VŨ-HỮU-SAN &Thế-Giới của Nước
 

Home
Hh Truyền Thống VN
Hh Căn Bản Văn Hoá VN
Thành Tích Hang Hai  

 

HaLong1a_83_jpg.JPG (2450 bytes)Hàng-Hải, Truyền-Thống Lâu Đời Việt-Nam

Vũ Hữu San

1- Những con người đầu tiên sống với biển cả

Một số người trong chúng ta có thể mặc cảm về trình-độ yếu-kém của ngành hàng-hải xứ ta hiện nay so với các nước tiền-tiến trên thế-giới mà quên rằng tổ-tiên giống Việt đã qua thời-gian dài trong quá-khứ, luôn luôn đi tiên-phong trong lãnh-vực quan-trọng này.

J. B. Piétri khi làm thanh-tra ngư-nghiệp ở Đông-Dương sau thế-chiến II, đã đưa ra một nhận-xét tưởng như mờ nhạt nhưng ngẫm ra rất chí-lý khi giải-thích cho những người ngoại-quốc nhầm tưởng dân Việt-Nam ghét biển, sợ sóng gió như sau: "Trên một vùng biển mà giông bão bao-trùm thường-xuyên nhất trên thế-giới với khu duyên-hà được mệnh-danh là Bãi Sắt (Côte de Fer) như vậy..., chúng ta bắt gặp nhiều cách-thức hàng-hải gan-dạ nhất và đồng-thời cũng cổ-lỗ nhất. Một ngư-phủ Hà-Tĩnh mình trần-trụi, khoác theo một cái lưới nhỏ chéo vai, cưỡi trên một thân cây tre, xông ra khơi vừa bơi vừa lưới suốt một khoảng xa từ 3 đến 6 hải-lý (và đó là công-việc thường-xuyên.) Còn nữa, anh ta lại dùng cần câu cá, làm việc cả ngày dưới cái nắng mặt trời gay gắt; liên-tục lắc lư, trồi lên hụp xuống theo những lượng sóng lớn lao. Người ngư-phủ này chỉ vội vã trở về nhà vào buổi tối để rồi sẵn sàng khởi-sự ra khơi vào sáng ngày hôm sau. Đã từ biết bao nhiêu thế-kỷ trước đây, việc làm biển như vậy có thể là cách-thức sinh-hoạt của những con người đầu tiên sống với biển cả hay không?" (Voiliers d'indochine, Saigon 1949: 1.)

Hình-ảnh kể trên nói lên được phần nào tinh-thần can-đảm theo truyền-thống của những người dân Việt-Nam sinh-nhai bằng ngư-nghiệp mà Piétri đã tặng cho cái danh-dự là những "con người đầu tiên sống với biển cả".

Một người Pháp nữa, Ông A. Gruvel, nghiên-cứu về cách thức đánh cá thời tiền-sử đăc-biệt thông-hiểu về cổ-thời Việt-Nam, xuất-bản sách "Pêche dans la Préhistoire dans l’ Antiquité et chez les peuples primitifs", Paris, 1928). Theo đó, người Việt thuở xưa là những ngư-dân tài giỏi. Có nhiều đoạn văn bàn về cách đánh cá của dân ta từ thời tiền-sử. Đặc-biệt có tới 8 bức hình vừa vẽ tay vừa do máy ảnh chụp những cảnh ngư-phủ hành nghề ở Bắc-phần (Tonkin) và Trung-phần (Annam) Việt-Nam. (Xin xem thêm nơi phần Chú-thích)

Sau đây bài viết đi xa hơn một chút, nói nhiều hơn đến những khung-cảnh rộng rãi hơn nữa. Đó là sự trình-bày về các truyền-thống và hoạt-động hàng-hải viễn-duyên lúc xưa của dân-tộc ta.

2 - Người Việt, giống dân siêu-việt

Ca tụng về đức-tính can-đảm, kiên-cường và hùng anh lẫm liệt của Dân-tộc Việt-Nam, chúng tôi nghĩ cũng tựa như ca-tụng "nhà giầu lắm của." Nhiều người ngoại-quốc đã lên tiếng vinh-danh Việt-Nam. (Tự hào là người Việt Nam qua chứng liệu văn hoá lịch sử, Cao Thế Dung, Nhà Xuất Bản Hưng Đạo, Florida, 1989, Tựa, Trang i.) Riêng trong sinh-hoạt hàng-hải, truyền-thống người Việt xứng đáng vinh-danh.

Lời ca-ngợi "Người Việt là giống dân siêu-việt" có lẽ bị nhiều người cho là "đại-ngôn", vì họ không mấy tin-tưởng là một phát-biểu đúng đắn. Tuy vậy, những khám-phá mới đây chứng-minh điều đó đã một thời là sự thực. Tiền-nhân chúng ta đã dẫn đầu nhân-loại trong một số lãnh-vực mà quan-trọng nhất là về các sinh-hoạt hàng-hải, song song với các sinh-hoạt canh-nông và luyện kim.

Xét theo ngữ-vựng, "Việt" được hiểu như siêu việt. Danh-tự "Việt" có nghĩa là vượt như vượt biển, vượt sông, vượt khó khăn...

Một định-nghĩa tương-tự về danh-từ Việt-Nam được chép ra từ sách "insight Guide Vietnam" , Edited by Helen West, Printed in Singapore by Haffer ?? Press, 1995,p. 28.) như sau: Danh-tự Việt là tiếng phát-âm của một chữ có nghiã là ở ngoài, ở xa. Cũng còn nghiã là vượt, đi qua, giữ cho đúng. Danh-tự Nam nghiã là phương Nam, có lẽ để chỉ sự khác-biệt giữa các tộc Việt khác ở lại sinh-sống trên xứ Trung-hoa và tộc Việt đã bỏ đất, di-chuyển về Nam. Nguyên-văn. "The word Viet is the Vietnamese pronunciation of a Chinese character meaning beyond or far. it also has the sense of "to cross", "to go through", "to set oneself right". The character Nam, meaning South, probably served to differentiate between the Viets in the North who remained in China and those who had left and headed South".

Quan-điểm riêng của chúng tôi sẽ được trình-bày ở chương sau, hơi khác ở hai điểm sau:

- Hầu hết người Việt-Nam là một giống dân bản-địa vùng Biển Đông, khi nước biển dâng lên vào cuối thời Băng-đá mười mấy ngàn năm trước, tiền-nhân ta đã tập-trung lại sinh sống tại châu-thổ sông Hồng, sông Mã . Trong cùng hoàn-cảnh, các giống dân Biển Đông khác bị dồn về phía Nam lục-địa Trung-Hoa. Sau này người Tàu mới xuất-hiện, họ gọi chung các giống dân này và chúng ta vào nhóm Bách-Việt.

- Vì vùng châu-thổ của dân ta thuận-hảo cho sự sinh-họat, một số di-dân đã đổ đến sinh sống. Trong thành-phần di-dân sau này, các sắc dân Bách-Việt chiếm tỷ-lệ cao nhất. Dân này cùng thuộc khu-vực ảnh-hưởng của văn-hoá Hoà-Bình với các đặc-tính chủng-tộc và văn-hoá "nước" khá tương-tự với dân bản-xứ chúng ta.

3 - Địa danh Hoà-Bình Đông-Sơn

Trên bản-đồ Đông-Nam-Á nói riêng và Thế-giới nói chung, Hoà-Bình (Bắc-phần VN) và Đông-Sơn (Trung-phần VN) là hai địa-danh bé nhỏ mà từ lâu thường bị lịch-sử quên lãng. Tuy vậy, những khám-phá mới mẻ thuộc ngành khảo-cổ trong vòng hai, ba thập-niên vừa qua cho thấy nhiều chứng cớ là dân-cư ở đó trong cổ-thời là giống dân tiền-tiến bậc nhất của nhân-loại trong hai lãnh-vực nông-nghiệp và hàng-hải.

Ngày nay, địa-danh Hoà-Bình Đông-Sơn của Bắc-phần Việt-Nam được dùng trong các ngành khảo-cổ như sự tượng-trưng cho văn-hoá toàn vùng Đông-Nam-Á. (South-East Asia, A Social, Economic and Political Geography, Charles A. Fisher, Great Britain, second edition, 1966, p. 7.) Trong khảo-cổ-học, vùng này không những bao gồm lãnh-thổ Đông-Nam-Á hiện-thời mà còn nới rộng ra các miền châu-thổ của những con sông Hoài, Dương-Tử và Tây-Giang.

Ảnh-hưởng "văn-hoá nước" Hoà-Bình Đông-Sơn trước "tai-nạn Đại-Hán" đã lan ra khắp mặt các mặt đại-dương. Công-trình nghiên-cứu của các học-giả hàng đầu thời cận-đại như Needham, Solheim, Grasso... chứng-minh rằng văn-minh cổ Việt khai sáng Hoa Bắc, ảnh-hưởng Địa-Trung-Hải, xuyên sang Úc-Châu, Đại-Dương Châu; chiếu sáng cả Mỹ-Châu lẫn Phi-Châu.

