VŨ-HỮU-SAN &Thế-Giới của Nước
 

Home
Tương Ðồng HH Việt Mỹ
Tương Ðồng Thảo Mộc
Tương Ðồng Lịch Toán VMỹ
Ðuờng Biển Việt Mỹ  

 

Lịch-toán và ngôn-ngữ qua mối Liên-Hệ Hàng-hải

- những cái "có thể" quá lớn -

Vũ-Quân

I- Mở Đề.

Bài này phải chăng là tham-vọng của người viết muốn "làm chuyện lớn"?

Có lúc chúng tôi đã tự hỏi như vậy! Bài viết này có thể tham lam, đi quá xa; nó bao gồm các lời thậm-xưng, những điều phát-biểu mang ít nhiều tính-cách đao to búa lớn và có thể đã lẫn lộn với những ý-kiến giả-tưởng chăng?

Việc sơ-khảo này nhắm mục-đích chính là liệt-kê những giả-thuyết liên-hệ đến các ảnh-hưởng lịch-toán của người Việt đã tràn lan ra toàn thế-giới (nếu có thật) thì như thế nào?

-lịch-toán Việt sang Mỹ-châu.

-lịch-toán Việt sang Trung Đông chuyển biến thành alphabet.

Tất cả đều là giả-thuyết, tuy vậy cũng có vài điều hữu-lý.

II- Khái-Quát Về Âm-lịch và Âm-Dương Lịch.

Theo Việt-Nam Tự-Điển do Hội Khai-Trí Tiến-Đức xuất-bản những năm 1931-1937 :Lịch là bản chép ngày tháng trong một năm, (thí-dụ) lịch của nhà vua ban.

Từ-điển Funk & Wagnall định-nghĩa: "Lịch là hệ-thống đo thời-gian tính theo sự đòi hỏi của đời sống người dân thường ngày, chia ra theo ngày, tuần-lễ, tháng và năm. Lịch-toán dựa theo sự chuyển-động của trái đất cùng chuyển-dịch biểu-kiến đều đặn của mặt trời và mặt trăng...

Sự khác-biệt giữa các loại lịch được dùng từ xưa cho đến nay là nguyên-do của sự sai trệch lúc xưa, khi người ta chưa xác-định đúng được chiều dài của một năm, cộng thêm với sự kiện một năm không thể chia đều ra cho những đơn-vị thời-gian khác như ngày, tuần-lễ hay tháng. Những lịch cổ xưa căn cứ trên những tháng mặt trăng đều không thể phù-hợp với cách tính mùa. Sau này, mỗi tháng đã phải tăng hay giảm tùy lúc để điều-giải giữa tháng mặt trăng và năm mặt trời. Lịch được điều-chỉnh theo cách này gọi là lịch âm-dương (lunisolar calendar)".

III- Liên-hệ thiên-văn và hàng-hải.

Nói tới phương-pháp hàng-hải thời cận-đại, người ta không thể quên mà chẳng đề-cập tới Nathaniel Bowditch (1773-1838). Ông là nhà hàng-hải Hoa-kỳ tài-danh cũng là tác-giả của cuốn "American Practical Navigator", cuốn sách gối đầu giường của hầu hết những người đi biển ở Mỹ và cũng của rất đông các nhà hàng-hải ở khắp nơi trên thế-giới. Sách này ấn-hành lần đầu tiên năm 1802, sau đó được in lại nhiều lần. Bowditch bàn về sự liên-hệ giữa hàng-hải và thiên-văn như sau: "Thiên-văn đôi khi được gọi là thứ cổ nhất trong các thứ khoa-học. Sự di-chuyển của mặt trời, mặt trăng, các định-tinh, các hành-tinh đã được những người cổ xưa nhất dùng như sự dẫn đường khi đi săn, đi đánh cá và làm ruộng. Những tấm bản-đồ đầu tiên có lẽ được dùng để vẽ bầu trời (1984: 21).

Trong cuốn sách "Stonehenge decoded", xuất-bản ở New York năm 1965: 190, Gerald Hawkins phát-biểu ý-tưởng là các đài quan-sát thiên-tượng thời thượng-cổ như Stonehenge ở Anh-Quốc nhằm cung-cấp dữ-kiện cho việc hải-hành : "...Các nhà kiến-trúc thiên-văn đài chắc chắn đã lưu-tâm đến những yếu-tố nền tảng mà sau này làm căn-bản tính-toán để cho việc hải-hành được thêm chính-xác".

