biệt. Hình-dáng mái chèo này theo ông là chứng-cớ tương-đồng Đông-Dương / Mỹ-châu. Ông cung-cấp hình chụp chiếc bè vùng thượng Amazonie, Peru và lái thuyền "tuk chap ky" trong vịnh Thái-lan với lời chú-thích là hai mái chèo lái in hệt (identique aux précédent). (L'Amerique précolumbienne et l'Asie meridionale, Bulletin de la Société des études indochinoises 1943: 59)

 Hình - Hình-dáng mái chèo lái trên bè ở Peru (hình nhỏ góc trên) in hệt như mái chèo lái trên đuôi thuyền trong vịnh Thái-lan.

23- Xóm làng thủy-cư .

Cho đến thế-kỷ 20, mặc dù nhiều đổi thay trong nếp sống, người ta vẫn còn nhận ra những quang-cảnh đặc-biệt nơi những làng xóm của dân đánh cá. Học-giả Đào-duy-Anh viết: Ở nước ta có nhiều làng ở trên mặt nước, gọi là làng thủy-cơ, hay làng chài, gồm những người làm nghề chài lưới hay chở đò. (Việt-Nam Văn-Hóa Sử Cương, 1938).

Đến Nam-Mỹ, du-khách thấy những làng xóm chạy dài theo bờ sông Amazone và các phụ-lưu gồm nhà cửa làm trên bè, một số nhà sàn, ghe thuyền làm phương-tiện di-chuyển chính-yếu của người dân. Quang cảnh này rất tương-tự những thôn xóm chi chít trong vùng châu thổ hai con sông lớn Hồng-Hà và Cửu-Long, hay dọc theo những bờ hồ, kinh, rạch Việt-Nam.

 24 - Huyền thoại hồ, nước.

Chúng ta ai cũng đã nghe kể nhiều huyền-thoại quê-hương ta liên-hệ đến đên Động-đình-Hồ. Tại Mỹ-châu thời cổ, hai giống dân văn-minh nhất cũng có những huyền-thoại tương-tự

Người Inca tin-tưởng rằng dân họ phát-xuất từ hồ Titicaca

Người Aztec nhờ thần-nhân chỉ-dẫn mà di-cư đến lập-nghiệp tại vùng hồ nước

 IV- LIÊN-Hệ GIữA HÀNG-HẢI VÀ NGÔN-NGữ.

Nói về ngữ-thể, tiếng Việt-Nam chúng ta thường được xếp vào loại đơn-âm (monosyllable) giống như các thứ tiếng nói khác trong vùng Đông-Nam-Á. Đơn-âm ngữ-thể cũng thấy trong hầu hết các ngôn-ngữ của thổ-dân Mỹ-châu. Đặc-biệt tiếng người Mayan đã được so-sánh và thấy rằng khác-biệt hẳn với các loại ngôn-ngữ đa-âm của Cựu-lục-địa, trong đó có Nhật-ngữ.

 A- Các từ Việt và các từ Mỹ.

Ngày nay, người Mỹ tiền-tiến trong ngành điện-toán nên danh-từ điện-toán của thế-giới hiện nay hầu hết đi từ ngôn-ngữ nước họ (American English).

Ngày xưa, trong khi các tiếng liên-hệ đến hàng-hải thời cổ xuất-phát từ ĐNÁ lan-truyền qua các nước Đông-Á và Nam-Á thì cũng có thể có nhiều tên gọi ghe thuyền của Việt-nam qua tới Mỹ-châu. Phương-tiện hàng-hải của người Việt cổ-thời chắc chắn là động-cơ trung-gian truyền-bá loại ngôn-ngữ này. Những chứng-cớ sau đây hỗ-trợ cho giả-thuyết này:

1- Tiếng tam bản. Một khám-phá về ngôn-ngữ-học đáng để ta lưu-tâm là trường-hợp tiếng "tam-bản" mà người tây-phương phiên-âm là "sampan". Như Tiến-sĩ Paul K. Benedict cho biết có nhiều danh-từ mà trước đây người ta đã tưởng là tiếng Trung-hoa thật ra lại có nguồn-gốc ĐNÁ (National Geographic, March 1971: 306). Phản , bản là ngông-ngữ Đông-Nam-Á . Tam-bản không phải chỉ loại thuyền có ba (tam) tấm ván (bản) ghép lại và như vậy, "tam-bản" không phải nguyên-ngữ cuả Bày. Tam-bản dùng chỉ chung các loại ghe thuyền nhỏ, có thể là độc-mộc, có thể do 3,4,5 hay nhiều thanh ván gỗ hay tre đan lại ...