4 - Tiếng Tàu, Tiếng Việt và đặc-điểm ngôn-ngữ

Ngôn-ngữ đóng những vai trò quan-trọng trong tiến-trình văn-minh.

Ngoài việc đào sới đất cát, mò lặn đáy biểm tìm tìm tòi cổ-vật, một trong những phương-pháp mà các khoa-học-gia thường dùng trong môn khảo-cổ-học là truy-nguyên nguồn-gốc ngôn-ngữ :

"... Những ý-kiến gây sửng-sốt nhiều nhất do những người Mỹ đưa ra. Chẳng hạn, Tiến-sĩ Nhân-chủng-học Paul K. Benedict đã truy-tầm ra được nguồn-gốc của nhiều tiếng (word : tiếng, chữ, lời, danh-từ - Anh-Việt Tự-điển, Nguyễn-Văn-Khôn, Khai-Trí, Sàigòn, 1967) trước kia người ta cứ tưởng rằng người Đông-Nam-Á đã vay mượn của người Tàu . Ông tin rằng phải đúng ra ở chiều ngược lại, những tiếng đó là ngôn-ngữ Đông-Nam-Á cho người Tàu vay mượn. Những tiếng căn-bản đó biểu-thị sự tiến-triển của nền văn-minh như cái cầy và hạt giống, nấu nung và đồ gốm, búa rìu và ghe thuyền, sắt và vàng ..." (trang 306, National Geographic, Vol. 139, No. 3, March 1971.)

Người Việt là giống dân tiền-tiến của vùng Đông-Nam-Á. Khi nghiên-cứu Việt-ngữ, người ta tìm ra nhiều minh-chứng là trong cổ-thời, trình-độ sinh-hoạt của dân ta rất tiến-bộ. Ngôn-ngữ của dân ta vào thời đó khác-biệt hẳn với Hoa-ngữ. Đặc-biệt hơn nữa, Việt-ngữ nhuộm rất đậm màu hàng-hải và nông-nghiệp. Chúng tôi xin bàn một cách rộng rãi hơn về một số đặc-điểm của ngôn-ngữ Việt-Nam trong những đoạn và chương tiếp theo sau.

5 - Các Nông-gia tiền tiến

Đối với sinh-vật và nhất là con người, không có gì thân-ái, quý-trọng hơn là chính cái thân-thể của ta. Người Việt gây giống rau cỏ, bầu bí, cây trái từ những loại cỏ dại, giây rừng, cây hoang làm thực-phẩm nuôi thân, mở đường cho loài người bước lên nền văn-minh nông-nghiệp. Dân ta hẳn đã suy-ngẫm chín chắn đến mức-độ sâu xa nào đó mới gọi tên các bộ-phận trong thân-thể là lá (lá gan, lá phổi, lá lách, lá mía ...), là quả là trái (quả tim, trái thận ...)

Sử Việt và sử Tàu thời trước đều ghi chép rằng người Trung-Hoa đã dậy người Việt cách thức làm ruộng và trước thời Bắc-thuộc, dân ta chỉ biết dùng cuốc bằng đá. Ngành khảo-cổ ngày nay khám-phá nhiều chứng-cớ khác hẳn. Năm 1957, người ta tìm được tại thành Cổ-Loa ngoài những mũi tên đồng, rìu đồng, còn có ba lưỡi cầy bằng đồng. Sự khám-phá ra lưỡi cầy đồng chứng-minh sự tiến-bộ trong ngành nông-nghiệp ỏ vùng châu-thổ sông Hồng (Phạm-Cao-Dương, Lịch-sử dân-tộc Việt-Nam, quyển 1, Truyền-thống Việt, Hoa-Kỳ, 1987; trang 5.) nhiều thể-kỷ trưóc Tây-lịch.

Theo Huyền-sử dân-tộc, chúng ta thuộc dòng giống vua Thần Nông, tức con cháu Ông Thần Nông-Nghiệp. Điểm này lại phù-hợp với truyền-thuyết của người Đông-Á. Vua Thần-Nông là người họ Khương, mộ chôn ở gò đất Thương-Ngô, Trường-Sa; đất ấy trước đời Tần - Hán là đất đai Bách-Việt, không phải đất Hoa-Hạ (Trong Cõi, Những Ý kiến về Lịch sử, Truyền thống và Hiện trạng Dân tộc của một Sử gia trong nước, Trần-Quốc-Vượng, Hoa-Kỳ, 1993: 54- 55.)

Vào cuối thập-niên 1940 có nhiều cuộc nghiên-cứu mới về thảo-mộc hữu-dụng ở Đông-Nam-Á, trong đó công việc của một người Nga, ông N. i. Vavlov rất đáng được chú-ý. Sau những năm kiên-trì làm việc, Vavlov đã cố gắng thuyết-phục giới Khoa-học rằng Đông-Nam-Á đúng là một trung-tâm Nông-nghiệp của Cựu-thế-giới. Vùng này đã trồng trọt những loại cây nhiệt-đới và bán nhiệt-đới đầu tiên, sản-xuất trái và củ để ăn. Ngoài việc tạo-dựng nền nông-nghiệp lúa nước, vườn cây ăn trái, ruộng khoai sắn; người Đông-Nam-Á còn được biểt đển vì công-trình gia-súc-hoá loài heo và gà vịt, tức là những con vật chăn nuôi căn-bản của loài người. (The Origin, Variation, immunity, and Breeding of Cultivated Plants (translated from the Russian by K. S. Chester) in "Chronica Botanica, Vol. 13, Nos. 1-6, 1949/50.)

Về địa-lý, Việt-Nam là một dải đất nối liền hai vùng đất mà khoa-học đã xác-nhận là hai trung-tâm phát-xuất nông-nghiệp: Trung-Hoa và Đông-Nam-Á. Cho dù rằng chỉ một trung-tâm nào đó là chỗ khởi nguyên việc trồng trọt của nhân-loại thì vùng đất người Việt sinh sống thời cổ cũng hiển-nhiên là những vị-trí quan-trọng trong tiến-trình văn-minh của nhân-loại.

6 - Các nhà Hàng-hải tài-danh

Người Việt yêu cây cỏ rất nhiều mà yêu sông biển cũng không kém. Sử sách Việt-Nam và Trung-Hoa đều cho biết:

"Người Việt-cổ sinh hoạt dưới nước nhiều hơn ở trên cạn nên bơi lội rất giỏi, biết làm các thứ thuyền nhỏ là Linh và thứ thuyền nhỏ thân dài là Đĩnh, thuyền lớn gọi là Tu-lự, thuyền có lầu tức Lâu-thuyền và thứ thuyền có gắn mũi qua tức là Qua-thuyền...

Theo Hoài-Nam-Vương Lưu-An đời Hán, thì người Việt rất thạo thủy-chiến, rất quen dùng thuyền, ở trên cạn ít mà ở dưới nước nhiều. Họ cắt tóc, xâm mình, đóng khố ngắn để tiện bơi lội, tay áo cộc để tiện chèo thuyền." (Việt-sử Toàn-thư, Phạm-Văn-Sơn, Sài-gòn 1960, các trang 23, 28.)

Đồng ruộng của dân ta phần lớn là đồng ruộng ngập nước. Lạc-Long-Quân, một vì vua "anh-hùng văn-hoá" đã dạy dân Lac-Việt trồng cấy trên ruộng ngập nước. Ruộng này gọi là ruộng Lạc. Một thời-điểm quan-trọng của nền văn-hoá đó là khi dân ta biết lợi-dụng thủy-triều để "dẫn-thủy nhập-điền" vào thế-kỷ thứ 6 TTL. (Vietnam: A Country Study (Area Handbook Series), US Government Printing Office, Washington D.C. 1989, p. 7.)

Dân ta gắn chặt với nước, liên-hệ nhiều đến nước, Nhà thơ Viên-Linh phát-biểu ý-nghĩa đó trong dịp tái-phát-hành tập thơ "Thủy-Mộ-Quan" tại Paris tháng 7-1992 như sau: "... tôi tự hỏi tại sao phụ-nữ ta, dân-tộc ta phải theo nhau tìm vào sóng nước như thế ? Mới thấy ngay từ trang 1 của Lịch-sử và Huyền-sử dân-tộc, đã là mặt nước, là Động-Đình-Hồ. Ngay từ đầu, ta sống với thủy-quái, nên có tục vẽ mình. Những cái chết được nhắc nhở nhiều là những cái chết nơi đáy nước. An-Dương-Vương mất nước, chém công-chúa rồi nhảy vào lòng biển. Trọng-Thủy nhảy xuống giếng chết sau khi biết Mỵ-Châu đã không còn. Truyện Sơn-Tinh, Thủy-Tinh. Cái chết của hai Bà ở Hát-Giang. Những mối oan-tình thác nơi sông nước như Trương-Chi Mỵ-Nương, thiếu-phụ Nam-Xương, hồn Vong-phu, nàng Tô-Thị v.v... Và sông Gianh chia cắt sơn-hà, Bến-Hải phân đôi đất nước v.v... Những trâu vàng hồ Tây, những hồ Hoàn-Kiếm, những đầm Dạ-Trạch, những Chử-Đồng-Tử sống trần truồng ngoài biển xưa và những người nữ lõa-lồ trên các hoang-đảo bây giờ ..." (Nhà thơ Viên-Linh nói về "Thủy-Mộ-Quan", Thuỵ-Khê, Hồn-Việt Vol. 17, No. 107, August 1992.)