Stephen C. Jett cho rằng lúc xưa ở Địa-Trung-Hải, kiến-thức thiên-văn cần-thiết cho việc hải-hành quan-trọng đến độ nhiều kết-quả nghiên-cứu về thiên-văn đã được giữ bí-truyền vì người ta có thể dùng để cạnh tranh trong ngành thương-mại. Bằng vào sự tinh-sảo trong lịch-toán thiên-văn nơi Cựu và Tân-thế-giới, người ta thấy những chỉ dấu cho rằng kỹ-thuật căn-bản về hàng-hải thiên-văn đều được người xưa thấu-triệt. Jett cũng dẫn-chứng tài-liệu của một số học-giả khác và cho rằng: "những dân Micronesians và Polynesians dù giỏi đi biển, nhưng vì tình-trạng chung về hiểu-biết tổng-quát kém, nên có thể họ đã phải học hỏi kỹ-thuật từ những xứ nằm trong đất liền Á-châu. Khi đó, các nước Đông-Á đã phát-triển, có truyền-thống hàng-hải và nền móng văn-hóa cao hơn. Trình-độ hàng-hải thiên-văn vùng này, tỉ-dụ như tại Trung-Hoa, có lẽ luôn luôn tiến-bộ hơn tại Âu-châu. Columbus và những nhà hàng-hải (Âu-châu) thời ấy chắc chắn không mấy tinh-thông lắm trong lãnh-vực này... (Diffusion Versus Independent Development: The Bases of Controversy, sưu-tập Man across the Sea, edited by Carroll L. Riley, Austin 1971: 12-13).

Theo nhiều nhà khảo-cổ kim-thời, dân Việt là giống dân đầu tiên đã chiếm-ngụ suốt dọc vùng duyên-hải Đông-Á ngay từ thời Băng-Đá. Qua mười mấy ngàn năm nay, sinh-hoạt của họ liên-tiếp gắn liền với biển cả, sông ngòi và đã tiến đến một trình-độ văn-hóa nào đó ngay từ cổ-thời. Giả-thuyết cho rằng người Việt hiểu biết nhiều về thiên-văn, lịch-toán mà trình-độ kiến-thức đã đi trước hầu hết các dân-tộc khác trên thế-giới hẳn phải có những điều hữu-lý.

IV- Lịch Á và Mỹ cùng cách tính âm-lịch.

Trước khi có âm-dương-lịch, mà ta thường gọi tắt là dương-lịch, cả hai lục-địa Á và Mỹ lúc xưa đều cùng sử-dụng âm-lịch. Các lịch này dựa trên chuyển-động của mặt trăng.

Richard Dangel cho biết là những bộ-lạc thổ-dân California lúc xưa sử-dụng các lọai lịch tuy hơi khác nhau nhưng có tính-chất thuần-túy âm-lịch. Thường thường họ không mấy quan-tâm tới hai chí-điểm là hạ-chí và đông-chí), cứ chia mỗi năm ra 2 hay 4 mùa. Tuy vậy cũng có vài bộ-lạc ở Tây-Bắc và phía Nam phát-hiện ra một hay hai chí-điểm này. (Die Zeitrechnung der kalifornischen Indianer 'Lịch của người Da Đỏ vùng California', Anthropos 22: 110ff).

Những loại lịch như vừa nói ở trên thực-sự không quan-trọng lắm vì chỉ được sử-dụng giới-hạn nơi những khu-vực nhỏ bé. Khi nói tới lịch-toán cổ-thời của Mỹ-châu, người ta thường đề-cập tới các loại lịch rất tiến-bộ của người Maya và người Aztec. Từ-điển Bách-khoa Funk and Wagnalls, ở trong mục-từ "Maya", nhận-xét về lịch của họ như sau:

"Tuy cách tính toán ngày, tháng, năm của người Maya có vẻ rắc rối nhưng đó là thứ lịch chính-xác nhất của nhân-loại cho đến khi có lịch Gregory".

Thật vậy, những nhà thiên-văn-học Maya không những đã tính ra một năm dài bằng 365 1/4 ngày mà còn biết cả phần số lẻ ít hơn 1/4 ngày đó nữa. Loại lịch này được phát-minh trong khoảng năm 400-200 TTL.

V- Lịch Việt và lịch Trung-Hoa.

Từ xưa, Việt-Nam và Trung-Hoa sử-dụng các thứ lịch có vẻ như giống nhau, nhưng nếu đi vào chi-tiết người ta thấy có những sự khác-biệt.

Tổng-quát, mỗi năm chia ra 12 tháng gọi tên theo thập-nhị chi. Vì thập-nhị chi tượng-trưng bởi các sinh-vật sinh sống trên mặt đất nên người ta gọi là địa-chi. Thập-nhị chi được chỉ-thị bởi 12 động-vật: Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi tháng có 28 ngày cũng được biểu-hiện bởi các danh-hiệu động-vật, gồm tên 12 con vật kể trên cộng thêm vào một số tên lặp đi lặp lại cho đủ số.