N. Peri tìm ra nguồn-gốc tiếng này phát-xuất từ Columbia, Peru thuộc Nam-Mỹ (Bulletin de l'école francaise d'Extrême-Orient, Hanoi, t.XIX, 1919: 14-19). Nhà khảo-cứu này lý-luận rằng : "từ-ngữ "tam-bản" là nguyên-ngữ Nam-Mỹ. Từ cổ-thời, thổ-dân ở đó gọi ghe thuyền bằng những tiếng mà phát âm tương-tự như "chiampa, champana, champan, champa ...". Paul Rivet mang thêm dẫn-chứng từ tài-liệu của một học-giả Nam-Mỹ là Francisco A. Loayza, đề-nghị nghiên-cứu thêm về các loại từ-ngữ này (A propos du mot "sampan", Journal de la société des americanistes de Paris 12, 1920: 253-254). Bẵng đi một thời-gian hơn nửa thế-kỷ, một học-giả kim-thời là George F. Carter, giáo-sư Texas A & M University, Texas 77843, khi đề-cập đến liên-hệ giữa hàng-hải và ngôn-ngữ Á-Mỹ, đã xác-nhận người Columbia gọi bày thuyền nhỏ là "chamban".(Chinese Contacts with America: Fu-Sang Again, Anthropological Journal of Canada, Vol. 14, No. 1, 1976).

Theo sách Thanh-Thư về Bày Thuyền Cận-duyên Miền Nam Việt-Nam (Blue Book of Coastal Vessels South Vietnam, Columbus, Ohio, 1967: 6): "...tam-bản là loại thuyền (junk) nhỏ. Một định-nghĩa xuất-xứ từ vùng sông Dương-Tử gọi tất cả mọi loại thuyền nào quá hẹp không đủ chở một con trâu đúng ngang giữa khoang thuyền, là "tam-bản". Worcester dùng bề dài toàn-thể 9m làm giới-hạn phân-loại giữa "thuyền" và "tam-bản".

Tam đã không phải là ba mà bản cũng không phải nguyên-ngữ của Trung-hoa. Paul K. Benedict truy-cứu thấy danh-từ "bản" dùng để gọi một tấm ván hay một miếng gỗ phẳng là nguyên-ngữ Đông-Nam-Á. Ông xếp chúng vào loại ngôn-ngữ Nam-Thái và liệt-kê như sau : Nam-dương "papan", Thái "pheen", Thái Trắng "phuun" (ván đóng thuyền) Makazayazaya "pa:n"... ; danh-từ gọi ghe Nam-dương "banka", Thái "baan", Thổ Nùng "bo:n", "ban" ... (Austro-Thai Language and Culture with a Glossary of Roots, HRAF Press,1975: 59,237). Còn người Việt chúng ta có những chữ phản, bản, phên.

Cách truy-cứu này hợp cùng với các khám-phá kể trên tăng-cường cho lý-luận: ngôn-ngữ về ghe thuyền Mỹ-châu gần với Đông-Nam-Á hơn là gần với Trung-Hoa cũng như mọi xứ-sở nào khác.

Sau nữa, nếu tất cả các luận-thuyết trên xác-đáng, người ta đã tìm được một bằng-chứng: "ảnh-hưởng ngôn-ngữ đã đi ngược lại từ Nam-Mỹ qua Việt-Nam và các xứ cận kề ĐNÁ". Bằng chứng hiếm-hoi này thật quý-giá vì nó có thể đánh ngã được lý-luận "lý-thuyết giao-tiếp Cựu và Tân-thế-giới không vững: nếu đã có chứng-cớ liên-hệ Á sang Mỹ, tại sao lại không tìm thấy ảnh-hưởng nào ngược lại từ Mỹ sang Á".