Người Cổ Việt sống trên sông hồ, biển cả, họ yêu nước đến độ gọi tổ-quốc, quê-hương, lãnh-thổ, quốc-gia là nước. Giống dân này làm nhà trên mặt nước, cạnh bờ nước, hành nghề chài lưới lặn lội trong nước, sinh sống với tôm cá là sinh-vật của nước. Cả đời họ gắn liền với nước, nước nuôi sống họ, nước cũng bảo-vệ họ và nhiều khi thân xác họ cũng chìm theo dòng nước... Vì nhu-cầu sinh-hoạt trên nước và cũng có thể vì yêu thích nước, người Việt đã đóng góp rất nhiều phát-minh hay cải-tiến kỹ-thuật liên-hệ đến ghe thuyền, nhiều ít làm thay đổi dòng lịch-sử nhân-loại.

Theo học-giả Trung-Hoa Chang Kwang Chih, "Văn-minh miền Đông-Nam có bản-chất hướng về biển cả và được biết qua sử sách, người Bách-Việt (có biệt-danh là) các Nhà Hàng-Hải (tài-danh), khác-biệt với người Tàu miền Bắc là dân gắn bó chặt chẽ với đất liền." (Chinese Prehistory in Pacific Perpective: Some Hypotheses and Problems, 1959, Harvard Journal of Asiatic Studies 22: 100-149.)

Nhiều tài-liệu Âu-Mỹ minh-chứng Việt-Nam là vùng đất phát-sinh hầu hết những phương-tiện đầu tiên về chuyển-vận đường thủy mà chúng tôi xin trình-bày ở một chương riêng biệt về công-trình phát-minh.

Hình - Địa-bàn sinh sống trước đây 3,000 năm theo sử Trung-Hoa và Việt-Nam: người Tàu trong đất liền và người Việt ngoài bờ biển.

7 - Truyền-thống trải dài trong không-gian và thời-gian

Theo truyền-thuyết nhà Hồng-Bàng là dòng vua đầu tiên trị-vì giống dân Lạc-Việt từ năm 2879 đến năm 258 TTL., như vậy nước ta đã có gần 5,000 năm lập-quốc. Tuy vậy những khám-phá mới mẻ trong ngành khảo-cổ càng ngày càng đưa thêm ra các bằng-chứng về sự hiện-diện của tổ-tiên chúng ta trên đất nước Việt-Nam trong những khoảng thời-gian dài trước đó rất lâu .

- Người Việt đi biển từ thời Đồ Đá.

Các tài-liệu khảo-cổ cho ta thấy một sự liên-tục của tiến-trình văn-minh và sự hiện-diện của giống Việt trên bờ biển Đông-Á đã từ một thời-gian hàng chục ngàn năm trước Tây-lịch.

- Thời Băng-Đá.

Hai ngành địa-chất-học và hải-dương-học hiện nay đã tiến-bộ rất nhiều. Những kiến-thức và phương-tiện mới mẻ giúp nhân-loại khám-phá ra được rất nhiều điều bí-mật trong quá-khứ, đặc-biệt từ thời Băng-Đá.

William Meacham đã đưa ra hình-ảnh khá chi-tiết về sự hình-thành nền văn-minh đặc-thù hàng-hải của dân Việt. Sau đây là tóm-lược một số điểm quan-trọng trong thuyết của Meacham:

- Vào thời Băng-Đá hơn một chục ngàn năm trước đây đã có dân-cư dọc bờ Đông-Á, sinh sống nhờ cách bắt sò hến, tôm cá. Meacham cho rằng họ là tiền-nhân giống Việt sau này.

- Khi nước biển dâng cao, bờ biển từ hàng trăm dậm Anh ngoài khơi, rút gần về vị-trí như hiện nay. Sự gia-tăng mật-độ dân-số tạo nên nhiều dịp trao-đổi tư-tưởng, cải-tiến kỹ-thuật. Trong khi thay đổi môi-trường sinh sống như vậy, một nền văn-minh hàng-hải đã phát-triển. Thuyền đi ven biển đầu tiên có lẽ là loại bè tre, xuất-hiện khoảng 10,000 năm TTL.

- Bắc-phần Việt-Nam, nơi sự định tuổi bằng Carbon-14 được coi là chính-xác nhất trong vùng Đông và Đông-Nam Á-Châu cho thấy nền văn-minh Đồ Đá Hoà-Bình đã tiến-triển trong khoảng thời-gian 9,000- 5,600 năm TTL., Bắc-Sơn 8,300-5,900 năm TTL., liên-tục qua nhiều nền văn-minh; sau này tới thời Đồ Đồng của Phùng-Nguyên 3,000-1500 năm TTL., rồi Đông-Sơn 500 năm TTL., rõ ràng nhuốm mầu sắc hàng-hải. (Origins and Development of the Yủeh Coastal Neolithic: A Microcosm of Culture Change on the Mainland of East Asia, sưu-tập "The Origins of Chinese Civilization", edited by David N. Keightley, London 1983: 147-175.)

8 - Người Biển Orang Laut

Giống như dân du-mục nay đây mai đó trên đất liền, trong vùng biển Đông-Nam Á-Châu lúc xưa cũng có những bộ-lạc thường-xuyên di-chuyển sinh sống lang thang trên biển. Danh-từ chỉ-danh cho họ là "Người Biển" (Orang-Laut), có thể nói là trái nghĩa với Người Rừng, Dã-nhân (Orang-Outang) sống trên rừng núi.

Theo nhà nghiên-cứu hàng-hải Clinton R. Edwards, thuyền độc mộc ở Đông-Nam-Á cổ tới 10,000 năm. Căn-cứ vào cách-thức kiến-tạo thuyền ván kết mà ông cho là rất phong-phú, xuất-hiện cùng thời với thuyền độc-mộc, Edwards tin-tưởng rằng truyền-thống đi biển của Người Biển Orang-Laut đã khởi-sự nhiều ngàn năm trước khi người Đông-Nam-Á phát-triển nông-nghiệp. (Bài Pre-European Voyaging in the Pacific, trong sưu-tâp "Early Chinese Art and its Possible influence in the Pacific Basin", Vol. 3, 1972: 843-887.)

Truyền-thống hàng-hải của người Lạc-Việt chúng ta đi từ truyền-thống của "người Biển". Dân ta xứng-đáng được suy-tôn là tiền-tiến trong việc kiến-tạo ghe thuyền. Kỹ-thuật khởi đi từ việc đóng những loại bè thô-sơ, rồi đến thuyền độc-mộc và đặc-biệt đã đạt đến kỹ-thuật hoàn-bị nhất trong các loại thuyền ván kết.

Sau nhiều ngàn năm "hải-du", có những nhóm Người Biển định-cư lại trên các vùng duyên-hải, duyên-hà; nhưng vẫn còn nhiều nhóm tiếp-tục cuộc sống trên sông nước, biển cả. Sự phân-phối trống đồng Đông-Sơn đi nhiều nơi xa xôi trong thiên-kỷ thứ nhất TTL. đúng là chứng-cớ hiển-nhiên của truyền-thống hàng-hải này.

9 - Truyền-thống biểu-hiện trong Ngôn-ngữ, Nghệ-thuật

Trong ngôn-ngữ Việt-Nam, những tiếng: nước, sông, biển, sóng, gió, buồm, lái v.v... rất nhiều. Những từ-ngữ hàng-hải được dùng dưới nhiều hình-thức để biểu-lộ tư-tưởng, có nhiều nghĩa đen, nghĩa bóng khác nhau. Qua ngôn-ngữ bình-dân cũng như qua văn-chương, người ta thấy ẩn-hiện đâu đó nhiều hình-ảnh, mỹ-từ liên-hệ đến các hoạt-động trên sông nước. Những người ngoại-quốc đọc sách Việt, nghe người Việt nói đều ghi-nhận đặc-điểm này. Hai học-giả Pierre Huard và Maurice Durand thuộc Trường Viễn-Đông Bác-Cổ là những người Pháp đóng góp nhiều cho các công-trình khảo-cứu văn-hoá Việt-Nam cũng đã từng xác-nhận rằng tiếng Việt rất phong-phú các từ-ngữ hàng-hải. (Connaissance du Việt-Nam, Hanoi 1954: 232.)

Người Mỹ như Đại-tá Thủy-quân Lục-chiến Victor Croizat còn có một nhận xét khá đặc-biệt về ngôn ngữ những miền khai-nguyên của Việt-Nam. Ông thấy rằng dân-cư từ vùng châu-thổ sông Hồng đến khu-vực Đèo Hải-Vân dễ bị nhận ra là những dân duyên-hải sinh-sống bằng ngư-nghiệp vì tiếng nói của họ đầy ngôn-từ hành thủy. (The Brown Water Navy, The River and Coastal War in Indo-China and Vietnam, 1948-1972, Col. Victor Croizat, USMC, Blanford Press, 1984, p.23.)