Để điều-chỉnh cho phù-hợp với các mùa, lịch Á-Đông phải tính ra các tháng đủ, thiếu, năm nhuận, tháng nhuận v.v... Cách tính khá phức-tạp.

Theo sự nghiên-cứu của giáo-sư Hoàng-Xuân-Hãn mà phần tóm-lược được trình-bày trong sách "Văn Hóa Việt-Nam Tổng-Hợp 1989-1995" (in tại Sài-Gòn 1988), lịch-pháp ở nước ta có những điểm đặc-biệt đáng nói như sau:

- sự (suy) đoán rằng văn-hóa Trống Đồng của nước Văn-Lang dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt 29, 30 ngày không hẳn là vô-lý.

- lịch Việt và lịch Tàu qua nhiều giai-đoạn lịch-sử có nhiều lần khác biệt.

Những điểm khác-biệt đã được phát-giác vì các số can chi lệch lạc giữa hai loại lịch trên. Vào đời Lý-Thánh-Tông (1054-1072), hai triều vua Tống và vua Việt bắt đầu sử-dụng lịch với tên ngày tháng khác nhau.

- gần hai thế-kỷ sau đó, sử ta mới ghi: "năm 1339, viên quan Thái-sử Nghi-hầu-lang là Đặng-Lộ tâu rằng : Lịch trước đều gọi là Thụ-Thơì, xin đổi ra Hiệp-kỷ. Vua bằng lòng". Đây là lần đầu tiên, sử ta chép đến một tên lịch ta, tên một lịch-gia và cả tên một viện Thiên-văn ở nước ta.

VI- Lịch Maya ở Mỹ-châu.

Lịch Maya và lịch Aztec gồm các hệ-thống song-hành kết-hợp lại với nhau. Những năm thuộc "vòng linh-thiêng" gồm 260 ngày chia ra 28 tuần-lễ, mỗi tuần 13 ngày. Loại năm "365 ngày" chia ra làm 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày với 5 ngày còn lại là ngày xấu. Tiến-sĩ George E. Stuart trình-bày loại lịch-toán này bằng một hình vẽ gồm ba bánh xe răng cùng quay (National Geographic Magazine, December 1975: 783).

Ngày, tháng, năm được chỉ-danh phần lớn bởi tên động-vật, còn lại là ít tên cây cỏ, tĩnh-vật hay khái-niệm. Theo các lịch Mễ cổ-thời trên thì mỗi ngày (thí-dụ như trên hình là ngày 4 Ahau 8 Cumko) sẽ trở lại sau các chu kỳ 52 năm.

VII- Lược-kê những cuộc khảo-cứu.

Vì khuôn khổ bài viết có giới-hạn không thể đi quá sâu vào chi-tiết lịch-toán của Mỹ-châu cũng như của Á-châu, chúng tôi chỉ xin lược-kê những kết-quả nghiên-cứu về các điểm tương-đồng căn-bản giữa hai loại lịch trên mà thôi.

A- Fritz Graebner.

Một trong những học-giả đầu tiên bỏ nhiều công-lao nghiên-cứu những điểm tương-đồng giữa lịch Á-Đông và Mỹ-châu là Fritz Graebner. Trong nguyên-bản tường-trình của ông bằng Đức-ngữ, Graebner viết rằng: "Những sự song song giữa hai lịch Á-Đông và Mễ-tây-Cơ gồm có những tương-đồng về:

(1) hình-thức của những chu-kỳ,

(2) chỉ-định những đơn-vị thời-gian bằng các loài vật,

(3) cách-thức liên-kết giữa thần-thánh và ngày tháng,

(4) sự ám-chỉ những điểm quan-trọng vào cuối chu-kỳ hàng tháng,

(5) sự lựa chọn loài vật làm tiêu-biểu đi đôi cùng sự sắp đặt thứ-tự của chúng.

(6) Cả hai hệ-thống đều căn-cứ trên sự kết-hợp giữa hai chuỗi danh-hiệu (series) theo tiến trình riêng của chúng".

Ông kết-thúc với ý-kiến là không thể nào giải-thích được sự tương-đồng nếu không có mối giao-tiếp lịch-sử. Riêng nơi các trang 27-30, Graebner đặc-biệt đem ra so sánh những tượng-ý thần-thoại song song giữa Mễ-tây-Cơ và Đông-Nam-Á mà ông cho là có những điểm tương-đồng. (Alt- und neuweltliche Kalendar [Các lịch ở Cựu và Tân-thế-giới], Zeitschrift fủr Ethnologie 52-53, 1920-1921: 6-37).