 Hình - Thuyền nhỏ gọi là sampan hay tam-bản, không kể là độc-mộc hay ghép bằng bao nhiêu tấm gỗ ván cũng vậy.

 b- Tiếng gọi thuyền bè. Vì lý-do ghe, thuyền là phương-tiên di-chuyển độc-nhất giữa Mỹ-Việt, nên ta không ngạc-nhiên thấy những tên gọi ghe thuyền ởÕ Mỹ mang âm-hưởng tương-đồng như từ tiếng Việt mà ra như sau:

Bè : B'ai (cổ Việt), P'ai (Đài-loan), Balsa (Ecuador).

Mảng: Jangada (Brazil), thuyền Umiaks (Eskimo).

Ghe: Banga (Đài-loan), Pongo (Mexico), Bongo (Panama), Panga (Columbia).

Lui-hạ (tức cây Xiếm): Guara (Peru).

Nước : Unu (Nam-Mỹ).

c- Tiếng Kết-Nút. Các danh-từ liên-hệ đến hải-hành thời cổ cũng vậy. Tương-đương với máy tính điện toán ngày nay, lúc xưa thuyền bè có lẽ cũng dùng chùm dây kết nút như một dụng cụ hải-hành để ghi chép, tính toán... Kết-Nút thành ra Quipu (phiên-âm Kẽ'pu) cũng như Khoảng Xa đi được thành ra Kora ở Nam-Mỹ, và Nước thành ra Unu v.v...

 Hình - Quipu của dân Inca không khác kết nút (hay kết thằng trình-bày ở Bảo-tàng-viện Huế). Dụng-cụ này có thể đã một thời là đồ trang-bị để tính-toán các yếu-tố hải-hành trên thuyền dân Việt.

 B- Ngôn-ngữ Hàng-Hải.

Nếu cần tìm một học-giả uyên-bác về mối liên-hệ giữa hàng-hải với ngôn-ngữ, ta có thể đề-cử một người Pháp, ông Paul Rivet. Học-giả này đã hoàn-tất nhiều cuộc nghiên-cứu liên-hệ đến ngôn-ngữ những giống-dân ưa thích phiêu-lưu trên mặt biển. Trong khi khảo-sát tiếng nói của người Sumerien và các dân sống ở Đại-dương-Châu, Rivet căn-cứ vào phương-pháp từ-nguyên ngữ-học để lý-luận và đưa ra một giả-thuyết mà ông tin-tưởng là xác-đáng như sau: "Từ trung-tâm vùng Đông-nam-Á, một thứ ngôn-ngữ được truyền-bá đi bằng đường hàng-hải đến nhiều nơi như Nhật-Bản, Tasmania, Địa-trung-Hải, Phi-châu và Mỹ-châu".(Sumerien et Oceanien, trong Collection linguistique publiée par la Société de linguistique de Paris 24, Librarie Ancienne Honoré Champion, Paris, 1929).

 Hình - Bản-đồ diễn tả giả-thuyết của Paul Rivet: ngôn-ngữ hàng-hải Đông-Nam-Á đã truyền bá đi khắp nơi trên thế-giới bằng đường biển.

 Được biết trong cổ-thời, ngay khi dạng-thức quốc-gia chưa thành-hình, người Việt đã là giống dân tiên-phong trong lãnh-vực hàng-hải, dấu-tích thương-mại những vật-dụng và cả đồ mỹ-nghệ như ngà voi, được ghi-nhậnÕ ở Tây-bá-lợi-Á (Science and Civilisation in China, Joseph Needham, Vol.4, Cambridge 1971: 441).

Nhìn lại ngay trên bán đảo Đông-Dương, nhóm khảo-cổ trường Đại-học Sư-phạm Sài-gòn vừa cho biết đã tìm ra dấu-tích của người Lạc-Việt ở quanh khu-vực Sài-gòn (Bến-Cát và Gò-Quéo) từ 4,5 ngàn năm xưa (2,500 TTL).(Báo Tuổi-Trẻ, Sài-gòn, ngày 30-2-1993).