Chúng ta đã sống xát với Trung-Hoa lại bị họ đô-hộ cả ngàn năm, văn-hoá ta đã chịu nhiều ảnh-hưởng của họ, nhất là phần ngôn-ngữ triết-học,văn-chương. Tuy vậy dân ta vẫn lưu giữ được hầu như toàn-bộ tiếng nói bình-dân rất gần với thời tiền đô-hộ. Đặc-biệt nhất là ngôn-ngữ hàng-hải, vì mang tính-chất đặc-thù dân-tộc nên người ta vẫn còn tìm thấy nhiều tiếng hoàn toàn là ngôn-ngữ cổ-nhân.

Ngôn-ngữ chúng ta chắc chắn đã nhuốm mầu sắc hàng-hải đậm nét từ lâu đời. Thứ ngôn-ngữ hàng-hải này không những chỉ nhận thấy ở bán-đảo Hoa-„n mà có thể đã được tiền-nhân chúng ta đem đi truyền-bá rất xa trên các bước đường hải-hành viễn-duyên hay xuyên-dương. Nhà ngôn-ngữ-học Paul Rivet minh-chứng rằng ngôn-ngữ Đông-Nam-Á mang tính chất hàng-hải đã theo đường biển đi tới tận Nhật-Bản, Tasmania, Địa-trung-Hải, Phi-Châu, Mỹ-Châu. (Sumérien et Océanien, trong Collection linguistique, publiée par la Société de la linguistique de Paris 24, Paris, 1929.)

Những hình-ảnh sông, hồ, biển, nước ... gắn liền với thân-phận người dân Việt chúng ta đầy dẫy trong huyền-sử, lịch-sử, đời sống đã được nhiều văn, thi, nhạc, họa-sĩ say mê diễn-tả dưới nhiều hình-thức. Các hình-ảnh hàng-hải sống thực ấy cũng là những đề-tài phong-phú cho các ngành nghệ-thuật khác. Về nhiếp-ảnh, nhiếp-ảnh-gia đoạt nhiều giải-thưởng quốc-tế Trần-cao-Lĩnh viết rằng: "Nếu nói: Biển Việt-Nam là một trong những kho tài-nguyên sung-túc cho xứ-sở thì với nhiếp-ảnh, Biển Việt-Nam cũng là một nguồn vô-tận cung-cấp cho nghệ-sĩ những đề-tài phong-phú nhất..." (Việt-Nam Quê-hương Muôn Thuở, My Country Forever, Trần-cao-Lĩnh, France, 1984: 27.)

Lời nói của anh-hùng hào-kiệt nước ta tràn ngập bởi gió, sóng, biển, bờ ... Thí-dụ như câu: "Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Bể Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì-thiếp người ta." Lời bà Triệu-thị-Chinh, khi khởi binh đánh quân Ngô (năm 248) (Trần-Trọng-Kim, Việt-Nam Sử-lược, viết tắt VNSL, in lần thứ nhất Sài-Gòn, 1971; q.1. tr. 47.)

10 - Giải-trí cũng trên sông, trên nước

Truyền-thống hàng-hải của dân Việt cũng thể-hiện cả trong những cách giải-trí của cổ-thời mà người ta còn thấy tiếp-tục tồn-tại đến ngày nay. Những ngày hội nước dưới nhiều hình-thức diễn ra ở nhiều nơi trên quê-hương ta.

Đây là cảnh đua thuyền, múa hát và múa rối nước tại kinh thành Thăng Long, được mô tả trong bài văn bia Sùng Thiện Diên Linh (Duy Tiên - Nam Hà, khắc năm 1121):

"Hàng nghìn chiếc thuyền bơi giữa dòng nhanh như chớp, muôn tiếng trống khua hòa nhịp với tiếng nước như sấm động ... Làn nước rung rinh. Rùa vàng nổi lên đội ba quả núi, nước chảy nhịp nhàng, lộ vân trên vỏ và xòe bốn chân, nhe răng, trợn mắt, phun nước biểu diễn Điệu say sưa trên mặt nước tràn đầy ... Các thần tiên xuất hiện, nét mặt nhuần nhị thanh tân, há phải đâu vẻ đẹp của người trần thế. Tay nhỏ nhắn, mềm mại múa điệu hồi phong. Nhíu mày biếc ca khúc vận hội. Chim phượng có sừng họp nhau thành đội ra múa may, phô diễn. Hươu họp thành đàn đi lại, nhảy nhót ..." (Quê-Hương Bốn ngàn năm, Thủy quân - Hải quân các thời xa xưa, Mai-Lân biên-khảo, Lướt Sóng Xuân Mău Dần 1998, trang 105-121)

Hát hò.

Trên sông rạch, hồ ao, đồng ruộng Việt-Nam những ngày thanh-bình, người dân quê trong khi chèo thuyền, đánh cá, gặt hái thường hay hát hò. Một người cũng hát mà mhiều người cũng hát. Một điệu hát có thể được nhiều người láy lại một hai câu ở cuối khúc bài hát. Hò khoan là tiếng hò sau câu hát để những người hát cùng nhau mà ra sức.

Có nhiều điệu hò như hò mái đẩy, mái nhì, hò chèo ghe... Tất cả đều rất trữ-tình và nặng chĩu những mầu sắc sông hồ, đồng ruộng quê-hương. Nhạc-sĩ Trần-Văn-Khê sắp xếp kiểu hát hò này vào loại "Đối-ca Nam-Nữ" và cho biết loại đối-ca như vậy đã ảnh-hưởng ra tất cả các nước Đông-Nam-Á. Ông viết: "... — Việt-Nam, những câu hò đối đáp trên những con sông dài, hò chèo ghe Hậu-Giang, hò mái đẩy, hò mái nhì miền Trung, hò sông Mã ở Thanh-Hoá..." (Âm-nhạc Đông-Nam-Á, nhà xuất-bản Đông-Nam-Á 1986.)

Hình - Hát hò trên sông qua hình ảnh Trương-Chi

Bơi chải, Đua thuyền

Tục đua thuyền rất phổ-thông ở nước ta. Ông Phan-kế-Bính trình-bày tục này như sau:

Gần hồ gần sông thì thi bơi chải, năm sáu chiếc thuyền hoặc mươi chiếc, họ hay làm đầu rồng đuôi tôm bằng giấy để trên đầu thuyền và dưới đuôi thuyền, gọi là thuyền rồng. Mỗi thuyền độ chín mười người (mỗi người) cầm một cái bơi chèo, và có một người đứng đuôi thuyền cầm lái. Người thuyền nào mặc áo sắc riêng thuyền ấy. Giữa sông hoặc giữa hồ có cắm một lá cờ và treo một bánh pháo. Thuyền sắp đều một hàng. Có người cầm trống, hễ nghe mấy tiếng trống hoặc phất cờ thì đua nhau mà bơi. Thuyền nào bơi mau ra chỗ cắm cờ, đốt bánh pháo, nhổ được lá cờ đêm vào thì được giải. (Việt-Nam Phong-tục, Sống Mới, Arizona 1983.)

Đua thuyền cũng có tính-cách kể truyện lịch-sử như tại Hoa-Lư Ninh-Bình. Hàng năm vào rằm tháng hai khi dân làng mở hội kỷ-niệm Đinh-Tiên Hoàng-Đế tại đền vua thì cũng có cuộc thi thuyền trên sông Hoàng-Long-Giang để nhớ lại những hoạt-động cùng chiến-công trên sông nước hồi xưa. Cuộc thi đua rất vui và các khách trẩy-hội rất thích-thú.

Hình -Đua thuyền trên sông

Rối nước

ít có hình-thức trình-diễn nghệ-thuật nào ở Việt-Nam mà lại gắn-liền với thiên-nhiên, với đời sống, với các sinh-hoạt trên sông nước cho bằng Rối Nước ở thôn quê nước ta.

Các trò diễn được trình-bày trên một sân khấu đặc-biệt chỉ thấy ở Việt-Nam, đó là mặt nước của sông, hồ hay ngay tai ao làng. Có lẽ rối nước đã khởi-sự từ thời thượng-cổ. Sử sách tuy chép lại nhưng hơi trễ: vào thời Tiền-Lê (980-1009), triều-đình làm lễ mừng sinh-nhật vua Lê-Đại-Hành, cho tạo-dựng núi giả ba ngọn ở giữa sông với các cảnh "chim bay, thú chạy, tiên-nữ múa... Có các ca công, nhạc công ngồi trên đó ca hát, chơi đàn...