Trong những năm gần đây, chúng ta còn đọc thêm một số giả-thuyết hay quan-điểm mới nữa, ngoài những kết-quả nghiên-cứu tương-tự như của Graebner. Xin lược-kê như sau:

B- Hugh A. Moran và David H. Kelley.

Hai ông này so sánh các loại lịch trên thế-giới và thấy rằng việc chỉ-thị 28 hay 30 cung trên vòng nguyệt-đạo (lunar houses) bằng tên loài vật và thần-thánh đã có từ lâu ở nhiều nền văn-minh Á-Âu cũng thấy tại Mỹ-châu. Quan-trọng hơn, Moran và Kelley còn tìm ra là các chữ Alphabet cũng đi từ những danh-từ thiên-văn này. (The Alphabet and the Ancient Calendar Signs, Palo Alto, 1953).

C- Lyle Campbell và M. J. Abadie

Lyle Campbell và M. J. Abadie hợp-biên một tài-liệu trình-bày chi-tiết những sự tương-đồng giữa lịch Maya và các lịch Á-đông (như của Việt, của Tàu) với những kiến-thức mới mẻ hơn Graebner. Tài-liệu của hai Ông này ra đời năm 1974, tức là 54 năm sau khi cuốn sách của Graebner được xuất-bản (Mythic Image, Princeton University Press, 1974).

D- Thomas S. Barthel

Thomas S. Barthel nhận thấy một điều mà ông cho rằng rất ý-nghĩa : lịch Trung-Hoa có đủ loài vật liên-hệ 4 mùa nhưng xem qua đến lịch Mỹ thì thấy những con tương-quan đến mùa Đông lại không có. Vì lý-do nước Trung-Hoa chỉ bành-trướng đến phương Nam trong thời nhà Hán, Barthel đặt giả-thuyết rằng miền Đông-Nam nước Tàu (thời đó do người Việt chiếm-ngụ) mới là nơi đã truyền-bá lịch-toán sang Mỹ-châu. (Zur Frage der Almexikanischen Tageszeichen [Về câu hỏi danh-hiệu chỉ ngày ở Mễ-tây-cơ lúc xưa], báo Zeitschrift fủr Ethnologie 100, 1975: 195-223)

Về chi-tiết, chúng ta có thể tham-khảo: Kelley, David Humiston, 1960, "Calendar Animals and Deities", Southwestern Journal of Anthropology 16:317-337.

VIII- Chi-tiết tương-đồng về chỉ-danh.

Như đã nói ở trên là lịch-toán Á-Mỹ rất phức-tạp, muốn thấu-triệt người ta cần bỏ ra một thời-gian lâu dài để học hỏi. Trong khi đó, các tài-liệu nghiên-cứu về sự tương-đồng của các lịch-toán cũng rất nhiều và thường là khó hiểu. — đây, người viết chỉ xin trình-bày tóm-lược phần tường-trình của Paul Kirchoff mà thôi.

Lịch Trung-Hoa, lịch „n-Độ và lịch Mễ-tây-Cơ có nhiều điểm giống nhau. Sau khi phân-tách và so sánh, Kirchoff thấy rằng:

- Lịch Tàu và „n có 5 trong 12 danh-hiệu địa-chi trùng-hợp là : Tí, Sửu, Dần, Ngọ, Tuất.

- Lịch Đông-Á (của Tàu, Việt) và lịch Mễ có 4 con trùng-hợp : Dần, Tuất, Mùi, Tị. Vì lịch „n không có Tị (con Rắn) nên „n và Mễ chỉ có 3 chi trùng-hợp mà thôi.

Kirchoff đã lấy ra thập-nhị chi của Đông-Á so sánh với 12 chỉ-danh nằm vào khoảng giữa tháng của lịch Trung-Mỹ. Theo cách sắp xếp của ông, sự đồng nhất nằm cả trong hình-thức cấu-tạo toàn-bộ hai chuỗi danh số cũng như cách gọi tên riêng rẽ từng con "giáp" một. (Diffusion of a Religious from India to Mexico, báo-cáo XXXV Congreso Internacional de Americanistas, Mexico: 75-80).

Lý-luận của Kirchoff tuy hợp-lý nhưng cần đi qua nhiều giai-đoạn và theo một thứ-tự chặt chẽ do ông biện-luận. Trong bài này, chúng ta giản-dị hóa vấn-đề lại và sử-dụng một số nhỏ dữ-kiện của Kirchoff cũng như của một số khoa-học-gia khác để đi thẳng vào việc so-sánh sự tương-đồng tên gọi theo thập-nhị chi mà thôi. Những sự tương-đồng như sau :

- 5 tên gọi đồng nhất: Dần (Cọp Việt, Báo Mễ), Mẹo (Thỏ Việt-Mễ), Tị (Rắn Việt-Mễ), Thân (Khỉ Việt-Mễ), Tuất (Chó Việt-Mễ).