Ảnh-hưởng Đông-Sơn theo đường hàng-hải đã được truyền-bá đi nhiều nơi xa xăm. Ngoài ra văn-hóa Lạc-Việt cũng đã để lại những vết tích sâu đậm với nhiều mầu-sắc đặc-biệt trên các ngôn-ngữ những sắc dân cao-nguyên miền núi. Các học-giả Sabatier, Ardant du Pic rất ngạc-nhiên khi khám ra rằng những tổ-tiên dân "Mọi" sơn-cước có thể lúc xưa đã từng đi biển như người Lạc-Việt. Nhà nghiên-cứu Pierre Paris cũng nhận ra rằng dân Rhadés sử-dụng một thứ ngôn-từ liên-hệ nhiều đến kỹ-thuật hàng-hải, trong lúc chính họ hiện nay sống trên vùng núi non, không còn đi biển nữa (Esquisse d'une Ethnographie Navale des Peuples Annamites, Rotterdam, 1955: 35).

V- Những giả-thuyết khả-tin .

Tất cả lý-luận trong giả-thuyết người Cổ-Việt đến Mỹ-châu sẽ gẫy đổ nếu như chủ-đề "Việt là dân-tộc hàng-hải" sai trật. Một khi khoa-học chứng-minh được tinh-thần, truyền-thống, khả-năng... hàng-hải của giống Cổ-Việt càng cao thì xác-xuất việc khám-phá Mỹ-châu của họ càng cao và nhân-số của họ vì đó tới Tân-thế-giới cũng cao. Trường-hợp Việt tiền-tiến trong ngành này, họ phải là người đến Mỹ trước hết.

Qua những sự trình-bày nơi bài sơ-cứu này cũng như qua các tài-liệu liên-hệ trong tập sách, người viết nghĩ rằng chúng ta có thể yên-chí phát-biểu rằng chứng-tích liên-hệ đến những tương-đồng hàng-hải giữa thổ-dân Mỹ-châu với Việt-tộc nhiều hơn nếu so sánh với bất cứ một giống dân nào khác ở Cựu-lục-địa. ít nhất là cho đến lúc này, khi chưa có thêm những cuộc nghiên-cứu quy-mô nào khác, các chứng-tích này xem ra khá dồi dào và đủ vững-chắc để tối-thiểu đưa ra giả-thuyết giao-tiếp Việt-Mỹ trong cổ-thời, đồng-thời kêu gọi các khoa-học-gia thế-giới góp công nghiên-cứu thêm về mọi lãnh-vực liên-hệ.

Và nối-kết theo đây, người viết xin phát-biểu một cách vắn tắt phần "giả-thuyết về đường biển Việt-Mỹ" như sau:

-Người Đông-Á, trong đó có người Việt là giống dân hàng-hải tiên-khởi, đã ngẫu-nhiên tới Mỹ-châu khi hành nghề ngoài khơi, trước khi khởi đầu việc di-dân ra các đảo. Các đại-hải-lưu cuốn họ đi xuyên-dương. Số người Việt sang Mỹ "vì tai-nạn" như vậy tăng thêm nhiều khi có làn sóng di-dân ra đảo.

-Vào thịnh-thời khi phát-triển hàng-hải tới Tây-bá-lợi-Á, người Việt nhiều ít biết về con đường cận-duyên nối-tiếp các đảo bắc Thái-bình-Dương qua Alaska .

-Nếu có người đi, tất có người về. Nẻo về khó đi hơn lối đến, người trở lại nhất-định quá ít so với kẻ ra đi, nhưng đường về chẳng phải không có . "Giây truyền chuyển-vận" là vòng kín, đưa họ ra đi tất cũng có thể mang họ trở về . Ngoài đường xuyên-duyên này, cổ-nhân dựa theo các đảo bắc Thái-bình-Dương mà hồi-hương. Hải-đạo cận-duyên này đôi khi song song với các đối-lưu (contre-current) giúp đẩy thuyền bè người trở lại 1 hay 2 gút là thường. Một khi đã có người về thì con đường qua Mỹ không còn bí-mật và cũng không còn nhiều vấn-đề quá khó khăn đặt ra cho kẻ đi sau .