Rối nước khá phong-phú, mỗi nơi, mỗi phường trình-diễn mỗi khác. Các hoạt-động nghề nghiệp: Ngư, Tiều, Canh, Độc; các sinh-hoạt văn-hoá: đua thuyền, đô-vật, đua leo thang, đánh kiếm, đua ngựa...; trích đoạn các tích chèo, tuồng cổ; diễn-tích lịch-sử như Hai Bà Trưng, Lê-Lợi, Bà Triệu, Trần-Hưng-Đạo, thủy-chiến Bạch-Đằng... Nhân-vật quen thuộc của Rối Nước truyền-thống là chú Tếu. Nhân-vật hóm hỉnh, thông-minh này là hình-ảnh tiêu-biểu của người dân quê Việt-Nam thường đảm-nhiệm vai trò giáo-đầu và kết-thúc buổi diễn. Sự kết hợp của tài điều-khiển những con rối nước chạy, nhẩy, múa may trình-diễn trên mặt nước phối-hợp với âm-nhạc, pháo hoa, lửa đuốc... được phản-quang trên mặt nước làm tăng thêm vẻ lộng-lẫy và sức hấp-dẫn.

Múa rối nước đã được mang đi trình-diễn ở Tây-phương. Loại sân-khấu cổ-truyền này đã chinh-phục công-chúng Pháp, italia ... Nhật-báo Paris Quotidien viết: "Đây là một sản-phẩm đặc-biệt của một đất nước vùng nhiệt-đới, khí-hậu nóng và ẩm, có rất nhiều sông ngòi, hồ ao ..." (Lịch Văn-hoá Việt-Nam, Sài-Gòn, 1988: 433.)

Múa rối có nhiều hình-thức và là đặc-thù của toàn vùng Đông-Nam-Á tuy vậy hiện nay chỉ ở Việt-Nam, người ta mới còn thấy rối nước. Điểm này song-hành với Trống-Đồng cùng nhiều chứng tích ghe thuyền chứng-minh rằng xứ ta chính là một trong những trung-tâm hàng-hải nguyên-thủy của nhân-loại.

Hình Chú Tếu trong những cảnh rối nước.

Bắt cá

Bắt cá hay đánh cá là nghề-nghiệp lâu đời, có trước nông-lâm. Trong những ngày hội lớn, nhiều nơi ở nước ta thường tổ-chức những cuộc vui có mang hình-thức ngư-nghiệp như bắt cá trong ao, bắt trạch trong chum v.v...

Du khách ngoại-quốc rất ngạc-nhiên khi thấy rằng những lần hội hè, những cuộc thi đua có tính-chất sông hồ, cá nước, đồng ruộng tương-tự như vậy lôi cuốn dân chúng tham-gia, dự-khán thật đông-đảo. Khởi-sự từ những ngày khai-nguyên dân-tộc, truyền-thống hàng-hải, ngư-nghiệp cùng nông-nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức đồng-bào ta.

Hình -Cảnh bắt cá

11 - Truyền-thống và Truyền-thuyết cùng Cổ Tích

Khi nói tới các truyền-thuyết dân-tộc, người ta không thể lãng quên mà không đề-cập tới những truyền-thuyết liên-hệ đến hàng-hải. Người Việt-Nam kể nhiều truyện rất cổ xưa cho con cháu nghe để lưu-truyền lại cho đời sau. Các truyền-thuyết xưa nhất của dân-tộc đều là những truyện cổ-tích mà nội-dung có gốc rễ sâu đậm về hàng-hải. Xin lược-kê một số nhỏ như sau:

- Dân ta khởi đi từ Động-Đình-Hồ, dòng dõi Long-Quân với các vua Kinh-Dương-Vương, Lạc-Long-Quân.

- Bọc trăm trứng sinh trăm con: 50 con lên núi, 50 con xuống biển.

- Người Văn-Lang làm nghề chài lưới, vua bắt dân lấy chàm vẽ mình để thuồng luồng tưởng rằng đồng-loại mà không làm hại.

- Thuyền của dân ta vẽ hai con mắt, có ý để cho các thủy-quái ở sông, ở bể không quấy-nhiễu đến.

- Truyện Thủy-tinh đánh nhau với Sơn-Tinh...

Mở đầu cuốn sách "The Birth of VietNam" (University of California Press, 1983), Keith Weller Taylor viết rằng những truyền-thống đầu tiên của nước ta liên-hệ tới một nền văn-hoá hàng-hải. Taylor trích-dẫn từ cuốn sách Lĩnh-Nam Trích-quái kể lại những truyền-thuyết về những vua lập-quốc Việt-Nam là truyền-nhân của giống Rồng, gốc gác từ biển cả.

Khi bàn chuyện "Từ Huyền-tích đến Lịch-sử", nhà sử-học Trần-Quốc-Vượng đã chú-ý nhiều đến sự phân-tích nhân-vật huyền-thoại Lạc-Long-Quân. Ngoài việc đồng-ý với nhà "Huyền-thoại-học tài-danh Cao-Huy-Đỉnh" cùng gọi nhân-vật này là "Bố Rồng Lạc hay Vua Rồng Lạc", ông Trần còn phát-biểu một ý-tưởng mới như sau: "Theo ý tôi, Lạc-Long-Quân là vị anh-hùng văn-hoá lớn nhất của Thần-thoại Việt-Nam, từ biển tới, từ sông lên, diệt "Ngư-tinh", "Mộc-tinh". "Hồ-tinh", khai-sáng miền châu-thổ sông Hồng. Lạc-Long-Quân cũng là vị anh-hùng văn-hoá đầu tiên chống sự xâm-lấn của phương Bắc (Đế-Lai), bảo hộ lãnh-thổ riêng cho con cháu dựng nước..." (Trong Cõi - Những ý kiến về lịch-sử, truyền thống và hiện trạng dân tộc của một sử gia trong nước, Garden Grove, CA, 1993.)

Nhìn lại cội-nguồn văn-hoá Việt-Nam, nhà Địa-lý-học Pháp Yves Lacoste đã có ý gắn "địa-lý" nước ta cùng với sự ra đời của những truyền-thuyết dân-tộc: "Đặc điểm lớn nhất của những truyền-thuyết ấy (Lạc-Long-Quân và Âu-Cơ, Sơn-tinh Thủy-tinh) là những mối quan-hệ chặt chẽ giữa núi rừng và đồng bằng, ít nhiều nửa cạn, nửa nước". (Lịch Văn Hoá Việt Nam, Sài Gòn, 1988: 442.)

Hình - Trận chiến Sơn-tinh, Thủy-tinh

Ngay cả truyền-thuyết nguồn-gốc trống đồng cũng liên-hệ đến hàng-hải. Ông Bình-Nguyên-Lộc cho chúng ta biết như sau: Người Mường kể rằng vua Yịt (Vua Việt- Hùng-Vương) có hai người con gái cô Ngân và cô Nga.Hai cô đi tắm thấy một trống đồng thau trôi trên mặt biển rồi tắp vào bờ. Hai cô cho vua cha hay tin đó, và vua Yịt cho người mang trống về. Nhà vua cho gọi thợ ở từ phương Đông, từ phương Tây, từ phương Bắc và từ phương Nam, đưa đồng, đưa thau, đưa khuôn, bảo họ đúc 1960 cái trống rồi phát cho các lãnh chúa mỗi người một cái. (Nguồn gốc Mã-Lai của Dân-tộc Việt-Nam, Bách Bộc Sài-gòn, xuất-bản 1971, trang 745.)

Xuất-xứ Trống Đồng như vậy rõ rệt có liên-hệ tới nghề hàng-hải. Theo ông Bình-Nguyên-Lộc, trống đồng đã do những dân qua lại trên biển cả chuyên chở tới. Sau khi thợ đúc từ bốn phương trở về nỗ-lực làm việc, mấy ngàn trống đồng được phân-phối cho các lãnh-chúa. ít nhất hàng trăm, có thể hàng ngàn chiếc đã theo các lãnh-chúa đó vượt biển đi khắp nơi duyên-hải hay hải-đảo xa xăm ngoài đại-dương như khoa khảo-cổ đã tìm thấy ngày nay.

Truyền-thuyết về nguồn gốc Đinh-Bộ-Lĩnh, vị vua đầu tiên củ a nước Đại-Cồ-Việt, tuy có vẻ hoang-đường nhưng nội-dung đề-cập đến thần sông nước với Rồng, Rái cá. Keith Taylor viết về niềm tin "Thủy Thần-quyền" của người Việt thời xưa trong bài "Authority and Legitimacy in 11 th Century Vietnam", nguyên văn như sau: "The stories recorded about Dinh Bo Linh's boyhood stress supernatural intervention The young Bộ Lĩnh is saved from death by the sudden appearance of two dragons. His father is thought to have been an otter, linking him with aquatic powers and the belief, firmly established in Vietnamese mythology, that sovereign authority derives from the watery realm - His rise to power follows burial of his father's bones in a geomantically potent spot." (Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries, edited by David G. Marr and A. C. Milner, institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1986, p. .)

Rồng, Rùa, Sông, Hồ, Nước... xuất-hiện nhiều lần và được ghi chép trong sử sách nước ta.