- 5 tên tương-đồng đặc-tính: vua chúa: Thìn (Rồng Việt, Vua Kên-kên Mễ), nông-súc nông-phẩm chính: Sửu (Trâu Việt, Ngô Mễ), thiên-tai cho mùa màng: Tí (Chuột Việt, Thủy-tai Mễ), súc-vật rừng núi ăn cây cỏ: Mùi (Dê Việt, Nai Mễ), loài chim muông: Dậu (Gà Việt, Chim ưng Mễ).

- 2 tên còn lại thuộc lục-súc Việt-Nam: Ngọ (Ngựa Việt, Thần chết Mễ) và Hợi (Heo Việt, Nước trong lịch Mễ). Kirchoff cho hay là ở nhiêu xứ Á-đông, ngựa liên-hệ đến thần chết. Người Mễ thời cổ không nuôi heo làm gia-súc. Có thể vì heo Việt thích đầm nước bùn, nên Hợi được thay thế bằng Nước trong lịch Mễ.

IX- Lịch Á-Đông: Lịch Cambodge, Lịch Thái-Lan, Lịch Trung-Hoa; Tất cả từ...Lịch Việt ?

Những sự tương-đồng trình-bày ở trên đưa ra tính-cách tổng quát về liên-hệ lịch Á-Đông với lịch Mỹ-Châu cổ-thời. Sau đây ta bỏ thêm chút thì-giờ đi theo một số khoa-học-gia khác nữa để thấy rằng có thể còn nhiều chuyện ly-kỳ đáng kể khác nữa:

A- Ý-kiến của G. Coedès.

Năm 1935, một bài khảo-cứu đăng trên tờ Thông-Báo (T'oung Pao) đã gây ngạc-nhiên cho nhiều giới khoa-học về một khám-phá liên-hệ đến nguồn-gốc lịch Cambodge. Tác-giả là George Coedès, một học-giả nổi danh người Pháp chuyên khảo-cứu về Viễn-đông.

Cũng như một số tài-liệu được công-bố trước đó bởi nhiều tác-giả khác nhau, một phần bài khảo-cứu của Coedès đưa ra những chi-tiết xa gần về tầm quan-trọng của ngôn-ngữ Việt-Mường và sự liên-hệ của ngôn-ngữ đó trong tiến-trình văn-minh vùng Đông và Nam của Á-châu.

Tuy đặt dưới một tiêu-đề khiêm-tốn là "L'Origine du Cycle des Douze Animaux au Cambodge" (T'oung Pao Vol. XXXI, 1935, trang 315-329), nhưng qua nội-dung của bản tường-trình, ta thấy công-trình nghiên-cứu của Coedès rất quan-trọng và rộng rãi vượt ra khỏi chủ-đề về "nguồn-gốc 12 con vật trong lịch Cambodge". Hai điểm đáng kể nhất như sau:

- Điểm thứ nhất, hệ-thống thập-nhị địa-chi của người Cambodge cũng như của người Thái-Lan chắc chắn phát-sinh từ những danh-từ có trong ngôn-ngữ của cổ Mường-Việt.

- Điểm thứ hai mà Coedès nói đến là lịch Trung-Hoa rất cổ nhưng rõ ràng là các loại lịch vùng Đông-Nam-Á (kể cả cổ Việt, cổ Mường hay Phù-Nam, Chiêm-thành, Chân-Lạp...) cũng cổ-kính không kém.

Từ những chứng-cớ tiêu-biểu mà ông nhận-xét được từ hai loại lịch Cambodge và Thái-Lan, Coedès lập-luận rằng lịch-toán Đông-Nam-Á đã phát-sinh ngay tại địa-phương từ một thời rất xưa cũ. Ông tin tưởng rằng lịch đã phát-sinh từ Đông-Nam-Á. Lịch vùng này không thể là một sản-phẩm nguyên-thủy của Tàu hay chế-biến từ lịch Tàu như người ta vẫn thường lầm tưởng xưa nay.