-Người Việt không phải là giống dân độc-nhất đến Mỹ nhưng đặc-biệt ở chỗ có nhiều yếu-tố chỉ-dấu rằng dân Việt đến Mỹ trước hết và nhiều nhất. Ngoài ra nều tính đến thành-phần những người ra đi, người ta thấy số lượng thuyền-nhân tị-nạn chiếm hầu hết. Lý-do chính-yếu thúc-đẩy họ lên đường là để bảo-toàn sinh-mạng khi đối đầu với các đoàn quân viễn-chinh từ vùng Hoàng-Hà tràn xuống. Động-lực này có lẽ mạnh mẽ hơn bất-cứ những động-lực kinh-tế nào khác.

-Dựa vào sử Trung-hoa và Việt-nam, người ta biết được thời-gian các đợt di-tản đã xảy ra và cũng có thể yên-tâm phỏng đoán những sự ra đi ồ ạt khởi sự vào thời người Bày bắt đầu bành-trướng (2 thiên-kỷ TTC) kéo dài cho đến khi người Việt đạt được mộng-ước tự-trị ở vùng châu-thổ sông Hồng vào thế-kỷ thứ 10. Khi đó, mức độ di-chuyển mới ngưng lại và số người ra đi cũng suy-giảm mức-độ rõ rệt.

Con đường biển người xưa sử-dụng đến nay có lẽ cũng còn ghi dấu vết. Bản-đồ thế-giới ghi hoạt-động hàng-hải cổ-thời rõ ràng cho thấy đã có một vòng cung liên-tục ghi những dấu-tích phát-triển đủ loại thuyền-bè đi từ Việt-Nam qua Đài-loan lên Bắc Thái-bình-Dương (Kayak, Umiak) qua vùng Đông-Bắc Mỹ, California (Dug-out, Canoe), Trung-Mỹ, Nam-Mỹ (Balsa). Bên bờ Đại-tây-Dương, người ta không thấy hình-ảnh này xuất-hiện.(New World Perspectives on Pre-European Voyaging in the Pacific, Clinton Edwards, Sưu-tập Early Chinese Art and its Possible Influence in the Pacific Basin, Vol. 3, edited by Noel Bernard, 1972: 843-886).

 VI- Kết-luận

 Con người ngày nay đang sống trong một xã-hội văn-minh tiến-bộ, ở nhiều nơi cuộc đời quá đầy đủ phương-tiện, thừa thãi phẩm-vật nên khó hiểu nổi khả-năng sinh-tồn của người xưa. Vượt biển là một việc rất khổ cực nhưng không phải là việc mà cổ-nhân không làm được. Với những phương-tiện thuyền bè khả-dụng, hoàn-cảnh bắt buộc phải chịu đựng, con người dù là trong thời cổ, vẫn tìm được cách sống sót và hoàn tất những chuyến đi xa. Một vài khoa-học-gia lại còn không chịu tin các chứng-cớ hàng-hải, Edwin Doran đã than rằng :"Phần lớn các nhà nhân-loại-học không phải là thuỷ-thủ, sự kiện này làm tăng thêm nỗi do-dự của họ không chấp-nhận đã có nhiều giao-tiếp xuyên đại-dương (The Sailing Raft as a Great Tradition, sưu-tập Man Across the Sea, edited by Carroll L. Riley, Austin, 1971).

Vào đầu công-nguyên, cách đây 2,000 năm người Đông-Nam-Á giống Mã-Lai cũng đã di-cư đến Mã-Đảo, Đông-Phi. Sự kiện này đã được các giới khoa-học công-nhận. Khoảng thế-kỷ thứ 9, thứ 10, dân Vikings dùng thuyền không có mui che trở, không có kỹ-thuật chạy buồm giỏi, phần lớn lúc hải-hành phải chèo chống bằng tay mà cũng đi vòng khắp Âu-châu và vượt biển sang tới Bắc-Mỹ. Họ đi đi, lại lại như vậy không phải chỉ một lần mà có lẽ rất thường-xuyên, không phải luôn luôn trong tổ-chức lớn mà có khi chỉ có nhóm nhỏ hay gia-đình. Cần lưu-tâm rằng đường Bắc Đại-tây-Dương không có các giẫy đảo nối-tiếp nhau liên-tục như ở ngả Bắc Thái-bình-Dương, khí-hậu lại lạnh lẽo, băng-sơn vật vờ trôi dạt...