Năm 1010, Lý-Công-Uấn rời đô từ Hoa-Lư ra Đại-La. Khi thuyền đến nơi, tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự (Ngô-Sĩ-Liên, Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư, Bản dịch của Cao-Huy-Du, Hà-Nội, 197, trang 191). Nhà vua đổi tên Đại-La thành Thăng-Long và xuống chiếu nói rằng: "Đó là nơi trung-tâm Nước ta, đúng là thế Rồng cuộn, Hổ ngồi... có địa-thế núi sông sau trước,,,"

Sử ta chép Thần Kim-Quy hay Rùa Vàng phù-trợ xây thành, diệt ma quỷ, bảo vệ Âu-Lạc. (Understanding Vietnam, University of California Press, Berkeley and Los Angeles, 1993, p. 8.) Thần Rùa được thờ tại nhiều nơi, nổi tiếng linh-thiêng nhất tại hồ Hoàn-Kiếm.

12 - Truyền-thống Nước và Tín-ngưỡng

Khi mọi sinh-hoạt đời sống được bao trùm trong môi-trường nước, tín-ngưỡng của dân ta liên-hệ tới Nước.

Tam toà Thánh mẫu

Bên trời Tây, tại Địa-trung-Hải, Hy-Lạp là một trong những quốc-gia có truyền-thống hàng-hải lâu đời nhất. Thần-thoại Hy-Lạp nói đến ba ngôi về Thiên-thần, Địa-thần và Thủy-thần.

— Việt-Nam, hệ-thống nữ-thần chiếm địa-vị quan-trọng. Bà Trời hay Đức Mẫu Thiên-Phủ đứng đầu Tam-tòa Thánh-Mẫu. Hai vùng Đất và Nước thuộc phạm-vi Mẫu Thượng-Ngàn và Mẫu Thủy-Phủ.

Cảm-quan vũ-trụ của Tổ-tiên người Việt chúng ta mang những nét đậm màu sông nước biển cả. Mẫu Thượng-Ngàn chỉ trách-nhiệm vùng rừng núi hay Vùng Cao. Trong khi đó, Mẫu Thủy-Phủ, thường được gọi là Đức Mẫu Thoải, có khu-vực trách-nhiệm rộng lớn hơn nhiều. Vị nữ-thần này cai-quản toàn-thể Vùng Thấp, bao gồm từ đồng-bằng với sông hồ ra đến ngoài biển cả mênh mông. (Việt-Nam- Truyện Cổ với Triết lý Tình thương, Bùi Văn Nguyên, Hà-Nội, 1991.)

Tác-giả Bùi Văn Nguyên cũng cho biết thêm nhiều vị thần Việt-Nam liên-hệ đến nước và biển. Sau đây là các đoạn văn Ông đề-cập đến các nữ-thần "biển":

Sau khi Phật-giáo ảnh-hưởng vào xứ ta, Phật-bà Quán-Thế-Âm được các thủy-thủ và thương-nhân Việt-Nam, cũng như „n-Độ từ trước đó, coi như vị thần cứu mạng ngoài biển khơi. Cũng vậy, Đức Nam-Hải Quán-Thế-Âm, một biệt-danh khác của Ngài, có phạm-vi quản-trị chủ-yếu của họ Việt-Thường xưa, trải dài ven Biển Đông từ hồ Động-Đình đến đỉnh Thứu-Lĩnh trên dãy Ngàn Hống.

Đền thờ Rồng, Rắn khắp nơi.

Vì ảnh-hưởng của sinh-hoạt đi vào tín-ngưỡng, dân ta lập đền thờ Rồng Rắn khắp nơi, đồng-hoá thủy-quái với anh-hùng dân-tộc. Giáo-sư Trần-Quốc-Vượng nhận ra rằng:

"Dọc sông ngòi miền Bắc - sông con, sông cái - đâu chẳng có đền thờ rắn hay rồng (cho dù với xu-hướng "lịch sử-hoá", rắn rồng đã hoá thành tướng Hùng-Vương, tướng bà Trưng, tướng Triệu Việt Vương...). Và bao quanh những đền thờ đó là hội nước, hội đua thuyền cầu mưa. Rắn rồng, thuồng luồng, cá sấu... là biểu-tượng của Nước, của Thần Nước, của Mưa Dông." (Trong Cõi, Những ý kiến về Lịch sử, Truyền thống và Hiện trạng Dân tộc của một Sử gia trong nước, Trần-Quốc-Vượng, Hoa-Kỳ, 1993: 13.)

13 - Sinh-hoạt thôn-xóm và đô-thị Việt-Nam

Một trong những nét rõ rệt của nền "văn-minh nước" tìm thấy ở Việt-Nam là tổ-chức làng xóm, đô-thị ven bờ nước.

Từ đời thượng-cổ, những xóm làng Việt-Nam đều nằm dọc theo hai bờ sông, kinh, rạch. Trong đồng-bằng sông Hồng, sông Mã; các làng có lũy tre xanh vây quanh nhưng vẫn mở xuống bến nước ven sông. Phần lớn các đô-thị nước ta đã đi từ sự phát-triển vượt bực của những làng xã có đường thông-thương tiện-lợi ra biển.

Làng nổi tiếng nhất trong ngành khảo-cổ là Đông-Sơn. Làng này nằm bên bờ sông Mã và cận kề Biển Đông, ngày xưa là một bến cảng sầm uất. Từ vùng Đông-Sơn / Lạch Trường, nhiều Tàu thuyền Lạc-Việt đã khởi-sự những chuyến hải-hành vượt Biển Đông, đi thật xa, hàng trăm hàng ngàn hải-lý.

Làng thủy-cơ

Một loại làng đặc-biệt của Việt-Nam là làng thủy-cơ. Làng này không giống các làng trên cạn mà được thành-lập dưới nước. Những làng này gồm nhiều nhà nổi trên mặt sông hay hồ. Làng thủy-cơ còn gọi là làng Vạn, làng Chài. (Miền Bắc Khai Nguyên, Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh, 1969, trang 6.) Dân-cư các làng này làm nghề chài lưới hay sinh sống bằng các nghề-nghiệp khác liên-hệ đến sông nước. — miền Nam, một làng nổi tương-tự được thấy gần Tân-Phú và quốc-lộ 20.

Hai ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh đã trích-dẫn tài-liệu của học-giả Đào-duy-Anh viết về hệ-thống hành-chấnh của các làng thủy-cơ trong tiền-bán thế-kỷ 20 trở về trước như sau:

Theo nguyên-lý thì làng chài nào cũng phụ-thuộc với một xã thôn trên cạn. (Trong trường-hợp này, làng chài chỉ là một thôn của làng khác.)

Thực ra làng chài vốn là một làng riêng mà nhà nước chỉ bắt theo về một xã thôn trên đất để tiện việc thu thuế cho nên những dân thủy-cơ tuy phải đóng sưu-thuế cho Lý-trưởng mà vẫn không có liên-lạc gì với xã thôn ấy cả. Làng Thủy-cơ thường là một đơn-vị hành-chánh độc-lập có đủ tổ-chức như một xã thôn, hoặc thống-thuộc vào một tổng với các làng ở cạn hoặc nhiều làng họp thành một tổng thủy-cơ riêng. (Việt-Nam Văn-hoá Sử-cương, Đào-duy-Anh, NXB Bốn-Phương, Saigòn, 1961.)

Làng thủy-cơ Việt-Nam mang tính-chất lưu-động và có nhiều nét đặc-thù như các tổ-chức thôn-xóm của Thuyền-nhân (Boat People) bên Trung-Hoa hay các bộ-lạc Hải-du (Sea Nomads) thuộc các đảo nằm về phía Nam của Biển Đông.,

Đô-thị cạnh bờ nước

Theo Giáo-sư Trần-Quốc-Vượng, tính-chất bán-đảo của Việt-Nam nổi bật nhất Đông-Nam-Á. Ông mô-tả các đô-thị cổ Việt-Nam đều có một đặc-điểm chung là nằm giữa những tuyến đường thủy:

- Việt-Trì là đô-thị cổ nhất Việt-Nam, mà vùng chung quanh đó được gọi là Đất Tổ, xuất-hiện vào thế-kỷ thứ VII trước công-nguyên. Việt-Trì, thành-phố nằm trên ngã ba các con sông Hồng-Hà, Đà-Giang và Lô-Giang, ngay trong thời-đại các vua Hùng đã trở thành đô-thị dịch-trạm với hệ-thống thuyền mảng dưới sông và hệ-thống voi - gùi trên đường bộ xuyên sơn.

- Cổ-Loa, trung-tâm của nước Âu-Lạc, nằm giữa vùng châu-thổ, là nơi hội-tụ của nhiếu đường sông rạch, vị-trí có nhiều mặt ưu- thế hơn Việt-Trì, nhất là gần biển hơn.

- Sau cuộc xâm-lược của Hán-Vũ-Đế, các cảng Luy-Lâu rồi Long-Biên ở hạ-lưu sông Hồng và Lạch-Trường ở hạ-lưu sông Mã đã thành-hình. Các đô-thị này đều gần biển và là những cảng thị sầm uất và lớn lao vào hạng nhất nhì trên biểnĐông.