B- Ý của ông Bình-nguyên-Lộc

Khi đi tìm "Nguồn gốc Mã-lai của dân-tộc Việt-Nam", ông Bình-nguyên-Lộc cho rằng chủng Mã-Lai từ châu Á di cư sang Mỹ trong cổ-thơì, nhưng Ông không xác-định rõ vào thời nào. Ông Bình cũng có ý đề-cao sự siêu-việt trong khoa thiên-văn, toán-học của chủng Mã-Lai (trong đó có Việt) liên-hệ đến cổ Mỹ-châu, vượt hơn Trung-Hoa như sau: " Xem ra thì chủng Mã-Lai văn-minh hơn cả Hoa-chủng nữa, vì dân Maya và Aztèques (có tiếp-xúc với chủng Mã-Lai) đã giỏi thiên-văn, toán-học một ngàn năm trước Trung-Hoa, mà họ giỏi thật sự, chớ không phải chỉ dùng thiên-văn để bói như Tàu" (trang 444).

X- "Khám-phá" của Jerry Norman.

Công-trình nguyên-thủy về việc nghiên-cứu nguồn gốc lịch Cambodge đã được Jerry Norman nối-tiếp và nhất là làm sáng tỏ thêm rất nhiều cho phần hệ-luận số 2 vừa kể trên. Qua bài tường-trình "A Note on the Origine of the Chinese Duodenary Cycle", Norman đã hướng-dẫn chúng ta đi tìm xem nguồn gốc lịch Trung-Hoa phát sinh từ đâu ?

Norman đã sử-dụng những tài-liệu đáng tin cậy xuất-bản sau thời Coedès, 1935 như của Paul Benedict (Austro-Thai Studies, 3. Thai and Chinese, Behavioral Sciences Notes, II, no. 4, 1967: 288-291; The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidences, Monumanta Serica XXXII, 1967: 274-301), Shuo-wen chieh-tzu Tuan chu pien 14, 14a; Chu Fang-p'u (Chia-ku-wen hsueh, Taipei, 1965, 14, 20a), Karlgren (Middle Chinese), Nguyễn-đình-Hòa (Vietnamese-English Student Dictionary, Saigon 1967), J. Cuisinier (Les Rites Agraires- Ecole Francaise d'Extrême Orient, Hanoi, 1951)... để gói ghém trong vài ba trang sách, chứng-minh thật rành mạch rõ ràng về giả-thuyết lịch Trung-Hoa phát-sinh từ vùng đất Việt cổ. Norman tìm ra ít nhất là sáu chỉ-danh trong thập-nhị địa-chi thuộc loại ngôn-ngữ cổ Việt, cổ Mường (không phải ngôn-ngữ Trung-Hoa), mà ông xếp vào loại ngôn-ngữ Nam-Á (Austroasiatic).

Nguyên-văn lời phát-biểu của Norman về giả-thuyết gốc-tích lịch-toán đi từ vùng Đông-Nam-Á như sau : "... This led me to consider another hypothesis -- viz., that an Austroasiatic origin of the cycle." (Linguistics of the Sino-Tibetan Area - The State of the Art, edited by Graham Theorgood, James A. Matisoff, David Bradley, Australian National University 1985: 85-89).

Trong 12 con vật chỉ-thị thâp-nhị chi thì 6 động-vật hiện-hữu cả ở xứ Tàu lẫn xứ Việt như Tí (chuột), Dần (cọp), Mẹo (thỏ hay mèo ?), Tị (rắn), Thân (Khỉ), Tuất (chó); 6 con vật còn lại có gốc rễ liên-hệ chặt chẽ đến cổ Việt-Mường hơn là với cổ Trung-Hoa, đặc-biệt là cách gọi tên. Nguyên-ngữ Việt-Mường của 6 động-vật như sau Trâu -V-, Tsu -M- (thành Sửu); Rồng, Trăn lớn có sừng -V-, Hông -M- (thành Long, rồi Thìn), Ngựa -V-, Ngứa -M- (thành Ngọ), Gỏi -V-, Lowi -M- (thành Hợi), Gà -V- K'a (thành Ieu hay Dậu), còn Mùi có lẽ đi từ tiếng Mi:ts. Dân Atayal và dân Đài-loan chỉ con Dê. Mùi có thể là Dê ở vùng Hoa-Nam, nơi dân-chúng nói tiếng Nam-Á (Austroasiatic language).

Người ta lại biết rằng các gia-súc như Trâu, Heo, Gà ... đều được dân Đông-Nam-Á nuôi làm gia-súc trước người Tàu phương Bắc. Sự kiện sử-dụng tên những loài vật này, mà không phải các tên nào khác trong muôn ngàn những sinh-vật sống trong trời đất là bằng-cớ chứng-minh phương Nam mới đích-thực là nơi phát-minh lịch-toán.

XI- Truyện "Cống rùa thần".

Đứng về phương-diện sử-sách, việc người Việt phát-minh lịch-toán cũng có một bằng-cớ.