 Hình - Thành-tích hải-hành của dân Vikings.

 Hình - Hải-lộ đi Tân-thế-giới của dân Bắc-Âu ngang qua vùng biển lạnh lẽo đầy băng-sơn trôi dạt.

 Khả-năng của con người, dù rằng ngay trong thời tiền-sử cũng không quá hạn-chế như đôi khi chúng ta thường tưởng-tượng. Nếu chỉ nhìn thấy trình-độ lạc-hậu của thổ-dân Úc ngày nay, không mấy ai chịu tin rằng nhờ đường biển, tổ-tiên của họ đã đặt chân đến Úc-châu cách nay ít nhất đã 40,000 năm qua. Úc là một vùng đất luôn luôn bị bao bọc bởi đại-dương, chưa bao giờ dính với Á-châu như trường-hợp Mỹ-Á nối-tiếp nhau qua "cây cầu Bering khô ráo" thời Băng-đá. Muốn tới Úc, con người chỉ có một cách độc nhất là vượt biển và họ đã thực-hiện được bằng những phương-tiện bè mảng chắc chắn là rất đơn-sơ vào thời đó.

Đường bộ, như đã trình-bày ở một đoạn trên, muôn ngàn khó khăn hơn "căng buồm đi biển" vậy mà nhân-loại cũng đã thực-hiện được nhiều chuyến viễn-hành tưởng phải kể như là những kỳ-công. Chỉ trong khoảng tính bằng năm, tháng hay giới-hạn ngắn ngủi của một giai-đoạn trong đời sống, thiếu gì người giốngÕ Hung-Nô băng xa-mạc, rừng rậm, chịu đựng đói khát, sương nắng, cướp bóc, thực-hiện chuyến đi phần lớn bằng đôi chân 10,000 dặm từ Mông-Cổ sang tới Pháp và trở về đất cũ. Quân-đoàn Hy-lạp của Alexander the Great, gồm nhiều bộ-binh mang theo thực-phẩm, chiến-cụ; hoàn-tất cuộc viễn-chinh 10,000 dặm, vừa đi vừa tác-chiến, đồng thời thiết-lập căn-bản cai-trị cho một đế-quốc rộng tới 3,000 dặm trong vòng 12 năm." Hai, ba ngàn năm xưa, địa-thế hoang-dã chắc chắn gây nhiều hiểm-nguy hơn là chúng ta có thể tưởng-tượng được. Vậy mà vẫn có người đi, người đến! 

Với một dân-tộc hàng-hải tiền-tiến như giống Việt, đã biết đúc đồng, chế sắt; biết lái thuyền tự-động thì chuyện dùng thuyền bè nương theo hải-lưu "thả trôi" tới Mỹ cách nay 2,3 ngàn năm đâu có gì khó khăn. Giả-thuyết này có hy-vọng dễ dàng thuyết-phục mọi người tin-tưởng hơn hơn là chuyện người Hung-Nô hay Hy-lạp xuyên-sơn vạn dặm như vừa kể ở trên.

Hình - Những hình ảnh Totem và thuyền thân cong tạo thành một vòng đai bao quanh Thái-bình-Dương nối từ Tân-Tây-Lan qua đến Mỹ-châu. Điểm khởi đầu của tiến-trình ảnh-hưởng hàng-hải, theo nhiều nhà nghiên-cứu, có thể là từ quê-hương chúng ta, vùng Đông-Nam-Á lục-địa.

 Tuy rằng thể-lực mỗi người mỗi khác, có người rất yếu ớt nhưng cũng có người sức chịu đựng rất cao. Tài-liệu của Brooks, dẫn-chứng ở phần trên, cho hay có nhiều người trôi dạt ngoài ý muốn ở vùng Bắc Thái-bình-Dương lâu tới 7 tháng mà nạn-nhân nhờ câu cá, hứng nước mưa, vẫn còn sống và phục-hồi sức khỏe sau đó.

Con đường nghiên-cứu rộng mở, kêu gọi mọi nỗ-lực rộng rãi hơn để đi tới chỗ hiểu-biết đích-thực và khi đó, sự bất-đồng ý-kiến sẽ dần biến mất.

Free Web Hosting