-Hà-Nội, đi từ một Thăng-Long truyền-thống với mạng lưới cơ-bản là đường thủy, có phương-tiện giao-thông cơ-bản là thuyền. Với lưới sông thông-thương với nhau, giao-thông thủy rất thuận-lợi. Thuyền từ sông Đáy vào sông Nhuệ rồi "lên Kinh" bằng sông Tô hoặc ngược lại từ quân-cảng Đông-Bộ-Đầu và thương-cảng ở cửa sông Tô trên sông Nhị, qua sông Tô, sang sông Nhuệ rồi xuống sông Đáy mà ra biển vào Nam, hay xuôi sông Đuống, sông Dâu xuống Lục-Đầu-Giang mà ra Hải Đông, Hạ Long biển Bắc...

Ta có thể gọi Hà Nội là thành-phố sông. Nói đúng hơn, Hà Nội cổ là thành-phố sông hồ: Hồ Tây, Hồ Gươm, Thuyền-Quang, Bẩy Mẫu v.v... (Trong Cõi, trang 76-102.)

Kinh-đô Thăng-Long là trung-tâm thương-mại quốc-tế lớn nhất của Việt-Nam và cũng của Đông-Nam-Á suốt thời trung-cổ. Dân-số các đô-thị loại này tăng lên rất nhiều khi giới thương buôn và hành thủy ngoại-quốc ghé Tàu cặp bến, đặc-biệt tùy theo mùa gió thuận-tiện. Theo tài-liệu của Samuel Baron viết lại vào đầu thế-kỷ 18, đường phố Thăng-Long rất đông đảo trong những phiên chợ vào các ngày mùng một và ngày dằm âm-lịch. Một số du-khách ngoại-quốc đã nghĩ rằng kinh-đô nước Việt đông người nhất thế-giới vào những ngày này. Muốn đi 100 bước cũng phải tốn mất nửa giờ. (Bài "A Description of the Kingdom of Tonqeen", trong sách "A Collection of Voyages and Travels", ed. A. and W. Churchill, London, 1703-32, iV. 3. Abbe Richard, "Histoire naturelle, civile et politique du Tonquin", Paris, 1778, 1. 28.)

Giáo-sư Peter Bellwood nhận xét về phát-triển hải-thương của người Việt-Nam, ước-lượng dân-cư kinh-đô nước ta vượt con số 100,000 người trong các thế-kỷ 15 đến 18, sau khi nhà Lê mở rộng tường thành tới 10km đường kính. ("The Cambridge History of Southeast Asia", Vol. 1- From Early times to C 1800-, edited by Nicolas Tarling, Cambridge University Press, 1992: 472-473.)

Trước Thăng-Long, thủ-đô nước ta đã đóng tại Hoa-Lư. Khi quốc-gia vừa tái-lập được nền tự-chủ, nhà Đinh đã đóng đô ngay trên bờ con sông Hoàng-Long-Giang, từ nơi này chạy ra Biển Đông chỉ chừng hơn mười hải-lý. Theo sách Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư của Sử-gia Ngô-Sĩ-Liên, thương-thuyền thuộc nhiều nước cặp bến Hoa-Lư buôn bán tấp nập. Hải-thương tiếp-tục bành trướng đúng như truyền-thống ngàn đời của dân tộc

14 - Nước ta, hình ảnh con rồng vươn dài ôm lấy biển

Quan-sát bản-đồ thế-giới trên phần lục-địa, người ta không thể tìm thấy một quốc-gia nào được sở-hữu một vùng bờ biển quan-trọng về mọi mặt, không những dài mà lại lắm tài-nguyên như Việt-Nam. Theo giáo-sư Joseph R. Morgan của đại-học UC Berkley và luật-sư Mark J. Valencia của Viện Nghiên-Cứu Đông-Tây ở Hawaii, Việt-Nam có tới 2,828 hải-lý (tức 5,237 km) bờ biển (Atlas for Marine Policy in Southern Asian Seas, edited by Joseph R. Morgan & Mark J. Valencia, University of California Press, 1983.) Tỷ-lệ bờ biển nước ta so với diện-tích lãnh-thổ cao hơn hầu hết các quốc-gia khác trên thế-giới.

Tâm-hồn và sinh-hoạt Việt-Nam gắn liền với biển. Joseph Buttinger ước-lượng rằng đại đa-số người Việt-Nam sống sát với biển trong vòng 50 hải-lý. (Vietnam: A Political History, Nxb Frederick A. Praeder, Publishers, New York-Washington, 1968, trang 15.)

Như quá-khứ đã chứng-minh, cả trong hiện-tại lẫn tương-lai Việt-Nam sẽ không thể nào xa cách với biển cả. Trong những giai-đoạn sinh-tử hay tồn-vong của đất ngước, người Việt chúng ta cũng cứ bám lấy biển. Một trong những biểu-hiện dễ thấy nhất là trên đường mở nước, tiền-nhân chúng đã lần từng bước men theo bờ biển để tiến tới. Cuộc Nam-Tiến chính là biểu-hiện của một con rồng vươn dài ôm lấy Biển Đông.

15 - Tinh-thần thượng-võ

Truyền-thống hàng-hải hun-đúc cho người Việt-Nam nhiều đức-tính. Trong hàng ngũ, ngưới lính Việt giữ truyền-thống, tôn-trọng kỷ-luật như một thành-viên của thủy-thủ-đoàn. Khi đối-diện địch-quân, họ can-đảm, nhanh trí khôn và biết chụp lấy thời cơ như người đi biển đối-diện phong ba bão-táp ngoài khơi. Các du-khách đến thăm xứ ta xưa nay đều khen ngợi rằng dân ta rất hiền-hoà hiếu khách. Tuy vậy khi hồn nước kêu gọi, như một phép lạ, họ lập tức trở nên người lính can-đảm và kỷ-luật trong quân-ngũ.

D. R. SarDesai đã giảỉ-thích lý lẽ tại sao dân Việt lại đặc-biệt cương-quyết, kiên-cường và cứng cỏi hơn các dân-tộc khác. Có hai lý-do (1) xã-hội ta phải luôn-luôn chống chọi với thiên-nhiên và (2) đối đầu với cường-địch phương Bắc. (Viet Nam & The Struggle for National identity, D. R. SarDesai, Westview Press Colorado, 1992, p. 9-11.)

Sống trong môi-trường bao quanh bởi nước, chống với thiên-tai vốn là sự tranh đấu cam go. Để sóng còn, người Việt ta luôn luôn kết-hợp lại trong tập-thể làng xã hay quốc-gia mà thường được gọi một cách thân-ái là nhà nước.

Theo Joseph Buttinger, nhiều yếu tố kết-hợp lại đã tạo thành những người Việt-Nam không tinh-thần vị-kỷ cá-nhân (Vietnam : A Political History, Frederick A. Praeder, Publishers, New York- Washington, 1968, p.15-16.). Tập-thể lớn như Quân-đội hay nhỏ như nhóm Tuần-đinh cũng là những khối đồng-nhất trong khi chiến-đấu.

Ông Cao-Thế-Dung đã viết cả một cuốn sách để đề cao tinh-thần thượng-võ của dân ta, cuốn "Việt Nam Binh Sử Võ Đạo", Arizona, 1993, trang 298.) Trong đó Ông đã đặc-biệt đề cao truyền-thống sông nước của đồng bào ta suốt dòng lịch-sử.

Theo linh-mục Cristophoro Borri ngoài tính hiếu-khách, người Việt-Nam vượt trội người Trung-Hoa về sự nhanh trí khôn và can-đảm. (Vietnam's Will to Live - Resistance to Foreign Aggression from Early Times Through the Nineteenth Century by Helen B. Lamb, Monthly Review Press, New York and London, 1972, p. 9-10.) (Xem "Les Européens qui ont vu le Vieux Hué: Cristophoro Borri" trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, Juillet-Decembre, 1931.)

Cha Alexandre de Rhodes, như ta đã biết rất cảm-phục dân ta trong mọi sinh-hoạt, cũng đặc-biệt khen ngợi người lính Việt giỏi hơn người lính Tàu rất nhiều, (Rhode of Việt Nam, The Travels and Missions of Father Alexander de Rhodes in China and Other Kingdoms of the Orient, translated by Solange Hertz, The Newman Press, Wesminster, Mariland, 1966, trang 44.) (Alexendre de Rhodes, Voyages et Mission, Lille, 1884, pp. 66-67.)

16 - Sự Hiện-hữu của Hàng-hải trong dòng sinh-mạng của Dân-tộc

Người Việt đi biển khi phần lớn nhân-loại còn sống man-dã trong hầm, trong hang. Kỹ-thuật kiến-trúc Tàu thuyền và kiến-thức hải-hành của chúng ta tiến-bộ tới mức độ đủ khả-năng vượt biển, đi truyền-bá ảnh-hưởng văn-minh Việt-tộc lan rộng khắp Thái-Bình-Dương và „n-Độ-Dương trong lúc các nước giầu mạnh hôm nay còn chưa lập-quốc.