Trong sách "Lịch-sử Dân-tộc Việt-Nam, Quyển 1: Thời-kỳ lập-quốc, xuất-bản Truyền-thống Việt, 1987; sử-gia Phạm-cao-Dương cho biết chứng-liệu về nguồn gốc phát-sinh lịch Tàu như sau :"Truyện cống rùa thần - Chuyện này được chép trong sách Cương-Mục Tiền-Biên của Kim-Lý-Tường và sách Thông-Chí của Trịnh-Tiều (đời Tống (960-1279), theo đó vào đời vua Đường-Nghiêu bên Tàu (2357-2258 TTL) họ Việt-Thường có đến chầu và cống con rùa thần, sống cả ngàn năm, lưng có mang chữ viết ghi việc từ khi trời đất có mở mang. Vua Nghiêu sai người chép lại gọi là lịch rùa.

Từ xưa đến nay, người Trung-Hoa có lúc đã dùng danh-từ "con rùa" để thóa mạ, để bêu xấu... nhưng ở Việt-Nam, rùa là thần-vật tượng-trưng cho nền văn-tự, cho sự trường tồn ... Rùa luôn luôn được mọi người tôn-sùng.

XII- Lý-lẽ trên phương-diện đời sống.

Như người ta thường ước-đoán, lịch được phát-minh ở Đông-Á vào khoảng 4,000 năm trước đây. Trong thời-gian này, tổ-tiên người Việt đã hiện-diện tại đồng bằng sông Hồng, sông Mã, đồng-thời một số người Bách-Việt khác cũng đã sinh sống ở miền Hoa-Nam. Khác hẳn với người Tàu phương Bắc sống xa biển, đời sống người Việt chúng ta phải đối-diện với nhiều nguyên-do sâu xa hơn, thôi-thúc việc phát-minh lịch-toán, chẳng hạn như:

- Muốn hành-nghề hàng-hải, người thủy-thủ dân cần biết thiên-văn, lịch-toán.

- Muốn dẫn nước vào ruộng theo thủy-triều, người nông-dân cần hiểu âm-lịch.

- Nước ta nằm ở vị-trí đặc-biệt. Hai mùa gió Đông-Bắc, Tây-Nam đem theo những mùa mưa nắng rõ rệt và đều đặn, ảnh-hưởng đến sinh hoạt nên người dân phải phân-biệt rõ ràng từng mùa để việc trồng cấy được thích-hợp ....

Không thể vì lý-do trong khoảng thời-gian sau này, trình-độ lịch-toán nước ta thua kém Trung-Hoa, hay đương-nhiên thua kém Maya- Aztec mà ta mặc-cảm không tin-tưởng ở kiến-thức siêu-đẳng của tiền-nhân.

XIII- Lịch toán cũng minh-chứng Việt tới Mỹ-châu.

Những đoạn trên đây trình-bày các "sự liên-hệ giữa các lịch Á-Đông" tuy có vẻ đã ra ngoài đề-mục nhưng không phải thực-sự như vậy. Nó chứng-minh các điểm sau đây :

- Hàng-hải, thiên-văn, lịch-toán liên-hệ với nhau là các yếu-tố hỗ-trợ cho việc thực-hiện những chuyến viễn-hành đến những nơi xa xôi. Trong thời-gian người Trung-Hoa còn sinh sống ở vùng bình-nguyên thượng-nguồn sông Hoàng-Hà, thiên-văn và lịch-toán của họ chắc chắn không thể nào tiến-bộ bằng những dân vùng duyên-hải phương Nam sinh sống bằng nghề đánh cá hay hàng-hải.

- Nếu đã có những chuyến hải-hành xuyên Thái-bình-Dương tới Mỹ-châu cách nay ba bốn ngàn năm, người ta có thể ước-đoán một cách chắc chắn những dân đi biển lúc đó phải có kiến-thức cả về thiên-văn lẫn lịch-toán. Một khi dân này định-cư lại, những hiểu-biết đó được truyền-bá cho dân địa-phương. Bên cạnh những tương-đồng về nhiều khiá-cạnh giữa văn-hoá cổ Đông-Sơn và Maya, nếu chúng ta lại chứng-minh được lịch-toán do Việt phát-minh và hơn nữa, lịch Mỹ giống lịch Việt thì đương-nhiên chúng ta có thể yên-chí đưa ra giả-thuyết rằng dân Việt đã đi tiên-phong đóng góp trong công-trình khai-phá đất Mỹ-châu lúc cổ-thời.

Một số hệ-luận được một số nhà nghiên-cứu tìm thấy như sau:

- Người Da Đỏ cũng có khoa bói-toán, chiêm-tinh, họ cũng tin-tưởng ở môn phong-thủy. Tài-liệu ??

- Theo truyền-thống lâu đời, người Việt hay đặt tên những đứa trẻ sơ-sinh theo tên của ngày, tháng và năm sinh theo như lịch-toán quy-định. Người Mỹ-châu Maya, Aztec, Inca ... cũng như chúng ta giữ tập-tục này cho tới ngày nay.

XIV- Kết-luận.

Cả hai thứ lịch ở Mỹ-Châu và ở Việt-Nam không thể ngẫu-nhiên cùng áp-dụng một số nguyên-tắc căn-bản giống nhau nếu không có những sự tiếp xúc giữa hai nền văn-minh.

Lý-lẽ này khá vững chắc. Vì quan-niệm của người Da Đỏ còn hướng nhiều về thần-thánh và cả đến những khái-niệm (concepts) ít nhiều liên-hệ đến niềm tin-tưởng tôn-giáo nên họ có quá nhiều tên để đặt cho lịch. Không thể nào lại có sự ngẫu-nhiên khi người Da Đỏ đã sử-dụng đến 12 con "giáp" Việt-Nam làm căn-bản trong hệ-thống lịch của họ.

Như trên đã trình-bày, lịch-toán là một môn khoa-học cần nhiều thời-gian học-hỏi nghiên-cứu mới có thể thấu-triệt. Vì lịch-toán giữ một vai trò quan-trọng trong đời sống nhân-loại nên người ta có thể dựa theo vết tích của sự phát-triển ngành khoa-học này mà khám-phá ra nhiều chứng-cớ giao-tiếp lịch-sử. Con đường khảo-sát liên-hệ đến vấn-đề này có thể đi rất xa, đến độ khó kiểm-soát được.

Và cũng để chấm dứt bài này, chúng tôi xin tóm gọn các giả-thuyết lại như sau:

-Thập-nhị chi được thể-hiện bởi các con vật sinh-sống nhiều ở vùng đất dân Việt cư-trú, vì thế lịch-toán đầu tiên có lẽ do người Việt thuộc nền văn-minh Hòa-bình / Đông-Sơn chúng ta phát-minh.

-Nguyên-tắc của lịch-toán này bao gồm nhiều kiến-thức căn-bản mà người Trung-Hoa đã vay mượn để phát-triển hay hoàn-chỉnh ngành lịch-toán của họ.

-Một giả-thuyết "xa" hơn được đặt ra, ....cũng có thể lịch cổ Việt cũng đã giúp cho người Mỹ-châu có căn-bản, khảo-cứu thêm và hoàn-thành các loại lịch chính xác như Maya, Aztec; trước thời Kha-luân-Bố.

Tiến-sĩ Hugh A. Moran lại dựa trên một số tài-liệu khoa-học nghiên-cứu trước đây, đã tìm ra rằng Alphabet phát-sinh từ biểu-tượng 12 con vật trong thập-nhị chi. (The Alphabet and the Ancient Calendar, Pacific Books, Palo Alto, California 1953)

Truy-nguyên sâu xa thêm nữa, người Việt cổ có lẽ cũng đã giữ vai trò khởi-nguyên ra hệ-thống chữ viết theo mẫu-tự La-tinh ngày nay. Âu cũng là nhân và quả mà chúng ta được thừa-hưởng một hệ-thống chữ viết tiện-lợi như đang sử-dụng hiện nay.

Tất cả những điều được trình-bày tuy còn là giả-thuyết, các suy-luận đi theo với những chữ "có thể, có lẽ" nhưng sự thật biết đâu đã nằm trong đó. Cũng như những giả-thuyết khác về "người Việt khám-phá Mỹ-châu" mà chúng tôi cố gắng trình-bày trong một vài dịp khác, rất cần được hỗ-trợ thêm minh-chứng để rồi ra hy-vọng được các giới khoa-học công-nhận.

Như đã phát-biểu từ đầu, chúng tôi chỉ làm việc lược-kê những giả-thuyết và không có tham-vọng mở các cuộc nghiên-cứu đích-thực riêng rẽ cho các khía-cạnh của đề-tài. Dù sao riêng cá-nhân chúng tôi đã suy-nghĩ là không nên quá dè dặt nhưng cần phải thận-trọng khi nghiên-cứu lịch-toán. Giáo-sư Sử-học chuyên về học-thuật cổ Hy-lạp và lịch-sử hải-hành Frank J. Frost của UC Santa Barbara mới đây có báo-động là hiện nay đã có nhiều luận-lý mà ông cho là "điên-loạn" nằm ngay trong quan-niệm sử-học trong khi người ta nghiên-cứu những cuộc hành-trình thám-hiểm. (Voyages of the Imagination, tạp-chí Archaeology, May/June 1993: 44-51).

Vũ-Quân

Free Web Hosting