Bàn về đức-tính của các sắc dân Bách-Việt (Yủeh), mà ông gọi là "dân biển cả", Stan Steiner đã nức nở khen ngợi như sau : "... Những truyền-thống hải-hành tạo nên cho dân Việt tinh-thần tư-tin và độc-lập. Họ chiến-đấu chống ngoại-xâm cùng với một xung-lực (dũng-mãnh) như họ đã dùng để chiến-đấu chống bão-tố ngoài biển khơi." (Fusang, Chinese Who Build America, New York, 1979: 71.)

Một cổ-thư Trung-Hoa, cuốn Việt-Tuyệt-Thư đã đề-cập đến đến sự cam go của người Tàu trong nỗ-lực ép đặt luật-lệ thống-trị lên các dân miền Nam thời Xuân Thu. Hình ảnh của dân Việt được mô-tả là một giống dân hàng-hải với các sinh-hoạt thật hào-hùng như tính-tình khinh bạc, xem thường cái chết, dong thuyền vượt biển, dùng đường thủy tấn-công chớp nhoáng quân thù ...: "Người Việt bản-chất thích nhàn-hạ (?!), ghét luật-lệ. Họ viễn-hành đến những nơi xa xăm bằng đường thủy, dùng thuyền như ta (ý nói người Tàu) dùng xe, dùng chèo như ta dùng ngựa. Khi đến, họ đi như gió thổi tới; khi họ rút lui thì ta khó mà rượt đuổi theo ."

Cùng một ý-tưởng đó, nhà quân-sử Phạm-Văn-Sơn đã viết rằng: Người Hán có ý ghê-sợ tinh-thần quật-cường của Việt-tộc, luôn luôn trống trả kịch-liệt các cuộc xâm-lăng của họ (Việt-sử Toàn-thư, Sài-gòn 1960: 24.)

Hình Thuyền là xe, mái chèo là ngựa .

Sau này, tuy người Tàu xâm-chiếm được lãnh-thổ nước ta nhưng họ đã không thể làm tiêu-tan được truyền-thống hàng-hải của dân-tộc Việt. Cũng trong sách Nanhai Trade được dẫn-chứng nhiều lần trong sách này, học-giả Wang Gungwu, tuy có thể có nguồn-gốc liên-hệ Trung-Hoa, nhưng lại rất khách-quan, đã mạnh mẽ lên tiếng bảo-vệ công-lý cho những người Việt thời đó như sau:

"... Thực-sự phần cốt-cán trong những hoạt-động hàng-hải dọc theo bờ biển Trung-Hoa đều là của người Việt. Vì hầu hết dân-cư miền Nam chưa bị Tàu-hoá ... Vậy thật là lầm lẫn nếu gọi những người Việt hành-nghề thủy-thủ và kiến-trúc Tàu thuyền trong giai-đoạn này là người Trung-quốc với chỉ một lý-do là lãnh-thổ của họ bị đặt dưới sự cai-trị của người Tàu". (The Nanhai Trade - A Study of the Early History of the Chinese Trade in the South China Sea, Wang Gungwu, Journal of the Malayan Branch Royal Asiatic Society, Kuala Lumpur 1959, trang 23.)

Qua nhiều giai-đoạn lập-quốc tiếp nối vong-quốc, người dân Việt đã chiến-đấu, phản-kháng, chống đối, chạy giặc, tị-nạn vì ngoại xâm, đào-thoát vì bị truy-diệt, tan tác khắp nơi... Ngoài các đoàn thuyền xuôi Nam, không thiếu những toán chạy qua ông hay đi về Bắc. Những dân di-tản theo các ngả này, nhờ đại-hải-lưu và gió mùa đưa đẩy, có nhiều cơ-hội giạt sang Mỹ-Châu. Danh-từ "Thuyền-Nhân" xuất-hiện đã nhiều ngàn năm xưa!

Hình - Nhiều đợt di-tản thuyền-nhân chạy tán-loạn khi giặc tới.

Vào thời Bắc-thuộc, trong khi đồng-bào trên đất liền bị lầm-than dưới ách đô-hộ của người Tàu, một số người Việt ngang tàng, không chịu khuất-phục, sinh sống trên Tàu thuyền, nay đây mai đó. Một khi đã ra khơi, giữa trời và nước, không còn áp-lực của "thiên-triều" Trung-quốc, người thủy-thủ Việt vẫy vùng khắp mặt biển khơi, vẫn giữ gìn nền văn-hoá nguyên-thủy. Những tinh-thần, truyền-thống đó chắc hẳn đó đã góp công trong việc tái-lập nền tự-chủ và xây-dựng quốc-gia chúng ta sau này.

17 - Truyền-thống không thể quên lãng

Các sách (cổ Trung-Hoa) chép: người Việt rất sở-trường về thủy-chiến. Điều này làm ta nhận thấy dân-tộc ta quẩ có tài chiến-đấu đặc-biệt về mặt thủy trong các cuộc xung-đột với Trung-Quốc từ 20 thế-kỷ nay. (Việt-sử Toàn-thư, Phạm-Văn-Sơn, Sài-gòn 1960, trang 23)

Ngoại-xâm đã không thể áp đặt các sinh-hoạt Trung-nguyên và làm mất truyền-thống hàng-hải độc-đáo của dân-tộc. Tuy vậy mà có lẽ chính chúng ta đã dần dần tự làm suy giảm truyền-thống cao-quý đó trong thời-gian gần một ngàn năm trở lại đây.

Nếu cứ tiếp-tục sự-nghiệp hàng-hải của tiền-nhân, Vịệt-sử hẳn đã đổi dòng. nước Việt ta chẳng những không bị tái đô-hộ, mà chắc chắn đã tiến-bộ và giầu có hơn hiện-tại rất nhiều. Dân ta đáng lý ra, được thêm niềm kiêu-hãnh trước thế-giới, năm châu.

Bản-đồ thế-giới hôm nay không còn ghi "Bán-đảo Vàng", địa-danh huy-hoàng "huyền-thoại Cattigara" cũng đã biến mất trong hải-sử kim-thời, nhưng quan-trọng hơn nhiều là quá-khứ bay đi, không còn ghi nhiều dấu-tích ngày xưa. Thật nguy-hiểm cho dân Việt, mỗi khi nói tới hải-hành, viễn-dương, đóng Tàu vượt biển, xông-pha bão-tố...; chúng ta cảm thấy xa lạ, như không một chút liên-hệ nào.

Chưa có sử-gia nào đưa ra quan-niệm là nước ta vẫn tồn-tại sau hàng ngàn năm Bắc-thuộc vì nhờ vào truyền-thống hàng-hải lâu đời của dân-tộc, nhưng không một ai trong chúng ta có thể phủ-nhận được một sự thật hiển-nhiên rằng đứng ra ngoài hàng trăm giống dân bị Tàu đồng-hoá hay tiêu-diệt, chỉ còn mỗi một giống dân hàng-hải tiền-tiến là Việt sống sót mà thôi.

Việt-tộc vốn không phải được khai-sinh và nuôi-dưỡng trong sự-nghiệp hải-hồ để rồi ... bị "chết" dần trên cạn. Hàng-hải không thể nào là truyền-thống bị lãng quên. (Xin xem thêm phần Chú-thích 2.)

Vũ Hữu San

---

Chú-thích 1

Hình ảnh A. Gruvel trình-bày về những cách thức đánh cá có từ thời tiền-sử tại Việt-Nam trong sách "Pêche dans la Préhistoire dans l’ Antiquité et chez les peuples primitifs", Paris, 1928):

Pl, VIII Fig. 16 - Tonkin Bac Kan - Barrage et pièges à poissons

Fig 17 - Tonkin - Pêche à l'aide du "Péo"

Fig 18 - Annam - Carrelets sur sampans, en action (Rivière des Perfume)

Fig 23 - Pêcheur armé du Giậm (Tonkin) (Voir A. Gruvel: L’Indo-Chine. Ses richesses marines et fluviales, Paris 1925 (p. 166 et suivantes.)

Fig. 31 - Tonkin. Radeaux de bambou pour la pêche à l’épervier

Fig 32 - Tonkin. Langson. Radeau porteur d’un grand carrelet

Fig. 51 - Village de pêcheur sur la bord de la mer (Tonkin)

Fig. 52 - Sampan annamite en baie d’ Along (Tonkin)

Chú-thích 2.

Mười lăm năm trước đây, khi bắt đầu cho đăng-tải loạt bài này trên các báo Cựu-Quân-Nhân, chúng tôi tự hỏi : có vẻ gì "đao to búa lớn" chăng?

Gần dây, suy xét lại, chúng tôi so sánh với lời Học-giả Phạm-Quỳnh nói về "Kim Vân Kiều" như một sự "tồn-tại Vịệt-Nam" nên mạnh bạo hơn và cho phổ-biến lại. Nếu có sơ sót, xin quý-vị cho biết để chúng tôi sửa chữa lại cho chỉnh hơn. Muôn vàn cảm tạ.

Free Web Hosting